• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2022
CHÍNH PHỦ
Số: 18/2015/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 14 tháng 2 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược,

đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường

_________________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương II

QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 3. Lập quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hai (02) cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm những nội dung chính sau đây:

a) Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học;

b) Thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông;

c) Thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn;

d) Thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái;

đ) Thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước thải và bảo vệ môi trường nước;

e) Thực trạng thu gom, xử lý và các mục tiêu, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại;

g) Thực trạng mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường; mục tiêu, định hướng quy hoạch hệ thống quan trắc và giám sát môi trường;

h) Phân vùng môi trường theo các mục tiêu phát triển, bảo vệ, bảo tồn và ứng phó với biến đổi khí hậu;

i) Các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ưu tiên và chỉ tiêu môi trường;

k) Các bản đồ, sơ đồ liên quan đến vùng quy hoạch;

l) Nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường; trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường.

3. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với nội dung sau đây:

a) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng phải thể hiện được các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch;

b) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh phải thể hiện được các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch, trong đó các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết quy trình xây dựng đề cương, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

5. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức được tham vấn; lập hồ sơ đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này gửi đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường để thẩm định.

Điều 4. Thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Việc thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường thành lập.

Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, hai (02) Ủy viên phản biện, một (01) Ủy viên thư ký và một số Ủy viên, trong đó có đại diện của các cơ quan cùng cấp với cấp độ quy hoạch từ các ngành: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư và các ngành khác có liên quan;

b) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thẩm định đồng thời với việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng quy định như sau:

a) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gồm văn bản đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường của cơ quan chủ trì lập quy hoạch và dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng gồm văn bản đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường của cơ quan chủ trì lập quy hoạch và dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng.

3. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường và đưa ra ý kiến thẩm định; các hoạt động của hội đồng thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường thực hiện, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Cơ quan thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường được tiến hành các hoạt động sau đây để hỗ trợ hội đồng thẩm định:

a) Lấy ý kiến phản biện độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường;

b) Tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề liên quan đến nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản, tài liệu, hồ sơ đề nghị thẩm định; tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 5. Phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

1. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia có trách nhiệm hoàn chỉnh nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm văn bản giải trình về việc tiếp thu ý kiến thẩm định, góp ý.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ đề nghị phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo quá trình lập, thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định, góp ý;

c) Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó phải thể hiện được mục tiêu, định hướng của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ưu tiên, các chỉ tiêu môi trường, nguồn lực, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Điều 6. Phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh

1. Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng, hồ sơ đề nghị phê duyệt gồm:

a) Tờ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo quá trình lập, thẩm định và tiếp thu các ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

b) Dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

c) Ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

d) Dự thảo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó phải thể hiện được mục tiêu, định hướng của quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh, các chỉ tiêu môi trường, các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ưu tiên, nguồn lực, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh duyệt nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 7. Công khai thông tin về quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi quyết định phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành;

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh đến các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố quyết định phê duyệt và các nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trên trang thông tin điện tử của mình và các hình thức khác trong thời gian không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố quyết định phê duyệt và các nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh trên trang thông tin điện tử của mình và các hình thức khác trong thời gian không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành.

Chương III

ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 8. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Đối tượng quy định tại Phụ lục I Nghị định này phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại các Điều 14 và Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đến cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (xác định theo thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch) quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược chịu trách nhiệm trước cơ quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

4. Đối với trường hợp điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và điều chỉnh theo hướng không làm gia tăng hoặc làm gia tăng không đáng kể tác động xấu đến môi trường, cơ quan được giao nhiệm vụ lập hồ sơ điều chỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo xin ý kiến xem xét thay cho việc gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản, tài liệu, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 9. Điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức dịch vụ tư vấn khi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải bảo đảm các điều kiện dưới đây:

a) Có cán bộ thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc đánh giá môi trường chiến lược; trường hợp không có phòng thí nghiệm các thiết bị kiểm chuẩn đáp ứng yêu cầu, phải có hợp đồng thuê đơn vị có đủ năng lực.

2. Cán bộ thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải có trình độ đại học trở lên và phải có chứng chỉ tư vấn đánh giá môi trường chiến lược.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 10. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập với ít nhất chín (09) thành viên.

Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, một (01) Ủy viên thư ký, hai (02) Ủy viên phản biện và một số Ủy viên, trong đó có ít nhất ba mươi phần trăm (30%) số thành viên hội đồng có từ năm (05) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá môi trường chiến lược.

2. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đưa ra ý kiến thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hoạt động của hội đồng thẩm định.

3. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có thể được thực hiện bổ sung các hoạt động sau đây:

a) Khảo sát vùng thực hiện dự án và khu vực phụ cận;

b) Kiểm chứng, đánh giá các thông tin, dữ liệu, kết quả phân tích, đánh giá, dự báo trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

c) Lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia liên quan;

d) Tổ chức các cuộc họp chuyên gia đánh giá theo chuyên đề.

4. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thông báo kết quả cho cơ quan đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong thời hạn quy định như sau:

a) Không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của đối tượng thuộc các mục 1, 2, 3, 4, 5.1 và 6 Phụ lục I Nghị định này;

b) Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của đối tượng thuộc mục 5.2 Phụ lục I Nghị định này.

Điều 11. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được cơ quan đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hoàn chỉnh trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.

2. Cơ quan thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm xem xét toàn diện, khách quan những ý kiến, kiến nghị của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải thể hiện được quá trình thẩm định, kết quả đạt được và những tồn tại cơ bản của việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, những đề xuất, kiến nghị của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để cấp có thẩm quyền làm cơ sở xem xét, quyết định phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 12. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định này.

2. Chủ dự án của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường chịu trách nhiệm trước chủ dự án và trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.

5. Việc tham vấn ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án thực hiện theo quy trình sau đây:

a) Chủ dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án kèm theo văn bản đề nghị cho ý kiến;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án có văn bản phản hồi trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chủ dự án, hoặc không cần có văn bản phản hồi trong trường hợp chấp thuận việc thực hiện dự án.

6. Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản được Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản, tài liệu của hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chuyên ngành.

Điều 13. Điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án, tổ chức tư vấn khi thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có đủ các điều kiện dưới đây:

a) Có cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Có cán bộ chuyên ngành liên quan đến dự án với trình độ đại học trở lên;

c) Có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc đánh giá tác động môi trường của dự án; trường hợp không có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn đáp ứng yêu cầu, phải có hợp đồng thuê đơn vị có đủ năng lực.

2. Cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có trình độ đại học trở lên và phải có chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường đúng chuyên ngành.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường.

Điều 14. Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án quy định tại Phụ lục III Nghị định này, trừ các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III Nghị định này;

c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III Nghị định này;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn của mình, trừ các dự án quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.

2. Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

a) Không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các dự án thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các dự án không thuộc Điểm a Khoản này;

c) Trong thời hạn quy định tại các Điểm a, b Khoản này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án về kết quả thẩm định. Thời gian chủ dự án hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định không tính vào thời gian thẩm định.

3. Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định (sau đây gọi tắt là cơ quan thẩm định) báo cáo đánh giá tác động môi trường thành lập với ít nhất bảy (07) thành viên.

Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, một (01) Ủy viên thư ký, hai (02) Ủy viên phản biện và một số Ủy viên, trong đó phải có ít nhất ba mươi phần trăm (30%) số thành viên hội đồng có từ bảy (07) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường.

4. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và đưa ra ý kiến thẩm định để làm cơ sở cho cơ quan thẩm định xem xét, quyết định việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hoạt động của hội đồng thẩm định.

5. Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án để kịp thời ứng phó với thiên tai, dịch bệnh có thể được thực hiện thông qua hình thức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, không nhất thiết phải thông qua hội đồng thẩm định.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho ban quản lý các khu công nghiệp trên cơ sở xem xét đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đánh giá năng lực của từng ban quản lý các khu công nghiệp; hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 15. Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có một trong những thay đổi dưới đây phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường:

a) Có những thay đổi quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Bổ sung những hạng mục đầu tư có quy mô, công suất tương đương với đối tượng thuộc danh mục Phụ lục II Nghị định này;

c) Có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ hoặc những thay đổi khác dẫn đến các công trình bảo vệ môi trường không có khả năng giải quyết được các vấn đề môi trường gia tăng;

d) Theo đề nghị của chủ dự án.

2. Chủ dự án chỉ được thực hiện những thay đổi nêu tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Việc lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định và phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định tại các Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Nghị định này.

Điều 16. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

1. Trong trường hợp cần thiết, điều chỉnh nội dung dự án đầu tư để bảo đảm các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án trên cơ sở chương trình quản lý và giám sát môi trường đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu quy định tại các Điều 26 và Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường.

4. Thông báo bằng văn bản đến các tổ chức nơi tiến hành tham vấn, cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất mười (10) ngày làm việc. Thời gian vận hành thử nghiệm không quá sáu (06) tháng; việc kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

5. Lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước trong trường hợp dự án có nội dung đầu tư xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện; thực hiện việc tích nước sau khi được cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, chấp thuận bằng văn bản.

6. Đối với các trường hợp quy định tại cột 4 Phụ lục II Nghị định này, chủ dự án phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các văn bản đề nghị điều chỉnh đã được chấp thuận (nếu có) gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức. Đối với dự án đầu tư có nhiều giai đoạn, việc báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án được thực hiện theo từng giai đoạn của dự án.

7. Báo cáo bằng văn bản và chỉ được thực hiện những thay đổi liên quan đến phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 17. Kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án

1. Việc kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án được tiến hành thông qua đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền thành lập.

2. Thời hạn cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trong trường hợp không cần tiến hành lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường để kiểm chứng;

b) Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trong trường hợp phải lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường để kiểm chứng.

3. Trong thời hạn được nêu tại các Khoản 2 Điều này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành dự án; trường hợp chưa cấp phải có ý kiến bằng văn bản nêu rõ lý do.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra; biểu mẫu các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Chương V

KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 18. Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định này;

b) Phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phương án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều này, đồng thời không thuộc Phụ lục II Nghị định này.

2. Chủ dự án, chủ cơ sở của đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định này.

3. Trường hợp dự án, phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn từ hai (02) tỉnh trở lên, việc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện tại một trong các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của chủ dự án, chủ cơ sở.

4. Đối tượng quy định tại Phụ lục IV Nghị định này không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 19. Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Trách nhiệm xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này, trừ các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền bằng văn bản;

d) Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thực hiện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, phương án đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền.

2. Thời hạn xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường quy định tai Khoản 3 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường.

3. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

4. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở và cơ quan nhà nước sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận quy định tại các Điều 33 và Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu của hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và việc ủy quyền xác nhận cho ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Chế độ tài chính đối với công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường

1. Chi phí xây dựng, thẩm định và công bố quy hoạch bảo vệ môi trường được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hoặc nguồn vốn khác nếu có.

2. Chế độ tài chính cho công tác đánh giá môi trường chiến lược quy định như sau:

a) Chi phí thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bố trí trong kinh phí xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hoặc nguồn vốn khác nếu có;

b) Chi phí cho hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

3. Chế độ tài chính cho hoạt động đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

a) Chi phí thực hiện đánh giá tác động môi trường bố trí từ nguồn vốn đầu tư dự án;

b) Chi phí cho hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bố trí từ nguồn thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Chi phí cho hoạt động kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

4. Chế độ tài chính cho việc lập và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Chi phí lập kế hoạch bảo vệ môi trường bố trí từ nguồn vốn đầu tư dự án, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

b) Chi phí cho hoạt động xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

5. Chế độ tài chính cho việc lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra hoàn thành đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và kiểm tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường đơn giản quy định như sau:

a) Chi phí lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản bố trí từ nguồn vốn của chủ dự án, chủ cơ sở;

b) Chủ dự án, chủ cơ sở chưa nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải nộp chi phí để thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết tương đương mức phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết; chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện như đối với phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Chi phí cho hoạt động kiểm tra việc hoàn thành đề án bảo vệ môi trường chi tiết được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

6. Trách nhiệm hướng dẫn:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các Khoản 1, Khoản 2, các Điểm b và Điểm c Khoản 3, Điểm b Khoản 4, các Điểm b và Điểm c Khoản 5 Điều này;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều này đối với dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 21. Chế độ báo cáo

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 01 tháng 01 hàng năm gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động đăng ký và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của năm trước đó trên địa bàn mình quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 15 tháng 01 hàng năm gửi báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoạt động đăng ký và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường của năm trước đó trên địa bàn mình quản lý.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trước ngày 15 tháng 01 hàng năm gửi báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường của năm trước đó đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về nội dung, hình thức các loại báo cáo quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; đề án bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

2. Đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì trong thời hạn tối đa là ba mươi sáu (36) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm sau đây:

a) Lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này để tổ chức thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết;

b) Lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 19 để đăng ký.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết và việc lập, đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2015.

2. Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.