• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/04/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 27/12/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 24/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 18 tháng 4 năm 1996

 

 

 

 

 

CHÍNH PHỦ
___

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Số: 24/CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng

 _________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ vào Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

 

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng:

Tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng thì bị xử phạt theo hình thức, mức phạt quy định trong Nghị định này.

Những trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số giấy phép của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng do quân đội cấp, hoạt động vì mục đích quốc phòng - an ninh, thì người có thẩm quyền xử phạt thông báo và đề nghị cơ quan của quân đội đã cấp giấy phép xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Nguyên tắc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng.

1- Việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng do Uỷ ban nhân dân các cấp, cảnh sát nhân dân, quản lý thị trường, thanh tra quốc phòng các cấp tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

2- Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng phải được phát hiện kịp thời; phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

4- Việc xử phạt hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng đã quy định tại các Điều 7, 8 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp.

5- Không xử phạt hành chính trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Điều 3. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt hành chính.

1- Người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, kiến nghị ngay với các cơ quan hữu quan thực hiện những biện pháp cần thiết để thực hiện các quy định về quản lý trong lĩnh vực quốc phòng.

2- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo mức độ tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG II

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI

CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG

MỤC 1:

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG VIỆC THỰC HIỆN

CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Điều 4. Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

1- Phạt cảnh cáo đối với công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm không chấp hành đúng những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với công dân nam giới trong diện làm nghĩa vụ quan sự từ 18 tuổi đến hết 45 tuổi đã hoặc chưa qua phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam hoặc thôi phục vụ trong lực lượng công an nhân dân; phụ nữ từ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có chuyên môn cần cho quân đội phải đăng ký vào diện sẵn sàng nhập ngũ, vào diện quân nhân dự bị các hạng 1, 2 mà không chấp hành đúng những quy định về đăng ký lần đầu, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vắng mặt dài hạn, đăng ký nghĩa vụ quân sự riêng và đăng ký giải ngạch dự bị theo quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

3- Ngoài việc bị xử phạt người vi phạm buộc phải chấp hành các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 5. Vi phạm quy định về khám sức khoẻ.

1- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với công dân trong diện gọi nhập ngũ khi có lệnh gọi khám sức khoẻ nhưng không có mặt để khám sức khoẻ mà không có lý do chính đáng.

2- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi gian dối hoặc mua chuộc nhân viên y tế nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3- Ngoài việc bị xử phạt người vi phạm buộc phải chấp hành các quy định về khám sức khoẻ theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 6. Không chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi nhập ngũ, lệnh động viên.

1- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với công dân đã được lệnh gọi nhập ngũ, lệnh động viên không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm quy định trong lệnh mà không có lý do chính đáng.

2- Người không chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi nhập ngũ, lệnh động viên đã bị xử phạt vẫn nằm trong diện gọi nhập ngũ hoặc diện động viên theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Vi phạm quy định về tập trung huấn luyện, tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

1- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng đối với quân nhân dự bị đã nhận được lệnh tập trung huấn luyện, tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu nhưng không đến đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi mà không có lý do chính đáng.

2- Người bị xử phạt phải chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 8. Gây khó khăn hoặc cản trở công dân thực hiện các quy định về nghĩa vụ quân sự.

1- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi gây khó khăn hoặc cản trở công dân thực hiện các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, tập trung huấn luyện, tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.

2- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây khó khăn cản trở người có trách nhiệm thi hành các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

3- Người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó khăn hoặc cản trở công dân, hoặc quân nhân thực hiện các hành vi nói trên thì bị xử lý kỷ luật.

Điều 9. Các hành vi làm trái hoặc không thực hiện quy định về nghĩa vụ quân sự.

1- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế không bố trí sắp xếp thời gian, không tạo điều kiện cho công dân thực hiện chế độ đăng ký nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh khám sức khoẻ, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, tập trung kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; không báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm; không báo cáo số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan tổ chức mình đúng thời gian, hoặc làm trái hay không làm những nhiệm vụ khác mà Luật nghĩa vụ quân sự đã quy định cho cơ quan, tổ chức.

2- Cơ quan, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt, đồng thời tiến hành xác định lỗi của người thuộc tổ chức của mình trực tiếp gây ra vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ để truy cứu trách nhiệm kỷ luật và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Xử phạt đối với quân nhân làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình tự ý đi khỏi đơn vị quân đội hoặc trong lúc đi công tác, đi phép, đi bệnh viện, an dưỡng, chuyển đơn vị... không về đến đơn vị đúng thời gian mà đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương đã gửi giấy báo đào ngũ cho Uỷ ban nhân dân và cơ quan quân sự huyện và tương đương:

1- Phạt cảnh cáo với những trường hợp vi phạm nhưng trong diện tạm hoãn gọi nhập ngũ mà trước đây họ tình nguyện nhập ngũ, hoặc là thương binh có hạng, hoặc là người đã liên tục phục vụ trong quân đôi vượt niên hạn phục vụ theo luật nghĩa vụ quân sự, hoặc là nữ quân nhân.

2- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với những người không thuộc diện quy định tại điểm 1 Điều này mà vi phạm lần đầu.

3- Người bị xử phạt tại Điều này phải trở lại quân đội, Uỷ ban nhân dân địa phương và các đơn vị quân đội có trách nhiệm đôn đốc và phải có biện pháp bắt buộc quân nhân trở về đơn vị. Các đơn vị quân đội có trách nhiệm sắp xếp và tạo điều kiện để họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ.

Điều 11. Sĩ quan dự bị không thực hiện nghĩa vụ đăng ký sĩ quan dự bị tại địa phương.

1- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với sĩ quan dự bị khi chuyển đến làm việc hoặc cư trú tại địa phương mà không đăng ký tại cơ quan quân sự địa phương nơi cư trú hoặc nơi đóng trụ sở thường trú của cơ quan.

2- Ngoài việc bị xử phạt, sĩ quan dự bị vi phạm, phải chấp hành việc đăng ký theo quy định.

Điều 12. Không chấp hành việc đăng ký phương tiện kỹ thuật cần động viên cho quân đội.

1- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có phương tiện kỹ thuật thuộc danh mục loại phương tiện kỹ thuật dự bị cần huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của quân dội và bảo đảm cho việc huấn luyện, huy động lực lượng dự bị động viên không chấp hành các chế độ thủ tục đăng ký.

2- Ngoài việc bị xử phạt tổ chức, cá nhân phải thực hiện chế độ đăng ký phương tiện kỹ thuật.

Điều 13. Không chấp hành lệnh huy động phương tiện kỹ thuật.

1- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có phương tiện kỹ thuật được xếp vào đơn vị dự bị động viên không chấp hành lệnh huy động diễn tập, lệnh kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong thời bình.

2- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành lệnh huy động phương tiện kỹ thuật trong trường hợp cần thiết cho nhu cầu quốc phòng trong thời chiến.

3- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành lệnh huy động phương tiện kỹ thuật bổ sung cho quân đội khi có lệnh động viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4- Ngoài việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân phải thực hiện lệnh huy động phương tiện kỹ thuật. 

MỤC 2

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI

CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ, XÂY DỰNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 14. Đối với hành vi trốn tránh, cản trở, chống đối việc xây dựng, hoạt động của dân quân tự vệ.

1- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trốn tránh tham gia dân quân tự vệ, cản trở việc xây dựng dân quân tự vệ.

2- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, truy bắt kẻ phạm pháp.

3- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chống đối việc xây dựng dân quân tự vệ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 15. Vi phạm quy định về tổ chức, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ.

1- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi huy động, sử dụng dân quân tự về làm nhiệm vụ không đúng chức năng, nhiệm vụ.

2- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trái pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3- Ngoài việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này phải đình chỉ việc huy động, sử dụng dân quân tự vệ.

Điều 16. Đối với hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ.

1- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với các hành vi:

a) Lợi dụng danh nghĩa làm trái nhiệm vụ được giao.

b) Thiếu tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ để xảy ra mất trật tự hoặc làm mất mát, thiệt hại về tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng vũ khí trái phép, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tự ý cho người khác mượn vũ khí (trừ trường hợp trong chiến đấu).

3- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thiếu trách nhiệm để hư hỏng hoặc làm mất vũ khí, trang bị chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4- Ngoài việc bị phạt tiền người có hành vi vi phạm các quy định ở điều này còn buộc phải bồi thường thiệt hại và nếu vi phạm khoản 2, 3 Điều này còn bị tước giấy phép sử dụng vũ khí. 

MỤC 3

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM

TRONG VIỆC QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG, KHU QUÂN SỰ

Điều 17. Vi phạm các quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự.

1- Phạt cảnh cáo đối với hành vi vô ý ra vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng, khu quân sự.

2- Phạt tiền:

a) Từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi cố ý ra, vào, đi lại trong khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng, khu quân sự lần đầu, và không kèm theo các hành vi vi phạm khác.

b) Từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đối với hành vi cố ý ra vào, đi lại trong khu vực cấm của công trình quốc phòng, khu quân sự không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 18. Vi phạm các quy định về quay phim, chụp ảnh, vẽ công trình quốc phòng, khu quân sự chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

1- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ ở khu vực cấm không được phép của cấp có thẩm quyền.

2- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ ở khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng, khu quân sự không được phép của cấp quản lý công trình.

3- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự không được phép của cấp có thẩm quyền.

4- Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm các quy định ở điều này bị tịch thu phương tiện, tang vật.

Điều 19. Đối với hành vi tìm hiểu vị trí, tác dụng, nội dung kết cấu của công trình quốc phòng, khu quân sự.

1- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tìm hiểu vị trí, tác dụng, nội dung kết cấu, ghi chép các số liệu có liên quan đến công trình quốc phòng khu quân sự không đúng chức trách, nhiệm vụ và không được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm còn bị tịch thu các tài liệu đã thu thập.

Điều 20. Loan truyền tin tức về công trình quốc phòng, khu quân sự.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi loan truyền tin tức làm ảnh hưởng đến bí mật của công trình quốc phòng, khu quân sự hoặc nơi có công trình quốc phòng, khu quân sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 21. Lấn chiếm đất đai, khai thác trái phép trong khu vực công trình quốc phòng, khu quân sự.

1- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đất đai, khai thác đất đá trên nóc, xung quanh, dưới đáy công trình quốc phòng, khu quân sự; chặt phá cây nguỵ trang của công trình quốc phòng, khu quân sự, xâm phạm cột mốc, biển báo khu vực.

2- Ngoài việc bị phạt tiền người vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của công trình quốc phòng, khu quân sự và bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra.

Điều 22. Phá dỡ làm hư hỏng công trình quốc phòng.

1- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi phá dỡ, làm hư hỏng kết cấu móng, tường, thân, nền và thiết bị của công trình quốc phòng và công trình thuộc hệ thống phòng thủ dân sự, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn phải khôi phục tình trạng ban đầu của công trình quốc phòng và bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra.

Điều 23. Sử dụng trái phép công trình quốc phòng.

1- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị, vật tư chuyên dùng của công trình quốc phòng không đúng mục đích hoặc sử dụng, cải tạo công trình quốc phòng để sử dụng vào việc khác trái phép.

2- Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn phải khôi phục tình trạng ban đầu của công trình quốc phòng, khu quân sự và bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra.

Điều 24. Xây dựng công trình, đặt thiết bị làm ảnh hưởng tới công trình quốc phòng, khu quân sự.

1- Phạt tiền từ 5.000.0000 đồng đến 20.000.0000 đồng đối với hành vi xây dựng các công trình khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp công trình quốc phòng, khu quân sự và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép làm ảnh hưởng tới công trình quốc phòng, khu quân sự.

2- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đặt thiết bị làm ảnh hưởng tới cấu trúc, tác dụng, an toàn, bí mật của công trình quốc phòng, khu quân sự.

3- Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, tháo dỡ thiết bị và bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra.

Điều 25. Để chất thải, chất độc thâm nhập gây thiệt hại cho công trình quốc phòng.

1- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đổi rác rưởi, chất thải vào trong hoặc bên cạnh công trình quốc phòng, để hoặc dùng hoá chất, thải chất độc, chất thải trong khu vực công trình quốc phòng làm cho công trình quốc phòng bị ăn mòn, bị phá huỷ kết cấu thiết bị.

2- Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn phải sửa chữa lại công trình và bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra. 

MỤC 4

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM

TRONG VIỆC SỬ DỤNG BIỂN SỐ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI, XE MÁY QUÂN SỰ,

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ QUÂN TRANG

Điều 26. Vi phạm trong việc sử dụng biển số phương tiện vận tải, xe máy quân sự.

1- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, lưu hành, mua bán trái pháp luật các loại biển số phương tiện vận tải, xe máy quân sự (cả biển số thật và biển số giả).

2- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép biển số, phương tiện vận tải quân sự hoặc giả danh phương tiện vận tải, xe máy quân sự.

3- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép các loại biển số phương tiện vận tải, xe máy quân sự.

4- Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức cá nhân vi phạm còn buộc phải:

a) Vi phạm khoản 1 Điều này, thì bị tịch thu tang vật.

b) Vi phạm khoản 2 Điều này, thì bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 6 tháng.

c) Vi phạm khoản 3 Điều này, thì bị tịch thu phương tiện, tang vật.

Điều 27. Vi phạm các quy định trong việc quản lý quân trang.

1- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mang mặc quân trang có gắn quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cành tùng trái pháp luật hoặc mua bán trái pháp luật với số lượng không đáng kể các loại lễ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ gắn quân hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, cành tùng, đội mũ kêpi, mũ dã chiến và sử dụng các loại quân trang khác chỉ dành riêng cho quân đội khi làm nhiệm vụ.

2- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, lưu hành, kinh doanh, đổi trái pháp luật các loại cấp hiệu, quân hiệu, phù hiệu, mũ kêpi, mũ dã chiến, lễ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ và các loại quân trang khác chỉ dành riêng cho quân đội hoặc các loại trang phục giả bắt chước theo mẫu mã, ký hiệu các lại quân trang của quân đội.

3- Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc phải:

a) Vi phạm khoản 1 Điều này, thì bị tịch thu quân trang.

b) Vi phạm khoản 2 Điều này, thì bị tịch thu phương tiện, tang vật.

 

CHƯƠNG III

THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT

VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG

Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Uỷ ban nhân dân các cấp:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa bàn do mình quản lý đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định này.

Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra quốc phòng:

1- Thanh tra quốc phòng có quyền xử phạt các vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này và các vi phạm hành chính trong việc quản lý, sử dụng đất chuyên dùng cho quốc phòng, trong việc quản lý nhà ở do quân đội đang quản lý theo các quy định hiện hành của Chính phủ.

2- a) Thanh tra viên quốc phòng khi thi hành công vụ có quyền:

Phạt cảnh cáo.

Phạt tiền đến 200.000 đồng.

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng.

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

b) Chánh thanh tra quốc phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

c) Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan cảnh sát:

Lực lượng cảnh sát nhân dân có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Điều 29 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, vi phạm quy định sử dụng biển số xe quân sự, việc quản lý quân trang được quy định tại Nghị định này.

Điều 31. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan quản lý thị trường: lực lượng quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý quân trang được quy định tại Nghị định này.

Điều 32. Trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì việc xử phạt do cơ quan thụ lý đầu tiên thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 33. Thu nộp tiền phạt.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đối với lĩnh vực quốc phòng bị phạt tiền thì phải nộp tiền tại nơi quy định. Nếu trốn tránh hoặc không nộp đúng thời gian để dây dưa kéo dài thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm người xử phạt thu tiền tại chỗ.

Điều 34. Trình tự, thủ tục xử phạt.

Trình tự, thủ tục xử phạt phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với những vi phạm các quy định trong việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dự bị động viên và quản lý, xây dựng Dân quân tự vệ thì xã đội trưởng, chỉ huy trưởng quân sự cấp huyện, cấp tỉnh kết hợp với cơ quan công an cùng cấp lập biên bản kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp mình xử phạt theo thẩm quyền.

Điều 35

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2- Người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế.

3- Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế của các cơ quan đó khi được yêu cầu.

4- Lực lượng kiểm soát quân sự thi hành quyết định cưỡng chế của thanh tra quốc phòng các cấp.

5- Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Điều 36. Khiếu nại, tố cáo.

a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt theo quy định tại Chương VIII Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

b) Công dân có quyền tố cáo những vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức và những vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 38. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và tổ chức thi hành Nghị định này.

Điều 39. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

CHÍNH PHỦ

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.