Sign In

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn nhiệm vụ của Cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành Nông nghiệp

 và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã

____________________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trên cơ sở Thông tư Liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Liên Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Để các tổ chức chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ sở tuyển chọn, hợp đồng hoặc điều động, hướng dẫn hoạt động đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật về công tác trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã như sau:

Phần I

NHỮNG NHIỆM VỤ CHUNG

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã có nhiệm vụ chính sau đây:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, phát triển rừng hàng năm; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

4. Xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng và tổ chức thực hiện phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; tổ chức thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, đê bao, bờ vùng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng và khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán, bão, lũ, úng, lụt, sạt, lở, cháy rừng; biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành tại địa phương.

5. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã giám sát việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, công trình nước sạch nông thôn và mạng lưới thủy nông; việc sử dụng nước trong công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thống kê diễn biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất diêm nghiệp, thống kê rừng, kiểm kê rừng, diễn biến tài nguyên rừng, diễn biến số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn cấp xã theo quy định. Tổng hợp tình hình thực hiện tiến độ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

7. Hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và phát triển các ngành, nghề mới nhằm giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương.

8. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo quy định.

9. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn; củng cố các tổ chức dân lập, tự quản của cộng đồng dân cư theo quy định.

10. Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, công tác thuỷ lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp xã theo quy định.

Phần II

CƠ CẤU VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. CƠ CẤU ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP XÃ

1. Cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, bao gồm:

a) Nhân viên bảo vệ thực vật (đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành trồng trọt);

b) Nhân viên thú y (đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản);

c) Nhân viên thuỷ lợi;

d) Nhân viên khuyến nông, khuyến ngư;

đ) Công chức kiểm lâm địa bàn xã làm nhiệm vụ lâm nghiệp ở những xã có rừng.

2. Mạng lưới cộng tác viên:

Mạng lưới cộng tác viên làm nhiệm vụ phối hợp thực hiện dịch vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc các tổ chức dân lập tự nguyện, tự quản của cộng đồng, gồm thành viên đại diện của các tổ chức: Hợp tác xã; Đội; Tổ (bảo vệ rừng, tưới, tiêu, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn); Câu lạc bộ; Chi hội; Khuyến nông viên; Cá nhân hành nghề về dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, ...tại thôn, bản, ấp.

Mạng lưới cộng tác viên được đăng ký hoạt động theo quy chế hoặc điều lệ do Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP XÃ

1. Nhân viên bảo vệ thực vật:

a) Tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển cây trồng nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ;

b) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về trồng trọt, bảo vệ thực vật;

c) Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch phát triển cây trồng hàng năm; hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;

d) Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình trồng trọt và dịch hại cây trồng; đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, trừ dịch bệnh cây trồng theo kế hoạch, hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật cấp huyện;

đ) Xây dựng kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng và thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nội dung được duyệt hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật cấp huyện;

e) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công về trồng trọt, bảo vệ thực vật và cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện công tác khuyến nông về bảo vệ thực vật theo kế hoạch được duyệt và các dịch vụ về bảo vệ thực vật trên địa bàn xã theo quy định;

g) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình sản xuất trồng trọt, dịch bệnh cây trồng và công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng trên địa bàn;

h) Nhân viên bảo vệ thực vật thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên;

i) Thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm Bảo vệ thực vật cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.

2. Nhân viên thú y:

a) Tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi (bao gồm cả thuỷ sản) trong sản xuất nông nghiệp;

b) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thú y;

c) Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch phát triển chăn nuôi hàng năm; hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;

d) Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật; đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh cho động vật theo kế hoạch, hướng dẫn của Trạm Thú y cấp huyện;

đ) Xây dựng kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng và thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nội dung được duyệt và hướng dẫn của Trạm Thú y cấp huyện;

e) Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh, khử trùng tiêu độc và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã;

g) Phối hợp thực hiện việc khử trùng, tiêu độc cho các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh đối với thuỷ sản trên địa bàn xã theo quy định;

h) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công về chăn nuôi, thú y và cá nhân kinh doanh thuốc thú y. Thực hiện công tác khuyến nông về thú y theo kế hoạch được duyệt và các dịch vụ về thú y trên địa bàn xã theo quy định;

i) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã cho Trạm Thú y cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã;

k) Nhân viên thú y thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên;

l) Thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm Thú y cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.

3. Nhân viên thủy lợi:

a) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và mạng lưới thủy nông; hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;

b) Xây dựng kế hoạch tu bổ, bảo vệ đê điều, đê bao, bờ vùng;

c) Kiểm tra tình trạng đê điều, các công trình thủy lợi, công trình nước sạch trên địa bàn để xây dựng kế hoạch và biện pháp huy động lực lượng phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai về hạn hán, bão, lũ, úng, lụt, sạt, lở; biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, công trình nước sạch tại địa phương;

d) Phối hợp giám sát việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và mạng lưới thuỷ nông; hướng dẫn việc sử dụng nước trong công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn trên địa bàn;

đ) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống dịch vụ tưới, tiêu và các tổ chức hợp tác dùng nước có sự tham gia của người dân theo quy định. Đề xuất giải quyết tranh chấp, khiếu nại về khai thác, sử dụng nước sạch giữa các hộ dùng nước thuộc công trình thuỷ lợi nhỏ do tổ chức hợp tác dùng nước hoặc các thôn, bản quản lý;

e) Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác thủy lợi, bảo vệ đê điều và bảo vệ công trình thủy lợi; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai về hạn hán, bão, lũ, úng, lụt, sạt, lở trên địa bàn xã theo quy định;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý nhà nước cấp trên và Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.

4. Nhân viên khuyến nông, khuyến ngư:

a) Hướng dẫn, cung cấp thông tin đến người sản xuất, tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến bộ khoa học và công nghệ, thông tin thị trường, giá cả, phổ biến điển hình trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp;

b) Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo truyền nghề cho người sản xuất để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế; tổ chức tham quan, khảo sát, học tập cho người sản xuất;

c) Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với địa phương, nhu cầu của người sản xuất và chuyển giao kết qủa từ mô hình trình diễn ra diện rộng;

d) Tiếp thu và phản ánh lên cấp có thẩm quyền nguyện vọng của nông dân về khoa học công nghiệ, cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn;

đ) Tư vấn và dịch vụ trong các lĩnh vực:

- Tư vấn, hỗ trợ chính sách, pháp luật về thị trường, khoa học công nghệ, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ lợi và phát trỉên nông thôn;

- Tư vấn phát triển, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông lâm sản, thuỷ sản, nghề muối;

- Tư vấn quản lý, sử dụng nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Tư vấn, hỗ trợ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm của tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp xã;

- Dịch vụ trong các lĩnh vực pháp luật, tập huấn, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, thị trường giá cả, xây dựng dự án, cung cấp vật tư kỹ thuật, thiết bị và các hoạt động khác có liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

e) Thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.

5. Công chức Kiểm lâm địa bàn:

a) Tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp; xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tham gia phòng trừ sâu hại rừng; xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi phương án được phê duyệt; huy động lực lượng dân quân tự vệ, các lực lượng và phương tiện khác trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái phép;

b) Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch phát triển lâm nghiệp hàng năm; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;

c) Thực hiện thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công; kiểm tra việc sử dụng rừng của các chủ rừng trên địa bàn; xác nhận về nguồn gốc lâm sản hợp pháp theo đề nghị của chủ rừng trên địa bàn;

d) Phối hợp với các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng;

đ) Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng tại địa bàn;

e) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

g) Tổ chức kiểm tra, phát hiện và đề xuất biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền và giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã theo quy định của pháp luật;

h) Báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; chịu sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp và sự kiểm tra của Uỷ ban nhân dân cấp xã;

i) Thực hiện nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp theo sự phân công của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực sau bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày ký ban hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề nghị bổ sung, sửa đổi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát