THÔNG TƯ
Quy định về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu
và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động
_________________
Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Nghị định số 21/2014/NĐ-CP, ngày 25/3/2014 về sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 77/2009/NĐ-CP, ngày 15/9/2009;
Theo đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát cơ động;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết thi hành Điều 14 của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng Cảnh sát cơ động (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động); các đơn vị Cảnh sát cơ động và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Điều 3. Nguyên tắc cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động
1. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu Cảnh sát cơ động phải được quản lý chặt chẽ, cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
2. Trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động chỉ được sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
3. Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.
Điều 4. Phù hiệu, ký hiệu Cảnh sát cơ động
1. Phù hiệu của Cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ quy định cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân và Thông tư số 30/2008/TT-BCA-X11 ngày 03/11/2008 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi sử dụng trang phục chiến đấu, mang phù hiệu kết hợp với cấp hiệu.
2. Ký hiệu của Cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BCA, ngày 05/6/2009 của Bộ Công an quy định yêu cầu, chất lượng trang phục Công an nhân dân.
Điều 5. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động
1. Hình dáng, kích thước: hình chữ nhật, chiều dài: 85,6 mm, chiều rộng: 53,98 mm.
2. Nội dung:
a) Mặt trước: nền đỏ tươi, xung quanh có viền vàng kích thước 49 mm x 81 mm. Từ trên xuống theo thứ tự: dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” cỡ chữ 8; “SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM” cỡ chữ 6,5; hình ký hiệu Cảnh sát cơ động in nổi đường kính 23 mm; dòng chữ “GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT” cỡ chữ 15 và “CERTIFICATION OF SPECIAL DUTY” cỡ chữ 13,5; các dòng chữ màu vàng.
b) Mặt sau: nền xanh nhạt, xung quanh có viền màu xanh, giữa khung in chìm hình phù hiệu Công an nhân dân đường kính 21 mm, xung quanh hoa văn hình rẻ quạt. Phía dưới bên trái có tem bảo mật, dưới tem có dòng chữ “Số: …” cỡ chữ 8, màu đen; bên phải có bốn dòng chữ, màu đen theo thứ tự từ trên xuống: “Hà Nội, ngày.... tháng...năm...” cỡ chữ 8; “Hanoi, date....month….. year....” cỡ chữ 7; “BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN” cỡ chữ 8; “MINISTER OF PUBLIC SECURITY” cỡ chữ 6,5. Có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Công an và đóng dấu của Bộ Công an (có mẫu kèm theo).
3. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận công tác đặc biệt.
a) Bộ trưởng Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận công tác đặc biệt và giao Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý, cấp, thu hồi.
b) Giấy chứng nhận công tác đặc biệt được cấp cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi được giao thực hiện phương án tác chiến chống khủng bố và áp tải hàng đặc biệt. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt được thu hồi ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu của Cảnh sát cơ động sử dụng Giấy chứng nhận công tác đặc biệt khi thực hiện nhiệm vụ được giao và phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Điều 6. Trang phục chiến đấu Cảnh sát cơ động
1. Màu sắc: mũ, quần áo xuân hè và thu đông màu rêu đậm.
2. Trang phục xuân hè:
a) Áo: kiểu blue dông cổ bẻ, may bật vai, dài tay có măng séc cài cúc; ngực áo may một đường ống song song hai túi hộp ốp ngoài; nẹp áo may khóa kéo, nẹp che khóa có cúc bấm; đai chun. Đầu cổ áo gắn phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, trên nắp túi ngực bên trái đeo số hiệu, trên cánh tay trái áo gắn ký hiệu lực lượng “Cảnh sát cơ động”;
b) Quần: kiểu âu phục; phía trên thân trước, thân sau và giữa dọc quần may túi hộp ốp ngoài; gối, mông quần may đệm bên trong; gấu may khuyết cài cúc;
c) Mũ bảo hiểm: có kính che mặt, có lớp da màu đen che gáy. Mặt mũ gắn công an hiệu có cành tùng kép bao quanh liền thành một khối (cấp tướng, cấp tá cành tùng màu vàng; cấp úy, hạ sỹ quan, chiến sĩ, học viên cành tùng màu trắng bạc). Hai bên thành mũ có hàng chữ ký hiệu lực lượng “CSCĐ”;
d) Mũ mềm: mặt mũ có ba mảnh, may lưỡi trai, phía sau chân cầu có điều chỉnh cỡ. Công an hiệu gắn giữa mặt mũ (màu sắc cành tùng bao quanh như quy định tại điểm c khoản 2 Điều này);
đ) Giầy ghệt da cổ bạt màu đen, buộc dây;
e) Giầy vải màu cỏ úa, buộc dây;
g) Bít tất màu mạ non;
h) Dây lưng nhỏ: chất liệu bằng da màu nâu; thân khóa màu trắng, chữ lồng “CA” nổi giữa mặt khóa màu vàng.
3. Trang phục thu đông:
a) Áo: kiểu blue dông 05 lớp, lớp lót gắn với áo bằng khóa kéo; cổ bẻ may bật vai, dài tay có măng séc cài cúc; ngực áo hai bên cánh tay và giữa hai sườn áo may túi hộp ốp ngoài; phía dưới hai thân trước may túi cơi chéo; nẹp áo may khóa kéo, nẹp che khóa có cúc bấm; đai chun. Đầu cổ áo đeo phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, trên nắp túi ngực bên trái gắn số hiệu, phía trên nắp túi cánh tay trái áo gắn ký hiệu lực lượng “Cảnh sát cơ động";
b) Quần: phía trên phần trước may túi chéo, các chi tiết khác may như quần xuân hè quy định tại điểm b khoản 2 điều này;
c) Mũ bảo hiểm, mũ mềm, giày các loại, bít tất, dây lưng nhỏ như quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h khoản 2 Điều này.
Điều 7. Tiêu chuẩn và niên hạn cấp phát trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động
- Quần áo xuân hè màu rêu đậm : 02 bộ/năm.
- Quần áo thu đông màu rêu đậm : 01 bộ/năm.
- Giày vải: 02 đôi/năm.
- Tất cotton: 04 đôi/năm.
- Giày ghệt: 01 đôi/năm.
- Mũ cứng: 01 chiếc/năm.
- Mũ mềm: 01 chiếc/năm.
- Mũ bảo hiểm CSCĐ: 01 chiếc/3 năm.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2014 và thay thế các quy định trước đây của Bộ Công an về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.
2. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm tổ chức sản xuất, cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.
3. Cục Tài chính có trách nhiệm thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ duyệt kinh phí mua sắm, sản xuất giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động; đảm bảo kinh phí thực hiện nội dung đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt.
4. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Bộ (qua Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động) để hướng dẫn thi hành.