Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ

về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải

______________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về cầu cảng, xưởng sản xuất, trạm quản lý luồng, trạm điều tiết, phương tiện, trang thiết bị và số lượng hoa tiêu tối thiểu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định tại Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải tại Việt Nam.

Điều 3. Quy định chi tiết đối với cầu cảng, xưởng sản xuất, trang thiết bị và tàu thuyền chuyên dùng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải

1. Cầu cảng có đủ khả năng đáp ứng cho tàu thuyền chuyên dùng theo quy định tại khoản 3 Điều này ra vào an toàn. Kho bãi sau cảng có diện tích tối thiểu bảo đảm lưu kho hàng hóa bốc dỡ tại cầu cảng và phục vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải.

2. Xưởng sản xuất, bảo trì báo hiệu hàng hải có tổng diện tích tối thiểu 600 m2. Trang thiết bị tối thiểu phục vụ bảo trì báo hiệu hàng hải theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tàu thuyền chuyên dùng có kết cấu và vùng hoạt động phù hợp để phục vụ công tác thiết lập, vận hành, bảo trì, sửa chữa, giám sát hoạt động liên tục của hệ thống báo hiệu hàng hải và được trang bị cần cẩu hoặc cần trục bảo đảm di chuyển, nâng hạ báo hiệu hàng hải, phương tiện, vật tư, máy móc, hàng hóa.

Điều 4. Quy định chi tiết đối với cầu cảng, xưởng sản xuất và tàu thuyền chuyên dùng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng

1. Cầu cảng, xưởng sản xuất và tàu thuyền chuyên dùng (hoặc hợp đồng thuê tàu thuyền chuyên dùng) của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Đối với luồng hàng hải chuyên dùng có chiều dài không quá 05 hải lý và có không quá 10 báo hiệu hàng hải thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải đáp ứng:

a) Có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng có đủ khả năng đáp ứng cho tàu thuyền chuyên dùng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này ra vào an toàn;

b) Có xưởng sản xuất hoặc có hợp đồng thuê xưởng sản xuất, bảo trì báo hiệu hàng hải có tổng diện tích tối thiểu 200 m2;

c) Có tàu thuyền chuyên dùng (hoặc hợp đồng thuê tàu thuyền chuyên dùng) có vùng hoạt động phù hợp để phục vụ công tác thiết lập, vận hành, bảo trì, sửa chữa, giám sát hoạt động liên tục của hệ thống báo hiệu hàng hải.

Điều 5. Quy định chi tiết đối với tàu thuyền chuyên dùng và trang thiết bị đo đạc, khảo sát của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phục vụ công bố Thông báo hàng hải

1. Tàu thuyền chuyên dùng có tính năng và vùng hoạt động phù hợp khu vực khảo sát.

2.  Có đầy đủ trang thiết bị đo đạc, khảo sát phù hợp theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Quy định chi tiết đối với tàu thuyền chuyên dùng và trang thiết bị đo đạc, khảo sát của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng phục vụ công bố Thông báo hàng hải

Tàu thuyền chuyên dùng và trang thiết bị đo đạc, khảo sát của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng phục vụ công bố Thông báo hàng hải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Quy định chi tiết đối với trạm điều tiết chuyên dùng và ca nô của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng

1. Trạm điều tiết chuyên dùng được thiết kế bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho bộ phận điều tiết và phù hợp với vùng hoạt động. Trang thiết bị tối thiểu của trạm điều tiết chuyên dùng theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Ca nô phục vụ công tác điều tiết phải bảo đảm yêu cầu an toàn kỹ thuật và có vùng hoạt động phù hợp.

Điều 8. Quy định chi tiết đối với trạm điều tiết chuyên dùng và ca nô của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng

Trạm điều tiết chuyên dùng và ca nô cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 9. Quy định chi tiết với tàu thuyền khảo sát chuyên dùng và trang thiết bị đo đạc, bản đồ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm an toàn hàng hải

1. Tàu thuyền khảo sát chuyên dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

2. Trang thiết bị đo đạc theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này và có phần mềm biên tập, xuất bản hải đồ giấy và hải đồ điện tử.

Điều 10. Quy định chi tiết số lượng tối thiểu hoa tiêu các hạng và phương tiện đưa đón hoa tiêu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải

1. Số lượng tối thiểu hoa tiêu các hạng được tính căn cứ theo tuyến dẫn tàu, số lượng tàu và trọng tải tàu hoạt động trên tuyến trong 03 năm trước đó; số ngày làm việc tối đa hàng năm của người lao động theo quy định của pháp luật. Số lượng hoa tiêu tối thiểu trên mỗi tuyến phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu 24/24 giờ trong ngày, 07 ngày trong tuần và tối thiểu 10% dự trữ trên tổng số hoa tiêu.

2. Số lượng phương tiện đưa, đón hoa tiêu tối thiểu được tính căn cứ vào chiều dài từ điểm tập kết hoa tiêu đến điểm đón trả hoa tiêu, thời gian phương tiện đưa, đón hoa tiêu, vùng hoạt động và số lượng tàu dẫn hàng năm. Phương tiện đưa đón hoa tiêu phải phù hợp với điều kiện khí tượng thủy văn tại khu vực.

3. Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, công bố số lượng tối thiểu hoa tiêu các hạng của mỗi tuyến dẫn tàu và phương tiện đưa đón hoa tiêu tối thiểu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này 03 Phụ lục.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Quang Nghĩa