THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007
quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp
đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
___________________________
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 tháng 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 như sau:
I. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Đầu tư để thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá
Nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP có quyền đầu tư để thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo hình thức đầu tư và lộ trình thực hiện quy định tại Phụ lục số 01 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21/05/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá (sau đây gọi tắt là Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM).
2. Thực hiện quyền xuất khẩu
2.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu, thực hiện quyền xuất khẩu như sau:
a) Được xuất khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu (Mục I Phụ lục số 01 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP), không thuộc danh mục hàng tạm ngừng xuất khẩu (nếu có) và các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa không được quyền xuất khẩu (khoản A Mục II Phụ lục số 02 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM);
b) Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo lộ trình (khoản B Mục II Phụ lục số 02 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM) doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện xuất khẩu theo lộ trình đã quy định;
c) Được trực tiếp mua hàng hoá của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hoá đó để xuất khẩu;
d) Được trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá tại cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu.
3. Thực hiện quyền nhập khẩu
3.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, thực hiện quyền nhập khẩu như sau:
a) Được nhập khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu (Mục II Phụ lục số 01 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP), không thuộc danh mục hàng tạm ngừng nhập khẩu (nếu có) và các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu (Khoản A Mục II Phụ lục số 03 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM);
b) Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo lộ trình (khoản B Mục II Phụ lục số 03 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện nhập khẩu theo lộ trình đã quy định;
c) Được trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam;
d) Được bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu cho một thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối nhóm hàng đó. Thương nhân này do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự lựa chọn và đăng ký với cơ quan cấp phép có thẩm quyền. Mỗi nhóm hàng bao gồm các mặt hàng thuộc một Chương của Biểu thuế nhập khẩu.
3.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu không được lập cơ sở để phân phối hàng nhập khẩu.
4. Thực hiện quyền phân phối
4.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền phân phối, thực hiện quyền phân phối như sau:
a) Được thực hiện bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại, đại lý mua bán hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, trừ hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa không được quyền phân phối (khoản A Mục II Phụ lục số 04 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM);
b) Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa phân phối theo lộ trình (khoản B Mục II Phụ lục số 04 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại, đại lý mua bán hàng hóa theo lộ trình đã quy định.
4.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép hoạt động bán buôn, bán lẻ thực hiện bán buôn, bán lẻ theo đúng quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 1 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép lập cơ sở bán lẻ (bao gồm cả cơ sở bán lẻ thứ nhất) không được thực hiện bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ đã được cấp phép.
4.3. Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất
a) Việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở bán lẻ; sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố đó;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư có nội dung thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất nhưng chưa được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP phải làm thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo hướng dẫn tại điểm d khoản 4 Mục II Thông tư này.
II. CẤP GIẤY PHÉP ĐỂ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HOÁ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUANTRỰC TIẾP ĐẾN MUA BÁN HÀNG HÓA
1. Trường hợp chỉ đầu tư để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu mà không kinh doanh phân phối hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá
a) Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam chỉ để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chỉ bổ sung thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu phải làm thủ tục bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư.
Hồ sơ bao gồm:
- Hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Bản giải trình việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh về quốc tịch pháp nhân, hình thức đầu tư, dịch vụ kinh doanh, phạm vi hoạt động;
- Bản đăng ký nội dung thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.
b) Cơ quan cấp phép có thẩm quyền căn cứ vào quy định tại Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM để cấp hoặc bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư, không cần chấp thuận của Bộ Thương mại.
2. Trường hợp lần đầu đầu tư để thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
a) Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam có đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Hồ sơ bao gồm:
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Bản giải trình việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh về quốc tịch pháp nhân, hình thức đầu tư, dịch vụ kinh doanh, phạm vi hoạt động;
- Bản đăng ký nội dung thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá.
b) Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Thương mại.
3. Trường hợp bổ sung thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư đề nghị bổ sung thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá phải làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh.
a) Cấp Giấy phép kinh doanh
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện theo Mẫu MĐ1 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Bản giải trình việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh về quốc tịch pháp nhân, hình thức đầu tư, dịch vụ kinh doanh, phạm vi hoạt động;
+ Bản đăng ký nội dung thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá.
- Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh theo Mẫu GP1 ban hành kèm theo Thông tư này sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Thương mại.
b) Sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh thực hiện theo Mẫu MĐ2 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Bản sao Giấy phép kinh doanh đã được cấp.
- Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh mới với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung đồng thời thu hồi lại Giấy phép kinh doanh đã cấp. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh liên quan đến nội dung kinh doanh mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, cơ quan cấp phép có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Thương mại.
c) Cấp lại Giấy phép kinh doanh
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh theo Mẫu MĐ3 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Văn vản xác nhận của cơ quan công an về việc khai báo mất Giấy phép kinh doanh hoặc bản giải trình lý do bị rách, nát, cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác.
- Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp lại bản mới Giấy phép kinh doanh với nội dung đúng như nội dung Giấy phép kinh doanh đã cấp.
4. Trường hợp lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất phải làm thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
a) Cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thực hiện theo Mẫu MĐ4 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh doanh gắn với việc lập cơ sở bán lẻ thứ nhất.
- Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo Mẫu GP2 ban hành kèm theo Thông tư này sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Thương mại.
b) Sửa đổi, bổ sung Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thực hiện theo Mẫu MĐ5 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Bản sao Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đề nghị được sửa đổi, bổ sung.
- Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ mới với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung đồng thời thu hồi lại Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đã cấp. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Giấy phép lập cơ sở bán lẻ liên quan đến nội dung hoạt động của cơ sở bán lẻ, Cơ quan cấp phép có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung Giấy phép lập cơ sở bán lẻ sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Thương mại.
c) Cấp lại Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
Việc cấp lại Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thực hiện như quy định đối với việc cấp lại Giấy phép kinh doanh hướng dẫn tại điểm c khoản 3 Mục II Thông tư này.
d) Cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất đã thành lập theo quy định của pháp luật nhưng chưa được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP
- Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thực hiện theo Mẫu MĐ4 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Báo cáo tình hình đầu tư, tình hình hoạt động của cơ sở bán lẻ đề nghị được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ;
+ Bản sao Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư.
- Cơ quan cấp phép có thẩm quyền cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo Mẫu GP2 ban hành kèm theo Thông tư này.
III. THU HỒI GIẤY PHÉP KINH DOANH, GIẤY PHÉP LẬP CƠ SỞ BÁN LẺ
Cơ quan cấp phép có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ trong các trường hợp sau:
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá có hành vi vi phạm quy định của pháp luật theo đó phải thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
2. Dự án đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư.
3. Cơ quan cấp phép có thẩm quyền thu hồi Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính, chế độ báo cáo thống kê theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Định kỳ hàng quý, trước ngày 15 của tháng đầu tiên Quý kế tiếp, cơ quan cấp phép có thẩm quyền tổng hợp, báo cáo Bộ Thương mại về tình hình cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi các Giấy phép đã cấp cho các dự án đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá và các kiến nghị, đề xuất theo Mẫu BC hướng dẫn tại Thông tư này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương phản ánh về Bộ Thương mại để kịp thời xử lý./.