THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH TRONG MAI TÁNG, HỎA TÁNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20 tháng 6 năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng.
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về vệ sinh trong bảo quản, quàn, mai táng, hỏa táng, di chuyển thi thể, hài cốt người chết.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo đảm vệ sinh trong bảo quản, quàn, mai táng, hỏa táng, di chuyển thi thể, hài cốt người chết trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thi thể (thi hài) là xác của người chết.
2. Hài cốt là xương của người chết khi cải táng.
3. Tro cốt là phần còn lại sau khi hỏa táng toàn bộ thi thể, hài cốt.
4. Quàn là việc thực hiện lưu giữ, bảo quản thi thể của người chết trước khi mai táng hoặc hỏa táng.
5. Khâm liệm là việc thực hiện các thủ tục để chuyển thi thể vào quan tài.
6. Mai táng là việc lưu giữ thi thể hoặc hài cốt, tro cốt của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
7. Hỏa táng là việc thiêu thi thể hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao đến khi thành tro cốt.
8. Cải táng là việc chuyển hài cốt để tiếp tục mai táng hoặc sang hình thức táng khác.
Chương 2.
VỆ SINH TRONG MAI TÁNG, HỎA TÁNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẾT KHÔNG DO DỊCH BỆNH NGUY HIỂM
Điều 4. Vệ sinh trong quàn thi thể
1. Thời gian quàn thi thể không quá 48 giờ kể từ khi chết trong điều kiện không có bảo quản lạnh.
2. Thời gian quàn thi thể không quá 07 ngày kể từ khi chết trong điều kiện bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 4°C trở xuống.
3. Trường hợp phải quàn thi thể lâu hơn thời gian quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ -10oC trở xuống.
4. Trường hợp có nhiều người chết do thiên tai, thảm họa, thời gian quàn thi thể do người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa quyết định.
Điều 5. Vệ sinh trong khâm liệm thi thể
1. Thực hiện khâm liệm theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng của địa phương. Trường hợp thi thể có dịch chảy ra phải bảo đảm làm sạch khu vực khâm liệm.
2. Đóng kín quan tài. Kiểm tra và dán kín các khe hở của quan tài (nếu có) để bảo đảm không bị rò rỉ, thấm nước, không bị bục, vỡ trong quá trình di chuyển.
Điều 6. Vệ sinh trong di chuyển thi thể, hài cốt, tro cốt
1. Vệ sinh trong di chuyển thi thể:
a) Di chuyển thi thể trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam: trường hợp di chuyển bằng đường bộ, thi thể được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được di chuyển bằng phương tiện riêng. Trường hợp di chuyển bằng đường hàng không, đường thủy hoặc đường sắt thi thể được đặt ở hòm riêng và kín;
b) Di chuyển thi thể qua biên giới, thi thể phải được đặt trong quan tài ba lớp: lớp trong làm bằng kẽm hoặc bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực, không rò rỉ, có lót chất hút ẩm và được hàn kín; lớp giữa làm bằng gỗ; lớp ngoài làm bằng ván ép;
c) Trường hợp người chết với số lượng lớn trong thiên tai, thảm họa, việc sử dụng phương tiện di chuyển thi thể do người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa quyết định nhưng bảo đảm thi thể được bọc kín, không bị rò rỉ, không thấm nước, không bị bục, vỡ trong quá trình di chuyển.
2. Vệ sinh trong di chuyển hài cốt, tro cốt: khi di chuyển hài cốt, tro cốt phải được đặt trong các vật dụng bảo đảm không bị rò rỉ, không thấm nước, không bị bục, vỡ trong quá trình di chuyển.
Điều 7. Vệ sinh đối với người trực tiếp tham gia hoạt động quàn, khâm liệm, di chuyển, mai táng, hỏa táng thi thể, hài cốt
Người trực tiếp tham gia hoạt động quàn; khâm liệm; di chuyển thi thể, hài cốt; mai táng, hỏa táng sử dụng khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc. Sau khi công việc kết thúc rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
Điều 8. Vệ sinh nhà tang lễ, khu vực mai táng, hỏa táng, dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng, hỏa táng
1. Nhà tang lễ, khu tổ chức tang lễ bảo đảm vệ sinh sạch sẽ toàn bộ bề mặt của nền nhà, tường xung quanh nơi đặt thi thể và các vật dụng có tiếp xúc với thi thể.
2. Các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng, hỏa táng được vệ sinh sạch sẽ sau khi công việc đã hoàn thành.
3. Bảo đảm khu vực mai táng, hỏa táng sạch sẽ; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh theo quy định về quản lý chất thải thông thường.
Điều 9. Vệ sinh trong hoạt động cải táng
1. Thời gian cải táng: tùy theo điều kiện chất đất, phong tục tập quán và tín ngưỡng của dân tộc, địa phương mà thời gian cải táng có thể khác nhau nhưng thời gian từ khi mai táng đến khi cải táng không dưới 36 tháng.
2. Chất thải phát sinh trong toàn bộ quá trình thực hiện cải táng được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định về quản lý chất thải thông thường.
3. Các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động cải táng được vệ sinh sạch sẽ sau khi công việc đã hoàn thành.
4. Người trực tiếp tham gia các hoạt động cải táng sử dụng khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc. Sau khi công việc kết thúc rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
Điều 10. Vệ sinh trong mai táng, hỏa táng người chết không do mắc dịch bệnh nguy hiểm tại khu vực áp dụng biện pháp cách ly y tế
1. Vệ sinh trong quàn, khâm liệm; di chuyển thi thể; mai táng, hỏa táng người chết trong khu vực áp dụng biện pháp cách ly y tế thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư này.
2. Việc tổ chức tang lễ bảo đảm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của khu vực áp dụng biện pháp cách ly y tế.
3. Vệ sinh đối với phương tiện và người tham gia vận chuyển thi thể ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp cách ly y tế thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
Điều 11. Vệ sinh trong mai táng, hỏa táng người chết số lượng lớn do thiên tai, thảm họa và thi thể đang phân hủy
1. Đối với người chết số lượng lớn do thiên tai, thảm họa:
a) Bọc kín thi thể bằng các vật dụng bảo đảm không bị rò rỉ, không thấm nước, không bị bục, vỡ;
b) Vệ sinh trong quàn, khâm liệm; di chuyển thi thể; mai táng, hỏa táng thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư này.
2. Đối với thi thể đang phân hủy:
a) Vệ sinh trong xử lý, quàn, khâm liệm thi thể thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này;
b) Vệ sinh trong nhà tang lễ, khu vực mai táng, hỏa táng, dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng, hỏa táng, di chuyển thi thể thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và Điều 8 Thông tư này;
c) Người trực tiếp tham gia hoạt động di chuyển thi thể, mai táng, hỏa táng thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Chương 3.
VỆ SINH TRONG MAI TÁNG, HỎA TÁNG NGƯỜI CHẾT DO DỊCH BỆNH NGUY HIỂM
Điều 12. Xử lý thi thể
1. Thân nhân người chết hoặc người phát hiện ra thi thể người chết do dịch bệnh nguy hiểm thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi thể được phát hiện.
2. Người tham gia xử lý thi thể được tập huấn về các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý thi thể. Khi tham gia xử lý thi thể mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (trang phục phòng hộ, kính che mắt, găng tay cao su, khẩu trang y tế, giầy hoặc ủng).
3. Bọc kín thi thể bằng túi đựng thi thể làm bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không bị bục, thủng, thành túi có độ dày ≥ 150µm; khóa kéo phải kín và cố định chắc chắn bằng dây buộc hoặc băng dính; khử khuẩn bên ngoài túi đựng thi thể bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính. Trường hợp không có túi đựng thi thể, bọc kín thi thể bằng 02 lớp vải, sau đó bọc kín thi thể bằng 02 lớp ni-lon; khử khuẩn bên ngoài lớp ni-lon thứ nhất bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính. Thực hiện tương tự với lớp ni-lon thứ hai.
4. Khử khuẩn toàn bộ các bề mặt khu vực có người chết và các vật dụng có tiếp xúc với thi thể bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính, cồn 70% hoặc các chế phẩm diệt khuẩn bề mặt; chất thải phát sinh trong quá trình xử lý thi thể được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm.
5. Sau khi công việc kết thúc, người tham gia xử lý thi thể phải tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân và thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm; rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
6. Đối với dịch bệnh nguy hiểm có yêu cầu về xử lý thi thể khác với quy định tại Điều này thì thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Điều 13. Vệ sinh trong quàn, khâm liệm thi thể
1. Thời gian quàn thi thể không quá 24 giờ kể từ khi chết hoặc phát hiện thi thể. Trường hợp phải quàn thi thể lâu hơn 24 giờ thì phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ -10°C trở xuống.
2. Đóng kín quan tài. Dán kín các khe hở của quan tài (nếu có) để bảo đảm không bị rò rỉ, thấm nước, không bị bục, vỡ trong quá trình di chuyển.
3. Chất thải phát sinh được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm.
Điều 14. Vệ sinh trong vận chuyển quan tài chứa thi thể
1. Người đi cùng phương tiện vận chuyển quan tài chứa thi thể mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (kính che mắt, găng tay cao su, khẩu trang y tế, giầy hoặc ủng).
2. Ngay sau khi vận chuyển quan tài chứa thi thể tới nơi mai táng, hỏa táng phải khử khuẩn toàn bộ bề mặt phương tiện chở quan tài bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính, cồn 70% hoặc các chế phẩm diệt khuẩn bề mặt.
3. Sau khi công việc kết thúc, người đi cùng phương tiện vận chuyển quan tài chứa thi thể phải tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân và thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm; rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
Điều 15. Vệ sinh trong tổ chức tang lễ
1. Người tổ chức và tham gia tang lễ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Vệ sinh nhà tang lễ, khu vực tang lễ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này; chất thải tiếp xúc trực tiếp với quan tài được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm.
Điều 16. Vệ sinh trong mai táng, hỏa táng
1. Khi mai táng thi thể, tiến hành rắc một lớp vôi bột xung quanh thành và đáy huyệt trước khi đặt quan tài xuống huyệt. Trước khi lấp đất, rắc một lớp vôi bột ở xung quanh và trên mặt quan tài.
2. Sau khi mai táng, hỏa táng phải vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ, thiết bị dùng để mai táng, vận chuyển thi thể đến lò hỏa táng, khu vực mai táng, hỏa táng bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính, cồn 70% hoặc các chế phẩm diệt khuẩn bề mặt.
3. Người trực tiếp tham gia hoạt động mai táng, hỏa táng sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (kính che mắt, găng tay cao su, khẩu trang y tế, giầy hoặc ủng) trong suốt quá trình thực hiện công việc. Sau khi công việc kết thúc cởi bỏ phương tiện bảo vệ cá nhân, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
4. Chất thải tiếp xúc trực tiếp với quan tài và phương tiện bảo vệ cá nhân được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm.
Điều 17. Vệ sinh trong hoạt động cải táng
Vệ sinh trong hoạt động cải táng thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế: chỉ đạo, hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trong kiểm tra việc thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng trên địa bàn quản lý;
c) Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động cộng đồng thực hiện bảo đảm vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng trên địa bàn;
d) Tổ chức tập huấn về biện pháp phòng, chống dịch và xử lý thi thể người chết do dịch bệnh nguy hiểm cho người tham gia xử lý thi thể;
đ) Bố trí các nguồn lực cần thiết cho việc tổ chức thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2022.
2. Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 20. Tổ chức thực hiện
Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) để xem xét giải quyết./.