THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách
trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
_________________________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 13/2010/NĐ-CP);
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP như sau:
Chương I
TRỢ CẤP, TRỢ GIÚP
Điều 1. Đối tượng
1. Đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp xã hội hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và được sửa đổi theo các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, nay hướng dẫn thêm như sau:
a) Người từ 85 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội vẫn được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP;
“Lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội” gồm: lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (kể cả lương hưu theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ); trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; trợ cấp tuất hàng tháng; trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp hàng tháng của công nhân cao su nghỉ việc; trợ cấp hàng tháng của cán bộ xã nghỉ việc theo quy định tại Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ; trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
b) “Người tàn tật nặng không có khả năng lao động” quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được sửa đổi theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP là người từ đủ 15 tuổi trở lên bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể lao động, được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận;
c) “Người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ” quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được sửa đổi theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP là người tàn tật không có khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận;
d) “Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động” quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là người bị nhiễm HIV/AIDS theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, không còn khả năng lao động được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận;
e) “Người đơn thân” quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là người không có chồng hoặc vợ; chồng hoặc vợ đã chết; chồng hoặc vợ mất tích theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự.
2. Đối tượng bảo trợ xã hội được xem xét tiếp nhận vào nhà xã hội tại cộng đồng quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.
3. Đối tượng bảo trợ xã hội được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội gồm các đối tượng được quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
4. Đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ giúp đột xuất (một lần) theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, nay hướng dẫn thêm như sau:
a) “Người bị thương nặng” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là người bị thương phải cấp cứu hoặc phải điều trị nội trú tại cơ sở y tế;
b) “Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là hộ gia đình phải di dời khẩn cấp nhà ở từ nơi ở cũ đến nơi ở mới do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét theo Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện;
c) “Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú dẫn đến bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là người gặp rủi ro ngoài địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Điều 2. Xác định trợ cấp, trợ giúp
1. Trợ cấp, trợ giúp xã hội thường xuyên
a) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương áp dụng mức chuẩn quy định tại Điều 7 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, được sửa đổi theo khoản 4 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP thì mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với từng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP.
Ví dụ 1: Cháu Nguyễn Văn B, 6 tuổi mồ côi cả cha và mẹ, cháu B bị tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ, cư trú tại tỉnh B có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Như vậy, Cháu B vừa là đối tượng thuộc diện trẻ em mồ côi, vừa là đối tượng người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ. Hệ số trợ cấp xã hội cao nhất đối với cháu B là 2,0 (hệ số đối với người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ). Mức trợ cấp hàng tháng của cháu B là:
180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng.
Ví dụ 2: Gia đình ông Nguyễn Văn D cư trú tại tỉnh H có 2 con là Nguyễn Thị P, 18 tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ (hệ số 2,0) và Nguyễn Văn Q, 29 tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người mắc bệnh tâm thần quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, được sửa đổi theo khoản 2 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP (hệ số 1,5). Tỉnh H có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Gia đình ông D được hưởng hai chế độ trợ cấp hàng tháng sau:
- Trợ cấp đối với chị P và anh Q:
+ Chị P: 180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng.
+ Anh Q: 180.000 đồng x 1,5 = 270.000 đồng.
- Trợ cấp đối với hộ gia đình ông D:
180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng.
Tổng các khoản trợ cấp gia đình ông D được hưởng hàng tháng như sau:
360.000 đồng + 270.000 đồng + 360.000 đồng = 990.000 đồng
Ví dụ 3: Chị Nguyễn Thị A thuộc hộ nghèo, có chồng đã chết đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi, bản thân chị A là người bị tàn tật nặng, không có khả năng lao động, cư trú tại tỉnh H có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Chị A sẽ được hưởng hai chế độ trợ cấp sau:
- Trợ cấp đối với người tàn tật nặng:
180.000 đồng x 1,0 = 180.000 đồng.
- Trợ cấp đối với người đơn thân nuôi con nhỏ:
180.000 đồng x 1,5 = 270.000 đồng.
Tổng các khoản trợ cấp chị A được hưởng hàng tháng như sau:
180.000 đồng + 270.000 đồng = 450.000 đồng.
b) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương quyết định mức chuẩn cao hơn mức chuẩn quy định tại Điều 7 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP được sửa đổi theo khoản 4 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP thì mức trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng đối với từng nhóm đối tượng được tính như sau:
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng
|
=
|
Mức chuẩn của tỉnh, thành phố
|
x
|
Hệ số trợ cấp đối với từng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP
|
Ví dụ 4: Mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng của tỉnh Y là 200.000 đồng/người/tháng. Ông Trần Văn C, 66 tuổi, cô đơn không nơi nương tựa, bị tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ, cư trú tại tỉnh Y. Như vậy, ông Trần Văn C vừa là đối tượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, vừa là đối tượng người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ. Ông Trần Văn C được hưởng hệ số trợ cấp xã hội cao nhất là 2,0 (hệ số đối với người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ). Mức trợ cấp hàng tháng của ông Trần Văn C là:
200.000 đồng x 2,0 = 400.000 đồng.
2. Mức trợ cấp cứu trợ đột xuất thấp nhất được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, được sửa đổi theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức chuẩn cao hơn mức chuẩn quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP thì áp dụng mức quy định của địa phương.
Chương II
HỒ SƠ, THỦ TỤC
Điều 3. Hồ sơ trợ cấp xã hội thường xuyên
1. Hồ sơ trợ cấp xã hội tại cộng đồng đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 9 Điều 4 và đối tượng sống ở nhà xã hội quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP gồm:
a) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp của đối tượng hoặc gia đình, người thân, người giám hộ (Mẫu số 1);
b) Sơ yếu lý lịch của đối tượng hưởng trợ cấp;
c) Biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Hội đồng xét duyệt cấp xã) (Mẫu số 4) hoặc văn bản xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên đối với người khuyết tật;
d) Văn bản xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền đối với người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS;
đ) Văn bản kết luận của Hội đồng xét duyệt cấp xã đối với những trường hợp có ý kiến thắc mắc, khiếu nại, tố cáo sau khi đã niêm yết công khai.
e) Quyết định của cơ sở bảo trợ xã hội về việc chuyển đối tượng về gia đình hoặc nhà xã hội (Mẫu số 8).
2. Hồ sơ trợ cấp xã hội tại cộng đồng đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP gồm:
a) Đơn nhận nuôi trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi (Mẫu số 3 );
b) Bản sao giấy khai sinh của trẻ em được nhận nuôi;
c) Sơ yếu lý lịch của trẻ em được nhận nuôi;
d) Đối với cá nhân làm sơ yếu lý lịch và bản sao chứng minh thư nhân dân
đ) Đối với gia đình thì làm bản sao giấy đăng ký kết hôn và bản sao chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng;
e) Các văn bản quy định tại các điểm c, d và đ của khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ trợ cấp xã hội tại cộng đồng đối với đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, được sửa đổi theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, gồm:
a) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp của gia đình;
b) Các quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của đối tượng (bản sao).
4. Hồ sơ của đối tượng nuôi dưỡng ở Cơ sở bảo trợ xã hội
Hồ sơ của đối tượng nuôi dưỡng ở Cơ sở bảo trợ xã hội được thực hiện theo Điều 22 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể Cơ sở bảo trợ xã hội.
5. Hồ sơ hỗ trợ kinh phí mai táng gồm:
a) Đơn hoặc văn bản đề nghị của gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức đứng ra tổ chức mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị chết (Mẫu số 2);
b) Bản sao giấy chứng tử.
Điều 4. Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, tiếp nhận vào nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội
1. Để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc tiếp nhận vào nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội thì đối tượng hoặc gia đình, người giám hộ phải làm đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã.
2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng, nếu đối tượng đủ tiêu chuẩn thì niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (thời gian niêm yết là 7 ngày); kể từ ngày hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt hoàn thiện hồ sơ theo quy định và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và công khai trước nhân dân.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho từng đối tượng cụ thể (Mẫu số 5 và Mẫu số 7).
4. Thủ tục tiếp nhận, thẩm quyền tiếp nhận và đưa ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội được thực hiện theo Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể Cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 5. Thủ tục điều chỉnh mức trợ cấp, chấm dứt hưởng trợ cấp
1. Khi đối tượng có sự thay đổi về điều kiện hưởng chính sách thì Hội đồng xét duyệt cấp xã xem xét và kết luận. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định điều chỉnh mức trợ cấp hoặc thôi hưởng trợ cấp (Mẫu số 6).
Điều 6. Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp hàng tháng khi thay đổi địa phương nơi cư trú
1. Khi đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ở một địa phương chuyển đi nơi khác thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cũ quyết định thôi hưởng trợ cấp (Mẫu số 6) và viết giấy giới thiệu (Mẫu số 9) nhận trợ cấp hàng tháng đến cấp huyện nơi cư trú mới kèm theo hồ sơ đang hưởng trợ cấp của đối tượng.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy giới thiệu của nơi cư trú cũ của đối tượng và hồ sơ hưởng trợ cấp của đối tượng thì Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội nơi cư trú mới có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp của đối tượng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định hưởng trợ cấp theo mức của địa phương đến (Mẫu số 5).
Điều 7. Thủ tục trợ cấp mai táng
1. Để được hưởng trợ cấp mai táng thì đại diện gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức đứng ra tổ chức mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng bị chết phải làm đủ hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản 5, Điều 3, Thông tư liên tịch này gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã.
2. Cơ quan, tổ chức đứng ra tổ chức mai táng cho người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết thì gửi văn bản đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ của đối tượng theo quy định và gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cấp xã gửi hoặc cơ quan, tổ chức đứng ra tổ chức mai táng cho người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho từng trường hợp cụ thể (Mẫu số 10).
Điều 8. Hồ sơ, thủ tục trợ cấp đột xuất
1. Trưởng thôn lập danh sách đối tượng trợ cấp đột xuất theo các nhóm đối tượng quy định tại Điều 6, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP kèm theo biên bản họp thôn (nếu có) gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã triệu tập họp khẩn cấp Hội đồng xét duyệt thống nhất danh sách đối tượng cứu trợ đột xuất đề nghị cấp huyện hỗ trợ. Nếu cấp xã có nguồn cứu trợ dự phòng thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cấp thiết.
3. Sau khi được cấp huyện hỗ trợ, cấp xã tổ chức cứu trợ cho đối tượng và thực hiện việc công khai theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư.
4. Cơ sở y tế trực tiếp cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP làm văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định.
5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Giám đốc bệnh viện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng cho người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết (trường hợp gia đình không biết để mai táng) làm văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đề nghị cấp kinh phí mai táng theo quy định.
6. Trường hợp cấp huyện không đủ kinh phí cứu trợ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xem xét, hỗ trợ.
Chương III
KINH PHÍ THỰC HIỆN
Điều 9. Kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, được sửa đổi theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này như sau:
a) Kinh phí chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý và đối tượng bảo trợ xã hội sống trong nhà xã hội tại cộng đồng được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội theo phân cấp ngân sách của địa phương.
b) Kinh phí trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội:
- Đối với cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm trong dự toán chi đảm bảo xã hội.
- Đối với cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách cấp huyện.
c) Kinh phí tuyên truyền, phổ biến chính sách, khảo sát thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý đối tượng, kinh phí hoạt động chi trả trợ cấp xã hội thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội được lập, phân bổ, sử dụng, quản lý và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn Luật và quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch này.
Riêng năm 2010, đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí tăng thêm năm 2010 do thực hiện Nghị định số 13/2010/NĐ-CP trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán theo quy định.
Điều 10. Nội dung chi và mức chi cho công tác quản lý
1. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Chi cho các hoạt động quản lý đối tượng:
- Chi văn phòng phẩm; in ấn biểu mẫu; mua sổ, sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý. Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chi họp Hội đồng xét duyệt cấp xã. Mức chi bồi dưỡng cho thành phần Hội đồng xét duyệt cấp xã tối đa 20.000 đồng/người/buổi.
- Chi thù lao cho cá nhân trực tiếp chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng đến đối tượng hưởng trợ cấp xã hội (nếu được huyện phân cấp) thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này.
b) Chi tuyên truyền, phổ biến chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội đến người dân. Mức chi theo quy định hiện hành về tuyên truyền, phổ biến, pháp luật.
2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội:
a) Chi cho các hoạt động quản lý đối tượng:
- Chi văn phòng phẩm; in ấn biểu mẫu, phiếu lĩnh trợ cấp, danh sách đối tượng chi trả; mua sổ, sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý. Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chi thẩm định hồ sơ đề nghị trợ cấp, trợ giúp xã hội. Mức chi 10.000 đồng/hồ sơ.
- Chi thù lao cho cá nhân trực tiếp chi trả trợ cấp hàng tháng hoặc phí chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ đến đối tượng hưởng trợ cấp xã hội (đối với địa phương thực hiện thí điểm chi trả thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ):
+ Mức chi cụ thể đối với cá nhân và số lượng cá nhân làm công tác chi trả do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện thực tế về số lượng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và điều kiện địa lý của từng xã, phường, thị trấn, nhưng mức chi thù lao tối đa là 350.000 đồng/người/tháng; số lượng người làm công tác chi trả tối đa 2 người/xã;
+ Mức phí chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt căn cứ theo Đề án thí điểm chi trả trợ cấp xã hội thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ ở địa phương.
- Chi điều tra, rà soát, thống kê số liệu đối tượng. Nội dung và mức chi điều tra, khảo sát thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn quản lý kinh phí chi các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.
- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng. Mức chi căn cứ vào nhu cầu và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chi xăng dầu, thông tin liên lạc. Mức chi căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.
- Chi thuê mướn khác phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng. Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).
b) Chi phổ biến chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cho cán bộ thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Mức chi theo quy định hiện hành về tuyên truyền phổ biến, pháp luật.
c) Chi khác liên quan đến công tác thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
a) Chi cho các hoạt động quản lý đối tượng:
- Chi văn phòng phẩm; in ấn biểu mẫu, phiếu lĩnh trợ cấp, danh sách đối tượng chi trả; mua sổ, sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý. Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chi điều tra, rà soát, thống kê số liệu đối tượng. Nội dung và mức chi điều tra, khảo sát thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn quản lý kinh phí chi các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.
- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý đối tượng. Mức chi căn cứ vào nhu cầu và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý hồ sơ, quản lý đối tượng, quản lý chi trả trợ cấp cho đối tượng. Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Chi xăng dầu, thông tin liên lạc. Mức chi căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.
- Chi thuê mướn khác phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng. Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).
b) Chi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức chi thực hiện theo hình thức hợp đồng giữa cơ quan tuyên truyền và cơ quan thông tin đại chúng.
c) Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết. Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Chi khác liên quan đến công tác thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
4. Chi công tác quản lý tại Trung ương (bao gồm: Chi tập huấn nghiệp vụ, phổ biến chính sách, khảo sát thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý đối tượng, kiểm tra, giám sát) được lập, phân bổ, sử dụng và quyết toán trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 11. Thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp xã hội thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ ở địa phương
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ và địa bàn thực hiện thí điểm trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp xã hội thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ ở địa phương.
2. Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện.
3. Quy trình thực hiện chi trả:
a) Hàng tháng, căn cứ danh sách đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, phòng Lao động - Thương binh và xã hội lập dự toán gửi Phòng Tài chính và Kho bạc nhà nước nơi giao dịch đề nghị chuyển tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ đã ký hợp đồng chi trả (kèm theo danh sách đối tượng hưởng trợ cấp).
b) Hàng tháng đơn vị cung cấp dịch vụ tiến hành chi trả, tổng hợp danh sách đối tượng nhận tiền trợ cấp gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân cấp xã để theo dõi, kiểm tra.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã
1. Thành lập Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập. Thành phần Hội đồng bao gồm:
a) Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã) là Chủ tịch Hội đồng;
b) Công chức cấp xã phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;
d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội người cao tuổi cấp xã.
2. Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn (bao gồm đối tượng trợ giúp thường xuyên và đột xuất) bằng sổ hoặc phần mềm vi tính; theo dõi sự biến động của đối tượng để kịp thời bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách những đối tượng không đủ tiêu chuẩn.
3. Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng kịp thời, đủ, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
4. Cập nhật danh sách đối tượng trợ giúp thường xuyên hàng tháng (nếu có biến động, bổ sung đối tượng mới hoặc giảm đối tượng do chết hoặc không còn đủ điều kiện hưởng) gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định trợ cấp/thôi/ngừng trợ cấp.
5. Định kỳ trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hàng năm báo cáo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân cấp huyện về số lượng đối tượng bảo trợ xã hội, tình hình thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên và đột xuất (biểu số 1, mẫu số 11).
6. Quản lý hoạt động nhà xã hội và phối hợp hoạt động với các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn.
7. Đối với chính sách trợ giúp đột xuất: tổ chức cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng và hỗ trợ các đối tượng sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và cuộc sống.
Điều 14. Trách nhiệm của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội
1. Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn bao gồm: đối tượng trợ giúp thường xuyên, đột xuất; tiếp nhận quản lý hồ sơ gia đình, cá nhân đang nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi do cấp tỉnh bàn giao bằng hồ sơ, sổ hoặc phần mềm vi tính.
2. Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát cấp xã trong việc xác định và quản lý đối tượng; tổ chức thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp trên địa bàn.
3. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội của cấp xã, tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.
4. Lập dự toán kinh phí chi trợ cấp hàng tháng theo Biểu số 2 (đính kèm), trợ giúp đột xuất (mẫu số 11); kinh phí tuyên truyển, phổ biến chính sách, khảo sát thống kê ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý đối tượng; kinh phí hoạt động chi trả trợ cấp xã hội trên địa bàn gửi Phòng Tài chính tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và thanh quyết toán kinh phí trợ cấp thường xuyên và đột xuất theo quy định hiện hành.
5. Đối với những địa phương thí điểm hình thức chi trả trợ cấp thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ địa phương, hàng tháng gửi danh sách chi trả trợ cấp cho đơn vị cung cấp dịch vụ; lập dự toán đề nghị Kho bạc nhà nước huyện chuyển kinh phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện chi trả đến đối tượng; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc triển khai công tác chi trả trợ cấp cho đối tượng.
6. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình, kết quả thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước ngày 30 tháng 6 và ngày 31 tháng 12 hàng năm (Biểu số 2, Mẫu số 11).
7. Quản lý cơ sở bảo trợ xã hội do cấp huyện thành lập.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng mức trợ cấp, trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
2. Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.
3. Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát cấp huyện tổ chức quản lý, thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Đề án thí điểm thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thông qua các cơ quan cung cấp dịch vụ ở những địa phương có điều kiện.
4. Lập dự toán và dự kiến phân bổ kinh phí bảo đảm xã hội cho cấp huyện theo Biểu số 3 (đính kèm) và các đơn vị trên địa bàn, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; trường hợp địa phương không đủ kinh phí cứu trợ đột xuất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 19 của Nghị định 67/2007/NĐ-CP.
5. Tổng hợp, báo cáo định kỳ trước ngày 15 tháng 1 và 15 tháng 7 hàng năm và báo cáo đột xuất tình hình thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Biểu số 3, Mẫu số 11).
6. Quản lý cơ sở bảo trợ xã hội do cấp tỉnh thành lập.
7. Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đối tượng bảo trợ xã hội ở cấp tỉnh và huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu, tổng hợp và gửi thông tin của đối tượng đã được định dạng theo chuẩn XML về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Cổng thông tin điện tử của Bộ) định kỳ, đột xuất theo quy định.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Thông tư liên tịch này thay thế các Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTHXH ngày 13 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Thông tư số 26/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 11 năm 2008 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.