• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 04/04/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 19/2008/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 28 tháng 1 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y

__________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Thú y là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Cục Thú y có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội và bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ dự thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ và các dự án, đề án theo sự phân công của Bộ trưởng. Trình Bộ trưởng dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng.

2. Trình Bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm và hàng năm; các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm, liên vùng, liên tỉnh và các chương trình, đề án, dự án, công trình quan trọng thuộc chuyên ngành, lĩnh vực quản lý của Cục theo sự phân công của Bộ trưởng.

3. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Thông báo kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý cho từng địa phương, đơn vị sau khi được Bộ phê duyệt kế hoạch tổng thể về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Trình Bộ công bố chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt; chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục.

5. Về phòng, chống dịch bệnh động vật (bao gồm cả thuỷ sản):

a) Trình Bộ trưởng công bố danh mục các bệnh phải công bố dịch; danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật, danh mục các bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; danh mục các bệnh phải kiểm tra định kỳ và danh mục các bệnh cấm giết mổ động vật trong từng thời kỳ; quyết định công bố dịch, dịch bệnh động vật mới nguy hiểm xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam, vùng có dịch xảy ra tại hai tỉnh trở lên, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và các biện pháp phòng bệnh bắt buộc đối với động vật và việc xử lý động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, khử trùng tiêu độc. Công bố hết dịch, bãi bỏ quyết định công bố vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, dịch bệnh động vật mới;

b) Quy định điều kiện, thủ tục công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo uỷ quyền của Bộ trưởng;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh động vật; phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh động vật; điều tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật. Chỉ đạo, kiểm tra và tổng hợp báo cáo thực hiện Chương trình quốc gia về khống chế, thanh toán dịch bệnh động vật;

d) Dự báo tình hình dịch bệnh động vật và các dịch bệnh lây từ động vật sang người. Hướng dẫn và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hư­ớng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật lây sang người;

đ) Quy hoạch, phân cấp, hướng dẫn thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc chẩn đoán bệnh động vật;

e) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; thẩm định công nhận và hủy bỏ công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo thẩm quyền;

g) Kiểm tra định kỳ dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi do Trung ương quản lý, các cơ sở giống quốc gia;

h) Tham gia các chương trình phòng, chống dịch bệnh động vật trong khu vực và thế giới theo chỉ đoạ của Bộ. Thực hiện nghĩa vụ thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật cho các tổ chức quốc tế và các nước liên quan.

6. Về kiểm dịch động vật (bao gồm cả thuỷ sản):

a) Ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch và quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật theo uỷ quyền của Bộ trưởng;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại cửa khẩu, ga, sân bay, bến cảng, bưu điện và vận chuyển trong nước đối với động vật, sản phẩm động vật theo phân cấp của Bộ; 

c) Tổ chức thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

d) Kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển của khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam đối với động vật, sản phẩm động vật qua các cửa khẩu, ga, sân bay, bến cảng và bưu điện theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của các tổ chức quốc tế hoặc thoả thuận song phương với nước nhập khẩu;

đ) Quản lý trang phục, sắc phục, thẻ kiểm dịch động vật và mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định.

7. Về kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y (bao gồm cả thuỷ sản):

a) Chủ trì xây dựng, trình Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh thú y;

b) Ban hành quy định về trình tự, thủ tục kiểm soát giết mổ, mẫu dấu kiểm soát giết mổ động vật, tem kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y, danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y, danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y bắt buộc phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh thú y trong từng thời kỳ và trình tự, thủ tục kiểm tra vệ sinh thú y theo uỷ quyền của Bộ trưởng;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát giết mổ động vật; kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật (bao gồm cả việc xác định các yêu tố vi sinh vật, ký sinh trùng; các yếu tố lý học, hóa học và chất tồn dư);

d) Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh con giống, nơi tập trung, nơi cách ly động vật, cơ sở giết mổ động vật và sơ chế sản phẩm động vật thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Đề xuất và chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

e) Thực hiện việc kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật để xuất khẩu.

8. Về quản lý thuốc thú y (bao gồm cả thuỷ sản):

a) Chủ trì xây dựng, trình  Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc thú y; công bố danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo quy định của pháp luật;

b) Quy định việc nghiên cứu, kiểm nghiệm, thử nghiệm, thủ tục đăng ký, công nhận thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được sản xuất, lưu hành tại Việt Nam; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc thú y; Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y phải áp dụng và phải được chứng nhận chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; cho phép nhập khẩu thuốc thú y, vắc xin chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định và uỷ quyền của Bộ trưởng;

c) Hướng dẫn, giải quyết việc đăng ký lưu hành, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, sản xuất, chế thử, gia công, sang chai, đóng gói lại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); nguyên liệu làm thuốc thú y; chế phẩm sinh học; vi sinh vật; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và hóa chất dùng trong thú y (sau đây gọi chung là thuốc thú y);

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thực hiện việc kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc thú y theo quy định của pháp luật;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh thuốc thuốc thú y và việc tiêu huỷ hoặc trả về nơi xuất xứ. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc thú y theo quy định của pháp luật;

e) Kiểm tra và giám sát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, sản xuất, chế thử, gia công, đóng gói lại, lưu hành, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y;

g) Kiểm tra việc sử dụng thuốc thú y bổ sung trong thức ăn chăn nuôi;

h) Trình Bộ việc lập quỹ và sử dụng dự trữ quốc gia về thuốc thú y. Hướng dẫn việc lập dự trữ địa phương về thuốc thú y, chế độ quản lý, phương thức sử dụng dự trữ về thuốc thú y ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

9. Cấp, thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề về thú y theo phân cấp của Bộ.

10. Đề xuất trình Bộ danh mục các chương trình, dự án đầu tư về thú y. Chủ trì thẩm định và thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư Bộ giao cho Cục. 

11. Tổ chức chỉ đạo công tác điều tra, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu về thú y theo quy định.

12. Về khoa học công nghệ:

a) Đề xuất, trình Bộ chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành;

b) Chủ trì thẩm định đề cương, đề tài nghiên cứu; đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện; nghiệm thu, quản lý kết quả và chỉ đạo triển khai kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Cục;

c) Quản lý thông tin khoa học công nghệ và cơ sở dữ liệu về chuyên ngành;

d) Tham gia xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công của Bộ trưởng.

13. Chỉ đạo triển khai hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực thú y theo phân công của Bộ trưởng.

14. Về hợp tác quốc tế:

a) Xây dựng, trình Bộ chương trình, dự án hợp tác quốc tế về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, các tổ chức quốc tế về thú y theo phân công của Bộ trưởng;

b) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo phân cấp của Bộ trưởng.

15. Về cải cách hành chính:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính theo kế hoạch của Bộ và sự chỉ đạo của Bộ trưởng;

b) Chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá và đề xuất, xây dựng hệ thống thể chế, pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục;

c) Chỉ đạo hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức trực thuộc Cục theo hướng phân công, phân cấp; trình Bộ phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho chính quyền địa phương;

d) Chỉ đạo thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính và cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hoá công sở, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Cục.

16. Về quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Cục:

a) Trình Bộ cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật về cung ứng dịch vụ công; về thực hiện xã hội hoá các hoạt động cung ứng dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực;

b) Ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, thời gian thực hiện cung ứng các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực;

c) Hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

17. Về quản lý nhà nước đối với hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng:

a) Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động trong ngành, lĩnh thuộc phạm vi quản lý của Cục; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu việc đề xuất, phản biện của hội, tổ chức phi Chính phủ để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực;

b) Kiến nghị việc xử lý các vi phạm pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong ngành, lĩnh vực.

18. Về tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức:

a) Xây dựng dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục; đề xuất việc thành lập, tổ chức lại các tổ chức trực thuộc Cục;

b) Quyết định thành lập Tổ công tác của Cục; quy định cụ thể về nhiệm vụ tự chủ, điều lệ tổ chức và hoạt động cho các tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc Cục theo quy định;

c) Trình Bộ kế hoạch biên chế hàng năm của Cục; quyết định phân bổ biên chế hành chính cho các cơ quan thuộc Cục;

d) Quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, công tác ở nước ngoài theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ;

đ) Quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức thuộc Cục;

e) Quyết định và thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí và quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong các đơn vị thuộc Cục;

g) Trình Bộ và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và việc tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành theo phân công của Bộ;

h) Tham gia xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Bộ trưởng;

i) Báo cáo thực hiện về công tác tổ chức, cán bộ và biên chế theo quy định.

19. Về thanh tra, kiểm tra:

a) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định;

b) Giải quyết hoặc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Cục; tổ chức việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phân cấp quản lý về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục. Thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

d) Cấp phát và quản lý việc sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu thanh tra đối với công chức thanh tra theo quy định.

20. Về quản lý tài chính, tài sản:

a) Trình Bộ dự toán ngân sách hàng năm và kế hoạch ngân sách trung hạn của Cục;

b) Chịu trách nhiệm quyết toán các nguồn kinh phí do Cục trực tiếp quản lý; quản lý và chịu trách nhiệm về tài sản của nhà nước được giao cho Cục theo phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật;

c) Tổ chức quản lý việc thu và sử dụng phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

21. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công, phân cấp của Bộ trưởng.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Cục:

Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.

Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Bộ máy quản lý:

a) Phòng Dịch tễ thú y;

b) Phòng Kiểm dịch động vật;

c) Phòng Quản lý thuốc thú y;

d) Phòng Kế hoạch;

đ) Phòng Tài chính;

e) Thanh tra Cục;

g) Văn phòng Cục;

h) Bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh.

3. Các cơ quan trực thuộc:

a) Cơ quan Thú y vùng I;

b) Cơ quan Thú y vùng II;

c) Cơ quan Thú y vùng III;

d) Cơ quan Thú y vùng IV;

đ) Cơ quan Thú y vùng V;

e) Cơ quan Thú y vùng VI;

g) Cơ quan Thú y vùng VII;

h) Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn;

i) Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai;

k) Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh.

4. Các đơn vị sự nghiệp:

a) Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương;

b) Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y trung ương I;

c) Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y trung ương II;

d) Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương I;

đ) Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương II.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Thú y quy định tại Khoản 3 và 4 Điều này có con dấu, kinh phí hoạt động và tài khoản riêng theo quy định.

Cục trưởng Cục Thú y quyết định thành lập các Trạm Kiểm dịch động vật, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật thuộc Khoản 3 Điều này, quy định chức năng, nhiệm vụ, bổ nhiệm cán bộ các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp của Bộ và ban hành Quy chế làm việc của Cục.

Ðiều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 89/2003/QĐ-BNN ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Cục Thú y và các quy định của Bộ trước đây trái với Quyết định này.

Ðiều 5. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Thú y, Chánh Văn phòng, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.