• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/07/2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 124/2003/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 17 tháng 6 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hoá

các dân tộc thiểu số Việt Nam

__________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (văn bản số 1109/CP-VX ngày 17 tháng 9 năm 1998);

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (Công văn số 200 TTr- BVHTT ngày 24 tháng 12 năm 2002),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam" với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: "Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam".

2. Chủ Đề án: Bộ Văn hoá - Thông tin;

3. Các cơ quan phối hợp chủ yếu: Uỷ ban Dân tộc, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng (Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng), Bưu chính - Viễn thông, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan.

4. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2003 đến năm 2010.

5. Mục tiêu tổng quát:

a) Bảo tồn, kế thừa có chọn lọc và phát huy những tinh hoa văn hoá truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hoá, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số;

b) Phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ những người sáng tác văn học - nghệ thuật là người các dân tộc thiểu số;

c) Tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hoá - nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, thông tin; phát triển các hoạt động văn hoá văn nghệ lành mạnh;

d) Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao dân trí, xoá bỏ tập tục lạc hậu, góp phần phát triển du lịch, xoá đói, giảm nghèo.

6. Nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số:

a) Điều tra, khảo sát, thống kê, quản lý, trùng tu các di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu vực sinh thái đặc biệt, vườn quốc gia ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số;

b) Sưu tầm, giữ gìn, nghiên cứu, giới thiệu các kiểu kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, công cụ sản xuất, hàng thổ cẩm, đồ gốm - sứ của các dân tộc thiểu số trong các bảo tàng, các trung tâm văn hoá, các triển lãm và trong đời sống hàng ngày; ngăn chặn việc thất thoát, hư hại các di vật, cổ vật quí của các dân tộc còn đang tiềm ẩn trong đồng bào;

c) Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, lưu giữ các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc; sáng tạo những giá trị mới về văn học, nghệ thuật trên cơ sở kế thừa và phát huy những sắc thái riêng, độc đáo truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức và hướng dẫn những biện pháp quản lý, giữ gìn, phát huy các hoạt động văn hoá lễ hội truyền thống, phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc thiểu số; lựa chọn một số địa chỉ (thôn, bản, buôn, phun, sóc, plây) tập trung phong phú, đặc sắc về văn hoá truyền thống của từng dân tộc để bảo tồn và phát huy;

d) Điều tra, khảo sát, phân loại, bảo tồn, phát huy và phát triển các nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực của các dân tộc thiểu số;

đ) Cùng với việc phổ cập tiếng Việt, cần sử dụng rộng rãi hơn tiếng nói, chữ viết của từng dân tộc trong việc truyền bá, giao lưu văn hoá, thông tin kinh tế khoa học - kỹ thuật, luật pháp, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

e) Phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin, nâng cao mức hưởng thụ của đồng bào:

Củng cố, phát triển về chất và lượng các đội chiếu bóng, đội thông tin lưu động, các đội văn nghệ quần chúng, các thư viện, tủ sách kết hợp với các điểm Bưu điện - văn hoá xã; tăng cường đưa văn hoá, nghệ thuật về cơ sở phục vụ đồng bào với những nội dung, chương trình phù hợp; tăng cường củng cố, phát triển toàn diện hệ thống thông tin cơ sở; đẩy mạnh các hình thức giao lưu văn hoá, nghệ thuật giữa các vùng dân tộc thiểu số.

g) Xây dựng gia đình, bản, làng (buôn, plây, phun, sóc) văn hoá:

- Xây dựng các mô hình, tiêu chuẩn quy ước phù hợp;

- Tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập nắm vững mô hình, tiêu chuẩn quy ước và tự nguyện đăng ký thực hiện;

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện xây dựng gia đình, bản, làng văn hoá trong phong trào thi đua của địa phương.

h) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

Nâng cao trình độ nhận thức chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước về văn hoá dân tộc và năng lực quản lý công tác chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và cộng tác viên nòng cốt có đủ khả năng tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động văn hoá, thông tin ở cơ sở.

Đối tượng chính là cán bộ cấp huyện, xã, cơ quan, đơn vị, trường học; trong đó chú trọng đào tạo cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số.

7. Địa bàn bảo tồn và phát huy những di sản truyền thống các dân tộc thiểu số:

a) Những địa bàn có nguy cơ cao trong việc thất thoát các sản phẩm văn hoá truyền thống (di vật, cổ vật quý và các sản phẩm văn hoá phi vật thể);

b) Những dân tộc có số lượng người ít, trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn, không có điều kiện để tự bảo vệ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc mình (như các dân tộc: Slila, La Hủ, Rục, Rắc Lai, Brâu,...);

c) Những vùng do các tác động tiêu cực, bản sắc dân tộc của văn hoá đã và đang bị xoá nhoà, khiến người dân chưa thật sự coi trọng di sản văn hoá dân tộc;

d) Những vùng nằm trong quy hoạch của các dự án xây dựng các công trình công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải,... để phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, phải di dời làng, bản... đến tái định cư ở địa bàn mới;

đ) Ưu tiên cho những địa bàn trọng điểm là những vùng đồng bào hiện có mức hưởng thụ thấp về văn hoá, thông tin như biên giới, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của miền núi (KV3), các địa bàn thuộc An toàn Khu và Chiến khu trong cách mạng và kháng chiến, vùng trọng điểm tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số như Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nam bộ và vùng cao. Chú trọng các địa bàn trọng điểm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có truyền đạo trái phép và vùng đặc biệt khó khăn (135).

8. Giải pháp thực hiện:

Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương trong từng thời gian, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:

a) Thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và trong toàn ngành văn hoá - thông tin;

b) Tăng cường công tác quản lý của Nhà nước tại các cấp, các ngành và các địa phương;

c) Đẩy mạnh công tác tổ chức và cán bộ;

d) Tăng cường cơ sở vật chất và trang bị cho hoạt động văn hoá, thông tin;

đ) Đẩy mạnh các hình thức xã hội hoá thích hợp trong các hoạt động văn hoá, thông tin ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm huy động tiềm lực sẵn có ở cơ sở của các địa phương, các ngành, các lực lượng và của người dân để nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần của đồng bào,

e) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu những mô hình, phổ biến những kinh nghiệm, những điển hình tốt trong các hoạt động văn hoá, thông tin để khích lệ và học tập lẫn nhau.

9. Nguồn vốn:

a) Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Văn hoá - Thông tin (xây dựng cơ bản, hoạt động sự nghiệp và vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá);

b) Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các địa phương, trong đó có khoản ngân sách dành cho hoạt động văn hoá, thông tin;

c) Nguồn ngân sách của các ngành dành cho hoạt động văn hoá, thông tin;

d) Đóng góp của nhân dân;

đ) Đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội;

e) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, cùng các cơ liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai đề án này.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và theo sự phân công của chủ đề án tổ chức triển khai các nội dung được phân công.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nội dung đề án và theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, bố trí kinh phí để thực hiện.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, lồng ghép thực hiện đề án này với các đề án về văn hoá - xã hội, "Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2005" đã được Chính phủ phê duyệt.

Điều 3.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.