THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn nội dung, mức chi và quản lý kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2005
Căn cứ Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 04/05/2001 của Thủ tướng Chính phủ "Về các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005";
Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/03/2002 của Thủ tướng Chính phủ "Về quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia";
Căn cứ Quyết định số 19/2003/QĐ-TTg ngày 28/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2005";
Căn cứ Quyết định số 31/2003/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự án Xây dựng một số làng, bản, buôn văn hoá ở vùng có hoàn cảnh đặc biệt vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2001 - 2005;
Căn cứ Quyết định số 124/2003/QĐ-TTg ngày 17/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá;
Căn cứ Thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính số 01/2003/TTLT/BKH-BTC ngày 06/01/2003 Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 42/2002/QĐ/TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn một số nội dung, mức chi và quản lý kinh phí đối với các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2005 như sau:
A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng thực hiện Thông tư này là các đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.
2. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá được cân đối trong dự toán chi ngân sách Trung ương, được sử dụng theo đúng các nội dung hoạt động của chương trình.
Việc cấp phát, quản lý, thanh quyết toán kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Các Bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính các cấp quản lý chặt chẽ kinh phí của Chương trình, kiểm tra các khoản chi tiêu theo đúng mục tiêu, nội dung, chế độ quy định.
3. Ngoài kinh phí do ngân sách Trung ương cấp cho các Bộ, ngành và các địa phương; Các cấp chính quyền địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần huy động thêm các nguồn kinh phí khác như: đóng góp tự nguyện của cá nhân, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước (bằng tiền, hiện vật, công lao động...), bổ sung từ ngân sách địa phương và kinh phí của các Bộ, ngành để thực hiện các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.
Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí huy động thêm thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này và các chế độ quản lý tài chính hiện hành.
B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CHUNG CỦA CÁC DỰ ÁN
1. Tổ chức biên soạn và dịch tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của từng Dự án, mức chi cụ thể như sau:
- Biên soạn tài liệu chuyên môn nghiệp vụ được nghiệm thu. Mức chi tối đa không quá 50.000 đồng/trang tiêu chuẩn 300 từ;
- Dịch và hiệu đính tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Mức chi tối đa không quá 40.000 đồng/ trang tiêu chuẩn 300 từ.
- Dịch và hiệu đính tài liệu từ tiếng nước ngoài và tiếng các dân tộc thiểu số của Việt Nam sang tiếng Việt. Mức chi tối đa không quá 35.000 đồng/trang tiêu chuẩn 300 từ.
2. Đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ trong nước. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước;
3. Đào tạo, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài do Ban Chủ nhiệm Chương trình quyết định. Mức chi theo các qui định hiện hành đối với cán bộ được cử đi công tác nước ngoài;
4. Điều tra, sưu tầm theo các nội dung chuyên môn của từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 114/2000/TT-BTC ngày 27/11/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí các cuộc điều tra thuộc nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước;
5. Chi vốn đối ứng trong nước đối với các dự án vay vốn ODA, viện trợ nước ngoài (nếu có) đã được quy định trong Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế theo quy định hiện hành;
6. Các khoản chi khác liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.
II. NỘI DUNG VÀ MỘT SỐ MỨC CHI CHỦ YẾU:
1. Dự án Chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử, cách mạng và kháng chiến:
1.1. Chi lập dự án, thiết kế, khảo cổ, trùng tu, bảo quản, tôn tạo... các di tích lịch sử, cách mạng và kháng chiến theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Quy chế đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành;
1.2. Chi mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, bảo quản di tích theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành về mua sắm tài sản;
Mức chi cho các nội dung 1.1; 1.2 do Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá- Thông tin thực hiện) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc địa phương thực hiện) căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
1.3. Chi bảo quản di tích bằng hoá chất theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin. Mức chi do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin quyết định cho từng tiểu dự án.
2. Dự án sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu và xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hoá phi vật thể:
2.1. Chi hỗ trợ điều tra, thống kê, hệ thống hoá, lập bản đồ di sản văn hoá phi vật thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Chi hỗ trợ điều tra, sưu tầm toàn diện, ghi chép, lưu giữ dưới các ấn phẩm băng, đĩa (cả hình và tiếng), tài liệu viết, in sách, trang phục, đạo cụ các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của một số địa phương và dân tộc ít người.
Mức hỗ trợ chung cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tối đa là 50 triệu đồng, số còn lại do ngân sách của địa phương bố trí. Đối với các tỉnh miền núi có khó khăn hoặc các tỉnh có nhiều di sản văn hoá phi vật thể, mức hỗ trợ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định nhưng không quá 100 triệu đồng/tỉnh.
2.2. Chi xây dựng đề cương, bối cảnh, trang phục, đạo cụ, kịch bản, đạo diễn, hoá trang, thù lao, nhuận bút, trả công người cung cấp thông tin, chuyên gia hoặc nghệ nhân tư vấn nhằm nghiên cứu phục dựng và phổ biến một số loại hình sinh hoạt văn hoá- nghệ thuật truyền thống.
2.3. Chi trả công lao động người nhập số liệu, xây dựng thư mục để lưu trữ các giá trị văn hoá phi vật thể đã sưu tầm được, chi mua sắm trang thiết bị bảo quản kho ngân hàng dữ liệu.
2.4. Chi tuyên truyền các giá trị văn hoá phi vật thể trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh, Đài truyền hình, báo chí) và in sách, các ấn phẩm là băng, đĩa hình, chi trả thuê bao và cước phí hàng tháng phổ biến trên mạng Internet văn hoá phi vật thể Việt Nam.
Mức chi cho các nội dung 2.2, 2.3, 2.4 do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc địa phương thực hiện) căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
3. Dự án điều tra, bảo tồn một số làng, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là làng) tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc ít người:
3.1. Chi điều tra và lập hồ sơ một số làng tiêu biểu của dân tộc ít người hiện còn giữ được nhiều đặc trưng văn hoá cổ truyền. Chi tuyển chọn lập dự án và thực hiện thí điểm bảo tồn 2 - 3 làng đặc biệt tiêu biểu theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;
3.2. Chi hỗ trợ tổ chức lễ hội truyền thống đặc sắc của một số dân tộc ít người theo mức 50-100 triệu đồng/một lễ hội/năm; mức hỗ trợ cụ thể cho từng lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định; số còn lại do ngân sách địa phương bố trí và huy động từ các nguồn khác;
Mức chi cho các nội dung 3.1, 3.2 do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc địa phương thực hiện) căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
4. Xây dựng các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở, xây dựng mô hình hoạt động văn hoá thông tin ở làng, xã:
4.1. Chi hỗ trợ một lần (cho cả giai đoạn 2001-2005) mua trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của nhà văn hoá, làng văn hoá, đội thông tin lưu động (thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, ti vi, giá để sách, thiết bị chống cháy, chống ẩm mốc...). Mức hỗ trợ không quá: 60 triệu đồng cho một nhà văn hoá tỉnh; 30 triệu đồng cho một nhà văn hoá và một đội thông tin lưu động huyện; 15 triệu đồng cho một nhà văn hoá xã; 10 triệu đồng cho một làng đạt tiêu chuẩn văn hoá cấp tỉnh 3 năm liền; 15 triệu đồng cho một xã đặc biệt khó khăn; 100 triệu đồng cho một kho thư viện tỉnh;
4.2. Chi hỗ trợ một lần không quá100 triệu đồng (cho cả giai đoạn 2001-2005) xây dựng nhà văn hoá xã.
4.3. Chi mua xe ô tô chuyên dụng hoặc một thuyền văn hoá cho các đội thông tin lưu động huyện miền núi đặc biệt khó khăn theo giá đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định hiện hành về quản lý và mua sắm tài sản bằng kinh phí ngân sách nhà nước;
4.4. Chi hỗ trợ ban đầu không quá 200 triệu đồng/1cụm/1 cửa khẩu biên giới cho xây dựng cụm thông tin cổ động tại các cửa khẩu biên giới quốc gia gồm chi xây dựng tại chỗ cụm cổ động mang biểu trưng văn hoá Việt Nam và đặc trưng văn hoá của tỉnh có cửa khẩu biên giới; chi mua pa nô, tranh cổ động phục vụ cho thông tin theo chuyên đề tại cụm cổ động....
Mức chi do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc địa phương thực hiện) căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
Các nội dung chi 4.1, 4.2, 4.3 nêu trên ưu tiên trước hết cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc nhằm thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng.
5. Dự án đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã, phường văn hoá:
5.1. Chi nghiên cứu tiêu chuẩn xây dựng, định biên cán bộ, xếp hạng đối với từng loại đơn vị cơ sở như nhà văn hoá, thư viện, cụm văn hoá, làng văn hoá và chi nghiên cứu nội dung, phương pháp hoạt động các cấp, từng loại đơn vị cơ sở...;
5.2. Chi xây dựng chế độ khen thưởng gia đình, làng, xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hoá;
5.3. Chi nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hoá thông tin ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Mức chi do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc địa phương thực hiện) căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
6. Dự án cấp sản phẩm văn hoá thông tin cho cơ sở:
6.1. Chi hỗ trợ mua các sản phẩm văn hoá thông tin bao gồm sách, băng, đĩa có chương trình cho các xã đặc biệt khó khăn, các trường dân tộc nội trú theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Văn hoá -Thông tin hàng năm;
6.2. Chi hỗ trợ mua sách cho thư viện các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa theo số lượng và chủng loại do Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin quyết định hàng năm; chi hỗ trợ xây dựng thí điểm tủ sách lưu động cho thư viện tỉnh, thành phố để luân chuyển về thư viện cơ sở.
Mức chi thanh toán theo giá bán trừ chiết khấu theo quy định hiện hành và giá đặt hàng đã được cơ quan quản lý giá thẩm định.
7. Dự án phối hợp với Bộ tư lệnh biên phòng tăng cường hoạt động văn hoá thông tin tuyến biên giới và hải đảo:
7.1. Chi hỗ trợ mua trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ... cho các đồn Biên phòng. Mức hỗ trợ một lần (cho cả giai đoạn 2001 - 2005) không quá 30 triệu đồng/01 đồn biên phòng.
7.2. Chi hỗ trợ mua các sản phẩm văn hoá thông tin và tổ chức liên hoan văn hoá thông tin cho các đồn Biên phòng.
Mức chi thanh toán do Bộ Quốc phòng quyết định căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
8. Dự án hiện đại hoá khâu sản xuất phim:
Chi hỗ trợ mua trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ: như máy quay phim, thiết bị thu thanh, thiết bị in tráng phim...cho một số Hãng phim lớn của Trung ương, đảm bảo sản xuất được phim âm thanh lập thể theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin.
Mức chi theo giá trúng thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định hiện hành về quản lý và mua sắm tài sản bằng kinh phí ngân sách nhà nước.
9. Dự án trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại cho khâu phổ biến phim:
9.1. Chi hỗ trợ ban đầu không quá 500 triệu đồng/rạp để trang bị máy chiếu phim nhựa âm thanh lập thể cho một số rạp chiếu phim lớn có khả năng tạo doanh thu cao, số kinh phí còn thiếu do ngân sách của địa phương bố trí hoặc lấy từ nguồn của đơn vị được cấp máy.
9.2. Chi hỗ trợ bổ sung máy chiếu phim thích hợp cho các đội chiếu bóng lưu động hoạt động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với mức không quá: 90 triệu đồng để mua một máy chiếu phim 35 mm hoặc 54 triệu đồng để mua một máy video 100 inch.
10. Dự án đào tạo, nâng cao trình độ sử dụng trang thiết bị hiện đại trong sản xuất và phổ biến phim:
10.1. Chi đào tạo ngắn hạn cán bộ chuyên môn kỹ thuật sử dụng trang thiết bị hiện đại trong sản xuất và lưu trữ phim ở nước ngoài.
10.2. Chi thuê chuyên gia nước ngoài giảng dạy, nâng cao trình độ cho công nhân kỹ thuật sử dụng trang thiết bị hiện đại của ngành điện ảnh.
Mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước hoặc theo hợp đồng thoả thuận do Bộ trưởng Bộ Văn hoá -Thông tin phê duyệt.
11. Dự án trang thiết bị một số phương tiện chuyên dụng hiện đại để bảo quản lưu trữ phim tại Viện Phim Việt Nam:
Chi mua thiết bị hiện đại để bảo quản phim, mua máy chuyển đổi phim nhựa sang phim video để lưu trữ...
Mức chi thanh toán theo giá trúng thầu theo quy định hiện hành về quản lý và mua sắm tài sản bằng kinh phí ngân sách nhà nước.
12. Dự án Xây dựng một số làng, bản, buôn văn hoá ở vùng có hoàn cảnh đặc biệt:
12.1. Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng tụ điểm văn hoá cộng đồng tại 48 làng theo Quyết định số 1471/QĐ-BVHTT ngày 12/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc phê duyệt Dự án "Xây dựng một số làng, bản, buôn văn hoá ở vùng có hoàn cảnh đặc biệt" và thực hiện theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Quy chế đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Mức hỗ trợ cụ thể cho mỗi làng do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/một làng (chi bằng nguồn vốn đầu tư phát triển);
12.2. Chi hỗ trợ một lần (cho cả giai đoạn 2001-2005) mua các sản phẩm văn hoá thông tin để cấp cho 48 làng gồm: sách, băng, đĩa (cả hình và tiếng), bộ trang trí khánh tiết (ảnh Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc) không quá 15 triệu/làng.
Mức chi do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với phần nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc địa phương thực hiện) căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tài chính hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
12.3. Chi hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/làng/năm để tổ chức các hoạt động văn hoá thông tin tại 48 làng (nêu trên).
Mức chi thanh toán cho từng hoạt động do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Việc quản lý, lập dự toán, cấp phát, quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia văn hoá đến năm 2005 thực hiện theo quy trình, nội dung, thời gian, biểu mẫu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, văn bản hướng dẫn Luật và các quy định hiện hành.
Riêng trường hợp cấp bằng hiện vật (từ nguồn ngân sách trung ương) cho các địa phương, Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm thông báo đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biết về số lượng, đơn giá từng loại hiện vật mỗi lần cấp, để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân phối, theo dõi và quản lý. Khi Dự án kết thúc, việc bàn giao tài sản của Bộ Văn hoá - Thông tin cho các địa phương phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị theo dõi, quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả số hiện vật được cấp.
Hàng năm, Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm tổng hợp, quyết toán giá trị hiện vật đã cấp cho các địa phương cùng với quyết toán ngân sách chi chương trình mục tiêu của Bộ, kèm theo báo cáo tổng hợp số lượng từng loại hiện vật đã cấp trong năm cho từng địa phương. Các địa phương được cấp hiện vật từ Bộ Văn hoá - Thông tin không phải quyết toán giá trị hiện vật được cấp vào ngân sách địa phương, nhưng phải tổ chức mở sổ sách theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, sử dụng, tồn kho tài sản được cấp.
C. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Những quy định trước đây trái với nội dung quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.