• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/05/2011
UBND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 09/2011/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 19 tháng 5 năm 2011

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi và giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

_________________________________________

Thực hiện Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 21/3/2008 ban hành quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa các quy định về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Các đơn vị trực tiếp quản lý công trình thủy lợi, các địa phương trong toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện có kết quả các quy định của nhà nước trong việc cắm, quản lý, bảo vệ mốc phạm vi bảo vệ  công trình thủy lợi, bảo vệ vùng phụ cận, bảo vệ công trình thủy lợi góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Nhiều đơn vị trực tiếp quản lý công trình thủy lợi đã phối hợp tốt với địa phương trong quản lý, bảo vệ mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ vùng phụ cận, bảo vệ công trình thủy lợi; kịp thời ngăn chặn, giải toả những hiện tượng tái lấn chiếm phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi.

Tuy nhiên qua kiểm tra một số công trình thủy lợi, nhất là các công trình thủy lợi nội đồng và một số đơn vị quản lý công trình thủy lợi cho thấy: Việc cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, một số công trình thủy lợi quan trọng như hệ thống sông Bắc Hưng Hải cũng chưa được cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý; chưa coi mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là một hạng mục công trình thủy lợi phải được bảo vệ theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Do đó cho đến nay, mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ở một số công trình thủy lợi đã bị mất, hư hại nhiều nhưng đơn vị quản lý công trình thủy lợi chưa bổ sung, sửa chữa kịp thời. Công tác quản lý và giải tỏa vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi có lúc, có nơi còn chưa tốt, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm vùng phụ cận công trình thủy lợi. Do đó việc tái lấn chiếm, vi phạm vùng phụ cận công trình thủy lợi còn khá phổ biến, có xu hướng ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm, nhất là tại các khu vực dân cư, đô thị và khu công nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát nước của dòng chảy, sự an toàn của công trình, gây ngập úng và hạn hán một số vùng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống của nhân dân.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhất là trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 21/3/2008 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc Ban hành quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; đồng thời triển khai thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, thành phố cùng UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức giải toả ngay các vi phạm công trình thuỷ lợi, nhất là các vi phạm trực tiếp vào công trình thủy lợi, gây thu hẹp và ách tắc dòng chảy, đồng thời có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ công trình thủy lợi.

- Nghiêm cấm các xã, phường, thị trấn khoán, thầu kênh và sông trục để thả cá, trồng sen, ....Kiểm tra ngay các công việc trên, nếu phát hiện địa phương nào vi phạm phải yêu cầu địa phương đó thực hiện ngay việc thanh lý và chấm dứt hợp đồng đã giao kết, các trường hợp dây dưa kéo dài phải có biện pháp kiên quyết để giải quyết dứt điểm.

- Thành lập Ban chỉ đạo xử lý, giải toả các trường hợp vi phạm pháp luật về công trình thuỷ lợi tại các huyện, thành phố và phường, xã, thị trấn do một đồng chí lãnh đạo UBND huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn làm trưởng ban; Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó ban thường trực; Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện làm Phó ban (riêng thành phố Hưng Yên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và thoát nước thành phố Hưng Yên làm Phó ban); thành viên là lãnh đạo các ngành: Công an, Quân sự, Thanh tra nhà nước, Tư pháp, Viện kiểm sát, Tài nguyên và Môi trường (các ban chỉ đạo ở xã, phường, thị trấn có thêm trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn). Ban chỉ đạo giải toả vi phạm công trình thuỷ lợi huyện, thành phố có nhiệm vụ:

+ Rà soát, lập danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm và hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định; lập kế hoạch xử lý, giải tỏa cụ thể, chi tiết; trực tiếp chỉ đạo thực hiện giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo theo đúng trình tự quy định của pháp luật.  

+ Thông báo kế hoạch giải tỏa của địa phương tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các hộ có hành vi vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài phát thanh của huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn, các cơ quan văn hóa thông tin tổ chức công tác tuyên truyền Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão.

+ Tổ chức kiểm tra công tác tự tháo dỡ, giải tỏa của các hộ dân; tiếp tục vận động các hộ chấp hành quy định của pháp luật, tự tháo dỡ, giải tỏa.

+ Tiến hành xử phạt hành chính theo quy định đối với các hộ cố tình không chấp hành.

+ Đồng loạt tổ chức ra quân cưỡng chế xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm cố tình không tự giác tháo dỡ, giải tỏa; đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trước ngày 30 tháng 6 hàng năm).

- Phối hợp với các sở, ngành, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và thoát nước thành phố Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trong việc thực hiện bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn.

- Việc quản lý và sử dụng đất, quy hoạch, xây dựng các dự án, công trình có liên quan đến công trình thủy lợi, trước khi trình duyệt phải có văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chỉ đạo các cơ quan đơn vị thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi. Biểu dương, khuyến khích kịp thời những tổ chức, cá nhân có những sáng kiến và thành tích trong công tác bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.

2. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và thoát nước thành phố Hưng Yên và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh:

- Tổ chức cho cán bộ chủ chốt các đơn vị quản lý công trình thủy lợi từ trạm trưởng, trạm phó trở lên học tập, học tập lại, nghiên cứu kỹ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001; Nghị định số 143/2003/NĐ- CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ, Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 21/3/2008 của UBND tỉnh để nắm vững và thực hiện tốt các văn bản pháp quy trên.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và vùng phụ cận của công trình thủy lợi, mà lực lượng nòng cốt là chính quyền xã (phường), các xí nghiệp KTCTTL, các đơn vị trực tiếp quản lý công trình thủy lợi. Xây dựng quy trình vận hành cống qua đê, cống điều tiết và công trình thủy lợi quan trọng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định ban hành để áp dụng nhằm chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt, bão, úng và phát huy hiệu quả của công trình.

- Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi, thực hiện giải tỏa vi phạm và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Kết quả thực hiện được tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

- Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn do Công ty quản lý.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cần tổng kết đánh giá những việc đã làm tốt để phát huy, những tồn tại yếu kém cần khắc phục; Chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, trong đó tổ chức rà soát các trạm bơm dã chiến do xã, thị trấn quản lý phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; báo cáo đánh giá tổng quan và đề xuất phương án sắp xếp, quản lý các trạm bơm trên cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 30/11/2011.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý trực tiếp công trình thủy lợi cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn; nhất là các công trình tiếp giáp với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, hoặc địa bàn dân cư.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi kiểm tra, rà soát lại hệ thống mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cắm đủ mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ở các công trình thủy lợi, nhất là hệ thống sông Bắc Hưng Hải theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện và các Công ty trong việc thực hiện bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.

- Chỉ đạo Chi cục thủy lợi kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thành phố, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện bảo vệ và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.

- Thường xuyên tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện và các khó khăn vướng mắc của các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

4. Sở Giao thông Vận tải: Khi quy hoạch, xây dựng các dự án, công trình giao thông có liên quan đến công trình thủy lợi trước khi trình duyệt, phải có văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Sở Xây dựng: Khi quy hoạch xây dựng các dự án, công trình, cấp phép xây dựng công trình có liên quan đến công trình thủy lợi trước khi trình duyệt, phải có văn bản thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh về kinh phí để chủ động triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

7. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; Báo Hưng Yên: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Biểu dương, khuyến khích kịp thời những tổ chức, cá nhân có những sáng kiến và thành tích trong công tác khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Thủ trưởng các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và Thoát nước thành phố Hưng Yên; các đơn vị quản lý công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thông

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.