• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/02/1998
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
Số: 99/1998/QĐ-CSBĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 14 tháng 2 năm 1998

QUYẾT ĐỊNH

Về Thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư

___________________________

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;

Căn cứ Nghị định 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Bưu điện,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông, bà thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện và các chủ thể tham gia hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

(Đã ký)

 

Mai Liêm Trực

LỜI NÓI ĐẦU

Vô tuyến điện nghiệp dư là một hoạt động thông tin tự nguyện, mang tính chất giải trí, không vì mục đích thương mại. Vô tuyến điện nghiệp dư góp phần đào tạo cán bộ, khuyến khích nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật trong thông tin vô tuyến điện.

Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư tại Việt nam, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục Bưu điện ban hành Thể lệ này để điều chỉnh các hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư.

THỂ LỆ VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ
(ban hành kèm theo Quyết định số 99/1998/QĐ-CSBD ngày 14 tháng 2 năm 1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện)

Chương I:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư (sau đây gọi là Thể lệ này) được áp dụng cho các hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.

Điều 2: Trong Thể lệ này, các thuật ngữ được hiểu như sau:

a/ Nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư: là một nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện vì mục đích tự rèn luyện, nghiên cứu kỹ thuật thông tin do các khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư là những người được cấp phép, yêu thích vô tuyến điện chỉ với mục đích cá nhân không liên quan đến lợi nhuận, thực hiện.

b/ Chứng chỉ "Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư" (sau đây gọi là chứng chỉ): là văn bản do Tổng cục Bưu điện cấp cho người yêu thích vô tuyến điện nghiệp dư, trong đó thừa nhận trình độ và qui định trách nhiệm của người đó khi thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

c/ Khai thác viên: là người có chứng chỉ "Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư" được phép điều hành một đài vô tuyến điện nghiệp dư.

d/ Đài vô tuyến điện nghiệp dư: là một đài vô tuyến điện trong đó có các thiết bị cần thiết để thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

e/ Đài vô tuyến điện nghiệp dư di động: là đài vô tuyến điện dùng trong nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư được sử dụng khi đang di động hoặc trong lúc tạm dừng tại những điểm bất kỳ.

g/ Máy phát vô tuyến điện nghiệp dư: là máy phát sóng vô tuyến điện chỉ phát trên giải tần số phân bổ cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

h/ Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư: là giấy phép do Tổng cục Bưu điện cấp cho người có chứng chỉ "Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư", trong đó qui định quyền sử dụng tần số, máy phát vô tuyến điện nghiệp dư và trách nhiệm, phạm vi thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

Chương II:

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THỰC HIỆN LIÊN LẠC VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ

Điều 3: Mọi công dân Việt nam từ 16 tuổi trở lên, mọi người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt nam hoặc đến thăm Việt nam một cách hợp pháp đều có quyền xin phép thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư theo các qui định của Thể lệ này.

Điều 4: Chỉ người có chứng chỉ "Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư" và giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư mới được thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 5: Khai thác viên muốn thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư phải làm bản khai xin cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư (phụ lục 1) gửi Tổng cục Bưu điện để được xét cấp giấy phép.

Điều 6: Khai thác viên nước ngoài muốn thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư tại Việt nam phải gửi Tổng cục Bưu điện các giấy tờ sau để được xét cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư:

a/ Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư đã được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp ;

b/ Chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư;

c/ Bản khai xin phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư (phụ lục 1);

d/ Sao lục hộ chiếu có thị thực nhập cảnh Việt nam.

Điều 7: Người Việt nam ở nước ngoài đã có chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp khi về nước sinh sống có thể được xét đổi chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư và cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 8: Trước khi cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư, Tổng cục Bưu điện sẽ kiểm tra độ an toàn kỹ thuật đối với thiết bị và hệ thống anten của đài xin cấp phép.

Điều 9: Khi điều hành một đài vô tuyến điện nghiệp dư, khai thác viên phải luôn có chứng chỉ và giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư bên cạnh để sẵn sàng trình báo khi được yêu cầu kiểm tra.

Điều 10: Không được cho người khác mượn chứng chỉ khai thác viên VTĐND và giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 11: Muốn xin gia hạn giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư, khai thác viên phải làm đơn gửi Tổng cục Bưu điện một tháng trước khi giấy phép hết hạn.

Điều 12: Khi muốn thay đổi nội dung trong giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện nghiệp dư, khai thác viên phải làm đơn gửi Tổng cục Bưu điện để được cấp giấy phép khác.

Điều 13: Khi chứng chỉ, giấy phép bị mất hoặc bị hư hỏng, khai thác viên phải thông báo ngay cho Tổng cục Bưu điện và xin cấp lại.

Điều 14: Trong thời hạn có hiệu lực của giấy phép, Tổng cục Bưu điện được quyền thay đổi nội dung của giấy phép cho phù hợp với các qui định của pháp luật. Việc thay đổi này sẽ được thông báo cho khai thác viên biết trước khi cấp giấy phép theo nội dung mới.

Tổng cục Bưu điện được quyền đình chỉ hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư và trưng dụng các thiết bị vô tuyến điện nghiệp dư để phục vụ cho an ninh, quốc phòng trong các trường hợp khẩn cấp.

Chương III:

CẤP CHỨNG CHỈ KHAI THÁC VIÊN VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ

Điều 15: Người muốn có chứng chỉ “Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư" phải gửi đến Tổng cục Bưu điện đơn xin cấp chứng chỉ "Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư" có xác nhận của chính quyền từ cấp xã trở lên hoặc xác nhận của cơ quan chủ quản (theo phụ lục 2) và một giấy kiểm tra sức khoẻ của cơ quan y tế.

Người đó phải qua một kỳ thi lý thuyết và thực hành như qui định tại Điều 16.

Điều 16: Người xin cấp chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phải trải qua kỳ thi lý thuyết và thực hành vô tuyến điện nghiệp dư.

a/ Nội dung thi lý thuyết gồm:

· Các qui định pháp lý hiện hành về thông tin vô tuyến điện và vô tuyến điện nghiệp dư;

· Truyền sóng vô tuyến điện;

· Nguyên lý điện và ứng dụng cho các thiết bị vô tuyến điện nghiệp dư;

· Cấu trúc mạch và vận hành các thiết bị đài vô tuyến điện nghiệp dư;

· Tín hiệu và phát xạ đài vô tuyến điện nghiệp dư;

Anten và phi đơ đài vô tuyến điện nghiệp dư;

b/ Nội dung thi thực hành gồm:

· Thực hành truyền mã Mooc Quốc tế theo tốc độ qui định tại Điều 20;

· Thực hành sử dụng tất cả các ký hiệu, ký tự trong bảng chữ cái Alphabet; các số từ 0 đến 9; các ký hiệu chấm, phảy, dấu hỏi, gạch ngang và các ký hiệu khác (phụ lục 3);

· Thực hành hệ thống đánh giá chất lượng tín hiệu (phụ lục 4);

· Thực hành mã luật Q (phụ lục 5);

· Thực hành tính giờ quốc tế theo giờ địa phương;

· Thực hành sử dụng bản dự báo tần số vô tuyến điện nghiệp dư hàng tháng và Anh ngữ để giao dịch; thực hành khai thác đài vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 17: Người có chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện báo đang điều hành vô tuyến điện báo hoặc đã thôi hành nghề không quá 3 năm được miễn trừ thi mã Mooc.

Điều 18: Người đạt một môn thi sẽ được cấp giấy chứng nhận đã đạt yêu cầu cho môn đó và sau khi hoàn thành tất cả các môn thi sẽ được xét cấp chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư.

Việc hoàn thành các môn thi không được kéo dài quá 12 tháng.

Điều 19: Nếu khai thác viên ngừng khai thác trong thời gian 3 năm trở lên thì phải thi lại mới được tiếp tục thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

Nếu người tham gia thi lại mà không đạt yêu cầu thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ và ít nhất sau thời gian 3 tháng mới được sát hạch lại.

Điều 20: Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư được phân thành bốn cấp như sau:

1. Khai thác viên viên vô tuyến điện nghiệp dư cấp 1: là người đạt 1 trong 3 yêu cầu sau:

a/ Có trình độ đại học, tốc độ thu phát Morse đạt 20 nhóm (hoặc từ) một phút trở lên;

b/ Có trình độ đại học, biết sử dụng máy vi tính để truyền 20 nhóm (hoặc từ) một phút trở lên, biết thiết lập bản dự báo tần số nghiệp dư theo thời gian và khu vực, biết cập nhật các cuộc liên lạc và tập nhật biên bằng vi tính; hoặc

c/ Có trình độ đại học, có thâm niên khai thác viên phổ thông 10 năm trở lên.

2. Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư cấp 2: là người đạt một trong 3 yêu cầu sau:

a/ Có trình độ trung cấp, tốc độ thu phát Morse đạt 15 nhóm (hoặc từ) một phút;

b/ Có trình độ trung cấp, biết sử dụng máy vi tính để truyền 15 nhóm (hoặc từ) một phút trở lên, biết thiết lập bản dự báo tần số nghiệp dư theo thời gian và khu vực bằng máy vi tính; hoặc

c/ Có trình độ trung cấp, có thâm niên khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phổ thông 6 năm trở lên.

3. Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư cấp 3: là người đạt 1 trong 3 yêu cầu sau:

a/ Có trình độ sơ cấp, tốc độ thu phát Morse đạt 10 nhóm (hoặc từ) một phút trở lên;

b/ Có trình độ sơ cấp, biết sử dụng máy vi tính để truyền 10 nhóm (hoặc từ) một phút trở lên, biết cập nhật các cuộc liên lạc vào tập nhật biên; hoặc

c/ Có trình độ sơ cấp, có thâm niên khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phổ thông 3 năm trở lên.

4. Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phổ thông: là người hiểu biết thể lệ, mã luật "Q", các chữ tắt thường dùng, qui ước quốc tế các nguyên âm và phụ âm (phụ lục 5); qui ước đánh giá chất lượng tín hiệu RST (phụ lục 4); cách tính giờ quốc tế theo giờ địa phương, biết sử dụng bản dự báo tần số nghiệp dư hàng tháng và Anh ngữ để liên lạc thoại (SSB).

Điều 21: Căn cứ vào kết quả thi và các hồ sơ kèm theo, Tổng cục Bưu điện sẽ cấp chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư các cấp như qui định tại Điều 20.

Chương IV:

QUI ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ

Điều 22: Người có chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của đài vô tuyến điện nghiệp dư do mình phụ trách.

Điều 23: Các đài vô tuyến điện nghiệp dư phải hoạt động theo đúng giấy phép do Tổng cục Bưu điện cấp và các qui định pháp lý về thông tin vô tuyến điện hiện hành.

Điều 24: Các đài vô tuyến điện nghiệp dư phải sử dụng tần số vô tuyến điện nghiệp dư một cách có hiệu quả nhất, không được cố ý hay vô tình gây can nhiễu cho kênh thông tin hoặc tín hiệu khác.

Điều 25: Trong mọi lúc, trên mọi tần số, khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phải dành ưu tiên cho thông tin cấp cứu và an toàn; nếu có thể hoặc nếu được yêu cầu thì phải trợ giúp đắc lực cho thông tin nói trên.

Điều 26: Mọi liên lạc phải được ghi rõ ràng trong nhật biên (phụ lục 6) và phải trình sổ nhật biên này cho nhân viên kiểm tra khi được yêu cầu. Nhật biên phải lưu tại đài 3 năm mới được huỷ bỏ.

Điều 27: Đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được cho mượn lẫn nhau giữa những người có chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư. Khi sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư mượn, khai thác viên chỉ được thực hiện liên lạc hạn chế trong nội dung qui định tại giấy phép của mình.

Điều 28: Các đài vô tuyến điện nghiệp dư không được chuyển phát các chương trình phát thanh, âm nhạc; không được thông báo các tin tức về an ninh, quốc phòng và các thông tin thương mại khác; không được chuyển giao thông tin hộ người thứ ba.

Điều 29: Khi có sự kiện cần thông báo khẩn cấp như thiên tai, địch hoạ mà tại thời điểm đó, các hệ thống thông tin công cộng bị gián đoạn hoặc chưa kịp lắp đặt thì đài vô tuyến điện nghiệp dư cần có những hoạt động hỗ trợ kịp thời để giảm bớt thiệt hại về sinh mạng và tài sản của cộng đồng.

Điều 30: Khai thác viên phải thông báo trước với Tổng cục Bưu điện nếu ngừng hoạt động đài trong thời gian từ 3 tháng trở lên.

Điều 31: Việc liên lạc với các đài vô tuyến điện nghiệp dư tại nước ngoài phải sử dụng tiếng rõ bằng Anh ngữ và nội dung chỉ được hạn chế trong việc thử nghiệm thiết bị, tín hiệu.

Điều 32: Tại thời điểm đầu và cuối các buổi phát, đài vô tuyến điện nghiệp dư phải phát hô hiệu hoặc các nhận dạng đã được ghi trong giấy phép. Nếu buổi phát kéo dài thì ít nhất cứ 10 phút một lần, đài vô tuyến điện nghiệp dư phải nhắc lại hô hiệu của mình.

Điều 33: Không được phát tín hiệu mà không kèm theo hô hiệu hoặc có hô hiệu nhưng không phải do cơ quan quản lý qui định.

Điều 34: Hô hiệu phải được chuyển phát theo cách sau đây:

a/ Với phương thức mã Mooc Quốc tế (CW): tốc độ không được quá 20 từ trong một phút;

b/ Với phương thức thoại: phải sử dụng bảng phiên âm quốc tế (phụ lục 3);

c/ Với phương thức truyền chữ trực tiếp (RTTY): phải sử dụng mã số qui định;

d/ Với phương thức đơn biên: phải phát hô hiệu sử dụng ở giải tần hẹp.

Điều 35: Cấu trúc hô hiệu đài vô tuyến điện nghiệp dư tại Việt nam không ít hơn 5 chữ hoặc số và bắt đầu bằng chữ XV hoặc 3W, kèm theo là các chữ hoặc số dùng cho mã tỉnh nơi đặt đài vô tuyến điện nghiệp dư và các nhận dạng khác do cơ quan cấp phép qui định.

Điều 36: Hệ thống anten của đài phải được lắp đặt theo đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn, chịu được gió bão, không ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như cấu trúc của môi trường xung quanh.

Việc lắp đặt hệ thống anten cao ở gần nơi công cộng, sân bay, các khu vực du lịch phải được sự thoả thuận của cơ quan hữu quan và chính quyền sở tại.

Điều 37: Tín hiệu đài vô tuyến điện nghiệp dư không được chiếm dụng giải tần rộng hơn độ rộng cần thiết cho phương thức phát đang sử dụng. Bức xạ ngoài băng tần không được gây can nhiễu đối với các tần số lân cận.

Điều 38: Bức xạ phụ của máy phát vô tuyến điện nghiệp dư phải giảm tới mức tối thiểu. Nếu một bức xạ phụ, kể cả bức xạ từ vỏ máy và nguồn, gây can nhiễu có hại đến các đài khác thì đài vô tuyến điện nghiệp dư đó phải ngừng hoạt động và phải có biện pháp khử nhiễu.

Điều 39: Đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được sử dụng công suất tối thiểu đủ để đảm bảo thông tin với đối tượng ở khoảng cách đang liên lạc.

Điều 40: Công suất tối đa được phép sử dụng cho máy phát vô tuyến điện nghiệp dư trên các giải tần qui định như sau:

Giải tần số

Công suất

MF

HF

VHF

UHF

SHF

500W

500W

50W

10W

1W

Chương V:

THAY ĐỔI ĐỊA ĐIỂM, CHUYỂN NHƯỢNG VÀ XUẤT NHẬP KHẨU THIẾT BỊ ĐÀI VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ

Điều 41: Việc thay đổi địa chỉ thường trú của khai thác viên hoặc địa chỉ đặt đài VTĐND, việc chuyển nhượng thiết bị đài vô tuyến điện nghiệp dư hay các thiết bị khác của đài phải được thông báo trước với Tổng cục Bưu điện để xét thay đổi giấy phép.

Điều 42: Việc xuất nhập khẩu thiết bị đài vô tuyến điện nghiệp dư của các khai thác viên phải được sự thoả thuận của Tổng cục Bưu điện.

Điều 43: Việc chuyển nhượng thiết bị, cấp hoặc thay đổi chứng chỉ, cấp hoặc thay đổi giấy phép và thi sát hạch đều phải trả phí và lệ phí theo các qui định hiện hành.

Chương VI:

ĐÀI VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ DI ĐỘNG

Điều 44: Đài vô tuyến điện nghiệp dư di động đặt trên các phương tiện di động không được lắp đặt cùng phòng với các thiết bị thông tin chuyên dùng của phương tiện di động đó.

Điều 45: Việc lắp đặt đài vô tuyến điện nghiệp dư di động phải được sự chuẩn y bằng văn bản của người quản lý phương tiện di động đó. Văn bản chuẩn y này phải được gửi tới Tổng cục Bưu điện khi làm thủ tục xin cấp giấy phép.

Điều 46: Các thiết bị chuyên dùng của các phương tiện di động không được sử dụng để thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 47: Khi đài vô tuyến điện nghiệp dư đặt trên các phương tiện di động của Việt nam đang hành trình trên vùng thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của một quốc gia khác thì việc thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư phải tuân thủ luật pháp và các qui định của quốc gia đó.

Chương VII:

THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 48: Mọi đài vô tuyến điện nghiệp dư phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khai thác viên và/hoặc người có giấy phép sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư phải sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hợp lý của đoàn kiểm tra.

Điều 49: Người sử dụng thiết bị vô tuyến điện nghiệp dư không có giấy phép, không đúng giấy phép, vi phạm các qui định trong Thể lệ này và các qui định khác của pháp luật về bưu chính viễn thông thì sẽ bị xử lý theo Nghị định 79/CP ngày 19/06/1997 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Bưu chính, Viễn thông và Tần số vô tuyến điện.

Điều 50: Người bị xử lý có quyền khiếu nại tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong vòng 90 ngày sau khi có quyết định xử lý. Mọi khiếu nại ngoài thời hạn nói trên đều không có giá trị.

Chương VIII:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 51: Thể lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Mọi qui định trước đây trái với Thể lệ này đều bị bãi bỏ.

Các chủ thể tham gia hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư chịu trách nhiệm thi hành Thể lệ này.

Tổng Cục trưởng

(Đã ký)

 

Mai Liêm Trực

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.