• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/1995
UBND TỈNH VĨNH PHÚ
Số: 1037/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Khánh Hòa, ngày 15 tháng 6 năm 1995

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚ

Về việc ban hành Quy định chế độ trách nhiệm

và phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

 

UBND TỈNH VĨNH PHÚ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994. Căn cứ Nghị quyết số 05/CP ngày 29/9/1993 của Chính phủ về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm;

Căn cứ Nghị quyết số 06/CP ngày 29/6/1993 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý;

Căn cứ Nghị quyết số 53/CP ngày 28/6/1994 của Chính phủ quy định các biện pháp xử lý đối với cán bộ viên chức Nhà nước và những người có hành vi liên quan đến mại dâm, ma tuý, cờ bạc, say rượu bê tha.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về chế độ trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Điều 2: Quy định này có hiệu lực từ ngày ký, các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành căn cứ quyết định thi hành.

 

QUY ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Về chế độ trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

(Ban hành kèm theo QĐ số 1037/ QĐ-UB ngày 15/6/1995 của UBND tỉnh Vĩnh Phú )

I. Quy định chung:

Điều 1: Các tệ nạn xã hội nhất là mại dâm, ma tuý, cờ bạc là trái với đạo đức thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo ra lối sống sa đoạ thiếu lành mạnh, làm mất trật tự an toàn xã hội; ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đời sống vật chất tinh thần văn hoá của dân tộc.

Phòng, chống tệ nạn xã hội là trách nhiệm thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, mọi gia đình và toàn xã hội.

Điều 2: Phòng, chống tệ nạn xã hội phải lấy giáo dục phòng ngừa là chính. Đồng thời kiên quyết đấu tranh cải tạo đối tượng và triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm, xử lý nghiêm khắc các đối tượng là chủ chứa.

Điều 3: Các cấp, các ngành đặc biệt là xã, phường phải xây dựng và thực hiện chương trình kế hoạch về phòng, chống tệ nạn xã hội, áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, điều tra, xử lý, chữa trị, cai nghiện giúp đối tượng tái hoà nhập cộng đồng.

Điều 4: Chủ chứa mại dâm, ma tuý, cờ bạc, người sản xuất, buôn bán trái phép các chất ma tuý, đối tượng tái phạm tệ nạn xã hội phải xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự ở mức tối đa của khung hình phạt.

II. Quy định cụ thể.

Điều 5: Cơ quan lao động - Thương binh xã hội có trách nhiệm:

1. Sở Lao động - Thương binh xã hội:

- Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội mà trọng tâm là mại dâm, ma tuý, cờ bạc, sơ tổng kết khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này. Phối hợp các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình kế hoạch đã đề ra.

- Tổ chức chỉ đạo công tác điều tra tệ nạn mại dâm, ma tuý, phân loại và có giải pháp xử lý phù hợp.

- Phối hợp các ngành chức năng chỉ đạo trung tâm chữa trị, cai nghiện của tỉnh trong việc tổ chức chữa trị, cai nghiện; dạy nghề giải quyết các vấn đề xã hội và chỉ đạo việc quản lý đối tượng sau chữa trị cai nghiện ma tuý.

- Hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành, cơ sở thực hiện chính sách chế độ phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo thực hiện theo quyết định 167/TTg của Chính phủ và Thông tư 22/LB - TT của Liên Bộ Lao động - Thương binh xã hội - Tài chính về việc trợ cấp đối với đối tượng cứu trợ xã hội. Các đơn vị tập trung thuộc tuyến tỉnh được Nhà nước hỗ trợ tiền thuốc, dạy nghề, sinh hoạt phí; các cơ sơ chữa trị thuộc tuyến huyện được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền thuốc, học nghề.

2. Trung tâm chữa trị, cai nghiện tỉnh: Là một đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh xã hội quản lý, Trung tâm có chức năng nhiệm vụ: Nghiên cứu tư vấn, hướng dẫn phác đồ điều trị, giáo dục, dạy nghề, tái hoà nhập cộng đồng cho đối tượng. Trực tiếp chữa trị, cai nghiện cho người nghiện ma tuý nặng, tập trung bắt buộc, gái mại dâm chuyên nghiệp hoặc tái phạm nhiều lần, theo đề nghị của Công an tỉnh và quyết định của UBND tỉnh, và các đối tượng nghiện ma tuý nặng tự nguyện theo đề nghị của UBND huyện. Thời gian chữa trị, cai nghiện, dạy nghề tại Trung tâm tối thiều 6 tháng.

- Có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thủ tục giao, nhận đối tượng sau chữa trị, cai nghiện với xã, phường, gia đình và theo dõi sau cai nghiện 6 tháng.

3. Phòng Lao động xã hội huyện, thành, thị.

- Giúp UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội, phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

- Phối hợp với các ngành công an tổ chức, triển khai công tác điều tra, phân loại đối tượng mại dâm, ma tuý để xử lý chữa trị, cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau chữa trị cai nghiện.

- Hướng dẫn, tổng hợp, kiểm tra việc thực hiện chính sách phòng chống tệ nạn xã hội (mại dâm, ma tuý, cờ bạc, số đề) về tuyên truyền, điều tra, triệt phá, chữa trị cai nghiện, dạy nghề, tái hoà nhập cộng đồng.

Điều 6: Cơ quan công an các cấp có trách nhiệm:

1. Công an tỉnh:

- Phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo công tác điều tra tệ nạn xã hội và tổng hợp phân loại các chủ chứa mại dâm, chủ tiêm chích sử dụng ma tuý, chủ đánh bạc, số đề. Lập kế hoạch bắt giữ, xử lý, xoá bỏ những tụ điểm, ổ chứa; kiểm soát việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển trái phép các chất ma tuý.

- Chỉ đạo toàn ngành công an từ tỉnh đến cơ sở tạo chỗ dựa tin cậy cho quần chúng nhân dân, tham gia vào công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát hiện và tố giác các đối tượng, nhất là các chủ chứa mại dâm, chủ tiêm chích ma tuý và chủ đề, thư ký đề.

- Hướng dẫn Công an các cấp lập phương án kiểm tra, kiểm soát tệ nạn xã hội, kết hợp với quản lý hộ khẩu, lập hồ sơ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tịch thu tang vật và phương tiện hành nghề.

- Lập danh sách hồ sơ gái mại dâm chuyên nghiệp, người nghiện ma tuý nặng để tập trung chữa trị cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm của tỉnh, báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Công an huyện, thành thị:

- Phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn công an xã, phường thực hiện công tác điều tra tệ nạn xã hội và trực tiếp quản lý chặt chẽ các đối tượng chủ chứa mại dâm ma tuý, cờ bạc, chủ đề, thư ký đề, có biện pháp xử lý triệt phá kịp thời các đối tượng vi phạm.

- Lập hồ sơ gái mại dâm chuyên nghiệp, người nghiện ma tuý nặng. Báo cáo UBND huyện để đề nghị tập trung chữa trị cai nghiện bắt buộc tại trung tâm chữa trị, cai nghiện của tỉnh.

Điều 7: Y tế các cấp có trách nhiệm:

1. Sở Y tế:

- Xác định và tập huấn phác đồ điều trị cai nghiện cho các Trung tâm Y tế, cơ sở y tế xã, phường (cấp chứng chỉ), sử dụng phác đồ điều trị cho phù hợp với từng loại đối tượng (nặng, vừa, nhẹ). Giám sát việc thực hiện các phác đồ đó.

- Chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm da liễu, Trung tâm Y tế huyện, thành thị, có sở Y tế xã phường chữa trị, cai nghiện ma tuý, gái mại dâm đảm bảo đúng quy định.

- Quản lý việc sử dụng thuốc phiện và các chất ma tuý khác vào sản xuất dược phẩm.

- Tư vấn HIV/AIDS trong đối tượng mại dâm, ma tuý tại các Trung tâm chữa trị, cai nghiện.

- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh xã hội tham gia vào các công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm chữa trị, cai nghiện tập trung bắt buộc của tỉnh.

2. Cơ sở Y tế:

- Cơ sở Y tế tiếp nhận, chữa trị, cai nghiện ma tuý, gái mại dâm tự nguyện, trong đó Bệnh viện Tâm thần chữa trị nghiện ma tuý loại nặng; Trung tâm da liễu chữa trị gái mại dâm loại nặng (loại 3); Trung tâm Y tế huyện, thành, thị chữa trị, cai nghiện ma tuý, gái mại dâm loại vừa (loại 2); cơ sở Y tế xã, phường chữa trị cai nghiệm ma tuý gái mại dâm loại nhẹ, mới (loại 1).

- Các cơ sở Y tế trên phải xây dựng kế hoạch và đảm bảo đầy đủ những điều kiện cần thiết cho việc chữa trị cai nghiện ma tuý, gái mại dâm theo hướng dẫn của Sở Y tế. Sau chữa trị lập biên bản giao cho xã, phường, gia đình và theo dõi thời gian 6 tháng, đồng thời báo cáo kết quả với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh xã hội.

Điều 8: Ngành văn hoá thông tin các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm:

1. Sở Văn hóa thông tin, thể thao - báo Vĩnh Phú, Đài phát thanh truyền hình tỉnh:

Chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội. Động viên các tầng lớp nhân dân phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

- Hướng dẫn các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện các công tác tuyên truyền giáo dục, thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội với nhiều hình thức thông tin tuyên truyền, kẻ panô, áp phích, tranh cổ động... Phát động phong trào viết tin, bài về phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Báo Vĩnh Phú, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh mở chuyên mục về phòng, chống tệ nạn xã hội.

2. Phòng Văn hoá, thông tin, thể thao - Đài truyền thanh huyện, thành, thị.

- Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

- Chỉ đạo và hướng dẫn các xã, phường kẻ panô, áp phích, khẩu hiệu về phòng chống mại dâm, ma tuý, cờ bạc ở những nơi tập trung đông người, tụ điểm giao lưu phát triển kinh tế, xã hội.

Điều 9: Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

- Biên soạn tài liệu về tác hại và các biện pháp phòng ngừa tệ nạn xã hội đưa vào chương trình giảng dạy ngoại khoá trong các trường học nhất là các trường phổ thông trung học và chuyên nghiệp.

Giáo dục lối sống lành mạnh có văn hoá trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Hướng dẫn các trường xây dựng quy định cụ thể và cam kết không để xẩy ra các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội.

Điều 10: UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống tện nạn xã hội bao gồm: Công tác tuyên truyền giáo dục, điều tra phân loại, xử lý, chữa trị, cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau chữa trị cai nghiện thuộc địa bàn huyện quản lý.

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, rất coi trọng hình thức tuyên truyền giáo dục trực tiếp ở xã, phường, gia đình.

- Chỉ đạo ngành công an và Lao động - Thương binh xã hội trong công tác điều tra, phân loại mại dâm, ma tuý, cờ bạc để có kế hoạch chữa trị đối với đối tượng và triệt phá ổ nhóm, xử lý đối với chủ chứa. Tổng hợp phân loại đối tượng mại dâm, ma tuý, cờ bạc thành 3 loại: nhẹ (mới) - vừa - nặng; để phân cấp giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo đầy đủ kịp thời cho ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội của tỉnh.

- Chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội đã đề ra, phân loại xã, phường có ít, có nhiều, không có tệ nạn xã hội có biện pháp giảm số xã, phường, có nhiều tệ nạn xã hội, tăng số xã, phường có môi trường văn hoá trong sạch.

Điều 11: UBND các xã phường là cấp quản lý Nhà nước cơ bản nhất, quan trọng nhất và phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm, cờ bạc, số đề...) xẩy ra trên địa bàn. Những nhiệm vụ mà UBND nhân dân xã, phường phải thực hiện:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể phòng, chống các loại tệ nạn xã hội và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đó.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục đến từng gia đình, đối tượng. Thực hiện các hộ gia đình cam kết với xã, phường không có người trong gia đình mắc vào từng loại tệ nạn xã hội.

- Phát hiện, lập danh sách ma tuý, mại dâm, cờ bạc (có sự phối hợp cơ quan công an, Lao động - Thương binh xã hội, Y tế, Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân, đại diện khu phố, làng bản, thôn xóm) phân đối tượng ra làm 3 loại: nhẹ mới - vừa - nặng đề nghị huyện, tỉnh giải quyết. Đối tượng mại dâm, cờ bạc nhẹ và mới phải giáo dục ở gia đình hoặc kiểm điểm trước dân; nghiện hút nhẹ cai nghiện tại cơ sở y tế xã phường. Đối với chủ chứa khi phát hiện tuỳ theo mức độ để giao Công an xã, phường tự xử lý hoặc báo cáo Công an huyện, thành, thị xử lý theo pháp luật.

- Phối hợp với các đoàn thể, và cùng gia đình có quy định cụ thể về việc tổ chức giao, nhận đối tượng với các cơ sở chữa trị, cai nghiện không để tái phạm, báo cáo về các Trung tâm đã chữa trị, cai nghiện về diễn biến của các đối tượng sau chữa tự cai nghiện. Quy định trách nhiệm giáo dục quản lý của gia đình trong và sau khi chữa trị, cai nghiện. Tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ đối tượng học nghề, tạo việc làm, tái hoà nhập cộng đồng.

- Xây dựng các biện pháp động viên, bảo vệ an toàn cho những người phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội, các tụ điểm, ổ chứa.

Điều 12: Giám đốc khách sạn, chủ nhà hàng có quy chế nội bộ cụ thể về phòng chống tệ nạn xã hội và phải ký cam kết với UBND xã, phường (đối với nhà hàng) hoặc UBND huyện, thành, thị (đối với khách sạn )về việc không để xẩy ra các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội. Nếu dung túng bao che để nạn ma tuý, mại dâm, cờ bạc xảy ra trong khách sạn, nhà hàng thì Giám đốc khách sạn, chủ nhà hàng bị xử lý theo pháp luật.

Điều 13: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm giáo dục và có quy chế quản lý nội bộ cụ thể để Cán bộ công nhân viên không vi phạm tệ nạn xã hội, phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nếu dung túng bao che hoặc xử lý không kịp thời người vi phạm thì Thủ trưởng trực tiếp bị xử lý kỷ luật hành chính.

Điều 14: Tất cả các đại lý sổ số kiến thiết phải ký kết cam kết với UBND các xã, phường về việc không làm chủ đề, ghi số đề hoặc thông đồng với chủ đề, thư ký đề, nếu vi phạm phải xử lý theo pháp luật.

Công ty sổ số kiến thiết có trách nhiệm lập danh sách các đại lý theo địa bàn xã, phường thông báo cho UBND xã, phường để yêu cầu ký cam kết và quản lý việc thực hiện cam kết.

Điều 15: Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh xã hội xây dựng tiêu chuẩn thi đua khen thưởng về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đối với tập thể, cá nhân có thành tích.

Điều 16: Các tổ chức, cá nhân vi phạm tệ nạn xã hội phải xử lý nghiêm theo Nghị định 53/Cp về xử lý đối với cán bộ, viên chức Nhà nước và những người có hành vi liên quan đến ma tuý, mại dâm, cờ bạc và các điều 96(a), 200, 202, 203 Bộ luật hình sự về sản xuất tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, đánh bạc, chứa mại dâm, tổ chức dùng chất ma tuý ở khung hình phạt cao nhất.

III. Tổ chức thực hiện:

Điều 17: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành thị có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra các xã, phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện. Khen thưởng đối với những cá nhân đơn vị có nhiều thành tích, xử lý nghiêm minh đối với những tập thể cá nhân, vi phạm trách nhiệm quản lý trong bản quy định này.

- Sở Lao động - Thương binh xã hội và các ngành có liên quan theo chức năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn cụ thể, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này.

Điều 18: Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp tăng cường và thường xuyên hoạt động giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, định kỳ ban hành tháng, quý, 6 tháng, 1 năm các cấp, các ngành báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Thương binh xã hội tổng hợp) kết quả thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc các cấp, các ngành, đơn vị phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh để nghiên cứu giải quyết.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.