Sign In

NGHỊ QUYẾT

Quy định các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình
 mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
____________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Xét Tờ trình số 281/TTr-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra số 82/BC-BKTNS ngày 24 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, người lao động, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân liên quan tham gia quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 3.  Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

1. Nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết.

b) Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết.

c) Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông.

d) Đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

đ) Hỗ trợ giống, vật tư, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã.

e) Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

g) Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

2. Ưu tiên thực hiện các nội dung hỗ trợ đối tượng liên kết như sau:

a) Đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

b) Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

c) Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi.

d) Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

3. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 4. Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng

1. Nội dung hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

a) Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm.

b) Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi.

c) Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.

d) Xây dựng và quản lý dự án.

đ) Hỗ trợ các hoạt động chuyên môn theo tính chất của từng dự án:

- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất.

- Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Hỗ trợ thiết kế nhà xưởng; hướng dẫn vận hành máy móc thiết bị; thiết bị, vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm.

- Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

e) Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả.

g) Tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi dự toán được giao.

2. Nội dung hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

a) Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm.

b) Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi.

c) Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.

d) Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.

đ) Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

e) Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả.

g) Tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi dự toán được giao.

3. Ưu tiên thực hiện các nội dung hỗ trợ như sau:

a) Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm.

b) Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi.

c) Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.

4. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Điều 5. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ

1. Điều kiện hỗ trợ

a) Đã xem xét khả năng áp dụng hình thức hỗ trợ theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết này nhưng không huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác hoặc không có đề xuất từ cộng đồng dân cư; hoặc dự án hỗ trợ người dân đang chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; dự án, mô hình cho các nhóm đối tượng yếu thế; hỗ trợ sản xuất gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bình đẳng giới; mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới hoặc dự án do các Sở, ngành thực hiện để làm mô hình điểm theo kế hoạch của từng Chương trình mục tiêu quốc gia được cấp thẩm quyền thống nhất.

b) Tối thiểu 70% phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phải được dùng để hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Ưu tiên đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định.

2. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Điều 6. Trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất

1. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Chi tiết theo Phụ lục I.

2. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng

Chi tiết theo Phụ lục II.

3. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ

Quy trình, thủ tục, nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Ngân sách tỉnh, huyện, xã đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của từng chương trình.

3. Vốn đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cộng đồng dân cư, người dân tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

4. Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Những nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Thông tư số 15/2022/TT-BTC, Thông tư số 46/2022/TT-BTC, Thông tư số 53/2022/TT-BTC và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

4. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa X, Kỳ họp thứ Mười Bốn thông qua ngày 27 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 09 tháng 01 năm 2023./.

 

Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Mai Văn Huỳnh