Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc quy định cấp kỹ thuật và phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trên sông, kênh thuộc tỉnh Kiên Giang quản lý

___________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Thông tư số 23/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 185/TTr-SGTVT ngày 28 tháng 5 năm 2015 về việc ban hành Quyết định quy định cấp kỹ thuật và phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trên sông, kênh thuộc tỉnh Kiên Giang quản lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định cấp kỹ thuật và phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trên sông, kênh thuộc tỉnh Kiên Giang quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa; thiết kế xây dựng công trình, quản lý, bảo trì, cải tạo nâng cấp đường thủy nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch, hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

2. Kích thước đường thủy nội địa là chiều sâu, chiều rộng, bán kính cong của luồng chạy tàu tương ứng với mỗi cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa.

3. Luồng chạy tàu thuyền (sau đây gọi là luồng) là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn.

4. Hành lang bảo vệ luồng là phần giới hạn của vùng nước hoặc dải đất dọc hai bên luồng để lắp đặt báo hiệu, bảo vệ luồng và bảo đảm an toàn giao thông.

Điều 4. Cấp kỹ thuật và phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trên sông, kênh thuộc tỉnh Kiên Giang quản lý

1. Cấp kỹ thuật đường thủy nội địa trên sông, kênh thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được quy định tại Phụ lục 2 của Quyết định này.

2. Sở Giao thông vận tải cập nhật cấp kỹ thuật đường thủy nội địa trên sông, kênh thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp các tuyến sông, kênh được công bố bổ sung hoặc các tuyến hiện có được đầu tư nâng cấp làm thay đổi kích thước.

3. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng được xác định theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và xác định theo quy hoạch giao thông đường thủy nội địa được quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này.

a) Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn đường bộ thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên.

b) Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ thì thực hiện theo quy định về bảo vệ hành lang an toàn cầu, đường bộ.

c) Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, pháp luật về đê điều.

4. Đối với những tuyến đường thủy nội địa đã được phê duyệt quy hoạch, việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng căn cứ vào cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo quy hoạch để thực hiện.

5. Các dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường thủy nội địa đang khai thác hoặc dự án mở tuyến đường thủy nội địa mới phải căn cứ vào quy hoạch xác định rõ cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy nội địa sau khi hoàn thành dự án, xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng, xây dựng phương án và thực hiện cắm mốc chỉ giới.

Điều 5. Quy định về việc cắm mốc chỉ giới

1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng trong phạm vi quản lý. Sau khi xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng tiến hành cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hoặc bố trí báo hiệu.

2. Các mốc chỉ giới sau khi cắm sẽ được bàn giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Quy cách mốc chỉ giới, cự ly giữa các mốc chỉ giới thực hiện theo quy định về quản lý đường thủy nội địa hiện hành.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Văn Thi