• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2021
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 116/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 23 tháng 7 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật khoáng sản ngày 20 tháng 03 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

a) Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản là việc đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch, kế hoạch được Nhà nước giao phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;

b) Công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản cần được thực hiện đi trước một bước và phải tiến hành đồng thời với điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất môi trường, địa chất tai biến, địa chất khoáng sản biển, nghiên cứu các chuyên đề về địa chất và khoáng sản trên toàn lãnh thổ và lãnh hải; ưu tiên thực hiện ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

c) Tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, cần được đầu tư điều tra, phát hiện và đánh giá tiềm năng khoáng sản ở trên mặt, dưới sâu theo từng loại khoáng sản hoặc nhóm khoáng sản; đồng thời, phải có chính sách, biện pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm và lâu dài.

2. Mục tiêu:

a) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 đạt 90% diện tích phần đất liền và tỷ lệ 1/500.000 ở phần lãnh hải đến độ sâu 100m nước, tỷ lệ 1/50.000 đến 1/100.000 một phần diện tích biển đới ven bờ đến độ sâu 30 m nước nhằm làm rõ hơn về cấu trúc địa chất, mức độ phân bố khoáng sản và khoanh định các diện tích có triển vọng về khoáng sản làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Điều tra, đánh giá tiềm năng các loại khoáng sản, trọng tâm là sắt, titan, đồng, chì - kẽm, quặng phóng xạ, kaolin, felspat, khoáng chất công nghiệp, đá ốp lát và than làm cơ sở quy hoạch thăm dò, phát hiện các mỏ mới, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng;

c) Tăng cường năng lực, trình độ, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, có độ chính xác cao, đáp ứng các yêu cầu về phân tích mẫu địa chất, khoáng sản; củng cố và xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất về địa chất khoáng sản trên phạm vi cả nước.

3. Nhiệm vụ:

a) Lập các bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản:

- Giai đoạn đến năm 2015:

Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 tại 35 vùng trên đất liền thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ với diện tích khoảng 75.624 km2; trong đó, có 10 vùng đã triển khai trước năm 2006.

Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa động lực, tai biến địa chất, trong đó chú trọng vùng ven bờ ở tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000 đến độ sâu 30 m nước, diện tích khoảng 33.000 km2. Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa động lực, tai biến địa chất; trong đó chú trọng vùng ven bờ ở tỷ lệ 1/500.000 đến độ sâu 100 m nước, diện tích khoảng 266.000 km2.

Bay đo từ - xạ phổ gamma tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất và khoáng sản vùng Nam Pleiku (Kon Tum, Gia Lai), Đak Glei - Khâm Đức (Quảng Nam, Kon Tum), diện tích khoảng 11.600 km2.

- Giai đoạn sau 2015:

Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 tại 16 vùng trên đất liền thuộc các tỉnh Tây Nguyên, vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ với diện tích khoảng 38.960 km2. Bay đo từ - xạ phổ gamma tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000 vùng Bắc Kạn - Tuyên Quang, diện tích khoảng 6.200 km2; bay đo điện từ tỷ lệ 1/10.000 - 1/25.000 vùng Tú Lệ (Yên Bái, Sơn La) và Tuyên Quang, Bắc Kạn trên diện tích khoảng 10.000 km2. Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa động lực, tai biến địa chất vùng quần đảo Trường Sa tỷ lệ 1/500.000.

Trong quá trình lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản giai đoạn đến năm 2020, đồng thời tiến hành công tác nghiên cứu các chuyên đề về thạch luận, địa tầng và kiến tạo các đới cấu trúc, về mô hình tạo quặng các kiểu mỏ khoáng sản và dự báo diện tích triển vọng trên mặt và dưới sâu.

b) Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản:

- Giai đoạn đến năm 2015:

Điều tra, đánh giá trên 62 khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm phát hiện 40 - 45 khu vực có tiềm năng khoáng sản về than, sắt, đồng, chì - kẽm, đá ốp lát và các khoáng chất công nghiệp, có khả năng trở thành mỏ.

- Giai đoạn sau 2015:

Điều tra, đánh giá trên 15 khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm phát hiện 10 khu vực có triển vọng về khoáng sản thiếc, chì - kẽm, đồng, than nâu.

Danh mục các diện tích lập bản đồ địa chất, điều tra, đánh giá khoáng sản được thể hiện tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo Quyết định này.

c) Tăng cường năng lực, trình độ, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến có độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu phân tích thí nghiệm mẫu địa chất, khoáng sản:

- Xây dựng hai Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thiết bị tiên tiến, đủ năng lực để gia công và phân tích, xác định chính xác các loại mẫu địa chất và khoáng sản;

- Kiện toàn và xây dựng các đơn vị điều tra địa chất tinh gọn, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có trang thiết bị điều tra và xử lý tài liệu hiện đại.

d) Xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản:

Đến năm 2015, hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thống nhất trên phạm vi cả nước về địa chất và khoáng sản. Xây dựng Trung tâm Thông tin lưu trữ địa chất có đủ cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu tổng hợp, xử lý và cung cấp thông tin kịp thời, thuận lợi. Củng cố và xây dựng mở rộng Bảo tàng Địa chất, lưu giữ, bảo quản hệ thống phong phú các mẫu vật địa chất, khoáng sản và các thông tin liên quan, đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý, sản xuất và nhu cầu của cộng đồng xã hội.

4. Giải pháp:

a) Tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp, thiết bị tiên tiến, hiện đại có độ chính xác cao, sử dụng có hiệu quả trong công tác điều tra địa chất, khoáng sản và phân tích thí nghiệm các loại mẫu vật;

b) Hoàn thiện, đổi mới chính sách, cơ chế quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản phù hợp với Luật ngân sách và tình hình thực tế hiện nay;

c) Đổi mới, hoàn thiện các quy trình, quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản phù hợp với trình độ phát triển và năng lực công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới;

d) Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và dự báo khoáng sản đối với các cấu trúc sâu có tiềm năng khoáng sản; nghiên cứu, hợp tác tiếp cận các thành tựu khoa học địa chất của các nước, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

5. Vốn đầu tư:

- Vốn đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 khoảng 2.400 tỷ đồng và nâng cao năng lực thiết bị khoảng 250 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Kinh phí cho từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và theo dự toán ngân sách nhà nước được giao.

- Các nguồn vốn do tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với Việt Nam.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch này.

2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn ngân sách để thực hiện Quy hoạch này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho việc triển khai công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch trên phạm vi quản lý hành chính của tỉnh, thành phố; sử dụng có hiệu quả các kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.