THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú
________________________
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú;
Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú như sau:
1. Đối tượng
Học sinh tốt nghiệp các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở dân tộc nội trú và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc văn hóa được cử tuyển học nghề nội trú, trong đó ưu tiên các đối tượng thuộc dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Hình thức tổ chức dạy nghề
Tổ chức dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú tại các cơ sở dạy nghề công lập có đủ điều kiện dạy nghề, có chỗ ở nội trú cho học sinh và chỉ áp dụng cho những nghề với thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên.
3. Chính sách đối với học sinh học nghề và cơ sở dạy nghề
3.1. Đối với học sinh học nghề:
a) Được miễn học phí và các loại lệ phí thi, tuyển sinh.
b) Học sinh trong thời gian học nghề được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú hiện hành, cụ thể:
- Học bổng chính sách: Mức 280.000 đ/người/tháng; tính theo số tháng học thực tế của người học nghề.
- Thưởng một lần/năm theo kết quả học tập, nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả phân loại từ khá trở lên (ở năm học trước đó) như sau:
- 120.000 đồng nếu đạt loại khá;
- 180.000 đồng nếu đạt loại giỏi;
- 240.000 đồng nếu đạt loại xuất sắc.
- Hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân: Học sinh khi nhập trường nếu hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (có xác nhận của địa phương) được hỗ trợ bằng tiền để mua sắm một số đồ dùng cá nhân như: Chăn bông cá nhân, màn cá nhân, chiếu cá nhân, nilon đi mưa và quần áo dài tay (đồng phục);
- Mức tối đa không quá 360.000đ/học sinh cho cả khóa học nghề có thời gian đào tạo từ 01 năm trở lên;
- Mức tối đa không quá 240.000đ/học sinh cho cả khóa học nghề có thời gian đào tạo từ 03 tháng đến dưới 01 năm;
- Hỗ trợ tiền tàu, xe mỗi năm 01 lần (cả lượt đi và về) để học sinh về thăm gia đình trong dịp tết (nguyên đán) hoặc dịp hè. Mức thanh toán theo giá cước vận chuyển bình quân của phương tiện công cộng thông thường tại thời điểm thanh toán.
- Hàng năm được hỗ trợ tiền mua học phẩm dùng cho học tập. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/học sinh/năm học đối với trung cấp, cao đẳng nghề; mức 30.000 đồng/học sinh/năm học đối với sơ cấp nghề.
- Sách giáo khoa, tài liệu học tập: Mỗi người được mượn 01 bộ sách hoặc tài liệu học tập theo cấp học, nghề học;
- Chi cho ngày lễ tết nguyên đán, tết dân tộc: Đối với học sinh ở lại trường không về nhà, được hỗ trợ với mức 10.000 đồng/học sinh/lần ở lại.
Căn cứ vào nội dung, điều kiện cụ thể, Hiệu trưởng (Giám đốc) các trường, trung tâm dạy nghề quyết định thực hiện hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với một số chính sách nêu trên.
c) Ngoài các chính sách hỗ trợ trên đây, người học nghề còn được hỗ trợ qua chi phí cho các hoạt động của trường như: Chi hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tuyển sinh và tốt nghiệp, chi tiền điện, nước phục vụ học tập, sinh hoạt, nhà ăn tập thể như quy định đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Nếu người học nghề được hưởng học bổng chính sách, nhưng đồng thời cũng là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì chỉ được hưởng một chế độ có mức trợ cấp cao nhất.
d) Người học nghề thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 nêu trên không có điều kiện học nghề theo quy định tại Thông tư này, thì đươc ưu tiên học nghề theo chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-LĐTBXH ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
đ) Đối tượng quy định tại điểm 1 nêu trên khi học ở mỗi cấp trình độ nghề (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) chỉ được hưởng một lần các chính sách quy định tại điểm 3.1 của Thông tư này. Trường hợp nghề đào tạo có chương trình liên thông giữa các cấp trình độ thì người học nghề được tiếp tục hưởng chính sách khi được cử tuyển học các cấp trình độ nghề kế tiếp.
Chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số học nghề nội trú trên đây được điều chỉnh tương ứng khi nhà nước điều chỉnh chính sách học bổng và các chế độ ưu đãi khác cho học sinh trường phổ thông trung học dân tộc nội trú.
3.2. Đối với cơ sở dạy nghề.
Các trường, trung tâm dạy nghề có đủ điều kiện dạy nghề nội trú và được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) giao nhiệm vụ dạy nghề cho các đối tượng quy định tại điểm 1 của Thông tư này được cấp kinh phí thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh học nghề và kinh phí dạy nghề, cụ thể:
- Kinh phí để thực hiện chính sách đối với học sinh học nghề quy định tại điểm 3.1 nêu trên;
- Kinh phí dạy nghề: Theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
- Được vận dụng các chính sách khác theo quy định hiện hành áp dụng đối với các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú.
- Được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú từ nguồn kinh phí Dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo và dạy nghề và các nguồn kinh phí khác.
4. Chương trình dạy nghề và phương thức tiến hành
4.1. Chương trình dạy nghề.
a) Chương trình dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú có thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên, được xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Mỗi địa phương tùy theo yêu cầu về lao động chuyên môn kỹ thuật, xác định cụ thể các nghề đào tạo và số người được cử tuyển học nghề cho phù hợp.
c) Việc theo dõi quản lý quá trình dạy và học nghề, quản lý chất lượng đào tạo, kiểm tra và cấp bằng, chứng chỉ nghề được thực hiện theo quy định hiện hành.
4.2. Phương thức tiến hành.
a) Dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú thuộc loại hình dạy nghề chính quy tập trung, người học nghề được nội trú tại cơ sở dạy nghề trong suốt thời gian khóa học và được hưởng các chế độ quy định tại Thông tư này.
b) Tuyển sinh học nghề, nghề đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú được thực hiện theo chỉ tiêu và danh sách cử tuyển học nghề do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chỉ tiêu tuyển sinh dạy nghề học sinh dân tộc thiểu số nội trú nằm trong chỉ tiêu kế hoạch tuyển mới dạy nghề hàng năm.
c) Cơ sở được lựa chọn, giao nhiệm vụ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú là các cơ sở dạy nghề công lập; có chỗ ở nội trú, bếp ăn tập thể và các công trình phục vụ học tập, sinh hoạt trong quá trình học nghề; có trang thiết bị, chương trình giáo trình và đội ngũ giáo viên dạy nghề bảo đảm chất lượng đào tạo.
5. Nguồn, quản lý và sử dụng kinh phí:
Kinh phí thực hiện các chính sách đối với người học nghề (điểm 3.1) và cơ sở dạy nghề (điểm 3.2) quy định tại Thông tư này do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề được giao hàng năm; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thông qua Dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục, đào tạo và dạy nghề được Chính phủ giao hàng năm để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Riêng năm 2006, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ các tỉnh miền núi, vùng cao và các tỉnh ngân sách khó khăn để thực hiện chính sách này.
Kinh phí thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú được quản lý, sử dụng, thanh quyết toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và quy định của Thông tư này.
6. Trách nhiệm của các cơ quan:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Quy định mức chi dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện của địa phương;
- Phê duyệt kế hoạch dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú, cân đối ngân sách hàng năm và chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
- Quyết định việc lựa chọn các nghề đào tạo và giao nhiệm vụ cho một số cơ sở có đủ điều kiện dạy nghề học sinh dân tộc thiểu số nội trú;
- Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú ở địa phương, bảo đảm chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng;
- Báo cáo định kỳ việc triển khai thực hiện chính sách với các cơ quan liên quan theo quy định.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Kế hoạch tuyển mới dạy nghề học sinh dân tộc thiểu số nội trú;
+ Giao nhiệm vụ cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn có đủ điều kiện dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú;
+ Quy chế xét tuyển dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú.
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra quá trình đào tạo nghề bảo đảm quy định hiện hành.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề).
c) Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề và việc vận dụng các chế độ chính sách liên quan khác đối với người học nghề, cơ sở dạy nghề quy định tại Thông tư này, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế từng nghề, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương.
- Bảo đảm kinh phí theo dự toán đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra giám sát, quản lý quá trình tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
d) Các cơ sở đào tạo nghề có trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện dạy nghề cho các đối tượng quy định tại Thông tư này.
- Dự toán ngân sách theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú; quản lý, sử dụng và thực hiện thanh quyết toán khi kinh phí được giao theo chế độ quy định hiện hành.
- Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện với các cơ quan chức năng theo quy định.
7. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc các địa phương phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết./.