• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 05/01/2014
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 29/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 14 tháng 4 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn Quy chế công khai tài chính của doanh nghiệp nhà nước

 

Thi hành Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn gốc từ các khoản đóng góp của nhân dân, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết một số Điều về công khai tài chính tại doanh nghiệp nhà nước như sau:

 

1. Đối tượng, phạm vi áp dụng.

Doanh nghiệp nhà nước phải công khai tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Tổng công ty nhà nước, Công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước.

b) Công ty nhà nước độc lập.

c) Công ty cổ phần nhà nước.

d) Công ty có cổ phần hoặc có vốn góp chi phối của Nhà nước.

e) Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nhà nước một thành viên.

f) Công ty TNHH nhà nước có hai thành viên trở lên.

2. Đối tượng doanh nghiệp nhà nước không áp dụng.

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

3. Mục đích công khai tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước.

a) Nhằm đảm bảo minh bạch tình hình tài chính của Công ty nhà nước, số liệu thông tin trung thực, khách quan. Phát hiện kịp thời hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp.

b) Thực hiện đúng đắn quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở công ty nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

c) Là căn cứ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và quyết định việc đầu tư vào doanh nghiệp; các chủ nợ có thông tin để giám sát đánh giá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiêp.

4. Nguyên tắc công khai tài chính.

a) Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp là cơ sở để doanh nghiệp công bố thông tin tài chính; báo cáo tài chính được lập và trình bày theo quy định về pháp luật kế toán.

b) Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin tài chính phải công khai phù hợp với từng đối tượng nhận thông tin theo quy định tại Điểm 5 của Thông tư này.

c) Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung công khai quy định tại thông tư này.

5. Nội dung công khai tài chính.

Nội dung công khai tài chính đối với doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

a) Đối tượng tiếp nhận thông tin công khai tài chính là cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng được nhận báo cáo tài chính, chủ sở hữu doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp thực hiện công khai các nội dung thông tin tài chính tại hệ thống báo cáo tài chính hàng năm, bao gồm các thông tin về tài sản, tiền vốn, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, lưu chuyển tiền tệ và thông tin thuyết minh về báo cáo tài chính.

b) Đối tượng tiếp nhận là người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, Đảng và các đối tượng khác.

Các doanh nghiệp thực hiện công khai các nội dung thông tin tài chính về: tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, việc trích lập sử dụng các quỹ doanh nghiệp, các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động, số vốn góp và hiệu quả góp vốn của nhà nước tại doanh nghiệp theo Mẫu số 01 Thông tư này.

Riêng đối với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thực hiện công khai tài chính theo các nội dung về: tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, số vốn góp và hiệu quả góp vốn của nhà nước tại doanh nghiệp theo Mẫu số 02 Thông tư này.

6. Các hình thức công khai.

a) Đối với cơ quan nhà nước; chủ sở hữu công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước từ một thành viên trở lên, công ty cổ phần nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập trực thuộc tổng công ty nhà nước: việc công khai tài chính được thực hịên theo hình thức gửi báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán hiện hành.

b) Các cổ đông, người góp vốn ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: việc công khai và tiếp nhận thông tin tài chính được thực hiện theo hình thức cổ đông hoặc người góp vốn thông qua báo cáo tài chính tại đại hội Đại hội đồng cổ đông hoặc tại hội nghị thành viên.

c) Đối với người lao động trong doanh nghiệp và các đối tượng khác: Doanh nghiệp được chủ động lựa chọn các hình thức công khai tài chính theo các cách sau: phát hành ấn phẩm; niêm yết tại doanh nghiệp; công bố trong hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức của doanh nghiệp.

7. Thời điểm công khai tài chính.

Thời điểm công khai tài chính đối với các công ty nhà nước quy định tại Điều 13 của Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ (chậm nhất trong vòng 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính).

8. Trả lời chất vấn.

a) Các tổ chức, cá nhân được tiếp nhận thông tin công khai tài chính theo quy định tại Thông tư này có quyền chất vấn về các nội dung công khai tài chính.

b) Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty thực hiện công khai tài chính có trách nhiệm trả lời chất vấn về các nội dung công khai tài chính.

c) Các chất vấn phải được trả lời cho người chất vấn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn. Trường hợp nội dung chất vấn phức tạp, cần nhiều thời gian để chuẩn bị trả lời thì phải hẹn lại ngày trả lời cụ thể cho từng người chất vấn, nhưng tối đa không quá 45 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn.

9. Tổ chức thực hiện.

a) Những nội dung không quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Các Bộ, UBND cấp tỉnh, các doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, chính trị xã hội tại doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Thông tư này.

c) Các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định tại thông tư này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hành chính theo quy tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 65/1999/TT-BTC ngày 07/06/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.