• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2012
BỘ CÔNG AN-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ NGOẠI GIAO
Số: 07/2011/TTLT-BCA-BQP-BNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 16 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thi hành án phạt trục xuất

_______________

 

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Để thống nhất thực hiện các quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án phạt trục xuất, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao thống nhất hướng dẫn như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục thi hành án phạt trục xuất; giải quyết trường hợp người phải chấp hành án phạt trục xuất trốn hoặc bị bệnh hoặc chết trong thời gian chờ xuất cảnh; giải quyết việc cho nhận tử thi, hài cốt, tro cốt của người phải chấp hành án phạt trục xuất bị chết; kinh phí bảo đảm thi hành án phạt trục xuất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người phải chấp hành án phạt trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án (sau đây gọi là người bị trục xuất) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án phạt trục xuất.

Điều 3. Nguyên tắc thi hành án phạt trục xuất

1. Đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại và chính sách nhân đạo của Nhà nước.

2. Việc thi hành án phạt trục xuất phải bảo đảm an toàn, đúng người, đúng thời hạn, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

3. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị trục xuất; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản hợp pháp của người bị trục xuất.

Điều 4. Cơ quan thi hành án phạt trục xuất

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự ra quyết định thi hành án phạt trục xuất có trụ sở chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thi hành án phạt trục xuất theo quyết định thi hành án của Tòa án.

2. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu đóng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thi hành án phạt trục xuất đối với người đã chấp hành xong án phạt tù có hình phạt bổ sung là trục xuất.

Điều 5. Kinh phí bảo đảm thi hành án

Kinh phí bảo đảm thi hành án phạt trục xuất do ngân sách nhà nước chi trả trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an. Chi phí mua vé phương tiện xuất cảnh đưa người bị trục xuất về nước được thực hiện theo quy định tại Điều 102 của Luật Thi hành án hình sự.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH ÁN PHẠT TRỤC XUẤT

Điều 6. Thông báo thi hành án phạt trục xuất

1. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt trục xuất của Tòa án thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Thi hành án hình sự hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của Giám thị trại giam về thời gian phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất chấp hành xong án phạt tù, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước mà người bị trục xuất là công dân có trụ sở đóng tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam.

2. Trường hợp phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất được đặc xá, được miễn chấp hành án phạt tù thì trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi nhận được quyết định đặc xá, miễn chấp hành án phạt tù, Giám thị trại giam phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi trại giam đóng để thông báo ngay cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 7. Hồ sơ thi hành án phạt trục xuất

1. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án của Tòa án hoặc kể từ ngày tiếp nhận người đã chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, được miễn chấp hành án phạt tù có hình phạt bổ sung là trục xuất, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải lập hồ sơ thi hành án phạt trục xuất.

2. Hồ sơ thi hành án phạt trục xuất (sau đây gọi là hồ sơ thi hành án) phải có đủ giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án hình sự. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong các hình phạt khác hoặc các nghĩa vụ khác quy định tại điểm c khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án hình sự bao gồm: giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, đặc xá, miễn chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm hình phạt tiền, quyết định kết thúc, đình chỉ thi hành án, giấy chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan thi hành án có thẩm quyền về kết quả thi hành án hoặc kết quả thực hiện các nghĩa vụ khác.

3. Khi bàn giao người đã chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, được miễn chấp hành án phạt tù có hình phạt bổ sung là trục xuất cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi trại giam đóng, Giám thị trại giam phải giao kèm theo bản sao bản án, quyết định thi hành án phạt tù, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá, miễn chấp hành án phạt tù, giấy tờ chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ khác (nếu có) để lập hồ sơ thi hành án phạt trục xuất.

Điều 8. Chỉ định nơi lưu trú

1. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày lập hồ sơ thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án phải ra quyết định chỉ định nơi lưu trú đối với người bị trục xuất trong thời gian chờ xuất cảnh. Nơi lưu trú chỉ định phải có địa chỉ rõ ràng, bảo đảm thuận tiện cho việc quản lý, giám sát. Không được sử dụng buồng tạm giữ hình sự, buồng tạm giam của nhà tạm giữ, trại tạm giam hoặc nhà giam của trại giam để quản lý người bị trục xuất trong thời gian chờ xuất cảnh.

2. Trường hợp người bị trục xuất thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 99 Luật Thi hành án hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án ra quyết định và tổ chức đưa người bị trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an (sau đây gọi là cơ sở lưu trú).

3. Trường hợp người bị trục xuất hoặc thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ đề nghị cho lưu trú tại nơi tạm trú hợp pháp thuộc phạm vi tỉnh, thành phố khác, thì phải có đơn gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án xem xét, quyết định. Đơn đề nghị phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người đề nghị, quan hệ với người bị trục xuất, địa chỉ nơi lưu trú, cam kết chấp hành mọi yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, tuân thủ pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương nơi lưu trú. Đơn phải dịch ra tiếng Việt, có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc có trụ sở tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị trục xuất đến lưu trú.

4. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chỉ định nơi lưu trú, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Điều 9. Quản lý người bị trục xuất

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi người bị trục xuất đến lưu trú để quản lý người bị trục xuất.

2. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định đưa vào cơ sở lưu trú hoặc quyết định chỉ định nơi lưu trú thuộc tỉnh, thành phố khác, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án phải gửi thông báo kèm theo bản sao bản án, quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị trục xuất đến lưu trú để phối hợp quản lý và chủ trì thực hiện các thủ tục giải quyết khi người bị trục xuất trốn hoặc chết theo quy định tại khoản 4 Điều 99 và Điều 100 Luật Thi hành án hình sự.

Điều 10. Giải quyết trường hợp người phải chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn

1. Trong thời gian lưu trú chờ xuất cảnh người bị trục xuất bỏ trốn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có nơi lưu trú chỉ định phải tổ chức truy bắt ngay và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án; trường hợp truy bắt không có kết quả thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày người bị trục xuất trốn phải ra quyết định truy nã theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp bắt lại người bị trục xuất bỏ trốn hoặc người đó ra đầu thú, cơ quan bắt hoặc tiếp nhận đầu thú phải lập biên bản, thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án đến nhận, đưa người đó vào cơ sở lưu trú và thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để ra quyết định đình nã theo quy định.

3. Trường hợp người bị trục xuất bỏ trốn trên đường áp giải đến cơ sở lưu trú hoặc đến địa điểm xuất cảnh, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi tổ chức áp giải chịu trách nhiệm tổ chức truy bắt, ra quyết định truy nã, đình nã.

4. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án có trách nhiệm thông báo ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp, Tòa án ra quyết định thi hành án phạt trục xuất, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này về việc người bị trục xuất bỏ trốn, bỏ trốn bị bắt lại hoặc đầu thú.

Điều 11. Giải quyết trường hợp người phải chấp hành án phạt trục xuất bị bệnh hoặc chết

1. Trong thời gian lưu trú chờ xuất cảnh tại cơ sở lưu trú, người bị trục xuất được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ đối với người phải chấp hành án phạt trục xuất, người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù đang trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú để chờ làm thủ tục xuất cảnh. Trường hợp người bị trục xuất bị bệnh nặng phải đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc có nơi lưu trú được chỉ định để thông báo các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Trường hợp người bị trục xuất đang cấp cứu hoặc bệnh nặng không thể đi lại được và có xác nhận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi quản lý người bị trục xuất tại nơi lưu trú chỉ định, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú phải thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án để làm văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án xem xét, ra quyết định kéo dài thời hạn buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3. Trong thời gian lưu trú người bị trục xuất bị chết thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi có nơi lưu trú chỉ định, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị trục xuất chết, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị trục xuất chết phải thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án để thông báo ngay bằng văn bản hoặc điện tín cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Sau khi tiến hành xong các thủ tục xác định nguyên nhân chết và được phép của cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi có nơi lưu trú chỉ định có trách nhiệm tổ chức an táng.

Trường hợp người bị trục xuất chết trên đường áp giải đến cơ sở lưu trú hoặc địa điểm xuất cảnh thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi tổ chức áp giải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người bị trục xuất chết để tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 99 Luật Thi hành án hình sự.

4. Chi phí an táng người bị trục xuất chết:

a) Chi phí an táng người bị trục xuất chết tại cơ sở lưu trú được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ ăn, ở, mặc, sinh hoạt, khám bệnh, chữa bệnh, chi phí an táng đối với người chấp hành phạt trục xuất trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú;

b) Chi phí an táng người bị trục xuất chết trong thời gian lưu trú tại nơi lưu trú chỉ định khác được áp dụng tương tự như với người bị trục xuất chết tại cơ sở lưu trú, trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ tự chi trả.

Điều 12. Giải quyết cho nhận tử thi, hài cốt, tro cốt người bị trục xuất

1. Trường hợp người bị trục xuất chết mà thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đề nghị được nhận tử thi về an táng, thì trong thời hạn 48 (bốn mươi tám) giờ kể từ khi người bị trục xuất chết, phải có đơn đề nghị gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án để xem xét, quyết định.

2. Đơn đề nghị phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận tử thi, quan hệ với người bị trục xuất, nơi an táng, cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Đơn phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người bị trục xuất mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc và phải dịch ra tiếng Việt. Nếu người đề nghị là công dân Việt Nam thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Trường hợp nhận tử thi về mai táng tại lãnh thổ Việt Nam thì phải có sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng.

3. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải quyết định việc cho nhận tử thi và thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này về việc cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi khi có căn cứ cho rằng việc nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

4. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi thông báo cho nhận tử thi, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và người có đơn đề nghị phải tiến hành việc giao, nhận tử thi, tiền, tài sản hợp pháp của người bị trục xuất (nếu có) và phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, nhận và người chứng kiến; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức an táng.

5. Việc giải quyết cho nhận hài cốt người bị trục xuất chỉ được thực hiện sau 03 (ba) năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp hỏa táng, thì có thể giải quyết cho nhận tro cốt kể từ khi hoàn tất việc hỏa táng. Người đề nghị cho nhận hài cốt, tro cốt phải có đơn gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi an táng người bị trục xuất để xem xét, quyết định; Nội dung đơn đề nghị phải có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải quyết định việc cho nhận hài cốt, tro cốt và phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này về việc cho nhận hoặc không cho nhận hài cốt, tro cốt khi có căn cứ cho rằng việc nhận hài cốt, tro cốt ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

6. Việc bảo quản, vận chuyển tử thi, hài cốt, tro cốt người bị trục xuất do người có đơn đề nghị hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc chịu trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý y tế; vệ sinh môi trường; phòng, chống bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế qua biên giới và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 13. Cấp phép xuất cảnh

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án tiến hành kiểm tra hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu của người bị trục xuất. Trường hợp hộ chiếu không có thị thực hoặc thị thực đã hết giá trị thì đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp thị thực xuất cảnh theo quy định. Trường hợp khẩn cấp phải cấp thị thực tại cửa khẩu thì văn bản đề nghị phải được gửi chậm nhất 12 (mười hai) giờ trước khi người bị trục xuất đến cửa khẩu.

2. Trường hợp người bị trục xuất không có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc cấp các giấy tờ cần thiết làm thủ tục cấp thị thực xuất cảnh.

Trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết hoặc không đáp ứng, nhưng vì lý do khẩn cấp phải trục xuất ngay hoặc do đã quá thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh và đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho quốc gia mà người bị trục xuất là công dân để giải quyết các thủ tục tiếp nhận, cho nhập cảnh. Trường hợp nước mà người bị trục xuất mang quốc tịch từ chối tiếp nhận hoặc không cho nhập cảnh thì Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh tiến hành giải quyết bằng đường ngoại giao hoặc tiến hành trục xuất theo thông lệ quốc tế.

3. Trường hợp người bị trục xuất phải chấp hành một bản án khác hoặc chưa thực hiện xong hình phạt tiền, nghĩa vụ dân sự khác thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án phạt trục xuất phải làm ngay văn bản báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định việc kéo dài thời hạn rời khỏi lãnh thổ Việt Nam; phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo và yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước mà người bị trục xuất là công dân có trụ sở đóng tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam để giải quyết hoặc liên hệ với gia đình người bị trục xuất, cơ quan nơi người bị trục xuất làm việc hỗ trợ kinh phí thực hiện hình phạt tiền, các nghĩa vụ dân sự khác; đồng thời, thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án để tiến hành các thủ tục thi hành án hoặc làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Khi có quyết định hoặc văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc kết thúc thi hành án đối với người bị trục xuất, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh tiến hành các thủ tục buộc người bị trục xuất rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 14. Tiến hành buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam

1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án quyết định về thời gian xuất cảnh, nhưng không được quá thời hạn ghi trong quyết định thi hành án của Tòa án hoặc quá thời hạn quy định của pháp luật.

2. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án có trách nhiệm mua vé phương tiện xuất cảnh cho người bị trục xuất trong trường hợp người bị trục xuất tự chịu chi phí hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người bị trục xuất về nước.

Trường hợp phải sử dụng ngân sách để chi trả vé máy bay, ôtô, tàu hỏa, tàu biển để người bị trục xuất rời khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án hình sự, thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định sử dụng ngân sách và mua vé phương tiện đưa người bị trục xuất rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3. Chậm nhất 24 (hai mươi bốn) giờ trước thời điểm xuất cảnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án phải thông báo cho người bị trục xuất, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền, Cục Cửa khẩu thuộc Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này về thời gian, địa điểm xuất cảnh để phối hợp tiến hành trục xuất. Trường hợp trục xuất bằng đường bộ về nước có chung biên giới đất liền với Việt Nam, thì thời gian xuất cảnh không tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp đặc biệt.

Trường hợp người bị trục xuất có tiền, tài sản hợp pháp gửi tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh hoặc cơ sở lưu trú, thì 24 (hai mươi bốn) giờ trước thời điểm xuất cảnh, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh hoặc cơ sở lưu trú phải trả lại cho họ. Việc trả lại tiền, tài sản phải được lập biên bản, có chữ ký của bên giao, nhận và người chứng kiến.

4. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án có trách nhiệm tổ chức áp giải người bị trục xuất đến địa điểm xuất cảnh; phối hợp với Bộ Ngoại giao, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cục Cửa khẩu Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tiến hành thủ tục buộc người bị trục xuất rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc thi hành trục xuất tại địa điểm xuất cảnh phải được lập biên bản, có chữ ký của người bị trục xuất, những người có mặt đại diện các cơ quan tham gia thi hành trục xuất, cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người trục xuất mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc.

5. Trường hợp người bị trục xuất không tự nguyện chấp hành việc trục xuất, từ chối xuất cảnh rời khỏi Việt Nam thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án có trách nhiệm áp giải người bị trục xuất đến cửa khẩu của nước mà họ là công dân; trường hợp áp giải xuất cảnh theo đường hàng không thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo và thống nhất với hãng hàng không vận chuyển về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình áp giải theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 81/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về an ninh hàng không dân dụng và thực hiện đúng các Điều ước quốc tế về an ninh hàng không dân dụng mà Việt Nam là thành viên.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng - Trung tướng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng - Trung tướng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Ngoại giao
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Lê Quý Vương

Nguyễn Thành Cung

Nguyễn Thanh Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.