• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/03/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 03/2012/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 19 tháng 1 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006

của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt

____________________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt về kết cấu hạ tầng đường sắt; đường sắt đô thị; kinh doanh đường sắt; quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; miễn, giảm giá vé cho đối tượng chính sách xã hội; phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt; danh mục hàng nguy hiểm và việc vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 5 như sau:

“3. Đất dành cho đường sắt phải được cắm mốc chỉ giới. Việc cắm mốc chỉ giới được quy định như sau:

a) Đối với đất quy hoạch dành cho đường sắt:

Việc cắm mốc chỉ giới do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có quy hoạch đường sắt thực hiện.

b) Đối với đất dành cho đường sắt khi thực hiện nâng cấp, cải tạo từ đường sắt đang khai thác hoặc xây dựng mới từ sau ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm sau đây:

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình đường sắt xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình đường sắt phê duyệt. Trong thời hạn không quá ba tháng kể từ ngày được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới, chủ đầu tư dự án phải chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt công bố công khai mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đường sắt hành lang an toàn giao thông đường sắt và tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa, bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt quản lý, bảo vệ.

c) Đối với đất dành cho đường sắt đang khai thác và có từ trước ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sau đây:

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình đường sắt xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình đường sắt phê duyệt. Trong thời hạn không quá ba tháng, kể từ ngày được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình đường sắt phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt công bố công khai mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt và tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa, bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt quản lý, bảo vệ.

4. Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt được quy định như sau:

a) Đối với đất dành cho đường sắt khi nâng cấp, cải tạo từ đường sắt đang khai thác hoặc xây dựng mới từ sau ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006:

- Trường hợp đủ kinh phí thì tiến hành ngay công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt và pháp luật về đất đai.

- Trường hợp chưa đủ kinh phí để thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt thì thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt. Trường hợp do mặt bằng thực tế chật hẹp dẫn đến phạm vi bảo vệ cầu đường sắt theo chiều ngang không đủ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 28 Luật Đường sắt thì phạm vi bảo vệ cầu đường sắt theo chiều ngang được phép xác định theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Luật Đường sắt nhưng phải có biện pháp bảo vệ cần thiết để bảo đảm an toàn cho cầu đường sắt.

Bước 2: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt nhưng nằm ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt theo quy định sau đây:

Trường hợp sử dụng đất ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt hoặc hoạt động của công trình đường sắt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người sử dụng đất thì cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đó. Người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sử dụng đất không ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt hoặc hoạt động của công trình đường sắt không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng phải thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt.

Bước 3: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt.

b) Đối với đường sắt đang khai thác được xây dựng từ trước ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006:

- Trường hợp đủ kinh phí thì tiến hành ngay công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt và pháp luật về đất đai.

- Trường hợp chưa đủ kinh phí để thực hiện ngay công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt thì thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của nền đường sắt theo quy định sau đây: chiều rộng 5 mét kể từ chân nền đường đối với nền đường đắp hay kể từ mép đỉnh đối với nền đường đào, hoặc 3 mét từ chân rãnh dọc hay rãnh đỉnh của đường; 5,6 mét tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra đối với nền đường không đào, không đắp. Riêng phạm vi bảo vệ cầu đường sắt theo chiều ngang được xác định theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Luật Đường sắt.

Đối với đất nằm ngoài phạm vi an toàn của nền đường sắt theo quy định trên đến hết chỉ giới phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt được xử lý như sau:

Trường hợp sử dụng đất ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt hoặc hoạt động của công trình đường sắt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người sử dụng đất thì cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đó. Người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sử dụng đất không ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt hoặc hoạt động của công trình đường sắt không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng phải thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt.

Bước 2: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt.

c) Bồi thường, hỗ trợ tài sản, công trình trên đất khi thu hồi đất:

- Đối với công trình xây dựng trước khi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt được công bố theo quy định của pháp luật thì chủ công trình được bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất theo quy định pháp luật về đất đai.

- Đối với công trình xây dựng sau khi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt được công bố theo quy định của pháp luật thì chủ công trình phải tự dỡ bỏ và không được bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, trừ các công trình được phép xây dựng theo quy định tại Điều 33 của Luật Đường sắt.”

3. Bổ sung điểm e vào khoản 2 Điều 7 như sau:

“e) Tại điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ không bố trí người gác không được xây dựng công trình trong phạm vi góc cắt tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể phạm vi góc cắt tầm nhìn của từng loại điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.”

4. Bổ sung Chương Va sau Chương V như sau:

“Chương Va

PHƯƠNG TIỆN ĐỘNG LỰC CHUYÊN DÙNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 38a. Phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt

1. Phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt bao gồm:

a) Các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để vận chuyển người và vật tư, thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành của ngành Đường sắt.

b) Các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; để kiểm tra, thi công, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt và phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Trang thiết bị trên phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt:

a) Các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để vận chuyển người và vật tư, thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành của ngành đường sắt khi khai thác, vận dụng trên đường sắt phải tuân theo các quy định tại Điều 43 Luật Đường sắt.

b) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể danh mục và các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các loại phương tiện động lực chuyên dùng để cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; để kiểm tra, thi công, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt, phục vụ an ninh, quốc phòng khi khai thác, vận dụng trên đường sắt không bắt buộc phải có thiết bị ghi tốc độ và các thông tin liên quan đến việc điều hành chạy tàu (hộp đen).”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2012.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.