• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2013
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 01/2013/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kiên Giang, ngày 8 tháng 1 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

____________________

 

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc đăng ký phương tiện giao thông đường sắt hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có sở hữu phương tiện giao thông đường sắt; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.

2. Đối với phương tiện giao thông đường sắt của nước ngoài tham gia liên vận đường sắt quốc tế chạy trên đường sắt Việt Nam thực hiện theo các quy định về liên vận đường sắt quốc tế có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện chuyên dùng đường sắt là phương tiện dùng để:

a) Vận chuyển người, vật tư, thiết bị của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt;

b) Cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt;

c) Để kiểm tra thi công, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt;

d) Phục vụ an ninh, quốc phòng.

2. Thay đổi thông số kỹ thuật chủ yếu của phương tiện giao thông đường sắt bao gồm:

a) Đối với đầu máy: khi thay đổi động cơ khác kiểu loại, thay đổi công suất động cơ, thay đổi kiểu truyền động, thay đổi khổ đường;

b) Đối với toa xe: khi thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi tải trọng, thay đổi khổ đường;

c) Đối với phương tiện chuyên dùng đường sắt: khi thay đổi tính năng sử dụng; thay đổi khổ đường.

3. Bản sao hợp lệ là bản sao được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công chứng, chứng thực.

Chương II

ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN

Điều 4. Quy định chung

1. Các phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là phương tiện) khi tham gia giao thông trên đường sắt phải có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện).

2. Đăng ký phương tiện bao gồm:

a) Đăng ký lần đầu là việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cho những phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi đưa ra khai thác, vận dụng trên đường sắt.

b) Đăng ký lại là việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện mới thay cho Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cũ cho phương tiện trong các trường hợp sau:

- Khi chuyển quyền sở hữu phương tiện;

- Khi thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu của phương tiện.

3. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện:

Khi Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị mất, bị hư hỏng, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng ký phương tiện làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện,

4. Chủ sở hữu phương tiện phải làm thủ tục xóa đăng ký phương tiện trong các trường hợp sau đây:

a) Phương tiện không còn sử dụng cho giao thông đường sắt;

b) Phương tiện bị mất tích, bị phá hủy.

5. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này. Trường hợp cấp lại, trên Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện được đóng thêm dấu “Cấp lại lần 1, cấp lại lần 2....”.

Điều 5. Cơ quan đăng ký phương tiện

Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc xóa đăng ký, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.

Điều 6. Trình tự, thời hạn thực hiện

1. Phương tiện có hồ sơ đầy đủ theo quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 của Thông tư này sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam làm thủ tục đăng ký hoặc xóa đăng ký, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.

2. Chủ sở hữu phương tiện nộp 01 bộ hồ sơ làm thủ tục đăng ký phương tiện và chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có) hoặc đề nghị xóa tên đăng ký phương tiện trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Cục Đường sắt Việt Nam.

3. Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường sắt Việt Nam phải hướng dẫn chủ phương tiện hoàn thiện hồ sơ; nếu tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho chủ phương tiện biết để bổ sung hồ sơ.

4. Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ hoặc có văn bản trả lời cho chủ sở hữu phương tiện nói rõ lý do chưa được giải quyết.

Điều 7. Hồ sơ đăng ký phương tiện lần đầu

1. Đơn đề nghị đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

2. Một trong các loại giấy tờ sau đây:

a) Bản chính (hoặc bản sao hợp lệ) hợp đồng mua bán, sản xuất phương tiện (hoặc hóa đơn mua bán phương tiện);

b) Bản sao hợp lệ quyết định điều chuyển phương tiện hoặc bản kê khai chủng loại phương tiện đang sử dụng do người đại diện chủ sở hữu (hoặc người được ủy quyền) theo quy định của pháp luật ký.

Đối với phương tiện nhập khẩu phải có thêm bản chính tờ khai hải quan dùng cho hàng nhập khẩu.

3. Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do Cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp và đang còn hiệu lực.

Điều 8. Hồ sơ đăng ký lại phương tiện

1. Hồ sơ đăng ký lại phương tiện trong trường hợp chuyển quyền sở hữu:

a) Đơn đề nghị đăng ký lại phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp và đang còn hiệu lực;

c) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện do Cục Đường sắt Việt Nam cấp.

d) Bản sao hợp lệ các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu phương tiện (hợp đồng, hóa đơn mua, bán phương tiện hoặc quyết định điều chuyển phương tiện).

2. Hồ sơ đăng ký lại trong trường hợp phương tiện thay đổi thông số kỹ thuật chủ yếu:

a) Đơn đề nghị đăng ký lại phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện do Cục Đường sắt Việt Nam cấp;

c) Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do Cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp và đang còn hiệu lực.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện

1. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị hư hỏng:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện do Cục Đường sắt Việt Nam cấp.

2. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị mất:

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị mất, chủ sở hữu phương tiện phải đến Cục Đường sắt Việt Nam khai báo việc mất Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo mẫu đơn quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này. Căn cứ vào đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Cục Đường sắt Việt Nam cấp cho chủ sở hữu phương tiện Giấy xác nhận khai báo mất Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này. Thời gian xem xét giải quyết cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện là 180 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký phương tiện tiếp nhận đơn xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị xóa đăng ký phương tiện

1. Đơn đề nghị xóa đăng ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

2. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện do Cục Đường sắt Việt Nam cấp.

Điều 11. Quy định cách đánh số đăng ký phương tiện

Nguyên tắc đánh số đăng ký phương tiện:

1. Phương tiện giao thông đường sắt được chia thành 3 loại: đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng và được đăng ký theo từng chủ sở hữu phương tiện.

2. Số đăng ký mỗi loại phương tiện gồm 03 nhóm ký hiệu, nhóm 1 ở hàng trên, nhóm 2 và nhóm 3 ở hàng dưới và được ngăn cách bởi dấu gạch ngang, trong đó:

a) Nhóm 1 là tên viết tắt hoặc tên thương mại của doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện.

b) Nhóm 2 là các chữ và số chỉ chủng loại, tính năng kỹ thuật của phương tiện do chủ sở hữu phương tiện tự đề xuất (không trái với các quy định của pháp luật hiện hành) phù hợp với việc quản lý sản xuất kinh doanh của chủ phương tiện.

c) Nhóm 3 là số thứ tự đăng ký của loại phương tiện đó do cơ quan đăng ký phương tiện cấp. Đối với những phương tiện đã được doanh nghiệp quản lý đánh số hoặc đã được cấp số đăng ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được giữ nguyên.

Ví dụ số đăng ký toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Tên thương mại bằng tiếng Anh viết tắt là VNR) được đánh số đăng ký như sau:

VNR

H431 - 328

Điều 12. Quy định về vị trí kẻ số đăng ký trên phương tiện, màu sơn của chữ và số đăng ký phương tiện

1. Quy định về vị trí kẻ số đăng ký trên phương tiện:

Sau khi được cấp số đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, chủ sở hữu phương tiện giao thông đường sắt phải kẻ số đăng ký của phương tiện giao thông đường sắt lên hai bên ngoài thành hoặc ở hai đầu phương tiện giao thông đường sắt ở vị trí thích hợp dễ quan sát và dễ nhận biết.

2. Quy định về màu sơn của số đăng ký phương tiện giao thông đường sắt:

a) Sơn màu trắng hoặc màu vàng nếu thành của phương tiện là màu xẫm;

b) Sơn màu xanh cô ban hoặc màu đen nếu thành của phương tiện là màu sáng.

Điều 13. Kiểu chữ, kích thước chữ, số của số đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

1. Kiểu chữ, dấu ngăn cách và số: Theo phông chữ Times New Roman.

2. Kích thước các chữ và số:

a) Nhóm 1 có kích thước các chữ và số bằng 10-15 cm, khoảng cách giữa các ký hiệu là 10 mm.

b) Nhóm 2 có kích thước các chữ và số bằng 20-25 cm, khoảng cách giữa các ký hiệu là 10 mm.

c) Nhóm 3 có kích thước các số bằng 20-25 cm, khoảng cách giữa các ký hiệu là 10 mm.

d) Dấu gạch ngang: Dài 35mm, rộng 15mm.

Trường hợp đặc biệt do hạn chế kích thước thành phương tiện không kẻ được kiểu chữ, kích thước chữ và số của đăng ký phương tiện theo quy định trên, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể.

Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký phương tiện

1. Tổ chức thực hiện việc đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo quy định tại Thông tư này, hướng dẫn chủ phương tiện lập hồ sơ đăng ký phương tiện.

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý phương tiện giao thông đường sắt trên phạm vi cả nước; lưu trữ và quản lý hồ sơ đăng ký phương tiện.

3. Theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải định kỳ 12 tháng/lần về tình hình đăng ký phương tiện.

4. Quản lý, in ấn và sử dụng các ấn chỉ phục vụ công tác đăng ký phương tiện.

5. Thu và sử dụng lệ phí đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện

1. Kê khai và nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký phương tiện theo quy định cho cơ quan đăng ký phương tiện.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của hồ sơ.

3. Nộp phí, lệ phí đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

4. Kẻ số đăng ký phương tiện lên thành phương tiện đúng vị trí, kích thước và màu sơn quy định tại Điều 12, Điều 13 của Thông tư này theo đúng số đăng ký ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các phương tiện giao thông đường sắt đang vận dụng, khai thác trên các mạng đường sắt quy định tại Điều 1 của Thông tư này phải thực hiện việc đăng ký phương tiện theo quy định tại Thông tư này. Riêng các phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe hiện đang khai thác và sử dụng có từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 chưa được đăng ký phương tiện thuộc sở hữu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được thực hiện theo lộ trình sau:

a) Đối với phương tiện là đầu máy, toa xe khách: việc đăng ký phương tiện xong trước ngày 30 tháng 12 năm 2013;

b) Đối với phương tiện là toa xe hàng: việc đăng ký phương tiện xong trước ngày 31 tháng 12 năm 2014.

2. Các phương tiện giao thông đường sắt đã được Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến nay được giữ nguyên số đăng ký cũ. Trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện mới cho phù hợp với các nội dung Thông tư này, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và không thu lệ phí.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2013

2. Bãi bỏ các Quyết định và Thông tư sau:

a) Quyết định số 55/2005/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Quy định đăng ký phương tiện giao thông đường sắt”;

b) Quyết định số 29/2006/QĐ-BGTVT ngày 01/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc “sửa đổi, bổ sung Quy định đăng ký phương tiện giao thông đường sắt” ban hành kèm theo Quyết định số 55/2005/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

c) Thông tư số 26/2011/TT-BGTVT ngày 13/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc “sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt” ban hành kèm theo Quyết định số 55/2005/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện Thông tư này.

2. Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo kịp thời về Cục Đường sắt Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.

4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 ​

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.