THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ Bảo trì đường bộ
____________________________________
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ như sau:
Điều 1. Quy định chung
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn về chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
3. Nguồn kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ
a) Nguồn kinh phí của Quỹ trung ương, gồm:
- Nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thu từ xe ô tô - phần được phân chia cho Quỹ trung ương); các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
- Ngân sách trung ương bổ sung cho Quỹ trung ương.
b) Nguồn kinh phí của Quỹ địa phương, gồm:
- Nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thu từ xe ô tô - phần được phân chia cho Quỹ địa phương) và thu từ xe mô tô; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
- Ngân sách địa phương bổ sung cho Quỹ địa phương.
4. Kinh phí quản lý, bảo trì quốc lộ do Quỹ bảo trì đường bộ trung ương bảo đảm (gọi tắt là Quỹ trung ương); Kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương do Quỹ bảo trì đường bộ địa phương bảo đảm (gọi tắt là Quỹ địa phương).
5. Mở tài khoản:
a) Quỹ Trung ương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước) để phản ánh các nguồn thu của Quỹ.
Các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý), Văn phòng Quỹ Trung ương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận nguồn kinh phí và thực hiện chi từ Quỹ Trung ương.
b) Quỹ địa phương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước địa phương để phản ánh các nguồn thu của Quỹ.
Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý Quỹ địa phương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận nguồn kinh phí và thực hiện chi từ Quỹ địa phương.
6. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước theo quy định; hàng năm việc lập kế hoạch, phân bổ, giao kế hoạch và quản lý, thanh toán, quyết toán thu - chi Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành.
7. Quỹ Bảo trì đường bộ phải công khai tình hình quản lý, sử dụng Quỹ và báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 2. Nội dung chi của Quỹ bảo trì đường bộ
1. Chi bảo dưỡng thường xuyên.
2. Chi sửa chữa định kỳ (gồm: sửa chữa lớn, sửa chữa vừa) đường bộ.
3. Chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông).
4. Chi quản lý công trình đường bộ do các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích quản lý bảo trì đường bộ thực hiện.
5. Chi hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe, gồm: Chi phí hoạt động thường xuyên, chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa thiết bị; sửa chữa, nâng cấp nhà trạm).
6. Chi bù hoạt động của các bến phà, cầu phao trong trường hợp số thu không đủ bù đắp chi hoạt động.
7. Chi hoạt động của các Văn phòng Khu quản lý đường bộ, bao gồm: Chi theo định mức biên chế được giao, chi hoạt động đặc thù và các khoản chi không thường xuyên.
8. Chi hoạt động của Văn phòng Quỹ; bao gồm: Chi theo định mức (đối với biên chế được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên trách) và các khoản chi khác đảm bảo hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ, Văn phòng Quỹ.
9. Chi khác liên quan đến công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ do Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định.
Điều 3. Lập, phân chia và giao kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho Quỹ trung ương và Quỹ địa phương
1. Đối với phí thu từ xe ô tô:
a) Hàng năm căn cứ vào Thông tư hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Bộ Tài chính ban hành; đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ lập kế hoạch thu cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách của đơn vị, gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương.
Hội đồng quản lý Quỹ trung ương lập kế hoạch thu, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán; trong đó xác định phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định; phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ được phân chia cho Quỹ trung ương 65% và các Quỹ địa phương 35%, trong đó chi tiết cho từng Quỹ địa phương (các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính.
Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp kế hoạch thu của Quỹ, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán vào phương án xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm, gửi Bộ Tài chính.
b) Hội đồng quản lý Quỹ trung ương xem xét, phê duyệt kế hoạch thu và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện; trong đó: phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định, phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ được phân chia cho Quỹ trung ương 65% và các Quỹ địa phương 35%; quyết định phân chia 35% cho từng Quỹ địa phương.
Kế hoạch thu quy định tại điểm b khoản này, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phải gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.
2. Đối với phí thu từ xe mô tô:
a) Hàng năm căn cứ vào Thông tư hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Bộ Tài chính ban hành; đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ lập kế hoạch thu, gửi Hội đồng quản lý Quỹ địa phương.
Hội đồng quản lý Quỹ địa phương lập kế hoạch thu, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán; trong đó xác định phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định; phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ, gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính.
Sở Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp kế hoạch thu của Quỹ, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán vào phương án xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm, gửi Sở Tài chính.
b) Hội đồng quản lý Quỹ địa phương xem xét, phê duyệt kế hoạch thu và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện; trong đó: phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định, phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ.
Kế hoạch thu quy định tại điểm b khoản này, Hội đồng quản lý Quỹ địa phương phải gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.
Điều 4. Lập, giao kế hoạch chi đối với Quỹ trung ương
1. Lập kế hoạch chi
a) Hàng năm, căn cứ vào tình trạng công trình đường bộ; định mức kinh tế kỹ thuật; nội dung chi quy định tại Điều 2 của Thông tư này; đơn giá, định mức chi được cấp có thẩm quyền quy định; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý) lập kế hoạch về nhu cầu chi quản lý, bảo trì quốc lộ, cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách của đơn vị, gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tổng hợp, gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương.
b) Hội đồng quản lý Quỹ trung ương lập kế hoạch chi (bao gồm kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường quốc lộ và chi hoạt động của Văn phòng Quỹ); trong đó xác định rõ phần chênh lệch thiếu (kế hoạch chi - kế hoạch thu) đề nghị ngân sách trung ương bổ sung, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán, định hướng, nguyên tắc phân bổ và xác định thứ tự ưu tiên cho từng nhóm nhiệm vụ chi, gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính.
c) Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung kế hoạch chi của Quỹ, phần kinh phí đề xuất ngân sách trung ương bổ sung cho Quỹ; kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán, định hướng, nguyên tắc phân bổ và xác định thứ tự ưu tiên cho từng nhóm nhiệm vụ chi vào phương án xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm, gửi Bộ Tài chính.
2. Mức bổ sung từ Ngân sách Trung ương
a) Bộ Tài chính xem xét kế hoạch thu, chi tài chính của Quỹ để cân đối xác định phần chi bổ sung từ ngân sách trung ương cho Quỹ, để tổng hợp trong phương án phân bổ chi ngân sách trung ương trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Tài chính giao kế hoạch chi bổ sung từ ngân sách Trung ương cho Quỹ trong dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch chi bổ sung từ ngân sách trung ương cho Quỹ.
3. Giao kế hoạch chi.
a) Căn cứ mức bổ sung từ ngân sách trung ương được Bộ Giao thông vận tải giao, số phí thu từ ô tô (phần được phân chia 65%), kế hoạch quản lý bảo trì quốc lộ; Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thông báo kế hoạch chi quản lý bảo trì đường bộ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chi hoạt động cho Văn phòng Quỹ để lập phương án phân bổ kinh phí, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thẩm định, phê duyệt.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập phương án phân bổ kế hoạch chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý) theo nội dung chi quy định tại Điều 2 của Thông tư này và chi tiết theo từng công trình gắn với đoạn đường, tuyến đường, khối lượng và kinh phí thực hiện (trừ công trình sửa chữa đột xuất bước 1). Đối với công trình có thời gian thi công trên 1 năm, việc phân bổ kế hoạch chi từng năm phải bảo đảm theo khối lượng và thời gian thi công được phê duyệt trong quyết định đầu tư; không phân bổ kế hoạch chi để trả nợ đối với khối lượng đã thực hiện năm trước nhưng ngoài danh mục kế hoạch được giao năm trước (trừ khối lượng sửa chữa đột xuất, cầu yếu, điểm đen, các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông và các nguyên nhân khách quan khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa có kinh phí bố trí).
Sau khi phương án phân bổ kinh phí được Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thẩm định, phê duyệt; Hội đồng quản lý Quỹ trung ương giao kế hoạch chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao kế hoạch chi cho các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý) và giao kế hoạch chi hoạt động cho Văn phòng Quỹ.
Kế hoạch chi giao cho các đơn vị quy định tại điểm a khoản này, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phải gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.
(Biểu giao kế hoạch chi, chuyển vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ cho các đơn vị theo Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo Thông tư này).
4. Căn cứ vào kế hoạch chi bảo trì, quản lý đường quốc lộ được giao, các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được uỷ quyền quản lý) thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch bảo trì, quản lý công trình đường bộ theo quy định hiện hành.
5. Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư, như: sửa chữa định kỳ công trình đường bộ; sửa chữa lớn trạm kiểm tra tải trọng xe, Văn phòng Khu quản lý đường bộ, nhà hạt quản lý đường bộ và các nhiệm vụ chi khác có tính chất đầu tư thực hiện theo quy trình quản lý vốn đầu tư của Nhà nước hiện hành.
Điều 5. Lập, giao kế hoạch chi của Quỹ địa phương
Căn cứ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và quy định tại Điều 4 của Thông tư này, Sở Giao thông vận tải, thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định việc lập, giao kế hoạch chi của Quỹ địa phương đảm bảo công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường địa phương theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phù hợp.
Điều 6. Tạm ứng, thanh toán kinh phí
1. Quy định về tạm ứng, thanh toán kinh phí bổ sung từ ngân sách nhà nước cho Quỹ:
a) Đối với phần bổ sung từ ngân sách trung ương cho Quỹ trung ương
Hàng quý, căn cứ tiến độ thu phí sử dụng đường bộ, nhu cầu chi thực hiện công tác bảo trì, quản lý công trình đường bộ, Hội đồng quản lý Quỹ có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, để Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí (theo hình thức lệnh chi tiền) vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương để tạm ứng, thanh toán. Mức cấp tối đa từng quý không quá 1/4 (một phần tư) kế hoạch hỗ trợ năm.
b) Đối với phần bổ sung từ ngân sách địa phương cho Quỹ địa phương:
Sở Giao thông vận tải, thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức cấp cụ thể từ nguồn ngân sách địa phương bổ sung cho Quỹ địa phương.
2. Quy định về phương thức chuyển kinh phí Quỹ
a) Đối với Quỹ Trung ương
Hàng Quý, căn cứ số thực thu của Quỹ (nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương, nguồn thu phí sử dụng đường bộ, các nguồn thu khác), kế hoạch chi của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định phân khai nguồn kinh phí của Quỹ cho Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý), Văn phòng quỹ Trung ương gửi Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước chuyển kinh phí vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch của các cơ quan, đơn vị.
b) Đối với Quỹ địa phương
Hàng quý, căn cứ số thực thu của Quỹ (nguồn bổ sung từ ngân sách địa phương, nguồn thu phí sử dụng đường bộ, các nguồn thu khác), kế hoạch chi của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định phân khai nguồn kinh phí của Quỹ cho cơ quan, đơn vị được giao quản lý Quỹ địa phương gửi Kho bạc Nhà nước địa phương; Kho bạc Nhà nước địa phương chuyển kinh phí vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch của các cơ quan, đơn vị.
3. Quy định về tạm ứng, thanh toán của Kho bạc Nhà nước
a) Căn cứ vào kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường bộ được giao, đơn vị thực hiện đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch tạm ứng, thanh toán cho các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích về quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định hiện hành.
b) Căn cứ để Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán
- Có trong danh mục, kế hoạch chi được cấp có thẩm quyền giao;
- Căn cứ số dư trong tài khoản của cơ quan, đơn vị tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch;
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (đối với nhiệm vụ có tính chất đầu tư); kết quả đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch chỉ định thầu của cấp có thẩm quyền;
- Hợp đồng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện quản lý, bảo trì công trình đường bộ;
- Biên bản nghiệm thu sản phẩm và bản thanh toán kinh phí sản phẩm quản lý, bảo trì công trình đường bộ hoàn thành;
- Duyệt chi của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý kinh phí của Quỹ, cùng hồ sơ chứng từ theo quy định hiện hành.
c) Kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm tra các căn cứ nêu tại điểm b khoản 3 Điều này, thực hiện kiểm soát các khoản chi từ Quỹ trước khi tạm ứng, thanh toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý kinh phí theo quy định hiện hành, cụ thể:
Đối với nhiệm vụ chi có tính chất thường xuyên việc tạm ứng và thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 2/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Đối với khoản chi có tính chất đầu tư việc tạm ứng và thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/06/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 7. Quyết toán thu, chi của Quỹ
1. Lập, xét duyệt báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ trung ương.
a) Quyết toán thu: Các đơn vị thu phí sử dụng đường bộ lập quyết toán thu gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương (đối với đơn vị được giao tổ chức thu phí từ xe ô tô) và các khoản thu khác theo quy định hiện hành.
b) Quyết toán chi: Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ lập báo cáo quyết toán việc sử dụng kinh phí theo mẫu biểu và yêu cầu của quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Báo cáo quyết toán kèm theo báo cáo danh mục công trình đã được giao kế hoạch trong năm đề nghị quyết toán, chi tiết theo nội dung chi quy định tại Điều 2 của Thông tư này.
c) Nội dung, quy trình xét duyệt, thẩm định, thông báo quyết toán năm: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp (hiện nay là Thông tư 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính); cụ thể:
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm xét duyệt quyết toán năm của các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ được uỷ quyền quản lý); tổng hợp gửi Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương.
- Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương có trách nhiệm phê duyệt quyết toán chi hoạt động của Văn phòng Quỹ.
Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư, thực hiện theo quy trình quản lý vốn đầu tư, thì ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định; khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, còn phải thực hiện quyết toán công trình hoàn thành theo quy định hiện hành.
Trường hợp quyết toán công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt có chênh lệch so với tổng giá trị công trình đã quyết toán các năm thì phần chênh lệch sẽ được điều chỉnh vào báo cáo quyết toán của đơn vị năm phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.
d) Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phê duyệt quyết toán thu, chi (trong đó: từ nguồn ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ và từ các nguồn thu) của Quỹ trung ương, gửi Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của Quỹ và tổng hợp vào quyết toán của Bộ, gửi Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của Bộ Giao thông vận tải và tổng hợp phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã cấp bổ sung cho Quỹ trung ương vào báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.
đ) Cuối năm, nguồn kinh phí của Quỹ trung ương còn dư được chuyển sang năm sau, để chi cho công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ.
2. Lập, xét duyệt báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ địa phương.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ; Thông tư hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện và quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này, Sở Giao thông vận tải thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về lập, xét duyệt, thẩm định, thông báo quyết toán năm đối với Quỹ địa phương cho phù hợp.
Điều 8. Công tác kiểm tra
Để đảm bảo việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ đúng mục đích, có hiệu quả; Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan Giao thông vận tải địa phương, Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Trong quá trình quản lý, kiểm tra phát hiện các khoản chi không đúng chế độ, chi sai nội dung quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đều phải xuất toán thu hồi Quỹ; đồng thời cá nhân ra quyết định chi sai phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 và thay thế Thông tư Liên tịch số 10/2008/TTLT-BTC-BGTVT ngày 30/01/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ.
2. Dự toán chi ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2012; trường hợp cuối năm chưa chi hết thực hiện theo quy định tại Thông tư 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để kịp thời giải quyết./.