Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ

và an ninh các nguồn phóng xạ

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, kỹ thuật bức xạ, hạt nhân đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học,... và đem lại những hiệu quả kinh tế, xã hội đáng ghi nhận.

Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 15/6/1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1997, theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này từng bước được hoàn thiện, hệ thống cơ quan quản lý về an toàn và kiểm soát bức xạ từ Trung ương đến địa phương được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thời gian qua một số cơ sở bức xạ, kể cả ở các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành, chưa thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về an toàn bức xạ, hạt nhân, đã để xảy ra một số trường hợp mất nguồn phóng xạ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nhân dân và môi trường, gây ra dư luận không tốt trong xã hội. Để chấn chỉnh tình trạng này, đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý an toàn, an ninh các nguồn phóng xạ và thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ thị:

1. Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân:

a) Tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân: đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về khai báo, đăng ký, cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn bức xạ; khẩn trương kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, năng lực kỹ thuật để triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ quản lý về an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ cho các Bộ, ngành, địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án hình thành hệ thống ứng phó quốc gia đối với các tai nạn, sự cố bức xạ, hạt nhân để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

c) Phối hợp với Vụ Pháp chế, các báo và tạp chí của Bộ (Báo Khoa học và Phát triển, Tạp chí Hoạt động Khoa học, tạp chí của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng,…), các cơ quan thông tin đại chúng và các Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân: Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ năm 1996; Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16/7/1998 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân; các quy định về đảm bảo an ninh cho các nguồn phóng xạ và các quy định pháp luật khác có liên quan.

d) Phối hợp với Thanh tra Bộ đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn và kiểm soát bức xạ, xử lý kịp thời, kiên quyết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ; đặc biệt chú trọng kiểm tra các biện pháp đảm bảo an ninh các nguồn phóng xạ của các cơ sở bức xạ.

2. Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ các Bộ, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong thẩm quyền được giao: hướng dẫn các cơ sở bức xạ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, kiên quyết các vi phạm về an toàn và kiểm soát bức xạ; kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ; hàng năm tổng hợp tình hình quản lý an toàn, kiểm soát bức xạ và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân) trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo.

3. Các cơ sở bức xạ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân; kiểm tra, rà soát quy trình kỹ thuật sử dụng nguồn phóng xạ; có các biện pháp bảo vệ sức khoẻ của nhân viên bức xạ, bảo vệ nguồn phóng xạ, kiểm soát chất thải phóng xạ và biện pháp xử lý khi có sự cố xảy ra. Hàng năm, các cơ sở bức xạ gửi báo cáo về việc thực hiện công tác an toàn bức xạ của cơ sở tới Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân theo sự phân cấp quản lý trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo.

Trước mắt, từ nay đến tháng 9/2006, Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân, các Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương chỉ đạo triển khai kiểm tra, rà soát toàn diện công tác an toàn bức xạ, an ninh các nguồn phóng xạ của các cơ sở bức xạ thuộc phạm vi quản lý của mình; tổng hợp kết quả và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 30/9/2006.

Yêu cầu cơ quan quản lý khoa học và công nghệ các Bộ, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở bức xạ và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Chỉ thị này./.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Đình Tiến