Sign In

 

NGHỊ ĐỊNH

Về tổ chức và hoạt động của thanh tra Thông tin và Truyền thông

 ___________________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Thông tin và Truyền thông,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; hoạt động của Thanh tra Thông tin và Truyền thông; thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra Thông tin và Truyền thông.

Điều 2. Đối tượng thanh tra

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên lãnh thổ, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng điều ước quốc tế

Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác về tổ chức và hoạt động thanh tra Thông tin và Truyền thông thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Chương II

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Điều 4. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Thông tin và Truyền thông

1. Cơ quan thanh tra nhà nước:

a) Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi là Thanh tra Bộ).

b) Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi là Thanh tra Sở).

2. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:

a) Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Viễn thông; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành (sau đây gọi chung là Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành).

b) Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực.

Điều 5. Vị trí, chức năng, tổ chức của Thanh tra Bộ

1. Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

Phó Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ.

3. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

4. Thanh tra Bộ được tổ chức các phòng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về tổ chức và biên chế của Thanh tra Bộ.

5. Thanh tra Bộ có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ

1. Xây dựng kế hoạch thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông trình Bộ trưởng phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.

2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông; thanh tra đối với các doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập.

3. Thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành về báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông khi cần thiết.

5. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

6. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực thông tin và truyền thông.

7. Yêu cầu Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

8. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh Thanh tra Bộ.

9. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông đối với các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Sở; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra.

10. Nghiên cứu khoa học, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng, biên soạn tài liệu nghiệp vụ thanh tra trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

11. Giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật thanh tra và các quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quyết định của mình.

4. Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

5. Yêu cầu Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quyết định của mình.

6. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ.

7. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ.

8. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra.

9. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

10. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

11. Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành đối với các cơ quan thuộc Bộ.

12. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

13. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

14. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Điều 8. Vị trí, chức năng của Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

2. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tổ chức thành Phòng.

3. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Viễn thông; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành

1. Xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Bộ theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành để tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

3. Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Chánh Thanh tra Bộ giao.

4. Thanh tra những vụ việc khác do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

5. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình.

6. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành về Thanh tra Bộ theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu.

7. Cử công chức thanh tra chuyên ngành tham gia các Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ và của các cơ quan thanh tra liên quan khi được yêu cầu.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Tần số vô tuyến điện

1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, tổng hợp gửi Thanh tra Bộ.

3. Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động thanh tra chuyên ngành của các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực.

4. Yêu cầu các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý chuyên ngành được giao.

2. Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh Thanh tra Bộ; quyết định thanh tra phải được gửi Chánh Thanh tra Bộ để báo cáo; phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do Cục quản lý.

3. Kiến nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chánh Thanh tra Bộ xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi quản lý chuyên ngành của Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

4. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 12. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực

1. Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực là cơ quan trực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trong phạm vi địa bàn quản lý của mình.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực và của Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Điều 13. Vị trí, chức năng, tổ chức của Thanh tra Sở

1. Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Thông tin và Truyền thông, giúp Giám đốc Sở tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông; tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc phạm vi quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Phó Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở.

3. Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông của Thanh tra Bộ.

4. Việc thành lập Thanh tra Sở do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

5. Thanh tra Sở có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở

1. Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra Sở.

2. Thanh tra hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý của địa phương.

4. Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra.

5. Giúp Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

6. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chánh Thanh tra Sở.

7. Tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông cho Thanh tra viên và công chức làm công tác thanh tra thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

8. Thanh tra các vụ việc khác theo chỉ đạo của Chánh Thanh tra Bộ hoặc do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giao.

9. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông; tổng hợp kết quả công tác thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông báo cáo về Thanh tra Bộ theo quy định.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Sở; lãnh đạo Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi được phân cấp quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về quyết định của mình.

4. Kiến nghị Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở.

5. Kiến nghị Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết vấn đề về công tác thanh tra chuyên ngành, trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Chánh Thanh tra Bộ.

6. Kiến nghị Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc thẩm quyền quản lý của Giám đốc Sở có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

7. Kiến nghị cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái với văn bản pháp luật của Nhà nước được phát hiện qua công tác thanh tra.

8. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

9. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

10. Báo cáo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chánh Thanh tra tỉnh và Chánh Thanh tra Bộ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi trách nhiệm của mình.

11. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

Chương III

THANH TRA VIÊN, CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VÀ CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Điều 16. Thanh tra viên thông tin và truyền thông

1. Thanh tra viên Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi là Thanh tra viên) là công chức của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và làm các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh Thanh tra Bộ và Chánh Thanh tra Sở.

2. Thanh tra viên Thông tin và Truyền thông có các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra, các Điều 6, 7 và 8 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và các tiêu chuẩn chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Thanh tra viên Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về Thông tin và Truyền thông và điều ước quốc tế có liên quan; buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính bằng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Công chức thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông

1. Công chức thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc biên chế của Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và được Cục trưởng giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

2. Công chức thanh tra chuyên ngành phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và quy định cụ thể của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Công chức thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 54 Luật Thanh tra, Điều 31 Nghị định 07/2012/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

4. Trang phục và thẻ của công chức thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Điều 18. Cộng tác viên thanh tra thông tin và truyền thông

1. Cộng tác viên thanh tra là người được Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh Sở trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.

2. Cộng tác viên thanh tra là công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra.

3. Cộng tác viên thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định từ Điều 47 và Điều 54 Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

4. Cộng tác viên thanh tra được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Điều 19. Hình thức thanh tra

1. Hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất.

2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

4. Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Điều 20. Hoạt động thanh tra hành chính

1. Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

2. Hoạt động thanh tra hành chính thực hiện theo quy định từ Điều 43 đến Điều 50 Luật Thanh tra và từ Điều 19 đến Điều 31 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thanh tra.

Điều 21. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông

1. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy trình, quy phạm, chất lượng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này, bao gồm:

a) Các quy định về báo chí (bao gồm báo chí in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, thông tấn);

b) Các quy định về xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành);

c) Các quy định về thông tin đối ngoại;

d) Các quy định về quảng cáo trên báo chí (bao gồm báo in, tạp chí, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), trên môi trường mạng và trên xuất bản phẩm; quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin;

đ) Các quy định về bưu chính;

e) Các quy định về viễn thông;

g) Các quy định về tần số vô tuyến điện;

h) Các quy định về thông tin điện tử;

i) Các quy định về công nghệ thông tin, điện tử (bao gồm công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin số);

k) Các quy định về thông tin cơ sở (tuyên truyền, cổ động);

l) Các quy định về hạ tầng thông tin và truyền thông;

m) Các quy định của pháp luật về bản quyền đối với sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình đã mã hóa, xuất bản, tem bưu chính, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; quyền sở hữu trí tuệ các phát minh, sáng chế thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông;

n) Các quy định về dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông;

o) Các quy định khác của pháp luật theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định từ Điều 51 đến Điều 56 Luật Thanh tra và từ Điều 14 đến Điều 28 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

Điều 22. Thanh tra lại

1. Thanh tra lại là việc xem xét, đánh giá, xử lý kết luận thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra.

2. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại các vụ việc đã được Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực; thanh tra lại vụ việc đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ Thông tin và Truyền thông trưởng giao.

3. Việc tiến hành thanh tra lại thực hiện theo quy định từ Điều 48 đến Điều 52 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.

Điều 23. Phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật

Thanh tra Thông tin và Truyền thông được bố trí trụ sở làm việc, trang cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2013, bãi bỏ Nghị định số 115/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. 

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng