THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện một số điều về khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại
nghị định số 37/2006/Nđ-Cp ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính Phủ Quy định
chi tiết luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại
________________
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 37/2006/NĐ-CP);
Bộ Thương mại và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hoạt động khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại được quy định tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP như sau:
I. CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI VÀ HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền đối với hoạt động khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước) bao gồm:
a) Bộ Thương mại chịu trách nhiệm giải quyết việc đăng ký thực hiện khuyến mại, đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định tại Luật Thương mại, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;
b) Sở Thương mại chịu trách nhiệm giải quyết việc thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại, đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định tại Luật Thương mại, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
a) Công bố công khai điều kiện, thời gian, trình tự và thủ tục thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại, đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại;
b) Tiếp nhận, giải quyết việc thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại, tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định tại Luật Thương mại, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;
c) Kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định;
d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
II. KHUYẾN MẠI
1. Các hình thức khuyến mại phải được thông báo bằng văn bản đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại, bao gồm:
a) Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
b) Tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho khách hàng không thu tiền kèm theo hoặc không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
c) Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó;
d) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ;
đ) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
e) Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên;
g) Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
2. Thông báo thực hiện khuyến mại
Chậm nhất 07 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại, thương nhân thực hiện các hình thức khuyến mại nêu tại khoản 1 Mục này phải gửi thông báo bằng văn bản (theo mẫu KM-1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại. Khi tiếp nhận hồ sơ thông báo thực hiện khuyến mại, Sở Thương mại ghi Giấy biên nhận hồ sơ. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 02 bản (theo mẫu KM-4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), 01 bản giao cho thương nhân thực hiện khuyến mại và 01 bản lưu tại Sở Thương mại (không áp dụng đối với trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện);
3. Các hình thức khuyến mại phải đăng ký tại Sở Thương mại (nếu thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), Bộ Thương mại (nếu thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên), bao gồm:
a) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình khuyến mại mang tính may rủi;
b) Các hình thức khuyến mại khác theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.
4. Hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm:
a) Văn bản đăng ký thực hiện khuyến mại (theo mẫu KM -2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Thể lệ chương trình khuyến mại (theo mẫu KM-3 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng;
d) Hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại;
đ) Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng (nếu có);
e) Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật (nếu có).
Ngoài các giấy tờ nêu tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản này, thương nhân không cần xuất trình thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác.
5. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại
a) Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại, cơ quan quản lý nhà nước ghi Giấy biên nhận hồ sơ. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 02 bản (theo mẫu KM-4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), 01 bản giao cho thương nhân thực hiện khuyến mại và 01 bản lưu tại cơ quan quản lý nhà nước (không áp dụng đối với trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện);
b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước thông báo bằng văn bản (theo mẫu KM-5 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) cho thương nhân để bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm cơ quan quản lý nhà nước nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;
c) Thương nhân đăng ký thực hiện khuyến mại có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước giải thích rõ những yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trả lời đề nghị của thương nhân.
6. Xác nhận, không xác nhận việc đăng ký thực hiện khuyến mại
a) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét, xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản (theo mẫu KM-6 hoặc KM-7 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do;
b) Trường hợp Bộ Thương mại là cơ quan xác nhận việc đăng ký thực hiện khuyến mại, chậm nhất 07 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại thương nhân có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Sở Thương mại nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Thương mại.
7. Sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại
a). Thương nhân muốn sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại phải gửi văn bản thông báo hoặc đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại (theo mẫu KM-8 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) đến cơ quan quản lý nhà nước nơi đã thông báo hoặc đăng ký thực hiện khuyến mại;
b). Trình tự, thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung đối với chương trình khuyến mại thuộc hình thức phải thông báo thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư này. Trình tự, thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung đối với chương trình khuyến mại thuộc hình thức phải đăng ký thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5 và khoản 6 Mục II tại Thông tư này;
c). Việc sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại phải đảm bảo tuân thủ các quy định về khuyến mại tại Luật Thương mại và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.
8. Đối với hình thức khuyến mại mang tính may rủi, khi thực hiện việc đưa bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hoá hoặc mở thưởng chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở lên, thương nhân phải thông báo cho Sở Thương mại nơi tiến hành các hoạt động trên trước 07 (bảy) ngày làm việc để tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
9. Chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại
Trong trường hợp chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, thương nhân có nghĩa vụ thông báo công khai đến khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước.
10. Đình chỉ việc thực hiện chương trình khuyến mại
Cơ quan quản lý nhà nước đình chỉ việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần chương trình khuyến mại của thương nhân nếu phát hiện có hành vi vi phạm thuộc quy định tại Điều 20 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP (theo mẫu KM-9 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
11. Xử lý giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi
a) Trong thời hạn 8 (tám) ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng, thương nhân có trách nhiệm báo cáo chi tiết cho cơ quan quản lý nhà nước về giải thưởng không có người trúng thưởng (theo mẫu KM-10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của thương nhân, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác nhận và ra quyết định thu nộp 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại (theo mẫu KM-11 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định thu nộp của cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân có trách nhiệm nộp khoản tiền 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước đã xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại tại Kho bạc nhà nước;
d) Căn cứ vào quyết định thu nộp, Kho bạc nhà nước hạch toán điều tiết số thu theo phân cấp, trong đó khoản thu nộp do Bộ Thương mại quyết định thì điều tiết vào ngân sách Trung ương 100%; khoản thu nộp do Sở Thương mại quyết định thì điều tiết vào ngân sách địa phương 100% và hạch toán vào Chương 160, Loại 10, Khoản 10, Mục 062, Tiểu mục 99 của Mục lục Ngân sách Nhà nước;
đ) Hạch toán, kiểm tra quyết toán
Thương nhân hạch toán khoản nộp 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại vào chi phí giá thành của doanh nghiệp. Kết thúc năm ngân sách, Kho bạc nhà nước thông báo cho cơ quan ra quyết định về số tiền thực thu vào Kho bạc và đã điều tiết nộp ngân sách. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tổng hợp quyết toán với cơ quan quản lý tài chính đồng cấp về số tiền theo quyết định thu và số tiền thực thu vào ngân sách nhà nước.
12. Báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại
a) Kết thúc chương trình khuyến mại thương nhân phải báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại tại địa phương đến cơ quan quản lý nhà nước (theo mẫu KM-12 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Trường hợp Bộ Thương mại là cơ quan xác nhận việc đăng ký thực hiện khuyến mại, ngoài trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại đến Bộ Thương mại, thương nhân có trách nhiệm báo cáo Sở Thương mại địa phương kết quả thực hiện khuyến mại tại địa phương nơi thương nhân thực hiện khuyến mại.
III. HỘI CHỢ, TRIẾN LÃM THƯƠNG MẠI
1. Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
a) Việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam hoặc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại) phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trước ngày 01 tháng 10 của năm trước năm tổ chức.
b) Trường hợp đăng ký sau thời hạn theo hướng dẫn tại điểm a khoản này, thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại phải đăng ký trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm thương mại chậm nhất 30 (ba mươi) ngày đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam hoặc 45 (bốn mươi lăm) ngày đối với hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.
2. Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP trong đó có văn bản đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại (theo mẫu HCTL-1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
a) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước thông báo bằng văn bản (theo mẫu HCTL-2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) cho thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại để bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ;
b) Thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước giải thích rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trả lời đề nghị của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại.
4. Xác nhận, không xác nhận việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
a) Trường hợp đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Mục này, khi nhận đủ hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét, xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản (theo mẫu HCTL-3 hoặc HCTL-4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) trước ngày 01 tháng 11 của năm trước năm tổ chức, trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do;
b) Trường hợp đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Mục này, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét, xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản (theo mẫu HCTL-3, HCTL-4 nêu trên).
5. Trường hợp có từ hai thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại trở lên đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trùng tên, chủ đề, thời gian, địa điểm:
a) Trường hợp đăng ký theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Mục này, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức hiệp thương để lựa chọn thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đó. Trường hợp việc hiệp thương không đạt kết quả, cơ quan quản lý nhà nước quyết định xác nhận cho 01 (một) thương nhân hoặc tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại được tổ chức dựa trên các cơ sở theo quy định tại khoản 4 Điều 34 và khoản 4 Điều 36 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP;
b) Trường hợp đăng ký theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Mục này, cơ quan quản lý nhà nước xác nhận cho thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại đăng ký trước.
6. Thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
a). Thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại có quyền thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đã được xác nhận. Văn bản đề nghị thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại (theo mẫu HCTL-5 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) phải được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm thương mại chậm nhất 30 (ba mươi) ngày đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam hoặc 45 (bốn mươi lăm) ngày đối với hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài;
b). Trình tự, thủ tục đối với việc thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, khoản 4 Mục này
c). Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét, xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản (theo mẫu HCTL-3 hoặc HCTL-4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do.
7. Báo cáo kết quả tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại, thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại phải có văn bản báo cáo kết quả tổ chức đến cơ quan quản lý nhà nước (theo mẫu HCTL-6 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
8. Trưng bày hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để so sánh với hàng thật
a) Tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành trưng bày hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để so sánh với hàng thật tại hội chợ, triển lãm thương mại phải gửi văn bản đăng ký (theo mẫu HCTL-7 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) đến Sở Thương mại (trong trường hợp tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam) hoặc Bộ Thương mại (trong trường hợp tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài);
b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước thông báo bằng văn bản (theo mẫu HCTL-8 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước phải chấp thuận hoặc không chấp thuận đăng ký (theo mẫu HCTL-9 hoặc mẫu HCTL-10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;
9. Tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Việc tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại được thực hiện theo các quy định tại Luật Thương mại, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06 tháng 4 năm 2006 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thương mại giao:
a) Cục Xúc tiến thương mại tiếp nhận, giải quyết việc đăng ký thực hiện khuyến mại, đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại;
b) Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại.
2. Sở Thương mại tiếp nhận giải quyết việc thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại, đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại. Sở Thương mại có trách nhiệm báo cáo hoạt động khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn theo yêu cầu của Cục Xúc tiến thương mại.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Thương mại, Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.