NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Ban hành "Quy định một số nghi lễ Nhà nước và tiếp khách nước ngoài"
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Ban hành kèm theo Nghị định này bản "Quy định một số nghi lễ Nhà nước và tiếp khách nước ngoài".
Điều 2. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. - Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
Điều 4. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan đoàn thể chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ NGHI LỄ NHÀ NƯỚC VÀ TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 186-HĐBT ngày 2 tháng 6 năm 1992 của
Hội đồng Bộ trưởng)
A - MỘT SỐ NGHI LỄ NHÀ NƯỚC
I - NGÀY QUỐC KHÁNH CỦA TA (NGÀY 2 THÁNG 9)
1. Những biện pháp năm lẻ:
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, Mặt trận Tổ quốc đặt vòng hoa, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghĩa trang Mai Dịch.
Ở thủ đô không tổ chức mít tinh ở cấp Trung ương, chỉ tổ chức mít tinh cấp thành phố Hà Nội.
Không tổ chức chiêu đãi, biểu diễn văn nghệ, không bắn pháo hoa.
Các cơ quan ở ngoài nước không tổ chức chiêu đãi.
2. Những biện pháp năm tròn: (tính 5 năm một lần)
Đặt vòng hoa như năm lẻ.
Tổ chức mít tinh ở cấp Trung ương với danh nghĩa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nhà nước, uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có mời Đoàn ngoại giao dự, sau mít tinh có biểu diễn văn nghệ.
Tổ chức chiêu đãi cũng với danh nghĩa trên.
Tuỳ tình hình có mời các đoàn khách nước ngoài.
Có bắn pháo hoa ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài tổ chức cốc-tay.
-
II - KỶ NIỆM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
1. Năm lẻ chỉ tổ chức đặt vòng hoa ở Lăng và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh như Quốc khánh.
2. Năm tròn (10 năm một lần) thêm biện pháp mít tinh; có thể tổ chức hội thảo quốc tế.
III. NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1 THÁNG 5
Không tổ chức mít tinh cấp toàn quốc, chỉ tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố.
Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí.
IV - NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (30 THÁNG 4)
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7 THÁNG 5), KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC (19 THÁNG 12).
Năm chẵn, 5 năm một lần có mít tinh ở cấp trung ương nhưng mức thấp hơn so với ngày Quốc khánh năm chẵn.
Năm lẻ chỉ có hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
V - QUỐC TANG
1. Chỉ tổ chức quốc tang đối với các đồng chí đương chức ở ba cương vị chủ chốt: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các đồng chí trước đây giữ các chức vụ trên, nay là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương mất (trường hợp ngoại lệ khác do Bộ Chính trị quyết định).
Khi có quốc tang thì đeo cờ rủ ở các công sở trong hai ngày, trong hai ngày này không tổ chức liên hoan văn nghệ trong toàn quốc. Linh cữu quàn tại Hội trường Ba Đình. Tổ chức viếng, lễ truy điệu, dùng xe càng pháo đưa quan tài tới nghĩa trang, có tiêu binh, đội danh dự, nhưng không bắn pháo lễ.
Không mời khách nước ngoài, một vài trường hợp đặc biệt lãnh đạo nước ngoài chủ động muốn tới dự tang lễ thì ta tiếp.
Tổ chức cho đoàn ngoại giao dự lễ viếng, không đi đến nghĩa trang.
Các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở ngoài nước mở sổ tang.
2. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khác (đương nhiệm hoặc thôi chức) mất thì không tổ chức quốc tang.
Không quàn linh cữu tại Hội trường Ba Đình, có tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, không dùng xe càng pháo mà dùng xe tang chở quan tài; Đoàn ngoại giao muốn viếng có thể tổ chức để họ viếng; nhưng không đi nghĩa trang; không mở sổ tang ở nước ngoài, không treo cờ rủ, không tạm ngừng các hoạt động văn nghệ.
B - NGHI LỄ ĐÓN TIẾP CÁC ĐOÀN KHÁCH CẤP CAO ĐẾN THĂM NƯỚC TA
Tổ chức lễ đón nhưng không huy động quần chúng; không bắn đại bác chào mừng; không tổ chức lễ tiễn, chỉ chào từ biệt ở nhà khách và ra một thông báo trịnh trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
I - THĂM CHÍNH THỨC.
1. Thành phần tham dự đón.
a) Tại sân bay Nội Bài:
Đón đoàn nguyên thủ quốc gia.
Bộ trưởng (Trưởng ban đón tiếp) đón và ngồi cùng xe với Trưởng đoàn đưa đoàn về nhà khách.
Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Vụ trưởng lễ tân, Vụ trưởng khu vực Bộ Ngoại giao.
Sĩ quan bảo vệ mặc quần áo theo sắc phục của ngành.
Đón đoàn người đứng đầu Chính phủ.
Bộ trưởng đón và ngồi cùng xe với trưởng đoàn về nhà khách.
Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
Thành phần còn lại như đón nguyên thủ quốc gia.
Sĩ quan bảo vệ mặc quần áo theo sắc phục của ngành.
Ghi chú: Nếu nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ dừng chân ở một thành phố nào đó của Việt Nam (trừ thành phố Hồ Chí Minh đã có sở ngoại vụ là chi nhánh của Bộ Ngoại giao) hoặc ở biên giới Việt Nam trước khi đến Hà nội thì Vụ trưởng lễ tân đến tận nơi đoàn dừng chân để đón và đưa đoàn về Hà Nội.
Tại Việt Nam nếu đoàn đi thăm địa phương (tỉnh) thì Phó chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh đón đoàn ở địa giới hai tỉnh (nếu đoàn đi ô-tô hoặc xe lửa).
Đón đoàn chủ tịch Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đón và ngồi cùng xe với trưởng đoàn về nhà khách.
Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và hội đồng Nhà nước.
Sĩ quan bảo vệ mặc quần áo theo sắc phục của ngành.
Đón đoàn phó tổng thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao và Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Một Bộ hay Thứ trưởng.
Vụ trưởng Lễ tân và Vụ trưởng khu vực Bộ ngoại giao.
b) Tại lễ đón chính thức ở Hà nội.
Đoàn nguyên thủ quốc gia.
Chủ trì: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nếu khách thực hiện cả chức năng hành pháp).
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một số Bộ trưởng có nhiều quan hệ với nước của khách và một số cán bộ có chức vụ tương đương với thành viên chính thức của đoàn.
Nếu khách có phu nhân hoặc phu quân thì ta thu xếp người đón và có thể có chương trình riêng.
Đại sứ và cán bộ đại sứ quán nước của khách.
Đoàn ngoại giao.
Đoàn người đứng đầu chính phủ.
Chủ trì: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
Bộ trưởng bộ Ngoại giao.
Chủ tịch uỷ ban Nhân dân thành phố Hà nội.
Đại diện quân đội nhân dân Việt Nam.
Một số Bộ trưởng và một số cán bộ có chức vụ tương đương với thành viên chính thức của đoàn.
Nếu khách có phu nhân hoặc phu quân thì ta thu xếp người đón và có thể có chương trình riêng.
Đại sứ và cán bộ đại sứ quán nước của khách.
Đoàn ngoại giao.
Đoàn chủ tịch Quốc hội.
Chủ trì: Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch hội đồng dân tộc và một số chủ nhiệm, phó Chủ nhiệm uỷ ban thường trực của Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Đại sứ nước của khách.
Đoàn Phó tổng thống, Phó Thủ tướng.
Cấp tương đương của phía Việt Nam chủ trì.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Một số vị có chức vụ tương đương với thành viên chính thức của đoàn.
Đại sứ nước của khách.
Đoàn Bộ trưởng Bộ ngoại giao và tổng thư ký Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì.
Thứ trưởng Ngoại giao hoặc trợ lý Bộ trưởng ngoại giao.
Cấp vụ Lễ tân, Vụ khu vực, và các vụ liên quan thuộc Bộ Ngoại giao.
2. Nghi lễ đón tiếp.
a) Đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn người đứng đầu chính phủ.
Tại sân bay.
Treo cờ hai nước.
Xe trưởng đoàn có cắm cờ hai nước.
Người đón cao nhất ở sân bay ngồi cùng xe với Trưởng đoàn về nhà khách.
Có một xe ô-tô dẫn đường và đội mô-tô hộ tống:
Tổng thống: 8 mô-tô hộ tống.
Thủ tướng: 6 mô tô hộ tống.
Chỉ bố trí xe con riêng cho Trưởng - Phó đoàn số còn lại đi xe nhiều chỗ ngồi.
Đường phố chính gần nơi đón đoàn có dây cờ, biển cờ, biểu ngữ chào mừng bằng tiếng Việt và tiếng nước có đoàn đến Việt Nam.
Tại nơi đón chính thức ở Hà nội (tại nhà "Phủ Chủ tịch")
Treo quốc kỳ hai nước, có dây cờ trang trí và khẩu hiệu chào mừng bằng hai thứ tiếng.
Thiếu nhi tặng hoa trưởng đoàn.
Cử quốc thiều hai nước.
Duyệt đội danh dự quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu đón đoàn nguyên thủ quốc gia thì đội danh dự bao gồm binh sĩ đại diện của 3 quân chủng hải - lục - không quân; nếu đón đoàn người đứng đầu Chính phủ thì chỉ có lục quân. (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hoặc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cùng trưởng đoàn nước bạn duyệt đội danh dự).
Có đội tiêu binh ở bậc thềm Nhà "Phủ Chủ tịch" và "Nhà khách chính phủ".
Tại nhà ở của trưởng đoàn có treo cờ của nước khách.
b) Đoàn Chủ tịch Quốc hội, Phó tổng thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng thư ký liên hợp quốc.
Tại sân bay.
Treo cờ hai nước; đối với Tổng thư ký Liên hợp quốc là cờ Liên hợp quốc.
Xe trưởng đoàn có cắm cờ hai nước.
Người đón cao nhất ngồi cùng xe trưởng đoàn đưa đoàn xe về nơi đón chính thức.
Có xe cảnh sát dẫn đường (lúc đón, tiễn và các hoạt động).
Tại nơi đón chính thức ở Hà Nội.
Thiếu nhi tặng hoa trưởng đoàn.
Nhà ở của trưởng đoàn có treo cờ của nước khách (nhà ở của Tổng thư ký Liên hợp quốc treo cờ liên hợp quốc).
Đoàn chủ tịch quốc hội tổ chức đón tại Nhà "Phủ Chủ tịch" có đội tiêu binh xếp hàng bồng súng chào hai bên thềm.
Các đoàn Phó Tổng thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng Thư lý Liên hợp quốc tổ chức đón tại "Nhà khách chính phủ".
Ghi chú:
Nếu mưa bão thì bỏ nghi lễ đón ở ngoài trời, chỉ đón ở phòng khách với thành phần như trên đã nêu. Khi đoàn đi ra ngoài thành phố thì có mô-tô dẹp đường (đoàn Tổng thống và thủ tướng).
3. Mức độ tiếp và chiêu đãi.
Đoàn nguyên thủ quốc gia, đứng đầu chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội.
Sau lễ đón chính thức, lãnh đạo cấp cao Việt Nam (Người có chức vụ và cấp bậc ngang Trưởng đoàn) tiếp đoàn tại Nhà "Phủ chủ tịch" (có thành viên chính thức của đoàn cùng dự).
Nếu đoàn nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, Chủ tịch Quốc hội có yêu cầu và tuỳ mức độ quan hệ, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiếp xã giao đoàn.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sẽ tiếp xã giao đoàn người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (người có chức vụ ngang cấp với Trưởng đoàn) chủ trì chiêu đãi trọng thể hoan nghênh đoàn tại nhà "Phủ chủ tịch" (tiệc ngồi, mời hẹp).
Thành phần dự chiêu đãi:
Phía khách: Tất cả đoàn viên chính thức và tuỳ tùng chính, Đại sứ của nước cử đoàn, phu nhân và phu quân của nguyên thủ quốc gia trưởng đoàn và của các đoàn viên chính thức.
Phía ta: Các vị tham gia đón, tiễn và hội đàm; tuỳ mức độ quan hệ có thể mời thêm một số đồng chí lãnh đạo khác dự, một số phu nhân (hoặc phu quân) cho tương xứng với đoàn khách.
Sau chiêu đãi có biểu diễn nghệ thuật chào mừng đoàn với các tiết mục mang tính chất dân tộc kèm thêm một số ít tiết mục của nước khách.
b) Đoàn Phó Tổng thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và tổng thư ký Liên hợp quốc.
Đoàn đến chào Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hoặc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau lễ đón.
Lãnh đạo Việt Nam cùng chức vụ với trưởng đoàn chủ trì chiêu đãi hoan nghênh đoàn tại "Nhà khách Chính phủ", thành phần dự và mức độ lễ tân thấp hơn đoàn người đứng đầu Chính phủ.
Không tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng đoàn. Nếu đoàn yêu cầu có thể mời đoàn xem tại rạp.
4. Hội đàm
Các đoàn cấp cao nhất (Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội) hội đàm tại Nhà "Phủ Chủ tịch".
Các đoàn khác hội đàm một nơi khác.
5. Tham quan, giải trí:
Đối với tất cả các đoàn (thăm chính thức hoặc làm việc).
Nếu khách có yêu cầu, có thể tổ chức đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nơi ở, nơi làm việc của Người.
Việc đi tham quan địa phương, cơ sở sản xuất, di tích lịch sử, văn hoá tuỳ thuộc vào thời gian, yêu cầu của đoàn và khả năng của ta.
Người tháp tùng Tổng thống và Thủ tướng là Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng.
Ở các địa phương, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức nghi thức đón, chỉ treo cờ, khẩu hiệu ở sân bay, nơi ở. Chủ tịch hội đồng Nhân dân hoặc Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố cùng một số cán bộ đón, không huy động quần chúng. Lãnh đạo tiếp và mời cơm thân. Không tổ chức mít tinh chào mừng.
6. Mức độ đài thọ theo nguyên tắc có đi có lại:
Ta đài thọ ăn, ở, đi lại bằng ô-tô cho đoàn viên chính thức và các tuỳ tùng chính của:
Đoàn Tổng thống và Thủ tướng.
Đoàn Chủ tịch Quốc hội.
Đoàn phó Tổng thống, Phó Thủ tướng.
Đoàn Bộ trưởng Ngoại giao, tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Số còn lại do khách tự đài thọ.
Các chi phí dịch vụ chuyên cơ, mua vé máy bay, đánh điện, gọi điện thoại đường dài, do khách tự đài thọ.
Những trường hợp ngoại lệ khác phải xin chỉ thị cấp trên.
II. THĂM LÀM VIỆC, DỰ LỄ KỶ NIỆM, LỄ TANG, HỘI NGHỊ QUỐC TẾ.
Đoàn nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội:
1. Thành phần tham dự đón, tiễn:
a) Tại sân bay:
Một Bộ trưởng hoặc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước hoặc Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đón đoàn và ngồi cùng xe trưởng đoàn đưa đoàn về nhà khách.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Cấp vụ Vụ lễ tân, Vụ khu vực Bộ ngoại giao.
b) Tại nhà khách:
Chủ chính là một lãnh đạo Việt Nam cấp trưởng hoặc phó tương đương (Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Quốc hội).
Thứ trưởng Bộ ngoại giao.
Cấp vụ Vụ lễ tân, Vụ khu vực Bộ ngoại giao.
2. Nghi thức đón, tiễn:
Người cấp cao nhất ra sân bay đón và ngồi cùng xe trưởng đoàn đưa đoàn về Nhà khách.
Xe trưởng đoàn có cắm cờ hai nước.
Có xe cảnh sát dẫn đường (không có đội mô-tô hộ tống, không treo cờ, không cử quốc thiều, không duyệt đội danh dự).
Có tặng hoa trưởng đoàn ở nhà khách (Dự tang lễ thì không tặng hoa).
Treo cờ của nước khách tại nơi ở của trưởng đoàn.
3. Mức độ tiếp và chiêu đãi:
Lãnh đạo Việt Nam cùng cấp với Trưởng đoàn chủ trì chiêu đãi hoặc dự cơm thân mật (tiệc ngồi, diện hẹp, có lời chúc rượu ngắn).
Thành phần dự chiêu đãi:
Phía bạn: Tất cả đoàn viên chính thức và tuỳ tùng chính, đại sứ của nước cử đoàn.
Phía ta: Các vị tham đự đón, tiễn và hội đàm.
4. Tham quan giải trí:
Mức độ giảm hơn thăm chính thức.
Mức độ đài thọ (Cũng theo nguyên tắc có đi có lại):
Ta chỉ đài thọ ăn, ở, đi lại bằng ô-tô cho đoàn viên chính thức. Số còn lại và các khoản chi phí khác do khách tự đài thọ. Những trường hợp ngoại lệ khác phải xin chỉ thị cấp trên.
Đoàn Phó Tổng thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Tại sân bay và tại nhà ở có treo cờ của nước cử đoàn đến thăm.
Một đồng chí cấp Thứ trưởng và một cấp vụ Vụ lễ tân đón, tiễn tại sân bay.
Trưởng đoàn đi xe ô tô cắm cờ hai nước, người đón cao nhất ở sân bay cùng đi ô-tô với Trưởng đoàn về Hà Nội, lúc đón và lúc tiễn.
Xe ô-tô cảnh sát dẫn đường.
Cấp tương đương với trưởng đoàn đón tại "Nhà khách Chính phủ".
Cấp tương đương của ta hội đàm với bạn và mời cơm.
Không tổ chức tham quan giải trí.
III. ĐOÀN QUÁ CẢNH, NGHỈ MÁT, CHỮA BỆNH:
1. Đối với đoàn cấp cao nhất (Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội).
Đón, tiễn ở sân bay và đưa đoàn về Nhà khách là một Thứ trưởng Ngoại giao hoặc cấp tương đương, có xe cảnh sát dẫn đường.
Lãnh đạo Việt Nam cấp trưởng hoặc cấp phó cùng chức vụ với trưởng đoàn đến nhà khách thăm hoặc dự cơm thân mật với trưởng đoàn.
Mọi nghi lễ và biện pháp lễ tân chính thức khác đều không đặt ra.
Những trường hợp ngoại lệ phải xin chỉ thị cấp trên.
2. Đoàn Phó tổng thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thư ký Liên hợp quốc:
Cấp vụ Vụ lễ tân và Vụ khu vực Bộ ngoại giao đón, tiễn ở sân bay và đưa về nhà khách. Có xe cảnh sát dẫn đường.
Lãnh đạo Việt Nam cùng cấp bậc và chức vụ với trưởng đoàn đến thăm đoàn tại nhà khách hoặc dự cơm thân mật với Trưởng đoàn.
Mọi nghi lễ và biện pháp lễ tân khác không đặt ra.
Những trường hợp ngoại lệ khác phải xin chỉ thị cấp trên.
IV. CÁC ĐOÀN ĐI MÁY BAY HẠ CÁNH KỸ THUẬT TẠI SÂN BAY VIỆT NAM.
Đối với đoàn cấp cao nhất (Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội):
Bộ trưởng hoặc một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cấp vụ Vụ lễ tân và Vụ khu vực Bộ Ngoại giao đón, tiễn tại sân bay Nội Bài. Có giải khát hoặc ăn cơm (nếu cần) tại phòng danh dự (VIP). Nếu hạ cánh ở các sân bay khác của Việt Nam thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân và Giám đốc sở Ngoại vụ địa phương đón, tiễn ở sân bay; có giải khát hoặc ăn cơm (nếu cần) tại phòng VIP.
2. Đối với các đoàn còn lại:
Thứ trưởng Ngoại giao hoặc cấp vụ Vụ lễ tân, khu vực Bộ ngoại giao đón, tiễn tại sân bay Nội Bài. Có giải khát hoặc ăn cơm (nếu cần) tại phòng VIP. Nếu hạ cánh ở các sân bay khác của Việt Nam thì Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Giám đốc sở ngoại vụ tỉnh, thành phố đón, tiễn ở sân bay; có giải khát hoặc ăn cơm (nếu cần) tại phòng VIP.
V. CÁC ĐOÀN DO CHỦ TỊCH HOẶC TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CẦM QUYỀN DẪN ĐẦU CÓ THÊM THÀNH PHẦN LÀ CHỦ TỊCH NƯỚC HOẶC THỦ TƯỚNG MANG DANH NGHĨA LÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU ĐẢNG - NHÀ NƯỚC HOẶC ĐẢNG - CHÍNH PHỦ.
Mọi mức độ, nghi thức đón như đối với Tổng thống, chỉ thêm:
Khi duyệt đội danh dự thì chỉ có hai người, Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch hoặc Tổng Bí thư Đảng bạn.
Đoàn ta thêm thành phần về Đảng tương đương với đoàn bạn trong mọi biện pháp.
Tổng Bí thư Đảng sang thăm nước ta với danh nghĩa thuần tuý về Đảng thì theo quy định của Ban Bí thư.
C. TIỄN, ĐÓN ĐOÀN CẤP CAO TA ĐI NƯỚC NGOÀI.
Bãi bỏ nghi lễ tiễn, đón đoàn nước ta đi nước ngoài, chỉ đưa tin trang trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng và một số cán bộ tiễn, đón ở sân bay gồm:
Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước hoặc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đại sứ nước đoàn tới thăm.
D. MỘT SỐ NGHI LỄ ĐỐI VỚI ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI HÀ NỘI
1. Trình thư uỷ nhiệm:
Trả lời chấp thuận chậm nhất 10 ngày, trừ một số trường hợp ngoại lệ do Bộ Ngoại giao quyết định.
Vụ Phó lễ tân đón đại sứ ở sân bay hoặc nhà ga và tiễn đại sứ khi hết hạn về nước.
Vụ trưởng Lễ tân nhận bản sao thư uỷ nhiệm.
Vụ trưởng Lễ tân dẫn đại sứ mới đi trình thư uỷ nhiệm, có xe mô-tô hộ tống.
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nhận thư uỷ nhiệm, kết hợp tiếp luôn đại sứ mới.
Cùng dự lễ trình thư uỷ nhiệm có Thứ trưởng ngoại giao và Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
2. Các đại sứ làm việc với Bộ Ngoại giao chủ yếu là với cấp vụ, nếu việc thật cần thiết mới gặp Bộ, Thứ trưởng ngoại giao; trường hợp thật đặc biệt do Bộ ngoại giao xét và đề nghị thì cấp cao hơn (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) mới tiếp, trừ việc chào xã giao khi mới đến và chào từ biệt khi về nước.
3. Mỗi năm hai (2) lần Bộ Ngoại giao tổ chức cho đoàn Ngoại giao tự túc đi thăm đất nước Việt Nam.
4. Khi đại sứ hết nhiệm kỳ về nước, ta không tặng huân chương.
5. Chiêu đãi Quốc khánh các nước tại Hà Nội:
Năm lẻ 1 - 2 Bộ trưởng ta dự (một là chính khách); quốc khánh năm tròn thì có một (1) Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là khách chính (trường hợp ngoại lệ thì xin ý kiến cấp trên).
Tại chiêu đãi Quốc khánh không đọc diễn văn.
Không tổ chức mít tinh ở cấp Trung ương về ngày Quốc khánh các nước; nếu cần thì tổ chức ở cơ sở.
E. MỘT SỐ QUY ĐỊNH TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC
1. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tiếp:
Các đặc phái viên của nguyên thủ quốc gia các nước,
Thành viên các hoàng gia,
Một số Bộ trưởng hoặc người đứng đầu các tổ chức quốc tế (nếu cần),
Đại sứ sau khi trình thư uỷ nhiệm và khi hết nhiệm kỳ,
Các nhân sĩ trí thức nổi tiếng.
2. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tiếp:
Tổng thư ký Liên hợp quốc hoặc người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn đến thăm ta.
Bộ trưởng các nước đến thăm ta (nếu cần).
Đặc phái viên của Thủ tướng các nước (nếu thật sự không quan trọng thì uỷ nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tiếp).
Các đại sứ sau khi trình thư uỷ nhiệm và trước khi hết hạn nhiệm kỳ; các Trưởng đoàn tổ chức quốc tế.
Một số trí thức, nhân sĩ, nhà kinh doanh nổi tiếng các nước đến thăm ta mà ta cần tranh thủ.
3. Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tiếp:
Các vị khách do Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ các nước uỷ nhiệm.
Các đại sứ sau khi trình thư uỷ nhiệm và trước khi hết nhiệm kỳ (nếu họ có yêu cầu).
Các đoàn khách do các Bộ, các ngành kiến nghị và xét thấy cần thiết.
Việc thu xếp cho các vị lãnh đạo Nhà nước tiếp các đoàn khách chính thức về đường Chính phủ và phóng viên nước ngoài đều qua Bộ Ngoại giao.
Việc thu xếp tiếp các nhà kinh doanh, khoa học, các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế do cơ quan chủ quản thông qua Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
G. NGHI LỄ TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Các nghi thức nhân các ngày lễ lớn cần thật đơn giản thiết thực, chi tổ chức các sinh hoạt chính trị, vui chơi, giải trí cho nhân dân, không tổ chức tiệc tùng, lễ hội tốn kém.
2. Tang lễ các đồng chí lãnh đạo ở địa phương tổ chức trang nghiêm, giản dị, không điếu phúng linh đình, chỉ đặt vòng hoa của một số tổ chức tiêu biểu (mặt trận thay mặt cho tất cả các đoàn thể quần chúng. Tỉnh uỷ thay mặt cho tất cả các Ban của Đảng, Uỷ ban thay mặt cho tất cả các Ban, ngành...), tổ chức xe to, không dùng xe riêng.
3. Khi đón khách nước ngoài phải đảm bảo lịch sự, nhiệt tình song đơn giản, tiết kiệm, không huy động quần chúng, không duyệt đội danh dự, không tổ chức mít tinh chào mừng, chỉ trang trí cờ, khẩu hiệu ở nơi đón tiếp, không trang trí dọc đường, không cần mô-tô hộ tống, chỉ có xe dẫn đường, chỉ tổ chức một cuộc chiêu đãi hoặc cơm thân song tiết kiệm, phía Việt Nam chỉ mời những người trực tiếp làm việc với đoàn.
H. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC.
1. Về trang phục cần nghiêm chỉnh, trang nhã, thống nhất (sẽ có quy định riêng).
2. Về tặng phẩm cho đoàn nước ngoài thì chỉ dành cho trưởng đoàn và phu nhân (nếu có) sang thăm chính thức; tặng phẩm cần mang tính dân tộc, khiêm tốn, đóng gói trang nhã.
3. Tổ chức chính quyền ở địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng cần hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân thực hiện các nghi lễ Nhà nước, coi đây là trách nhiệm của mỗi công dân; đối với khách nước ngoài cần tỏ rõ truyền thống hiếu khách của dân tộc; các nhân viên làm phục vụ cần được trang phục theo đúng nghi thức.
4. Các phóng viên hoạt động ở những địa điểm được quy định./.