• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/08/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 17/07/2017
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 57/2006/CT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 21 tháng 7 năm 2006

 

 

 

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị

sẵn sàng hộ đê trong mùa lũ, bão

_____________

Những năm qua thiên tai liên tiếp xảy ra ở hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước, thiên tai đã gây thiệt hại đối với nhiều lĩnh vực, trong đó hệ thống công trình đê điều ở nhiều nơi bị hư hỏng. Diễn biến thời tiết ngày càng trở lên phức tạp hơn. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê tập trung thực hiện một số việc trọng tâm sau đây:

I. Công tác quản lý đê điều:

1. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, tu bổ đê điều; huy động nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trong mùa mùa bão, lũ.

2. Kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn các hành vi đào đất, cát và khai thác vật liệu khác làm ảnh hưởng đến an toàn đê, kè, cống; buộc các tổ chức, cá nhân đã vi phạm phải khôi phục lại nguyên trạng của công trình; chỉ đạo giải toả đối với các khu vực chứa cát, đá, sỏi và các loại vật liệu khác trên bãi sông để tránh sạt lở bờ, bãi và cản trở dòng chảy trong mùa bão, lũ.

3. Mọi hành vi lấn chiếm đê làm lều quán, chứa chất vật liệu, hàng hoá hoặc xây dựng công trình trái phép phải kiên quyết giải toả ngay để không ảnh hưởng đến an toàn đê điều, không cản trở việc kiểm tra, phát hiện sự cố và tổ chức hộ đê.

4. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cho phép của chủ đầu tư các công trình được cấp phép theo qui định của Pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật.

II. Đảm bảo an toàn các cống qua đê trong mùa mưa, bão, lũ:

1. Kiểm tra, rà soát hiện lại trạng của toàn bộ các cống qua đê để phát hiện những hư hỏng của công trình, trên cơ sở đó xác định những cống không đảm bảo an toàn phải hoành triệt tạm thời để chống lũ hoặc có phương án hoành triệt vĩnh viễn. Giao các cơ quan chuyên môn lập phương án hộ cống, phương án hoành triệt, các phương án này phải được Uỷ Ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và có quyết định giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện.

2. Đối với các cống xung yếu không bảo đảm an toàn buộc phải hoành triệt, ngoài phương án chống lũ phải có phương án tưới (hoặc tiêu) hỗ trợ để giảm bớt mức độ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

3. Việc sử dụng cống qua đê phải chấp hành nghiêm ngặt Qui trình vận hành. Những cống chưa có Qui trình vận hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo xây dựng ngay, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định ban hành để áp dụng.

4. Những cống qua đê không do các Công ty Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) chỉ định người quản lý, vận hành và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn cho người quản lý về Quy trình vận hành.

5. Những cống qua đê do các Công ty Quản lý & khai thác công trình thuỷ lợi quản lý hoặc thuộc hệ thống thuỷ nông liên tỉnh thì chủ quản lý, khai thác công trình phải có Qui chế cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và địa phương trong thực hiện các phương án bảo vệ, xử lý các tình huống sự cố công trình.

III. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong mùa lũ, bão:

1. Trên cơ sở tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng đê, kè, cống trước lũ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân cấp huyện rà soát để phát hiện những hư hỏng hoặc các yếu tố bất lợi có nguy cơ gây mất an toàn đê điều và xây dựng phương án hộ đê phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai dự án củng cố, nâng cấp đê biển, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình và các cơ có liên quan chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng để đưa công trình vào phòng, chống lũ, bão.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định phê duyệt phương án hộ đê đối với các công trình hoặc hạng mục công trình trọng điểm cấp tỉnh và uỷ quyền cho Uỷ ban nhân cấp huyện phê duyệt phương án hộ đê đối với những trọng điểm trên địa bàn huyện do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

4. Sẵn sàng triển khai phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến, từng khu vực trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ". Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để triển khai các biện pháp hộ đê theo phương án được duyệt và xử lý những tình huống khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra. Chuẩn bị sẵn sàng tổ chức hộ đê khi có lũ, bão lớn và nước dâng do bão, đặc biệt là là phương án chống tràn. Những đoạn đê đang bị dòng chảy tác động gây xói lở bờ, những nơi xa dân cư, giao thông khó khăn đều phải có phương án xử lý kịp thời.

5. Chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến. Ngoài số vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn). Đối với đoạn đê xung yếu phải chuẩn bị đủ đất dự trữ cùng với số lượng bao tải tương ứng và phương tiện vận tải thích hợp, không được để xảy ra tình trạng bị động trong mùa lũ. Các tỉnh, thành phố phải có kế hoạch chi tiết giao cho mỗi hộ dân ở gần các khu vực đê xung yếu chuẩn bị sẵn ít nhất 2 bao tải đất (gồm vỏ bao và đất) để khi cần huy động đáp ứng cho việc cứu hộ đê.

6. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phân lũ, chậm lũ. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng phân lũ, chậm lũ phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ; lập kế hoạch chi tiết cho việc di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng ảnh hưởng của phân lũ, chậm lũ; kiểm tra, rà soát và tổ chức diễn tập phương án để bổ khuyết kịp thời tránh bị động; chuẩn bị sẵn sàng các phương án hộ đê đối với tuyến đê phân lũ.

7. Đối với các tuyến đê bối chỉ giữ với mức qui định, nếu lũ trên mức qui định các địa phương phải chủ động kế hoạch sơ tán dân sống trong vùng bối và chủ động cho nước vào bối để không xảy ra vỡ bối đột ngột.

8. Chỉ đạo, tổ chức diễn tập phương án hộ đê để kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin; bổ khuyết kịp thời những điểm thiếu sót, tồn tại để phưong án sát với thực tế./.

BỘ TRƯỞNG

      (Đã ký)


Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.