• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/05/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 14/04/2020
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 27/2011/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 13 tháng 4 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại

 ______________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về tiêu chí xác định kinh tế trang trại, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư này;

2. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Điều 3. Phân loại trang trại

1. Các trang trại được xác định theo lĩnh vực sản xuất như sau:

a) Trang trại trồng trọt;

b) Trang trại chăn nuôi;

c) Trang trại lâm nghiệp;

d) Trang trại nuôi trồng thuỷ sản;

đ) Trang trại tổng hợp.

2. Trang trại chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản) là trang trại có tỷ trọng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa của ngành chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại trong năm. Trường hợp không có ngành nào chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa thì được gọi là trang trại tổng hợp.

Điều 4. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ trang trại

Chủ trang trại được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định hiện hành.

Chương II

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH KINH TẾ TRANG TRẠI

Điều 5. Tiêu chí xác định kinh tế trang trại

Cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau:

1. Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt:

a) Có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu:

- 3,1 ha đối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long;

- 2,1 ha đối với các tỉnh còn lại.

b) Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm.

2. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên;

3. Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Điều 6. Thay đổi tiêu chí xác định kinh tế trang trại

Tiêu chí xác định kinh tế trang trại được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, ổn định trong thời gian tối thiểu là 5 năm.

Chương III

THỦ TỤC CẤP, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN

KINH TẾ TRANG TRẠI

Điều 7. Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) là cơ quan cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản. Đối với diện tích đất cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất xác nhận là người đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

1. Chủ trang trại có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi tên chủ trang trại;

b) Thay đổi về lĩnh vực sản xuất của trang trại.

2. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại:

a) Đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy chứng nhận trang trại đã được cấp;

c) Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh thay đổi tên chủ trang trại với trường hợp thay đổi tên chủ trang trại.

Điều 10. Trình tự cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

1. Cá nhân, hộ gia đình hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 (đối với trường hợp đề nghị cấp mới), tại Điều 9 (đối với trường hợp đề nghị cấp đổi) của Thông tư này tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trang trại sản xuất.

Đối với cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn nhiều xã thì cá nhân, hộ gia đình tự quyết trong việc lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã nào nộp hồ sơ cho thuận tiện nhất. Trường hợp cấp đổi, chủ trang trại nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ khi có đủ giấy tờ theo quy định tại Thông tư này và phải được điền đầy đủ thông tin vào Đơn đề nghị cấp, cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải trao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ trong đó ghi rõ ngày hẹn trả kết quả.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác nhận Đơn đề nghị cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại và chuyển hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trường hợp không xác nhận Đơn đề nghị cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này cho cá nhân, hộ gia đình trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 8, 9 của Thông tư này;

b) Thỏa mãn tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sau khi cấp được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã và trả cho chủ trang trại trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trường hợp không cấp, không cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó nói rõ lý do để thông báo cho người nộp hồ sơ.

5. Nếu sau 13 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ mà không nhận được Giấy chứng nhận kinh tế trang trại hoặc không nhận được thông báo không cấp, cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì người đề nghị cấp, cấp đổi giấy chứng nhận có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 11. Cấp lại Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Trường hợp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại bị mất, cháy, rách, nát chủ trang trại nộp Giấy đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận kinh tế trang trại thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đã được cấp trong trường hợp rách, nát tới Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho cá nhân, hộ gia đình.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận kinh tế trang trại trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Điều 12. Thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

1. Giấy chứng nhận kinh tế trang trại bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Trang trại chấm dứt hoạt động sản xuất;

b) Trang trại có diện tích đất sử dụng giảm xuống dưới mức quy định hoặc trong ba năm liền không đạt tiêu chuẩn quy định về giá trị sản phẩm hàng hoá nông, lâm, thủy sản.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

3. Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được gửi cho chủ trang trại và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trang trại bị thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

a) Thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn huyện;

b) Hàng năm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về trang trại cấp tỉnh về tình hình cấp, cấp đổi, thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn huyện.

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận nhận kinh tế trang trại cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu; tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra, xác nhận đơn đề nghị cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại; chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện; tiếp nhận kết quả từ Ủy ban nhân dân cấp huyện và trả cho người nộp hồ sơ; lưu trữ thông tin và theo dõi tình hình sản xuất của các trang trại trên địa bàn, nếu có thay đổi về loại hình sản xuất, chủ sở hữu, quy mô sản xuất thì phải thông báo cho chủ trang trại để làm thủ tục cấp đổi và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thống Kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hàng năm tổng hợp tình hình phát triển kinh tế trang trại và việc cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại của địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống Kê.

Điều 14. Điều khoản thi hành

1. Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được cấp theo tiêu chí cũ không còn hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Các trang trại có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại phải làm thủ tục đề nghị cấp mới theo quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 13/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê về hướng dẫn tiêu chí xác định kinh tế trang trại và Thông tư số 74/2003/TT-BNN ngày 4/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung mục III của Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời bổ sung, sửa đổi./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Xuân Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.