• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 10/10/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 105/2011/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kon Tum, ngày 16 tháng 11 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

NGHỊ ĐỊNH

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (sau đây gọi tắt là LPG).

2. Hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh LPG là hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước về kinh doanh LPG mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các vi phạm hành chính khác về kinh doanh LPG không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh LPG trong phạm vi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh LPG trong phạm vi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh LPG phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh LPG còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ôtô, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai LPG;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trường hợp chai LPG bị xử lý tịch thu theo quy định của Nghị định này mà pháp luật quy định trả lại cho chủ sở hữu thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh LPG còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều của Chương II Nghị định này.

Điều 4. Áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh LPG được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Mục 1

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH LPG

Điều 5. Vi phạm về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu LPG.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có đủ số lượng tối thiểu chai LPG các loại theo quy định thuộc sở hữu của thương nhân;

b) Chai LPG không phù hợp với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ theo quy định;

c) Có kho tiếp nhận LPG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác nhưng dung tích bồn chứa không đạt mức tối thiểu theo quy định;

d) Tổng đại lý, đại lý trong hệ thống phân phối LPG không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có trạm nạp LPG vào chai hoặc có trạm nạp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai theo quy định;

b) Hệ thống phân phối LPG không có cửa hàng hoặc trạm nạp LPG vào ôtô hoặc trạm cấp LPG theo quy định;

c) Không có hoặc không có đủ số lượng tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG theo quy định;

d) Không có cầu cảng hoặc có cầu cảng nhưng không đúng quy định;

đ) Không có kho tiếp nhận LPG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 6. Vi phạm về điều kiện sản xuất, chế biến LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký sản xuất, chế biến LPG.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở sản xuất, chế biến LPG không theo đúng quy hoạch hoặc không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng;

b) Có kho LPG nhưng không theo quy hoạch hoặc không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;

c) Có kho LPG nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu quy định;

d) Có phòng thử nghiệm nhưng không đủ năng lực để kiểm tra chất lượng LPG theo quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG;

b) Không có phòng thử nghiệm;

c) Không có kho LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b và c khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b và c khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, chế biến LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 7. Vi phạm về điều kiện thương nhân phân phối LPG cấp I

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phân phối LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh LPG.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có kho LPG nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu quy định;

b) Có kho LPG nhưng xây dựng không theo quy hoạch hoặc không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;

c) Có kho LPG nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo quy định;

d) Có chai LPG nhưng không đủ số lượng tối thiểu theo quy định;

đ) Chai LPG không phù hợp với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ theo quy định;

e) Cửa hàng bán LPG chai, trạm cấp LPG, trạm nạp LPG vào ô tô, tổng đại lý, đại lý LPG thuộc hệ thống không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có hệ thống phân phối LPG theo quy định;

b) Có hệ thống phân phối LPG nhưng không có cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào ô tô hoặc không đủ số lượng tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG tối thiểu theo quy định;

c) Không có kho LPG;

d) Không có trạm nạp LPG vào chai hoặc có trạm nạp LPG vào chai nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện thương nhân phân phối LPG cấp I đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 8. Vi phạm về điều kiện tổng đại lý kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký đại lý kinh doanh LPG;

b) Có kho chứa chai LPG và LPG chai nhưng xây dựng không theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc không đạt sức chứa tối thiểu theo quy định;

c) Hệ thống phân phối LPG không có cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm nạp LPG vào ô tô theo quy định;

d) Hệ thống phân phối LPG không đủ số lượng đại lý tối thiểu hoặc có đại lý không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định;

đ) Ký hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

e) Không có hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có kho chứa chai LPG và LPG chai;

b) Không có hệ thống phân phối LPG.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện tổng đại lý kinh doanh LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 9. Vi phạm về điều kiện đại lý kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh không đăng ký đại lý kinh doanh LPG;

b) Có cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm nạp LPG vào ô tô nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm nạp LPG vào ô tô;

b) Không có hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện đại lý kinh doanh LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 10. Vi phạm về điều kiện cửa hàng bán LPG chai

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh không đăng ký bán LPG chai;

b) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG;

b) Không có hợp đồng mua LPG chai với đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện cửa hàng bán LPG chai đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 11. Vi phạm về điều kiện trạm nạp LPG vào chai

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trạm nạp LPG vào chai không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nạp LPG vào chai khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký nạp LPG vào chai;

b) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai;

c) Hàng rào bảo vệ xung quanh trạm nạp không đảm bảo thông thoáng hoặc không tuân thủ khoảng cách an toàn theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm nạp LPG vào chai không phù hợp với quy hoạch;

b) Dự án, thiết kế trạm nạp LPG vào chai không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng;

c) Không có đầy đủ quy trình nạp LPG vào chai, xe bồn, vận hành máy, thiết bị trong trạm, xử lý sự cố và các quy định về an toàn.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp, thiết bị nạp, hệ thống ống dẫn, bồn chứa và thiết bị phụ trợ không tuân thủ các quy định về an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật;

b) Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động của trạm nạp không được kiểm định và đăng ký theo quy định;

c) Không có quy trình nạp LPG vào chai, xe bồn, vận hành máy, thiết bị trong trạm, xử lý sự cố và các quy định về an toàn.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn hoặc giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai giả mạo đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 3, khoản 4 và 5 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 3, khoản 4 và 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện của trạm nạp LPG vào chai đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 12. Vi phạm về điều kiện trạm nạp LPG vào ô tô

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp LPG vào ô tô xây dựng không theo quy hoạch hoặc không theo quy chuẩn kỹ thuật;

b) Trạm nạp LPG vào ô tô không có Giấy phép xây dựng hoặc dự án, thiết kế trạm nạp LPG vào ô tô không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng;

c) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không kiểm định, hiệu chỉnh thiết bị đo lường theo quy định;

b) Không kiểm định và đăng ký thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nạp LPG vào ô tô theo quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện của trạm nạp LPG vào ô tô đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 13. Vi phạm về điều kiện trạm cấp LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm cấp LPG xây dựng không theo quy hoạch hoặc không theo quy chuẩn kỹ thuật;

b) Trạm cấp LPG không có Giấy phép xây dựng hoặc dự án, thiết kế trạm cấp LPG không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng;

c) Trạm cấp LPG không có biển đề: “Cấm lửa”, “Cấm hút thuốc”, “Nội quy phòng cháy và chữa cháy”, “Nội quy ra vào trạm cấp LPG” treo tại nơi dễ thấy, dễ đọc;

d) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không kiểm định, hiệu chỉnh thiết bị đo lường theo quy định;

b) Không có phiếu kết quả kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trạm cấp LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện quy định về điều kiện của trạm cấp LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 14. Vi phạm về điều kiện kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có cầu cảng nhưng không thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam hoặc cầu cảng xây dựng không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật;

b) Có cầu cảng nhưng không thuộc sở hữu, đồng sở hữu hoặc thời hạn thuê cầu cảng không đúng quy định;

c) Có kho LPG nhưng xây dựng không theo quy hoạch hoặc không được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật;

d) Có kho LPG nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu theo quy định;

đ) Có kho LPG nhưng không thuộc sở hữu, đồng sở hữu hoặc thời hạn thuê kho LPG không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cầu cảng;

b) Không có kho LPG.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 15. Vi phạm về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký dịch vụ vận chuyển LPG.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG nhưng phương tiện vận chuyển không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có phương tiện vận chuyển LPG theo quy định;

b) Không có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm hoặc Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị đo kiểm và an toàn hoặc Giấy đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường theo quy định;

c) Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm hoặc Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị đo kiểm và an toàn hoặc Giấy đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường không còn hiệu lực.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA THƯƠNG NHÂN KINH DOANH LPG ĐẦU MỐI

Điều 16. Vi phạm về hoạt động sản xuất, chế biến LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có biển “Cấm lửa”, “Cấm hút thuốc”, “Không có nhiệm vụ miễn vào”, “Nội quy phòng cháy và chữa cháy”, “Nội quy ra vào khu vực sản xuất, chế biến” treo tại khu vực sản xuất, chế biến LPG theo quy định.

b) Không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở sản xuất, chế biến LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đưa sản phẩm LPG lần đầu vào lưu thông không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có hệ thống phân phối theo quy định khi tổ chức bán lẻ LPG và LPG chai trên thị trường;

b) Hệ thống phân phối bán lẻ LPG và LPG chai không đủ điều kiện theo quy định;

c) Bán buôn LPG cho thương nhân kinh doanh LPG khác không đảm bảo điều kiện theo quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về hoạt động sản xuất, chế biến LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 17. Vi phạm về hoạt động kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhập khẩu chai LPG và thiết bị phụ trợ dùng LPG đã qua sử dụng;

b) Nhập khẩu chai LPG, thiết bị phụ trợ dùng LPG chưa qua sử dụng nhưng không có hoặc không đúng xuất xứ.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhập khẩu chai LPG, thiết bị phụ trợ dùng LPG chưa qua sử dụng nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật theo quy định;

b) Kinh doanh tạm nhập tái xuất, xuất khẩu LPG khi không phải là thương nhân đầu mối.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu chai LPG và thiết bị phụ trợ dùng LPG đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu chai LPG và thiết bị phụ trợ dùng LPG đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này trong trường hợp không thực hiện biện pháp buộc tái xuất quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tái xuất chai LPG và thiết bị phụ trợ dùng cho LPG đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định khác của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không hoàn trả tiền ký cược khi khách hàng không còn nhu cầu sử dụng chai LPG;

b) Bán LPG và LPG chai cho các đối tượng không thuộc hệ thống phân phối của mình, trừ trường hợp bán theo hợp đồng cho khách hàng tiêu thụ trực tiếp.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng với thương nhân không đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán LPG chai;

b) Bán buôn LPG cho thương nhân kinh doanh LPG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

c) Mua hoặc bán LPG với thương nhân kinh doanh LPG có trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG, trạm nạp LPG vào ô tô không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

d) Không thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn chai LPG, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn theo quy định;

đ) Cho thuê kho, cảng xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận chuyển với thương nhân kinh doanh LPG không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

e) Không bảo đảm duy trì mức dự trữ lưu thông LPG tối thiểu cho hệ thống phân phối thuộc mình quản lý theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với vi phạm tại Điều này;

b) Buộc hoàn trả tiền ký cược cho khách hàng khi khách hàng không còn nhu cầu sử dụng chai LPG đối với vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này.

Mục 3

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA TỔNG ĐẠI LÝ, ĐẠI LÝ KINH DOANH LPG VÀ CỬA HÀNG BÁN LPG CHAI

Điều 19. Vi phạm của tổng đại lý kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh của tổng đại lý LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng làm tổng đại lý vượt quá số lượng thương nhân kinh doanh LPG đầu mối theo quy định;

b) Ký hợp đồng với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý hoặc cửa hàng bán LPG chai.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán LPG tại trạm nạp LPG vào ô tô và bán LPG chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;

b) Mua hoặc bán các loại LPG trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ hoặc không phù hợp với hợp đồng đại lý đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối;

c) Tồn trữ, lưu thông, tiêu thụ các loại LPG và chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng;

d) Không hoàn trả cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối toàn bộ số chai LPG đã ký cược và hồ sơ chai LPG khi thanh lý hợp đồng đại lý, tổng đại lý.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân là tổng đại lý không bảo đảm mức dự trữ lưu thông LPG tối thiểu theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu LPG chai và chai LPG không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định về tổng đại lý kinh doanh LPG đối với vi phạm tại Điều này;

b) Buộc hoàn trả cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối toàn bộ số chai LPG đã ký cược và hồ sơ chai LPG đối với vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;

c) Buộc thu hồi, tiêu hủy LPG và LPG chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông đã bán ra thị trường đối với vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 20. Hành vi vi phạm của đại lý kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh của đại lý kinh doanh LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng làm đại lý vượt quá số lượng thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý theo quy định;

b) Không mở sổ theo dõi các loại LPG đã bán cho khách hàng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán LPG chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;

b) Mua, bán LPG và LPG chai trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ;

c) Bán LPG và LPG chai không phù hợp với hợp đồng đại lý đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu LPG và LPG chai đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định về đại lý kinh doanh LPG đối với vi phạm tại khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi, tiêu hủy LPG chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông đã bán ra thị trường đối với vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 21. Vi phạm của cửa hàng bán LPG chai

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cửa hàng bán LPG chai theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng bán LPG chai với thương nhân kinh doanh LPG vượt quá số lượng quy định;

b) Bán LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác mà không có hợp đồng;

c) San chiết, nạp LPG, sửa chữa chai LPG không đúng nơi quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán các loại LPG chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;

b) Mua, bán LPG và LPG chai trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ;

c) Bán LPG chai không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, tổng đại lý, đại lý.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu LPG chai đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định của pháp luật đối với vi phạm tại khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi, tiêu hủy LPG chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông đã bán ra thị trường đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Mục 4

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NẠP, CẤP LPG

Điều 22. Vi phạm quy định về nạp LPG vào chai

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp LPG vào chai không có biển đề: “Cấm lửa”, “Cấm hút thuốc”, “Nội quy phòng cháy và chữa cháy”, “Nội quy ra vào trạm nạp LPG” treo tại nơi dễ thấy, dễ đọc;

b) Không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm nạp LPG vào chai theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nạp LPG vào chai LPG không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông theo quy định;

b) Nạp thuê theo hợp đồng nạp LPG vào chai LPG cho thương nhân kinh doanh LPG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chứa chai LPG của thương nhân khác không có hợp đồng thuê nạp LPG với trạm nạp;

b) Nạp LPG vào chai LPG không thuộc sở hữu của chính thương nhân chủ sở hữu trạm nạp, trừ trường hợp có hợp đồng thuê nạp.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về nạp LPG vào chai đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 23. Vi phạm quy định về nạp LPG vào ô tô

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm nạp LPG vào ô tô theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi liên doanh, liên kết góp vốn xây dựng trạm nạp LPG vào ô tô với cửa hàng bán xăng dầu không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi nạp LPG vào chai LPG tại trạm nạp LPG vào ô tô.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu chai LPG, LPG chai đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô đến 12 tháng đối với vi phạm quy định khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về nạp LPG vào ô tô đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định về cấp LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không cung cấp cho khách hàng bản hướng dẫn an toàn sử dụng LPG, trong đó có ghi số điện thoại của trạm cấp LPG, nhân viên trực tiếp quản lý trạm cấp LPG để liên hệ khi cần thiết;

b) Không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm cấp LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán LPG cho khách hàng không tuân thủ quy định về an toàn sử dụng LPG, phòng chống cháy, nổ.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán LPG cho phương tiện vận chuyển chuyên dụng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Nạp LPG vào chai LPG tại trạm cấp LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về cấp LPG đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 25. Các vi phạm khác về vận hành trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG vào ô tô, trạm cấp LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng trạm nạp di động;

b) Nạp LPG vào chai LPG mini không được phép nạp lại.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nạp LPG vào chai LPG được phép nạp lại nhưng chưa được kiểm định hoặc quá thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn;

b) Nạp LPG từ xe bồn vào chai LPG hoặc phương tiện, thiết bị khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG đến 12 tháng đối với vi phạm tại khoản 1 và 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc kiểm định chai LPG đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Mục 5

HÀNH VI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA THƯƠNG NHÂN KINH DOANH DỊCH VỤ LPG

Điều 26. Vi phạm của thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh của thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm

a) Ký hợp đồng cho thuê kho, cảng xuất, nhập, giao nhận LPG với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý, đại lý không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Cho thuê kho, cảng xuất, nhập, giao nhận để tiếp nhận tàu chở LPG mà không có hợp đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất, nhập LPG đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 27. Vi phạm của thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG theo quy định, kể cả người điều khiển phương tiện vận chuyển LPG.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển LPG theo hợp đồng cho thương nhân kinh doanh LPG không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Thuê phương tiện vận chuyển LPG không bảo đảm đủ điều kiện hoặc không được phép tham gia giao thông theo quy định;

c) Không thực hiện các quy định về an toàn khi vận chuyển LPG.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ vận chuyển LPG đối với vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện các quy định về an toàn khi vận chuyển LPG đối với vi phạm tại điểm c khoản 2 Điều này.

Mục 6

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, KIỂM ĐỊNH CHAI LPG

Điều 28. Vi phạm của cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa chai LPG mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG;

b) Không thực hiện đầy đủ các quy định về sản xuất, sửa chữa chai LPG do Bộ Công Thương ban hành mà chưa quy định tại Nghị định này.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa chai LPG cho thương nhân không phải là chủ sở hữu chai LPG;

b) Sản xuất, sửa chữa chai LPG và thiết bị phụ trợ dùng LPG không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định;

c) Cơ sở sản xuất đưa chai LPG có số seri trùng nhau ra lưu thông trên thị trường;

d) Sản xuất, sửa chữa chai LPG cho chủ sở hữu chai LPG mà không có hợp đồng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG đến 12 tháng đối với vi phạm tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG trên 12 tháng đối với vi phạm tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về sản xuất, sửa chữa chai LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Điều 29. Vi phạm của trạm kiểm định chai LPG

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm kiểm định chai LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kiểm định chai LPG mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai LPG;

b) Không thực hiện đầy đủ các quy định về trạm kiểm định chai LPG do Bộ Công Thương ban hành mà chưa quy định tại Nghị định này.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai LPG đến 12 tháng đối với vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai LPG trên 12 tháng đối với vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về trạm kiểm định chai LPG đối với vi phạm tại Điều này.

Mục 7

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CHAI LPG VÀ LPG CHAI

Điều 30. Vi phạm quy định về chai LPG lưu thông trên thị trường

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không kiểm định kỹ thuật an toàn chai LPG theo quy định trước khi đưa vào sử dụng;

b) Đưa vào lưu thông chai LPG quá thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn theo quy định;

c) Đưa vào lưu thông chai LPG không còn nguyên hình dạng thiết kế ban đầu đã được kiểm định kỹ thuật an toàn;

d) Không có đủ hồ sơ lưu trữ về chai LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thu hồi hoặc không thu hồi toàn bộ số chai LPG thuộc sở hữu của mình để bán hoặc nhượng lại cho thương nhân khác kèm theo đầy đủ hồ sơ theo quy định khi ngừng hoạt động kinh doanh hoặc cơ sở kinh doanh LPG sáp nhập, chuyển đổi ngành nghề không kinh doanh LPG.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép sau đây:

a) Thay chân đế, cắt quai xách;

b) Mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri;

c) Hàn gắn thêm kim loại;

d) Tráo đổi van đầu chai;

đ) Các hành vi trái phép khác làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu chai LPG không đảm bảo điều kiện lưu thông đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Đình chỉ lưu thông, sử dụng chai LPG đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi, thực hiện kiểm định chai LPG đã đưa ra lưu thông đối với vi phạm quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này;

c) Buộc thu hồi, tiêu hủy chai LPG đã đưa ra lưu thông đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều này;

d) Buộc thu hồi chai LPG theo quy định đối với vi phạm tại khoản 2 Điều này;

đ) Buộc thực hiện đúng quy định về hồ sơ lưu trữ về chai LPG đối với vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 31. Vi phạm quy định khác về chai LPG và LPG chai

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG chai không niêm phong hoặc niêm phong không đúng quy cách;

b) Sử dụng LPG chai mini không được phép nạp lại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống;

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh chai LPG mini hoặc LPG chai mini không được phép nạp lại;

b) Chủ sở hữu chai LPG đưa chai LPG có số seri trùng nhau ra lưu thông trên thị trường;

c) Mua, bán, trao đổi các loại chai LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ LPG chai không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu, trừ trường hợp thuê nạp.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu chai LPG và LPG chai đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các quy định về LPG chai lưu thông trên thị trường đối với vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ KINH DOANH LPG

Điều 32. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính về kinh doanh LPG quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008.

Điều 33. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường

1. Những người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 có quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính về kinh doanh LPG quy định tại Nghị định này.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có trị giá đến 30.000.000 đồng;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai LPG;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật sản xuất, chế biến LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai LPG;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Điều 34. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính về kinh doanh LPG quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008.

Điều 35. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt và ủy quyền xử phạt

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt và ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh LPG được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 36. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh LPG được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.