• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/07/2018
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 14/2018/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 29 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay

phát triển nông nghiệp, nông thôn

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (trừ công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính bao thanh toán), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức tín dụng).

Điều 3. Các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

1. Tái cấp vốn hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các quy định về việc tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng.

2. Hỗ trợ qua công cụ dự trữ bắt buộc như sau:

a) Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ theo tiêu chí quy định dưới đây:

i) Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân (sau đây gọi tắt là tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân) từ 70% trở lên: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn một phần hai mươi (1/20) tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại hình tổ chức tín dụng đó;

ii) Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân từ 40% đến dưới 70%: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn một phần năm (1/5) tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại hình tổ chức tín dụng đó;

b) Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ quy định tại điểm a Khoản này được áp dụng trong thời gian 6 tháng, cụ thể như sau:

i) Từ tháng 02 đến hết tháng 7 năm hiện hành (sau đây gọi là giai đoạn 1): Tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân làm cơ sở xác định tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chí áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ được tính như sau:

Trong đó: 

- C: Tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân để làm cơ sở áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ từ tháng 02 đến hết tháng 7 năm hiện hành;

- A1, A2: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tổ chức tín dụng đến cuối ngày 30/9, cuối ngày 31/12 của năm trước liền kề;

- B1, B2: Tổng dư nợ tín dụng của tổ chức tín dụng đến cuối ngày 30/9, cuối ngày 31/12 của năm trước liền kề;

ii) Từ tháng 8 năm hiện hành đến hết tháng 01 năm tiếp theo (sau đây gọi là giai đoạn 2): Tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân làm cơ sở xác định tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chí áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ được tính như sau:

Trong đó:

- F: Tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân để làm cơ sở áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ từ tháng 8 năm hiện hành đến hết tháng 01 năm tiếp theo;

- D1, D2: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tổ chức tín dụng đến cuối ngày 31/3, cuối ngày 30/6 của năm hiện hành;

- E1, E2: Tổng dư nợ tín dụng của tổ chức tín dụng đến cuối ngày 31/3, cuối ngày 30/6 của năm hiện hành;

c) Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân đạt mức từ 40% trở lên nhưng không có nhu cầu áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ quy định tại điểm a Khoản này thì không áp dụng các quy định về dự trữ bắt buộc tại Thông tư này.

3. Các biện pháp hỗ trợ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 4. Thông báo áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này

1. Tổ chức tín dụng xác định tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này, trường hợp đáp ứng tiêu chí áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này, gửi 01 văn bản đề nghị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế), trong đó nêu rõ mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ, cụ thể như sau:

a) Giai đoạn 1: Gửi văn bản đề nghị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ giai đoạn 1 theo Phụ lục 01 đính kèm Thông tư này trước ngày 15 tháng 01;

b) Giai đoạn 2: Gửi văn bản đề nghị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ giai đoạn 2 theo Phụ lục 02 đính kèm Thông tư này trước ngày 15 tháng 7.

2. Ngân hàng Nhà nước xem xét, thông báo cho tổ chức tín dụng về mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ áp dụng hoặc thông báo không chấp thuận áp dụng mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng và nêu rõ lý do không chấp thuận. Thời hạn thông báo:

a) Giai đoạn 1: Trước ngày 01 tháng 02;

b) Giai đoạn 2: Trước ngày 01 tháng 8.

Điều 5. Quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng

1. Khi có nhu cầu vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay tái cấp vốn theo các quy định hiện hành.

2. Trường hợp đáp ứng tiêu chí và có nhu cầu áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

3. Báo cáo đầy đủ, kịp thời số liệu về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp và hợp lệ số liệu báo cáo về tổng dư nợ tín dụng và dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để làm căn cứ áp dụng biện pháp hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan.

4. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: Trên cơ sở văn bản đề nghị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ của tổ chức tín dụng, xem xét, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo cho tổ chức tín dụng về mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ áp dụng hoặc thông báo không chấp thuận áp dụng mức tỷ lệ dự trữ bắt hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, đồng gửi Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính (hoặc nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở) và các đơn vị liên quan để thực hiện.

2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra, giám sát và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền việc thực hiện các quy định tại Thông tư này của tổ chức tín dụng.

3. Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và các biện pháp khác để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định và quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính (hoặc nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở) theo dõi, phối hợp cùng với các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  13  tháng  7  năm 2018.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 20/2010/TT-NHNN ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Công văn số 854/NHNN-TD ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 20/2010/TT-NHNN;

c) Quyết định số 582/2003/QĐ-NHNN ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.

3. Tổ chức tín dụng đang áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 20/2010/TT-NHNN ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc này đến hết tháng 7 năm 2018.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hồng

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.