• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/02/2004
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 05/2004/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 30 tháng 1 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước

đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước

 

Căn cứ Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 10 thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP  ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý giá một số hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này quy định đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ cho các đơn vị sản xuất (bao gồm cả hàng hoá, dịch vụ được nhà nước trợ giá) thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước mà không qua hình thức đấu thầu, đấu giá.

Nhiệm vụ chi thanh toán thuộc cấp ngân sách nào thì cấp đó  có trách nhiệm  chỉ đạo, quản lý, xét duyệt giá thanh toán, mức trợ giá.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là đơn vị) được Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ theo số lượng hàng đặt đã được cơ quan đặt hàng nghiệm thu.

II. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH GIÁ, TRỢ GIÁ

1. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định phương án giá do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương đề nghị.

b) Quyết định mức giá, mức trợ giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ cho các đơn vị sản xuất mà không qua hình thức đâú thầu, đấu giá được thanh toán từ ngân sách trung ương.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương:

a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định về quản lý giá và các quyết định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương.

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ  quy định tại điểm 1 mục II, có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ Tài chính (Cục quản lý giá) thẩm định và quyết định.

c) Phối hợp với  Bộ Tài chính (Cục quản lý giá) thẩm định phương án giá hàng hoá, dịch vụ do đơn vị trực thuộc xây dựng.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định về quản lý giá và các quyết định giá của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

b) Quyết định hoặc uỷ quyền cho Sở Tài chính quyết định mức giá, mức trợ giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ cho các đơn vị sản xuất mà không qua hình thức đâú thầu, đấu giá được thanh toán từ ngân sách địa phương.

4.  Các đơn vị sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ:

a) Lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

b) Chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá, mức trợ giá do cơ quan  Nhà nước có thẩm quyền quy định, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin về giá trong nước và thế giới có liên quan theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá.

III. QUY ĐỊNH VỀ GIÁ THANH TOÁN, MỨC TRỢ GIÁ

1. Nguyên tắc xác định giá thanh toán, mức trợ giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ cho các đơn vị sản xuất thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước mà không qua hình thức đấu thầu, đấu giá:

a) Đối với hàng hoá, dịch vụ đã có lưu thông trên thị trường: Mức giá thanh toán là giá bán buôn đang giao cho các đơn vị lưu thông tại thời điểm giao hàng.

b)  Đối với hàng hoá, dịch vụ  chưa có lưu thông trên thị trường (hàng sản xuất đơn chiếc, hàng sản xuất hoặc nhập khẩu lần đầu mà trên thị trường chưa có): Mức giá thanh toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo nguyên tắc đảm bảo  bù đắp chi phí hợp lý và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. 

c) Đối với một số mặt hàng chính sách xã hội quan trọng, trường hợp chi phí sản xuất tăng do nguyên nhân khách quan mà Nhà nước phải giữ ổn định giá bán lẻ cho nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xét duyệt trợ giá cho số lượng hàng hoá, dịch vụ đó trong thời kỳ phải giữ ổn định giá sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

 Mức trợ giá là phần chênh lệch giữa giá thanh toán được duyệt (sau khi đã loại trừ các yếu tố chủ quan) với giá thực bán theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

d)  Đối với hàng hoá, dịch vụ được trợ giá một phần thì mức trợ giá do cơ quan Nhà nước có thẩm  quyền quy định.

2. Thời hạn phê duyệt giá thanh toán và mức trợ giá:

a/ Đối với hàng hoá, dịch vụ được nhà nước đặt hàng, trợ giá theo kế hoạch hàng năm, thì việc phê duyệt mức giá, trợ giá được tiến hành cùng với việc lập dự toán ngân sách của ngành chủ quản và số lượng sản xuất trong năm  được Nhà nước đặt hàng.

b/ Đối với hàng hoá, dịch vụ được Nhà nước đặt hàng, trợ giá có trong dự toán ngân sách nhà nước thì việc phê duyệt mức giá, trợ giá được tiến hành sau khi dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trình phương án giá:

a) Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá, trợ giá của Bộ Tài chính: Phương án giá do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương được giao thực hiện việc đặt hàng, trợ giá đề nghị.

b) Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Phương án giá do Sở quản lý ngành, lĩnh vực đề nghị sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Tài chính.

Đối với hàng hoá, dịch vụ mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố uỷ quyền cho Sở Tài chính quyết định giá thì phương án giá do Sở quản lý ngành, lĩnh vực đề nghị.

IV. THANH TRA, KIỂM TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁ THANH TOÁN, MỨC TRỢ GIÁ

1. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Sở Tài chính, Sở quản lý chuyên ngành, lĩnh vực của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi thẩm  quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá tại Thông tư này; xử lý các hành vi vi phạm theo quyết định của pháp luật.

2. Các đơn vị có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra. Đồng thời phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm tình hình sử dụng kinh phí đặt hàng, trợ giá về  cơ quan chủ quản có thẩm quyền  để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.

Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị phải lập và gửi báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện sử dụng kinh phí Nhà nước quy định tại Thông tư này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư Liên bộ số 06/TTLB ngày 10/7/1993 của Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Tài chính  “Hướng dẫn cơ chế quản lý giá  những hàng hoá, dịch vụ được thực hiện chính sách trợ giá và đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, ytế, giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao”.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.                                                                    

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Tuấn

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.