• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/01/2009
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 3169/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 22 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cầu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước

chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

________________________

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/6/2003;

Căn cứ Nghị định 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Chi nhánh) là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng Nhà nước, chịu sự lãnh đạo và điều hành tập trung, thống nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là Thống đốc), có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương theo ủy quyền của Thống đốc.

2. Chi nhánh là đơn vị hạch toán, kế toán phụ thuộc, có con dấu và bảng cân đối tài khoản theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Chi nhánh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Tổ chức phổ biến, chỉ đạo, triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đến các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

2. Tổng hợp, thống kê, nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế trên địa bàn để tham mưu cho Thống đốc và chịu trách nhiệm triển khai chỉ đạo của Thống đốc thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có liên quan đến hoạt động ngân hàng.

3. Thực hiện nhiệm vụ cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính quy mô nhỏ và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo ủy quyền của Thống đốc và quy định của pháp luật.

4. Tổ chức thực hiện việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, kiểm soát đặc biệt, giải thể đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo ủy quyền của Thống đốc và quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, thực hiện công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác trên địa bàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.

6. Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc và các công cụ chính sách tiền tệ khác đối với tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan trên địa bàn để thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

7. Cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và các dịch vụ ngân hàng khác cho các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn.

8. Thực hiện các nghiệp vụ và biện pháp quản lý nhà nước về ngoại hối trên địa bàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.

9. Thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn và cho vay thanh toán đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn khi được Thống đốc ủy quyền.

10. Thực hiện các nghiệp vụ và biện pháp quản lý nhà nước về tiền tệ, kho quỹ, bảo đảm an toàn về tài sản, tiền và các giấy tờ có giá bảo quản trong kho, quỹ tại Chi nhánh, khi giao nhận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.

11. Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.

12. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai tài sản, tài chính theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.

13. Báo cáo, trả lời chất vấn theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương; trả lời kiến nghị của các cơ quan báo chí về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.

14. Quản lý tài chính, tài sản và cơ sở vật chất kỹ thuật, tin học được giao theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.

15. Phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở bồi dưỡng cán bộ của Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước đặt trên địa bàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.

16. Thực hiện công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, phòng chống cháy nổ, phòng chống bão lụt, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tại Trụ sở Chi nhánh các cơ sở vật chất khác thuộc thẩm quyền quản lý của Chi nhánh.

17. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.

18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

a) Cơ cấu tổ chức của Chi nhánh thành phố Hà Nội và Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh:

1. Phòng Hành chính – Nhân sự.

2. Phòng Nghiên cứu tổng hợp.

3. Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Phòng Quản lý các tổ chức tín dụng.

5. Phòng Quản lý ngoại hối – Thị trường tiền tệ.

6. Phòng Kế toán – Thanh toán.

7. Phòng Tiền tệ - Kho quỹ.

8. Phòng Kiểm soát.

9. Phòng Tin học.

b) Cơ cấu tổ chức của Chi nhánh thành phố Hải Phòng, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng và Chi nhánh thành phố Cần Thơ:

1. Phòng Hành chính – Nhân sự.

2. Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Quản lý các tổ chức tín dụng.

3. Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Phòng Kế toán – Thanh toán.

5. Phòng Tiền tệ - Kho quỹ.

6. Phòng Tin học.

c) Cơ cấu tổ chức của các Chi nhánh khác:

1. Phòng Hành chính – Nhân sự.

2. Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Quản lý các tổ chức tín dụng.

3. Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Phòng Kế toán – Thanh toán.

5. Phòng Tiền tệ - Kho quỹ.

Thanh tra, giám sát ngân hàng và Phòng Kế toán – Thanh toán có con dấu riêng dùng trong hoạt động nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ cụ thể của Thanh tra, giám sát ngân hàng và nhiệm vụ của các Phòng do Giám đốc Chi nhánh quy định trên cơ sở nội dung của Phụ lục đính kèm.

Điều 4. Lãnh đạo và điều hành

1. Lãnh đạo và điều hành Chi nhánh là Giám đốc. Giúp việc Giám đốc có một số Phó Giám đốc. Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh do Thống đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc:

a) Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi nhánh quy định tại Điều 1, Điều 2 của Quyết định này và chịu trách nhiệm trước Thống đốc và pháp luật về hoạt động của Chi nhánh.

b) Quyết định chương trình, kế hoạch và biện pháp thực hiện các lĩnh vực công tác của Chi nhánh.

c) Quản lý biên chế, sử dụng và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức theo phân cấp ủy quyền của Thống đốc và quy định của pháp luật.

d) Chuẩn y thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành, Ban Kiểm soát các tổ chức tín dụng cổ phần, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, tổ chức tài chính quy mô nhỏ và được quyền đình chỉ các chức danh nói trên theo ủy quyền của Thống đốc và quy định của pháp luật.

đ) Có ý kiến (bằng văn bản) với người đứng đầu tổ chức tín dụng Nhà nước, tổ chức tín dụng có cổ phần chi phối của Nhà nước về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển đối với Giám đốc (hoặc tương đương) đơn vị thành viên đóng trên địa bàn.

Trong trường hợp cần thiết có quyền kiến nghị với cấp có thẩm quyền đình chỉ công tác, xử lý hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, viên chức thuộc tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn có vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

e) Đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn.

g) Được quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh.

h) Đại diện pháp nhân Ngân hàng nhà nước trước cơ quan pháp luật tại địa phương theo ủy quyền của Thống đốc.

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Giám đốc:

a) Giúp Giám đốc chỉ đạo điều hành một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về những nhiệm vụ được phân công phụ trách.

b) Tham gia ý kiến với Giám đốc trong việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Chi nhánh theo nguyên tắc tập trung, dân chủ và chế độ thủ trưởng.

c) Khi Giám đốc đi vắng, một Phó Giám đốc được ủy nhiệm thay mặt Giám đốc để điều hành công việc chung của Chi nhánh, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về những việc đã giải quyết và báo cáo lại khi Giám đốc có mặt.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1440/2004/QĐ-NHNN ngày 08/11/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Giàu

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.