• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/12/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 27/02/2019
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Số: 145/2008/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 5 tháng 12 năm 2008

NGHỊ QUYẾT

Về Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2015

____________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 13

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành năm 2003;

- Căn cứ Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND - UBND năm 2004;

- Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;

- Căn cứ Quyết định số 87/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2020;

- Sau khi xem xét Tờ trình 1044/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh Lai Châu về dự thảo Nghị quyết thông qua đề án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra số 22/BC-KTNS ngày 29 tháng 11 năm 2008 của Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ

Điều 1: Nhất trí thông qua Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2015, với những nội dung chính sau:

I- MỤC TIÊU:

1. Về diện tích.

Đến năm 2015 toàn tỉnh có 20.000 ha, trong đó 90% diện tích cao su đại điền và 10% diện tích cao su tiểu điền, cụ thể:

- Giai đoạn 2008 – 2010 diện tích cao su đạt 6.000 ha.

- Giai đoạn 2011 – 2015 diện tích cao su đạt 20.000 ha.

2. Về sản phẩm:

- Đến năm 2015 có 1.000 ha cao su được khai thác mủ, sản lượng khai thác đạt 500 tấn.

- Đến năm 2020 có 12.000 ha cao su được khai thác mủ, sản lượng khai thác đạt trên 12.000 tấn.

- Đến năm 2022 có trên 20.000 ha cao su được khai thác mủ, sản lượng khai thác đạt 20.000 tấn.

3. Giải quyết việc làm.

Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 10.000 lao động trong tỉnh, trực tiếp trồng, chăm sóc và chế biến cao su và các hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển cao su.

II- NHIỆM VỤ:

1. Nhiệm vụ qui hoạch.

a. Qui hoạch thành 5 vùng vùng phát triển cao su như sau:

- Vùng I: Bao gồm 8 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ gồm các xã: Ma Quai, Nậm Tăm, Nậm Cha, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Mạ, Nậm Cuổi, Nậm Hăn với diện tích trên 12.000 ha.

- Vùng II: Bao gồm 4 xã thuộc khu vực Nậm Na của huyện Sìn Hồ gồm các xã: Lê Lợi, Chăn Nưa, Pa Tần, Nậm Ban với diện tích trên 2.000 ha.

- Vùng III: Bao gồm 8 xã lưu vực sông Nậm Na của huyện Phong Thổ gồm các xã: Mường So, Nậm Xe, Khổng Lào, Hoang Thèn, Ma Ly Pho, Bản Lang, Lản Nhì Thàng, Huổi Luông với diện tích trên 2.000 ha.

- Vùng IV: Bao gồm 03 xã dọc theo sông Đà thuộc huyện Mường Tè: Mường Mô, Nậm Hàng, Kan Hồ với diện tích trên 2.000 ha.

- Vùng V: Bao gồm các xã dọc theo Quốc lộ 32 và sông Nậm Mu với diện tích 2.000 ha.

b. Phân kỳ đầu tư.

- Giai đoạn I (2008-2010) trồng mới 6.000 ha chủ yếu tập trung tại vùng I (năm 2008 trồng mới 1.000 ha; năm 2009 trồng mới 2.500 ha; năm 2010 trồng mới 2.500 ha).

- Giai đoạn 2 (2011-2015) trồng mới 14.000 ha (năm 2011 trồng mới 3.000 ha; năm 2012 trồng mới 3.000 ha; năm 2013 trồng mới 3.000 ha; năm 2014 trồng mới 3.000 ha; năm 2015 trồng mới 2.000 ha).

2. Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su.

Xầy dựng nhà máy chế biến mủ cao sủ đảm bảo công suất, dây truyền hiện đại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Năm 2013: Vùng I xây dựng 02 cơ sở chế biến mủ cao su dự kiến đặt tại xã Nậm Tăm và xã Nậm Cuổi huyện Sìn Hồ.

- Năm 2014: Vùng III xây dựng 01 cơ sở chế biến mủ cao su dự kiến đặt tại khu vực Thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ.

III- NHỮNG GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU.

1. Giải pháp về qui hoạch.

- Điều chỉnh bổ sung qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006-2020 đã ban hành theo Quyết định 87/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng qui hoạch sử dụng đất cho các huyện Sìn Hồ và các xã thuộc vùng trồng cao su; Điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất cho các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên và xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm của các huyện thuộc vùng trồng cao su.

- Xây dựng qui hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển cây cao su, trên địa bàn toàn tỉnh.

- Qui hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư trên cơ sở Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Qui hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp về đất đai.

- Đất chưa sử dụng, đất đang sử dụng vào mục đính sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng kém hiệu quả, nằm trong vùng quy hoạch, phù hợp với cây cao su được chuyển đổi sang trồng cao su.

- Đất chưa sử dụng; đất do các cơ quan nhà nước, cộng đồng dân cư đang quản lý; đất sử dụng kém hiệu quả; đất vượt hạn mức góp đất; đất thuộc diện phải thu hồi theo Luật đất đai phù hợp qui hoạch phát triển cao su được thu hồi chuyển sang trồng cao su.

- Đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng hợp pháp được góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp; hạn mức góp đất do UBND tỉnh quy định.

- Diện tích đất thu hồi được cấp lại cho những hộ trong vùng quy hoạch, hộ tái định cư còn thiếu đất và thành lập làng công nhân, làng thanh niên lập nghiệp trồng cây cao su; gắn phát triển cao su với bố trí sắp xếp lại dân cư; hạn mức cấp đất do UBND tỉnh quy định.

3. Giải pháp về vốn.

- Huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu của Tập đoàn cao su Việt Nam.

- Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình; Hỗ trợ xây dựng các qui hoạch liên quan đến chương trình phát triển cây cao su; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền với qui hoạch, ổn định, sắp xếp dân cư vùng qui hoạch trồng cây cao su; Hỗ trợ thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành. Hỗ trợ lập phương án bồi thường thu hồi đất; Hỗ trợ đào tạo lao động địa phương chuyển đổi ngành nghề khác sang sản xuất cao su.

- Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp về lao động.

- Thực hiện sắp xếp dân cư, cân đối nguồn lực lao động tại chỗ và lao động từ nơi khác đến để đảm bảo thực hiện qui hoạch, kế hoạch phát triển cao su trong từng giai đoạn cụ thể.

- Xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, lao động địa phương đảm bảo trình độ về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến cao su.

- Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vùng trồng cao su vào làm công nhân trong các doanh nghiệp, được hưởng các quyền lợi theo qui định của pháp luật; Góp cổ phần vào doanh nghiệp (vốn, quyền sử dụng đất, khoa học – công nghệ) theo qui định.

5. Giải pháp về khoa học, công nghệ

- Về giống: Các cơ quan chuyên môn trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện giúp doanh nghiệp trong việc chọn giống, cơ cấu giống cao su phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương.

- Về kỹ thuật: Đẩy mạnh công tác khuyến nông để thực hiện đồng bộ các yêu cầu về khoa học, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, khai thác, chế biến sản phẩm cao su.

6. Giải pháp về sản phẩm.

- Công ty cổ phần cao su Lai Châu có trách nhiệm tổ chức thu mua; chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao su trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến có dây truyền công nghệ tiên tiến, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu và bảo vệ môi trường sinh thái.

7. Chính sách hỗ trợ vốn phát triển cao su.

a. Một số qui định cụ thể.

- Doanh nghiệp trồng cao su tự thỏa thuận bồi thường hoa màu, vật kiến trúc để giải phóng mặt bằng trồng cao su (nếu có) trên cơ sở các chính sách hỗ trợ, đền bù hiện hành của tỉnh.

- Các hộ tái định cư các dự án thuỷ điện nằm trong vùng quy hoạch cao su được góp cổ phần bằng vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình tái định cư vào doanh nghiệp.

- Hỗ trợ một lần cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất góp vào doanh nghiệp để trồng cây cao su, mức hỗ trợ như sau:

+ Đất trồng cây hàng năm đang canh tác: 05 triệu đồng/1 ha.

+ Rừng trồng bằng nguồn vốn tự có: 06 triệu đồng/1 ha.

+ Rừng khoanh nuôi, tái sinh bằng nguồn vốn tự có: 02 triệu đồng/1 ha.

+ Rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: 01 triệu đồng/1 ha. 

+ Rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: 0,5 triệu đồng/1 ha.

+ Rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn ngân sách nhà nước giao cho các cơ quan nhà nước quản lý thì không được hỗ trợ.

b. UBND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ khác bao gồm:

- Hỗ trợ lập phương án bồi thường thu hồi đất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác đo đạc qui chủ, lập hồ sơ đất.

- Hỗ trợ đào tạo lao động địa phương chuyển đổi ngành nghề khác sang sản xuất cao su.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ vùng cao su như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, sắp xếp dân cư bằng nguồn vốn ngân sách và các vốn khác.

- Hỗ trợ nhà ở tại các đội sản xuất, vườn ươm giống gốc.

- Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ lực lượng lao động tham gia làm đất, trồng mới, chăm sóc do yêu cầu thời vụ.

- Hỗ trợ trồng xen cây họ đậu trên diện tích cao su chưa khép tán.

 - Hỗ trợ hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã.

- Hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền: Vận dụng các chính sách phát triển rừng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.

8. Tổ chức thực hiện.

- UBND các cấp, các tổ chức, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.

- Thành lập ban chỉ đạo các cấp, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban chỉ đạo, qui định rõ nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các cấp.

Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khoá XII, kỳ họp thứ 13 thông qua./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Giàng Páo Mỷ

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.