• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 33/2015/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 10 tháng 8 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2)

_________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2).

Điều 1. Mục tiêu và nguyên tắc thực hiện

1. Mục tiêu: Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn (theo báo cáo rà soát của các địa phương), đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

2. Nguyên tắc thực hiện việc hỗ trợ

a) Hỗ trợ đến từng hộ gia đình; bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới;

b) Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ theo phương thức cho vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở;

c) Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2) và “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Nhà ở phải đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc;

d) Hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở (bao gồm xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có yêu cầu) và chỉ được chuyển nhượng sau khi đã trả hết nợ vay (cả gốc và lãi) cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 2. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ nhà ở

1. Đối tượng

Hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của Quyết định này phải là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 05 năm.

2. Điều kiện

a) Chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

b) Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác;

c) Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại. Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 08 năm trở lên tính đến thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

3. Những trường hợp sau đây không thuộc diện đối tượng hỗ trợ theo quy định của Quyết định này:

a) Hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

b) Hộ thuộc điện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long;

c) Hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

d) Hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung;

đ) Hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

Điều 3. Phạm vi áp dụng

Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 được áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (gọi chung là thôn) trực thuộc phường, thị trấn hoặc xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp.

Điều 4. Xếp loại thứ tự ưu tiên hỗ trợ

Thực hiện ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau đây:

1. Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật).

2. Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

4. Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

5. Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

6. Hộ gia đình đang cư trú tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

7. Các hộ gia đình còn lại.

Điều 5. Nguồn vốn thực hiện, cấp bù chênh lệch lãi suất, quyết toán vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, mức vay, phương thức cho vay, giải ngân vốn vay và thủ tục quy trình vay vốn

1. Nguồn vốn thực hiện

a) Vốn vay ưu đãi

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho các hộ dân thuộc diện đối tượng vay theo mức quy định tại Quyết định này. Nguồn vốn vay do ngân sách trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động;

b) Vốn huy động từ "Quỹ vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp vận động từ cộng đồng xã hội và từ các doanh nghiệp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng phối hợp vận động các doanh nghiệp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và hỗ trợ cho Chương trình;

c) Vốn của hộ gia đình được huy động từ gia đình, dòng họ;

d) Vốn lồng ghép từ các chương trình, mục tiêu khác.

2. Cấp bù chênh lệch lãi suất

Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách như sau:

a) Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, ngân sách Trung ương đảm bảo 100% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội;

b) Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50%; ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% mức cấp bù chênh lệch lãi suất giữa lãi suất bình quân trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động với lãi suất cho vay thực hiện chương trình và dư nợ cho vay thực tế bình quân (tính theo phương pháp tích số) của chương trình;

c) Đối với các địa phương còn lại, ngân sách địa phương đảm bảo 100% mức cấp bù chênh lệch lãi suất giữa lãi suất bình quân trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động với lãi suất cho vay thực hiện chương trình và dư nợ cho vay thực tế bình quân (tính theo phương pháp tích số) của chương trình.

3. Quyết toán vốn cấp bù chênh lệch lãi suất

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm tính toán và xác định mức chênh lệch lãi suất bình quân và dư nợ cho vay thực tế bình quân của từng địa phương. Kết thúc năm tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương nêu tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 5 tính toán mức cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách địa phương. Trên cơ sở số cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định tổng mức cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Trung ương cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

4. Mức vay

Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

5. Phương thức cho vay

Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài mức vay, hộ gia đình tham gia đóng góp và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo quy mô và chất lượng theo quy định.

6. Giải ngân vốn vay

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác nhận tiến độ xây dựng nhà ở của hộ nghèo trên địa bàn và có văn bản tổng hợp gửi Ngân hàng Chính sách xã hội;

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân 100% vốn vay theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ gia đình thực hiện sửa chữa, cải tạo nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc.

7. Thủ tục quy trình vay vốn

a) Bình xét và phê duyệt danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ

Các thôn tổ chức bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo đúng quy định, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch và gửi danh sách số hộ được bình xét lên Ủy ban nhân dân cấp xã;

Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, rà soát lại danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà ở trình Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn.

b) Vốn làm nhà ở

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà ở cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay;

Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

Đối với vốn vay, hộ gia đình thực hiện thủ tục, quy trình vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội;

Đối với vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” và các đóng góp tự nguyện khác trên địa bàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng.

c) Thực hiện xây dựng nhà ở

Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng và sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định của Quyết định này và vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Đối với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng được, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức xây dựng cho các đối tượng này.

Điều 6. Chi phí quản lý

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách (cho các cấp tỉnh, huyện, xã) với mức tối đa không quá 0,5% tổng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách theo quy định.

Điều 7. Thời gian và tiến độ thực hiện

1. Sau khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc bình xét, lập danh sách số hộ nghèo được hỗ trợ theo quy định; đồng thời lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

2. Tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 theo quy định của Quyết định này trong 6 năm, từ năm 2015 đến năm 2020, cụ thể như sau:

- Năm 2015: Xây dựng đề án và phê duyệt đề án;

- Năm 2016: Thực hiện hỗ trợ khoảng 10% số đối tượng;

- Năm 2017: Thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng;

- Năm 2018: Thực hiện hỗ trợ khoảng 25% số đối tượng;

- Năm 2019: Thực hiện hỗ trợ khoảng 25% số đối tượng;

- Năm 2020: Thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách.

3. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chính sách chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Đối với các Bộ, ngành Trung ương

a) Bộ Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp các Bộ liên quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ, ngành liên quan và mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo đúng mục tiêu và yêu cầu; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ mỗi năm một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Kiện toàn Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở để đảm nhận nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015;

- Hàng năm, lập dự toán chi phí hoạt động của Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; gửi Bộ Tài chính để bố trí kinh phí hoạt động cho Ban Điều phối.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ đăng ký kế hoạch nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tổng hợp kế hoạch, cân đối, bố trí vốn, cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Quyết định này.

c) Bộ Tài chính

- Trên cơ sở tổng số cấp bù chênh lệch lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện khấu trừ vào tổng mức cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Trung ương cho Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng cân đối, bố trí vốn, cấp bù chênh lệch lãi suất kịp thời cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí hoạt động của Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 vào nguồn chi thường xuyên của Bộ Xây dựng theo dự toán chi phí hàng năm.

d) Ủy ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương xác định thôn đặc biệt khó khăn; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

e) Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng kế hoạch sử dụng vốn và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay và xử lý nợ rủi ro theo quy định hiện hành; hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chịu trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt Đề án và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn, đảm bảo theo tiến độ quy định tại Quyết định này.

b) Công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo bình xét, lập danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ trên địa bàn; xếp loại thứ tự ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Chỉ đạo việc lập và phê duyệt danh sách hộ nghèo thuộc diện được vay vốn làm nhà ở theo quy định của Quyết định này.

c) Gửi Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn đã được phê duyệt về Bộ Xây dựng, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 03 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành để bố trí vốn và phối hợp đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Giao việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 cho Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 167 (đối với các địa phương không có Ban Chỉ đạo Chương trình 167, giao Ban Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo các cấp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 theo quy định tại Quyết định này; chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế một số mẫu nhà ở phù hợp để người dân tham khảo, lựa chọn.

đ) Bố trí đủ chi phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định này. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo xây dựng nhà ở;

Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để nâng cao chất lượng nhà ở của các hộ gia đình.

e) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ theo quy định của Quyết định này; có biện pháp phòng ngừa việc chuyển nhượng nhà ở trái quy định.

g) Hàng tháng có báo cáo nhanh, mỗi năm một lần có báo cáo định kỳ kết quả thực hiện gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

h) Chỉ đạo lập kế hoạch vốn thực hiện chính sách (bao gồm tất cả các nguồn vốn), báo cáo tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân hàng năm gửi về Bộ Xây đựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội để làm căn cứ tổng hợp kế hoạch vốn vay.

3. Đối với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

a) Có trách nhiệm chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tuyên truyền, phổ biến chính sách; tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở.

b) Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật).

4. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với Chính phủ và chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; đồng thời thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu.

Phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan trong việc phân bổ nguồn vốn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã huy động được (bao gồm vốn bằng tiền hoặc hiện vật như nhà ở, vật liệu xây dựng) cho các địa phương đảm bảo hợp lý và công bằng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tích cực vận động các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.