• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/01/2009
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 48/2008/QĐ-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 19 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện

giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến năm 2025

________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Thực hiện công văn số 3174/VPCP-CN ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến 2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến 2025 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành sản xuất thiết bị điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025;

b) Phát triển ngành sản xuất thiết bị điện ổn định, bền vững, đầu tư các công nghệ, thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng để sản xuất các sản phẩm có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện môi trường;

 c) Gắn kết chặt chẽ công nghiệp sản xuất thiết bị điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với phục vụ quốc phòng.

2. Mục tiêu phát triển

a) Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất của ngành giai đoạn đến 2010 đạt khoảng 19-20%/năm, giai đoạn 2011- 2015 đạt khoảng 17-18% /năm;

b) Đến năm 2010 đáp ứng 60% nhu cầu trong nước về các loại thiết bị đường dây điện và trạm biến áp, nâng dần tỷ lệ này lên trên 70% vào năm 2015 . Đến năm 2015 đáp ứng 55% nhu cầu trong nước về các loại động cơ điện và một số chủng loại máy phát điện thông dụng;

c) Đến năm 2015 ngành sản xuất thiết bị điện Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghệ sản xuất máy biến thế, động cơ điện máy phát điện, khí cụ điện trung và cao thế, dây và cáp điện phục vụ trong nước và xuất khẩu;

d) Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến đạt 18%/năm vào giai đoạn 2011-2015, đạt 15%/năm vào giai đoạn 2016-2025;

đ) Đến năm 2025, Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng trọn bộ thiết bị điện trong các công trình đường dây điện và trạm biến áp.

3. Định hướng phát triển

a) Đầu tư mới, đầu tư chiều sâu với công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất các sản phẩm đang có thế mạnh, nâng cao năng lực chế tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm của các doanh nghiệp; Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu có hiệu quả kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu ra khu vực và thế giới;

b) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành. Đa dạng hoá phương thức đầu tư trong hợp tác nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ; Liên doanh, liên kết sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm;

c) Chú trọng công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao;

 d) Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các ngành và các lĩnh vực liên quan, khai thác tối đa năng lực của các ngành hỗ trợ trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các hệ thống thiết bị phục vụ ngành điện.

4. Quy hoạch phát triển giai đoạn đến 2015

a) Quy hoạch phát triển sản phẩm 

- Nhóm máy điện tĩnh

+ Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất máy biến thế khô cấp trung thế và máy biến thế truyền tải cấp 110kV, 220kV; khuyến khích đầu tư sản xuất thiết bị chỉnh lưu công nghiệp;

+ Trước mắt đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất của các cơ sở hiện có để nâng cao năng lực sản xuất các loại máy biến thế đến 250MVA, điện áp 220kV;

+ Nghiên cứu tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất máy biến thế khô phục vụ chủ trương ngầm hoá lưới điện ở các khu vực đô thị;

+ Hoàn thành xây dựng Trung tâm thí nghiệm cao áp ở hai vùng trọng điểm sản xuất máy biến thế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước năm 2010;

+ Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn chung của Việt Nam cho các loại máy biến thế, làm cơ sở cho việc đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các đơn vị kiểm nghiệm và thí nghiệm trên toàn quốc;

+ Kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất các loại máy biến thế truyền tải, máy biến thế chuyên dụng, thiết bị chỉnh lưu công nghiệp, cung ứng cho các ngành sản xuất thiết bị công nghiệp;

+ Đến năm 2015, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về máy biến thế phân phối với tiêu chuẩn chất lượng thống nhất trên cả nước, phấn đấu đáp ứng 50-60% nhu cầu đối với máy biến thế 110 kV-220 kV; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30-35% giá trị sản xuất của nhóm ngành.

Quy hoạch sản xuất

Đơn vị

Trung bình năm

(Giai đoạn đến 2010)

Trung bình năm

(2011- 2015)

Máy biến thế 500 kV

MVA

 

2.000-2.500

Máy biến thế 110 kV-220 kV

MVA

7.000-8.000

8.500-10.000

Máy biến thế phân phối

MVA

40.000-50.000

50.000-60.000

Trong đó XK

MVA

12.000-13.000

20.000-25.000

 

- Nhóm máy điện quay

+ Chú trọng phát triển sản xuất các loại động cơ công suất lớn, động cơ cao áp cho các thiết bị chế biến ngành công nghiệp và các loại máy phát thuỷ điện công suất đến 50MW; khuyến khích đầu tư sản xuất các loại máy phát điện khai thác nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, địa nhiệt, khí sinh học…) ;

+ Đầu tư mở rộng và hiện đại hoá các dây chuyền sản xuất động cơ điện hiện có;

+ Đầu tư các dây chuyền công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực để sản xuất các loại động cơ điện công suất lớn, động cơ đặc biệt như động cơ phanh từ, động cơ phòng nổ, hiệu suất cao;

+ Lắp ráp, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá các loại máy phát điện dân dụng và công nghiệp, các loại máy phát thuỷ điện, máy phát điện gió... tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo máy phát thuỷ điện công suất đến 50 MW phục vụ các dự án thuỷ điện;

+ Đến 2015, đảm bảo 55-65% nhu cầu trong nước về các loại động cơ và khoảng 50% nhu cầu trong nước về một số chủng loại máy phát điện công suất 1 kW-10 kW; giá trị xuất khẩu đạt 35-40% giá trị sản xuất của nhóm ngành.

Quy hoạch sản xuất

Đơn vị

Trung bình năm

(Giai đoạn đến 2010)

Trung bình năm

(2011- 2015)

Động cơ thông dụng

cái

300.000-350.000

900.000-1.000.000

Động cơ lớn chuyên dụng

cái

1.000-1.200

3.000-3.200

Máy phát điện các loại

cái

50.000-55.000

90.000-100.000

Máy phát thủy điện nhỏ

cái

10.000 – 12.000

15.000 – 17.000

Máy phát điện khai thác năng lượng tái tạo

cái

1.000-1.500

4.500-5.000

 

- Nhóm khí cụ điện

+ Ưu tiên đầu tư, phát triển sản xuất các loại công tơ điện tử, khuyến khích đầu tư sản xuất các loại khí cụ điện cấp cao thế, các hệ thống đo đếm, giám sát thông minh, an toàn lưới điện;

+ Đầu tư mới, đầu tư mở rộng, nâng công suất của các doanh nghiệp sản xuất công tơ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung sản xuất các loại công tơ điện tử;

+ Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các loại khí cụ điện cấp trung và cao thế, theo tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở phát huy nội lực trong nước và tận dụng nguồn đầu tư nước ngoài;

+ Khai thác có hiệu quả phương thức nhượng quyền thương mại, từng bước tạo lập thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các tủ, bảng điện và trọn bộ thiết bị trạm điện cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

+ Đến năm 2015, đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước về các loại khí cụ điện, giá trị xuất khẩu đạt 19-20% giá trị sản xuất của nhóm ngành.

Quy hoạch sản xuất

Đơn vị

Trung bình  năm

(Giai đoạn đến 2010)

Trung bình  năm

(2011- 2015)

Công tơ và dụng cụ đo lường điện các loại

1.000 cái

4.000-4.500

9.000-10.000

Khí cụ điện các loại

1.000 cái

480-550

1.000-1.100

Tủ điện các loại

bộ

14.000-15.000

35.000-37.000

 

- Nhóm dây và cáp điện

+ Ưu tiên phát triển sản xuất các loại cáp điện có có đặc tính kháng nước, chống thấm dọc, chống cháy, phù hợp cho môi trường nhiệt đới phục vụ hạ ngầm lưới điện đô thị hoặc cung ứng cho các dự án nhà cao tầng...; khuyến khích sản xuất các loại dây, cáp điện dân dụng chất lượng cao (thân thiện môi trường, không chứa chì), các loại dây và cáp điện lực có tiềm năng phát triển xuất khẩu ;

+ Mở rộng, nâng công suất các dây chuyền sản xuất hiện có theo hướng nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng sản phẩm;

+ Triển khai sản xuất, khai thác triệt để năng lực các dây chuyền sản xuất các loại cáp bọc trung thế và cao thế để đáp ứng nhu cầu “ngầm hoá” hệ thống điện trong các thành phố, thị xã và khu công nghiệp;

+ Đầu tư sản xuất quy mô lớn các loại dây và cáp điện thông dụng, phục vụ dân dụng, công nghiệp chế tạo máy móc thiết bị, hệ thống điện xí nghiệp, chung cư, các loại cáp dùng cho hầm mỏ, các loại cáp tàu biển.

Quy hoạch

sản xuất

Đơn vị

Trung bình  năm

(Giai đoạn đến 2010)

Trung bình  năm

(2011- 2015)

Cáp trần

tấn

300.000-350.000

350.000-400.000

Cáp bọc

tấn

250.000-300.000

450.000-500.000

Dây điện dân dụng

tấn

400.000-450.000

400.000-450.000

 

- Nhóm thiết bị điện khác

+ Tập trung khuyến khích phát triển sản xuất các phụ kiện đường dây, đặc biệt là phụ kiện cho đường dây cao thế đến 220kV, phục vụ cho chương trình phát triển lưới điện quốc gia; khuyến khích nghiên cứu để nội địa hoá từng phần các thiết bị điện cho các nhà máy điện, hệ thống khai thác năng lượng tái tạo ;

   + Đầu tư mở rộng, nâng công suất và chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất phụ kiện đường dây. Đầu tư mới có chọn lọc, đảm bảo tính kinh tế các công nghệ sản xuất phụ kiện đường dây thay thế nhập khẩu;

+ Kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất các phụ kiện trước và sau sứ cách điện trên đường dây;

+ Đầu tư mở rộng, đầu tư mới nhà máy chuyên sản xuất các phụ kiện tiêu chuẩn cho động cơ điện, máy phát điện đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu;

+ Đầu tư nhà máy sản xuất các phụ kiện điện phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu đang phát triển mạnh;

+ Đầu tư phát triển và tham gia sản xuất, cung cấp một số thiết bị cho nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện phục vụ thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2007;

+ Tiếp cận công nghệ chế tạo thiết bị cơ- điện cho các nhà máy điện công suất đến 500 MW đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.;

+ Nghiên cứu, đầu tư sản xuất phân đoạn các hợp phần, tiến tới sản xuất tòan bộ thiết bị các trạm biến áp, trạm bù, công trình đường dây…

b) Vốn đầu tư

+ Tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành sản xuất thiết bị điện trong giai đoạn 2006-2010 ước tính khoảng 43 nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 136 nghìn tỷ đồng;

+ Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là trong nước, kết hợp huy động từ các nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi (đối với các sản phẩm ưu tiên và khuyến khích phát triển), vốn vay thương mại, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình, ngoài ra cần kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Danh mục một số dự án đầu tư chủ yếu xem Phụ lục kèm theo.

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về thị trường

- Áp dụng quy định phi thuế quan ở mức cao nhất (phù hợp cam kết WTO) nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ các sản phẩm thiết bị điện trong nước đã sản xuất được, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường;

- Đẩy mạnh công tác tư vấn đầu tư, tư vấn phát triển thị trường thiết bị điện; Khuyến khích mua công nghệ sản xuất, nhãn mác thương mại nổi tiếng thế giới.

b) Giải pháp về đầu tư

 - Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trong danh mục quy hoạch, các dự án sản xuất vật liệu năng lượng mới, năng lượng tái tạo thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn;

- Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm.

 c) Giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao và tiếp nhận khoa học-công nghệ

   - Xây dựng hệ thống các trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm thiết bị điện chuẩn quốc gia, tiến tới hợp chuẩn quốc tế;

- Xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm phục vụ phát triển sản xuất thiết bị điện; Tăng ngân sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ, cung cấp và bảo lãnh tín dụng cho việc ứng dụng công nghệ mới lĩnh vực thiết bị điện;

- Khuyến khích mọi thành phần tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; đa dạng hoá các phương thức hợp tác, liên kết nghiên cứu khoa học công nghệ ngành thiết bị điện; phát huy tối đa hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia trong việc hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ ngành sản xuất thiết bị điện;

- Nghiên cứu lập danh mục các cụm linh phụ kiện trong nước chưa sản xuất được hoặc trước mắt đầu tư sản xuất không hiệu quả để kiến nghị miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu;

- Xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ngành sản xuất thiết bị điện và ngành công nghiệp hỗ trợ ngành thiết bị điện.

   d) Giải pháp về nguồn nhân lực

- Đổi mới chương trình đào tạo nhân lực ngành thiết bị điện, đa dạng hóa hình thức đào tạo và gắn liền đào tạo với thực tế sản xuất; Chú trọng công tác tuyển chọn và gửi cán bộ khoa học, cán bộ quản lý đi đào tạo ở các nước phát triển, hỗ trợ đào tạo các nhà quản lý doanh nghiệp;

- Xây dựng cơ chế đãi ngộ thích đáng để thu hút nhân lực chất lượng cao. Ban hành khung pháp lý làm cơ sở thoả thuận tuyển dụng và trao đổi nhân lực giữa các doanh nghiệp.

 đ) Giải pháp trợ giúp

 - Định kỳ rà soát, cập nhật và điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và quốc tế;

- Kiện toàn tổ chức và phương thức hoạt động của các Hiệp hội ngành nghề, hình thành các Phân hội theo nhóm sản phẩm.

 Điều 2. Tổ chức thực hiện

 1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển ngành sản xuất thiết bị điện theo Quy hoạch được phê duyệt.

 2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng theo chức năng của mình, phối hợp với Bộ Công Thương cụ thể hoá cơ chế, chính sách phát triển ngành sản xuất Thiết bị điện nêu trong Quyết định này để triển khai thực hiện Quy hoạch.

3. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt, có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, chương trình phát triển của ngành sản xuất Thiết bị điện được thực hiện đồng bộ và thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Các Hiệp hội ngành nghề có liên quan phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức phổ biến Quy hoạch bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho cộng đồng các doanh nghiệp ngành sản xuất thiết bị điện cả nước để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Huy Hoàng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.