Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Về việc quy định điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/06/2001;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Khoa học công nghệ, Vận tải, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

 

Về điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới

(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BGTVT ngày 23/09/2005

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật công trong kiểm tra, đánh giá, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới đang lưu hành.

2. Kiểm định là kiểm tra kỹ thuật định kỳ nhằm đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy trình và quy định hiện hành để chứng nhận xe cơ giới có đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.

3. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về công tác kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành).

4. Ấn chỉ kiểm định là phôi của các loại giấy chứng nhận, tem kiểm định, sổ chứng nhận kiểm định, giấy tạm nghỉ lưu hành do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành và quản lý.

Chương II
ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP VÀ CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Điều kiện tham gia hoạt động kiểm định xe cơ giới

Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có địa điểm xây dựng Trung tâm phù hợp với quy hoạch và bảo đảm tiêu chuẩn Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành được đăng ký thành lập Trung tâm.

Điều 5.Đăng ký thành lập Trung tâm

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia hoạt động kiểm định xe cơ giới lập hồ sơ gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đăng ký thành lập Trung tâm;

b) Đề án thành lập Trung tâm, trong đó thể hiện rõ khả năng về đất đai, nguồn vốn, nhân lực và trang thiết bị dự kiến đầu tư để thành lập Trung tâm.

Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập tại một khu vực thuộc quy hoạch đã được công bố thì sẽ tổ chức đấu thầu theo quy định.

2. Căn cứ vào tiêu chuẩn hiện hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét ra văn bản thoả thuận và quy định phiên hiệu cho Trung tâm.

Sau 06 tháng kể từ ngày có thoả thuận, nếu tổ chức, cá nhân không tiến hành đầu tư xây dựng Trung tâm thì văn bản thoả thuận sẽ hết hiệu lực.

Điều 6. Cấp giấy chứng nhận hoạt động

1. Sau khi hoàn thành việc đầu tư, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1) cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để tổ chức tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới.

2. Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới là 5 năm kể từ ngày ký. Định kỳ hàng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra, kiểm chuẩn, đánh giá sự phù hợp theo quy định hiện hành.

Chương III
HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH

Điều 7. Trách nhiệm của Trung tâm

1. Thực hiện việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ theo quy định. Người đứng đầu đơn vị kiểm định và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định;

2. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác của trang, thiết bị kiểm định theo quy định giữa hai kỳ kiểm chuẩn;

3. Lập biên bản khi gặp sự cố khách quan phải tạm ngừng hoạt động kiểm định và báo cáo về cơ quan quản lý chuyên ngành;

4. Chậm nhất sau 12 tháng kể từ ngày được cấp phép hoạt động, phải có chứng chỉ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000:2000;

5. Đánh giá tình trạng kỹ thuật xe cơ giới theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đề nghị của chủ phương tiện;

6. Tham gia giám định sự cố, tai nạn giao thông liên quan đến an toàn kỹ thuật xe cơ giới theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa;

7. Thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn kỹ thuật khác theo quy định; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động liên quan khác khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước;

8. Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Thực hiện các chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy định;

9. Công khai nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian kiểm định trong ngày;

10. Đóng lệ phí tham gia các hiệp hội, hội và kinh phí đào tạo theo quy định;

11. Khi không có nhu cầu tiếp tục tham gia hoạt động kiểm định, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập Trung tâm phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành trước khi ngừng hoạt động 30 ngày.

Kể từ ngày ngừng hoạt động, Trung tâm có trách nhiệm nộp con dấu, giấy chứng nhận hoạt động kiểm định, các ấn chỉ chưa sử dụng, ấn chỉ hỏng, các hồ sơ lưu trữ cho cơ quan quản lý chuyên ngành.

Khi đã ngừng hoạt động, tổ chức, cá nhân thành lập Trung tâm, người đứng đầu đơn vị kiểm định và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm đối với các xe cơ giới trong thời hạn giấy chứng nhận kiểm định do Trung tâm đã cấp ra còn hiệu lực.

Điều 8. Quyền hạn của Trung tâm

1. Được thu và sử dụng phí, lệ phí theo quy định;

2. Thu hồi ấn chỉ đã cấp khi phát hiện các sai phạm hoặc xe cơ giới hết niên hạn sử dụng;

3. Yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các hành vi cản trở hoạt động của Trung tâm.

Điều 9. Hành vi bị nghiêm cấm

1. Kiểm định không tuân thủ nội dung, quy trình, quy định; không bảo đảm thời gian kiểm định tối thiểu cho mỗi phương tiện;

2. Kiểm định khi độ chính xác của thiết bị kiểm định không bảo đảm; khi mạng máy tính nội bộ hư hỏng; kiểm định bán cơ giới khi mất điện;

3. Bố trí người thực hiện công việc kiểm định không đúng tiêu chuẩn quy định;

4. Tổ chức dịch vụ cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tại Trung tâm;

5. Thu phí hoặc lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu và nhận tiền hoặc quà biếu dưới mọi hình thức;

6. Kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

7. Sử dụng ấn chỉ kiểm định không phải do Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hành.

Điều 10. Kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định

1. Người đứng đầu Trung tâm có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra hoạt động của Trung tâm theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định hiện hành;

2. Trung tâm chịu sự kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên ngành đột xuất và cơ chế giám sát hoạt động kiểm định của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Đình chỉ hoạt động kiểm định có thời hạn

1. Trung tâm bị đình chỉ hoạt động 01 tháng khi để xảy ra vi phạm sau đây:

a) Vi phạm về tiêu chuẩn Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới;

b) Hai lần vi phạm một trong các khoản 1, 2, 3, 4 hoặc một lần vi phạm một trong các khoản 5, 6, 7 Điều 9 của Quy định này trong thời gian 03 tháng.

2. Trung tâm bị đình chỉ hoạt động 03 tháng khi để xảy ra vi phạm sau đây:

a) Hai lần vi phạm một trong các khoản 5, 6, 7 Điều 9 của Quy định này trong thời gian 12 tháng;

b) Vi phạm hành vi bị nghiêm cấm nêu tại Điều 9 của Quy định này dẫn tới phải đình chỉ 01 tháng lần thứ hai trong thời gian 12 tháng.

3. Khi Trung tâm bị đình chỉ hoạt động kiểm định có thời hạn, cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm:

a) Ra quyết định đình chỉ hoạt động kiểm định có thời hạn đối với Trung tâm Đăng kiểm, tạm ngừng việc cung cấp ấn chỉ kiểm định, kiểm kê ấn chỉ đến thời điểm Trung tâm phải tạm đình chỉ;

b) Thông báo trên trang thông tin điện tử (Website) của Cục Đăng kiểm Việt Nam, địa chỉ: http://www.vr.org.vn/, trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại Trung tâm;

c) Trung tâm chỉ được hoạt động trở lại khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép.

Điều 12. Thu hồi giấy chứng nhận hoạt động kiểm định

1. Trung tâm bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động kiểm định khi:

a) Không khắc phục được vi phạm về tiêu chuẩn Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian 06 tháng;

b) Vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm nêu tại Điều 9 của Quy định này dẫn tới phải đình chỉ 03 tháng lần thứ hai trong thời gian 12 tháng.

2. Tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập Trung tâm bị thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động sẽ không được hoạt động trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới tối thiểu 03 năm. Khi muốn đưa Trung tâm hoạt động trở lại, tổ chức, cá nhân phải tiến hành lập hồ sơ theo thủ tục thành lập từ đầu.

3. Khi Trung tâm có vi phạm đến mức phải thu hồi giấy chứng nhận hoạt động, cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm:

a) Ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới;

b) Ngừng việc cung cấp ấn chỉ kiểm định, thu hồi ấn chỉ chưa sử dụng, ấn chỉ hỏng, các hồ sơ kiểm định lưu trữ đến thời điểm thu hồi giấy chứng nhận hoạt động kiểm định.

c) Thông báo trên trang thông tin điện tử (Website) của Cục Đăng kiểm Việt Nam, địa chỉ: http://www.vr.org.vn/, trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại Trung tâm Đăng kiểm.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy định này.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính

Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn do Sở quản lý./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình