QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, phê duyệt
đánh giá an ninh cảng biển, kế hoạch an ninh cảng biển, cấp sổ lý lịch tàu biển theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28/8/2001 và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 191/2003/QĐ-TTg ngày 16/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung năm 2002 một số chương của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển;
Thực hiện quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74) ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS); Nghị quyết số 5 về thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật ngày 12/12/2002 của Hội nghị quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển;
Sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (tại công văn số 2428/GTVT-TC ngày 26/4/2005);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành mức thu phí thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển, kế hoạch an ninh cảng biển, cấp sổ lý lịch tàu biển theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển, như sau:
STT
|
DANH MỤC PHÍ
|
MỨC THU
(đồng/lần)
|
1
|
Thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển
|
5.500.000
|
2
|
Thẩm định, phê duyệt kế hoạch an ninh cảng biển và cấp giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển
|
5.500.000
|
3
|
Thẩm định cấp sổ lý lịch tàu biển
|
500.000
|
4
|
Trường hợp thẩm định, phê duyệt lần 2, đánh giá lại, cấp lại sổ lý lịch tàu biển
|
20% mức thu
lần đầu
|
Điều 2. Đối tượng nộp phí theo Điều 1 quy định tại Quyết định này bao gồm:
1. Các doanh nghiệp quản lý, khai thác cảng biển tiếp nhận các loại tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài tại vùng nội thủy, lãnh hải của Việt Nam, dưới đây:
a) Tàu khách;
b) Tàu hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên;
c) Giàn khoan di động ngoài khơi.
2. Các công ty khai thác các loại tàu biển Việt Nam quy định tại điểm a, b, và c, khoản 1 Điều này.
Điều 3. Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển, kế hoạch an ninh cảng biển, cấp sổ lý lịch tàu biển có trách nhiệm tổ chức thu phí thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển, kế hoạch an ninh cảng biển, cấp sổ lý lịch tàu biển theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển theo quy định tại Quyết định này (sau đây gọi chung là cơ quan thu phí).
Điều 4. Phí thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển, kế hoạch an ninh cảng biển, cấp sổ lý lịch tàu biển theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển quy định tại Quyết định này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:
1. Cơ quan thu phí được trích 90% (chín mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định, phê duyệt và thu phí theo các nội dung chi cụ thể sau:
a) Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành cho cán bộ làm công tác thẩm định, phê duyệt và thu phí;
b) Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí... theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;
c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, bảo trì tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thẩm định, phê duyệt và thu phí;
d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, các máy móc thiết bị quản lý phục vụ trực tiếp cho công tác thẩm định, phê duyệt và thu phí;
đ) Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế và thuê phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thẩm định, phê duyệt và thu phí;
e) Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thẩm định, phê duyệt và thu phí;
g) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ thẩm định, phê duyệt và trực tiếp thu phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.
Toàn bộ số tiền phí được để lại theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan thu phải cân đối vào kế hoạch tài chính năm. Quá trình quản lý phải sử dụng đúng nội dung chi theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và phải có chứng từ hoá đơn hợp pháp theo quy định. Quyết toán năm, nếu chưa chi hết số tiền được để lại thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
2. Cơ quan thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại (10%) vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 035, tiểu mục 08 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Đối với các trường hợp đã tạm thu trước đây với mức thu cao hơn mức thu quy định tại Quyết định này thì thực hiện thu, nộp phí theo mức thu quy định tại Quyết định này. Các vấn đề khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, quyết toán phí không đề cập tại Quyết định này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Điều 6. Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp phí, cơ quan thu phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.