Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán

hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công

và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài

______________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa.

2. Hàng hóa là tài sản di chuyển, hàng hóa phục vụ nhu cầu của cá nhân có thân phận ngoại giao và hành lý cá nhân theo quy định của pháp luật, thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thương nhân Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại quy định tại Luật Thương mại.

Chương II

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu

1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):

Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.

2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:

Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.

Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ, ngành liên quan.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.

3. Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

Điều 5. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

1. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Việc cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu được các Bộ, cơ quan ngang Bộ xem xét cho phép nhập khẩu trong các trường hợp cụ thể theo nguyên tắc và quy định sau đây:

a) Nhập khẩu hàng hóa để nghiên cứu khoa học: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ xem xét, giải quyết theo phân công và quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Nhập khẩu hàng hóa viện trợ nhân đạo: Bộ Công Thương xem xét, giải quyết trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

c) Hàng hóa quy định tại Điểm a và b Khoản này là hàng hóa không gây ô nhiễm môi trường, không lây lan dịch bệnh, không ảnh hưởng sức khỏe con người, an toàn giao thông, an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội và không ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

d) Căn cứ phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan, các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành văn bản quy định và danh mục hàng hóa cụ thể theo đúng mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 6. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ tại Phụ lục II.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành phải công bố công khai tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu. Thủ tục cấp phép nhập khẩu phải phù hợp với Quy chế về thủ tục cấp phép nhập khẩu hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 7. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng và quy định cửa khẩu

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản phải được kiểm dịch trước khi thông quan theo quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh mục hàng hóa phải tiến hành kiểm dịch trước khi thông quan; quy định thủ tục, hồ sơ kiểm dịch và tiêu chuẩn cụ thể các loại hàng hóa thuộc danh mục này.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch y tế và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, được thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Căn cứ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và các quy định khác của pháp luật có liên quan, các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng quản lý công bố Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, chống gian lận thương mại, Chính phủ giao Bộ Công Thương, trong từng thời kỳ, quy định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa.

Điều 8. Công bố danh mục hàng hóa theo mã số HS và điều chỉnh danh mục hàng hóa quy định tại các Phụ lục I, Phụ lục II

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thống nhất với Bộ Công Thương về danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã số HS để công bố mã số HS của hàng hóa theo mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Việc điều chỉnh danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương sau khi có ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.

Điều 9. Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng

1. Nhập khẩu ô tô:

a) Ô tô các loại đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu nếu bảo đảm điều kiện: loại đã qua sử dụng không quá 5 (năm) năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

b) Căn cứ yêu cầu quản lý từng thời kỳ, Chính phủ giao Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu ô tô các loại chở người từ 9 (chín) chỗ ngồi trở xuống.

2. Tái xuất khẩu các loại vật tư nhập khẩu chủ yếu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ để nhập khẩu: Các mặt hàng nhập khẩu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu chỉ được tái xuất khẩu thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc theo giấy phép của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hóa tái xuất theo giấy phép cho từng thời kỳ và tổ chức thực hiện.

3. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà: Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điếu các loại và các cam kết quốc tế có liên quan, Bộ Công Thương quy định cụ thể việc nhập khẩu mặt hàng này.

4. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng: Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng quy định việc cấp phép để thực hiện.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, cho phép tạm xuất, tái nhập vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh để sửa chữa phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.

6. Nhập khẩu máy bay không sử dụng trong hàng không dân dụng không có vũ trang, xe ô tô có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng; súng bắn sơn, đạn sơn và các mặt hàng khác có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, quốc phòng:

a) Việc nhập khẩu các mặt hàng này thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương sau khi có ý kiến đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

b) Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để công bố danh mục và quy định cụ thể việc cấp phép nhập khẩu các mặt hàng này.

7. Nhập khẩu gỗ các loại từ các nước có chung đường biên giới: Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu phù hợp pháp luật Việt Nam và các nước cũng như các thỏa thuận có liên quan của Việt Nam với các nước và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

8. Nhập khẩu hàng hóa theo hạn ngạch thuế quan: Đối với hàng hóa thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, Bộ quản lý chuyên ngành quyết định lượng hạn ngạch thuế quan, Bộ Công Thương công bố cụ thể và quy định phương thức điều hành nhập khẩu đối với từng mặt hàng sau khi tham khảo ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan.

Việc xác định mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch và mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành và Bộ Công Thương để quyết định và công bố theo quy định của pháp luật.

9. Đối với hàng hóa xuất khẩu theo hạn ngạch do nước ngoài quy định, Bộ Công Thương thống nhất với các Bộ quản lý chuyên ngành và Hiệp hội ngành hàng có liên quan để xác định phương thức giao hạn ngạch bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hợp lý.

10. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của Nghị định này, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo quy định tại Nghị định này.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Điều 10. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa

1. Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu với những thị trường nhất định hoặc với những mặt hàng nhất định để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được công bố công khai để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước biết.

2. Bộ Công Thương thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thỏa thuận khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nêu tại Khoản 1 Điều này.

Chương III

TẠM NHẬP, TÁI XUẤT; TẠM XUẤT, TÁI NHẬP; CHUYỂN KHẨU HÀNG HÓA

Điều 11. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa

Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định sau:

1. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

2. Đối với các loại hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

3. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng sau đây là loại hình kinh doanh có điều kiện:

a) Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Hàng hóa dễ gây lây lan mầm bệnh hoặc gây ô nhiễm môi trường.

c) Hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt theo danh mục do Bộ Công Thương công bố.

Chính phủ giao Bộ Công Thương quy định cụ thể điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Khoản 3 Điều này và điều kiện khi kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng này.

4. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 (ba mươi) ngày và không quá 2 (hai) lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu và thuế.

5. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của Hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

6. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

7. Tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

8. Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất:

a) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định của pháp luật.

Việc tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu, địa điểm khác thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với tạm nhập, tái xuất gỗ với các nước có chung đường biên giới, căn cứ quy định của Nghị định này và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể về cửa khẩu tạm nhập, tái xuất.

9. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo cơ chế quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành.

Điều 12. Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác

1. Hàng hóa là thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, khuôn, mẫu không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, được phép tạm nhập, tái xuất theo các hợp đồng thuê, mượn của thương nhân Việt Nam ký với bên nước ngoài để sản xuất, thi công, thực hiện dự án đầu tư. Thủ tục tạm nhập, tái xuất giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

2. Việc tạm nhập, tái xuất các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý bằng giấy phép thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.

3. Thời hạn tạm nhập, tái xuất thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan cửa khẩu.

4. Thương nhân được tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài. Thủ tục tạm nhập, tái xuất giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục tạm nhập, tái xuất đối với các trường hợp sau:

a) Tạm nhập, tái xuất linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa tàu biển, tàu bay theo hợp đồng ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam.

b) Tạm nhập, tái xuất phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức quay vòng.

c) Tạm nhập, tái xuất dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các đoàn nghệ thuật; đoàn thi đấu, biểu diễn thể thao.

d) Tạm nhập, tái xuất máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của các tổ chức nước ngoài để khám, chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo.

Điều 13. Tạm xuất, tái nhập hàng hóa

1. Thương nhân được tạm xuất, tái nhập các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải để sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê theo các hợp đồng sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê với nước ngoài. Thủ tục tạm xuất, tái nhập quy định như sau:

a) Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, khi tạm xuất, tái nhập phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

b) Các loại hàng hóa khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm xuất, tái nhập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

2. Thời hạn tạm xuất, tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan cửa khẩu.

3. Hàng hóa tạm xuất quy định tại Điều này được phép nhượng bán, biếu tặng, trả lại khách hàng nước ngoài hoặc dùng làm tài sản để góp vốn vào liên doanh đầu tư ở nước ngoài theo thỏa thuận trong hợp đồng của thương nhân với bên nước ngoài, trừ hàng hóa tạm xuất, tái nhập thuộc Điểm a Khoản 1 Điều này phải có giấy phép của Bộ Công Thương trước khi thực hiện thỏa thuận với bên nước ngoài. Thủ tục thanh khoản lô hàng tạm xuất đó giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm xuất khẩu.

4. Việc thanh toán tiền hàng máy móc, thiết bị thi công, phương tiện vận tải nhượng bán hoặc dùng làm tài sản để góp vốn vào liên doanh đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các quy định hiện hành về đầu tư ra nước ngoài của thương nhân Việt Nam.

5. Đối với hàng hóa là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu chỉ được phép tạm xuất để sửa chữa, bảo hành với điều kiện hàng hóa đó còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu. Thủ tục tạm xuất, tái nhập giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

6. Hàng hóa tạm xuất, tái nhập khi tiêu thụ tại nước ngoài phải thực hiện theo cơ chế quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hiện hành.

Điều 14. Chuyển khẩu hàng hóa

Thương nhân được kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo quy định sau:

1. Trừ hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều này, các loại hàng hóa khác đều được phép kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu; thủ tục chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

2. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân được thực hiện chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam sau khi có giấy phép của Bộ Công Thương. Trường hợp việc chuyển khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam, thương nhân không cần xin giấy phép của Bộ Công Thương.

3. Hàng hóa chuyển khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam chịu sự giám sát của Hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

4. Việc thanh toán tiền hàng kinh doanh chuyển khẩu phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.

Điều 15. Chống chuyển tải bất hợp pháp

Để ngăn ngừa tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi công bố Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh theo các phương thức tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu; quy định cửa khẩu tạm nhập, tái xuất, điều kiện đối với một số mặt hàng hoặc ban hành danh mục mặt hàng kinh doanh theo các phương thức này phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

Chương IV

ỦY THÁC VÀ NHẬN ỦY THÁC XUẤT KHẨU,

NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

Điều 16. Ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa

Thương nhân được ủy thác cho thương nhân khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc được nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu từ thương nhân khác các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Điều 17. Ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, bên ủy thác hoặc bên nhận ủy thác phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác.

Điều 18. Ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tổ chức, cá nhân không phải thương nhân

Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải thương nhân, trên cơ sở hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật, được ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Điều 19. Quyền lợi và nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu

Quyền lợi và nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác, nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Chương V

ĐẠI LÝ MUA, BÁN HÀNG HÓA VỚI NƯỚC NGOÀI

Mục 1

ĐẠI LÝ MUA, BÁN HÀNG HÓA CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 20. Thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài

1. Thương nhân được làm đại lý mua, bán các loại hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

2. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì thương nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.

3. Thương nhân được thanh toán tiền bán hàng đại lý bằng tiền Việt Nam đồng cho thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam; được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán cho thương nhân nước ngoài theo quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc thanh toán bằng hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu; trong trường hợp thanh toán bằng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

4. Thương nhân làm đại lý mua hàng phải yêu cầu thương nhân nước ngoài chuyển tiền bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng để mua hàng theo hợp đồng đại lý.

Điều 21. Nghĩa vụ về thuế

1. Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Thương nhân Việt Nam có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa và hoạt động kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu

Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được làm thủ tục theo đúng quy định như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Điều 23. Trả lại hàng

Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài được tái xuất khẩu nếu không tiêu thụ được tại Việt Nam. Việc hoàn thuế được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Mục 2

THUÊ THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI LÀM ĐẠI LÝ BÁN HÀNG TẠI NƯỚC NGOÀI

Điều 24. Thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài

1. Thương nhân Việt Nam được thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán các loại hàng hóa tại nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép quy định tại Nghị định này, thương nhân chỉ được ký hợp đồng thuê đại lý bán hàng tại nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cho phép.

2. Thương nhân thuê đại lý bán hàng tại nước ngoài phải ký hợp đồng đại lý với thương nhân nước ngoài và phải chuyển các khoản tiền thu được từ hợp đồng bán hàng về nước theo quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Trường hợp nhận tiền bán hàng bằng hàng hóa, thương nhân phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa.

Điều 25. Nghĩa vụ về thuế

1. Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Thương nhân có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hoạt động thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 26. Nhận lại hàng

1. Hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài được nhập khẩu trở lại Việt Nam trong trường hợp không tiêu thụ được tại nước ngoài.

2. Hàng hóa nhập khẩu trở lại Việt Nam nêu tại Khoản 1 Điều này không phải chịu thuế nhập khẩu và được hoàn thuế xuất khẩu (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 27. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu

Hàng hóa xuất khẩu thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu trở lại Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Nghị định này phải làm thủ tục theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Chương VI

GIA CÔNG HÀNG HÓA CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Mục 1

NHẬN GIA CÔNG HÀNG HÓA CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 28. Thương nhân nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài

Trừ trường hợp quy định tại Điều 36 Nghị định này, thương nhân Việt Nam, kể cả thương nhân có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, được nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng sau khi được Bộ Công Thương cấp phép.

Điều 29. Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật Thương mại và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau:

1. Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

2. Tên, số lượng sản phẩm gia công.

3. Giá gia công.

4. Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

5. Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

6. Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

7. Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

8. Địa điểm và thời gian giao hàng.

9. Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

10. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

Điều 30. Định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư

1. Định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư do các bên thỏa thuận trong hợp đồng gia công, có tính đến các định mức, tỷ lệ hao hụt được hình thành trong các ngành sản xuất, gia công có liên quan của Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng.

2. Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nhận gia công trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu vào đúng mục đích gia công và tính chính xác của định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt của nguyên phụ liệu gia công.

Điều 31. Thuê, mượn, nhập khẩu máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công

Bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công. Việc thuê, mượn hoặc tặng máy móc, thiết bị phải được thỏa thuận trong hợp đồng gia công.

Điều 32. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công

1. Đối với bên đặt gia công:

a) Giao toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu, vật tư gia công theo thỏa thuận tại hợp đồng gia công.

b) Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho bên nhận gia công thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp được phép xuất khẩu tại chỗ, tiêu hủy, biếu, tặng theo quy định tại Nghị định này,

c) Được cử chuyên gia đến Việt Nam để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công.

d) Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa.

đ) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động gia công và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết.

e) Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với bên nhận gia công:

a) Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức và tỷ lệ hao hụt để thực hiện hợp đồng gia công; được miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gia công.

b) Được thuê thương nhân khác gia công.

c) Được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công; phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua trong nước.

d) Được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, trừ sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu có giấy phép, hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành thì phải tuân thủ các quy định về cấp phép và quản lý chuyên ngành.

đ) Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hóa trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết.

e) Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công.

3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu quy định tại Điểm e Khoản 1 và Điểm e Khoản 2 Điều này được quy định như sau:

a) Phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu.

Điều 33. Gia công chuyển tiếp

Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp. Theo đó:

1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.

2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.

Điều 34. Thanh lý, thanh khoản hợp đồng gia công

1. Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và làm thủ tục thanh khoản hợp đồng với cơ quan Hải quan.

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công của bên nhận gia công với cơ quan Hải quan.

2. Căn cứ để thanh lý hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công.

Căn cứ để thanh khoản hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tái xuất, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt phù hợp với thực tế thực hiện hợp đồng.

3. Máy móc, thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu, phế thải được xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.

4. Việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép tiêu hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.

5. Việc tặng máy móc thiết bị, nguyên, phụ liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm được quy định như sau:

a) Bên đặt gia công phải có văn bản tặng, biếu.

b) Bên được tặng, biếu phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định về nhập khẩu; phải nộp thuế nhập khẩu, thuế khác (nếu có) và đăng ký tài sản theo quy định hiện hành.

c) Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức sử dụng, tỷ lệ hao hụt nếu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu thì không phải làm thủ tục hải quan; được miễn thuế nhập khẩu; phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 35. Thủ tục hải quan

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan và nghĩa vụ tài chính đối với hàng gia công xuất khẩu và theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến hợp đồng gia công.

Điều 36. Các hình thức gia công khác

1. Việc gia công, tái chế, sửa chữa máy móc, thiết bị cho nước ngoài thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu chỉ được thực hiện nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phải có phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình gia công, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

b) Tái xuất toàn bộ sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài, không được phép tiêu thụ tại Việt Nam.

c) Phải được Bộ quản lý chuyên ngành theo phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này cho phép.

2. Căn cứ phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn cụ thể hình thức gia công này.

Mục 2

ĐẶT GIA CÔNG HÀNG HÓA Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 37. Quy định chung

1. Thương nhân được đặt gia công ở nước ngoài các loại hàng hóa đã được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam để kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Việc xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công và nhập khẩu sản phẩm gia công phải tuân thủ các quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Hợp đồng đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài và thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đặt gia công theo quy định tại Điều 29 và Điều 35 Nghị định này.

Điều 38. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài

1. Được tạm xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư hoặc chuyển khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư từ nước thứ ba cho bên nhận gia công để thực hiện hợp đồng gia công.

2. Được tái nhập khẩu sản phẩm đã gia công. Khi kết thúc hợp đồng đặt gia công, được tái nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa.

3. Được bán sản phẩm gia công và máy móc thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đã xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công tại thị trường nước nhận gia công hoặc thị trường khác và phải nộp thuế theo quy định hiện hành.

4. Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nếu không tái nhập khẩu thì phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

5. Được cử chuyên gia, công nhân kỹ thuật ra nước ngoài để kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm gia công.

6. Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ của hàng hóa.

7. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước.

Chương VII

QUÁ CẢNH HÀNG HÓA QUA LÃNH THỔ VIỆT NAM

Điều 39. Thương nhân làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh hàng hóa

Thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải được làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng nước ngoài quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Điều 40. Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam

1. Các loại hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, hàng hóa có độ nguy hiểm cao và hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Thủ tục quá cảnh được giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

2. Hàng hóa là vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và hàng hóa có độ nguy hiểm cao chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Việc vận chuyển hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng nguy hiểm và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Bộ Công Thương cho phép, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

4. Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong suốt thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai, nguyên kiện.

5. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng hóa quá cảnh theo quy định hiện hành của Việt Nam.

6. Hàng hóa quá cảnh không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cần thiết tiêu thụ tại Việt Nam phải xin phép Bộ Công Thương.

7. Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam cho những Hiệp định quá cảnh có quy định khác với quy định tại Điều này.

8. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục lưu kho, lưu bãi hàng hóa quá cảnh, thủ tục sang mạn, thay đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh, gia hạn hàng hóa quá cảnh.

9. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tuyến đường quá cảnh.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan cung cấp cho Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tham gia công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu số liệu theo định kỳ và đột xuất về các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và các loại hình kinh doanh theo quy định của Nghị định này; số liệu về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo danh mục mặt hàng, thị trường và những số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa liên quan cho Bộ Công Thương.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này; phát hiện và thông báo để các Bộ, ngành hữu quan điều chỉnh những quy định trái với Nghị định này (nếu có) trong các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 42. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2014, thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng