• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/12/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 21/07/2015
HĐND TỈNH LAI CHÂU
Số: 86/2006/NQ-HĐND12
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 9 tháng 12 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

Về Đề án “Đào tạo nghề giai đoạn 2006 - 2010"

_________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi xem xét Tờ trình số 672/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề giai đoạn 2006 - 2010”;

Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Đào tạo nghề giai đoạn 2006 – 2010” do UBND tỉnh trình tại Tờ trình số 672/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2006, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là để lao động đạt năng suất cao, góp phần tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống, giải quyết những bức xúc về xã hội như: Việc làm, xóa đói, giảm nghèo, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đồng thời, đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.

2. Mục tiêu cụ thể

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ 10,4% (15.826 người) năm 2005 lên 25% (khoảng 43.000 người) năm 2010 so với số lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó đào tạo nghề từ 2,73% (4.150 người) lên 16% (tương ứng với 27.750 người).

Tăng tỷ lệ thời gian lao động nông thôn lên 80%, giảm tỷ lệ người chưa có việc làm ở khu vực đô thị <5%, hàng năm tạo việc làm cho 4000 - 4500 người, xuất khẩu cho 300 người/năm đi lao động ở nước ngoài.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1) Hoàn thiện, củng cố cơ sở dạy nghề đã được thành lập để có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ:

a) Đối với Trường dạy nghề:

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất (nhà làm việc, giảng đường, xưởng thực tập,...) với quy mô đào tạo 300 - 500 học viên, đến 2007 có thể tuyển sinh đào tạo tại trường.

- Đội ngũ giáo viên: 54 giáo viên.

b) Đối với Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thuộc Hội Nông dân tỉnh

- Tiếp tục mở rộng xây dựng Trung tâm tại địa điểm mới (kinh phí xây dựng do Hội Nông dân Việt Nam cấp), mỗi năm đào tạo cho từ 800 đến 1.000 lao động nông thôn.

- Bổ sung biên chế: 15 người (cả cán bộ quản lý và giáo viên).

c) Đối với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương và Xã hội tỉnh

- Quy mô: Xây dựng Trung tâm, với quy mô đào tạo 300 - 500 lao động/năm.

- Kinh phí: Do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp trong chương trình mục tiêu.

- Biên chế: 10 người (trong đó 4 cán bộ quản lý, 6 giáo viên).

d) Thành lập và xây dựng Trung tâm Dạy nghề các huyện

- Xây dựng cơ sở vật chất:

+ Năm 2007 xây dựng Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Than Uyên, huyện Sìn Hồ.

+ Năm 2008 xây dựng Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Mường Tè.

+ Năm 2009 xây dựng Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Tam Đường.

+ Năm 2010 xây dựng Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Phong Thổ.

- Quy mô: 200 học viên

- Kinh phí: Phần xây dựng bao che do ngân sách địa phương đảm nhiệm.

Mỗi năm đào tạo ngắn hạn từ 600 - 800 lao động/Trung tâm

- Biên chế: Mỗi Trung tâm được biên chế 10 người (bao gồm cả cán bộ quản lý và giáo viên).

2) Hình thức đào tạo:

- Đào tạo ngắn hạn

- Đào tạo dài hạn

3) Về kinh phí

- Kinh phí xây dựng cơ bản: Xây dựng Trường dạy nghề và các Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm trong toàn tỉnh cần số vốn đầu tư là 37,6 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương bố trí 30,6 tỷ, ngân sách địa phương 7 tỷ.

- Kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề cho Trường dạy nghề và các Trung tâm: 16,8 tỷ đồng trích từ nguồn kinh phí nâng cao năng lực đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu do Trung ương cấp.

- Kinh phí đào tạo: 19,515 tỷ đồng, trong đó:

+ Đào tạo dài hạn: 4,515 tỷ đồng (bình quân 4,3 triệu đồng/học viên/năm; nguồn kinh phí do ngân sách địa phương bố trí).

+ Đào tạo ngắn hạn: 15 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách địa phương bố trí 4,4 tỷ đồng, ngân sách Trung ương bố trí 10,6 tỷ đồng.

- Về chế độ chính sách:

+ Đối với giáo viên: Thực hiện chính sách thu hút và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng theo Quyết định số 42/2004/QĐ - UBND ngày 30/01/2004 của UBND tỉnh và thực hiện đầy đủ các chính sách do Nhà nước quy định.

+ Đối với học viên: Miễn, giảm học phí cho học viên là con em các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, lao động thuộc hộ nghèo, lao động là người tàn tật.

Học viên đào tạo nghề ngắn hạn, theo địa chỉ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hỗ trợ: 5000 đồng/người/ ngày thực tế tham gia.

Đối với học viên đã có bằng hoặc chứng chỉ nghề: Ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm, ưu tiên tuyển dụng, điều chỉnh mức lương cho công nhân có tay nghề cao, ưu tiên đi xuất khẩu lao động.

III. CÁC GIẢI PHÁP

1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân về công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế, xã hội.

2) Kiện toàn tổ chức bộ máy, thành lập và xây dựng hệ thống các cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu học nghề, phù hợp với chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chuẩn bị đủ nội dung, chương trình đào tạo cho các nghề cần đào tạo, phù hợp với trình độ người học, đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tiễn.

3) Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn cho dạy nghề, giải quyết việc làm, bao gồm vốn từ ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương.

4) Thực hiện chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội tiếp tục học tập để nâng cao trình độ. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người dạy, người học trong các cơ sở dạy nghề.

5) Tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, trong đó tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện, thị. Có kế hoạch hướng dẫn các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề.

6) Mở rộng quy mô các trường dân tộc nội trú, phát triển các trường bán trú, đẩy nhanh tiến độ phổ cập THCS, tăng số học sinh có trình độ THPT tạo nguồn cho đào tạo nghề.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện.

Điều 3. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Lai Châu khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2006./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lỳ Khai Phà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.