• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/12/1996
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 988-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 30 tháng 12 năm 1996

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 1996 -2010

________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại Tờ trình số 468-TT/UB ngày 5 tháng 3 năm 1996, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5712-BKH/VPTĐ ngày 2 tháng 11 năm 1996,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 1996-2010 với nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Khai thác mọi tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và các nguồn tài nguyên để xây dựng tỉnh Quảng Ninh, phát triển nhanh, ổn định, bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh, quốc phòng, đạt các mục tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo đảm môi trường sinh thái; Đưa tỉnh trở thành một Trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và là một trong những "cửa mở" lớn của phía Bắc để cùng với một số tỉnh, thành phố khác hợp thành khu kinh tế trọng điểm thúc đẩy sự phát triển của vùng và phát triển chung của cả nước.

II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Những định hướng phát triển chủ yếu:

Thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kết nối sự phát triển của tỉnh với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và toàn vùng Bắc Bộ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý và hướng về xuất khẩu, coi trọng chất lượng và hiệu quả; Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; xây dựng, mở rộng và hiện đại các cảng biển hiện có và xây dựng một số cảng mới để bảo đảm giao lưu của toàn vùng và giao lưu với quốc tế. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo hướng thâm canh và sản xuất hàng hoá.

Phát triển kinh tế phải kết hợp với phát triển văn hoá, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng trên đất liền, trên biển và hải đảo. Nâng cao mức sống và trình độ dân trí, bảo đảm nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng các khu vực nông thôn mới và các hải đảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vừng, từng đảo. Bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, đặc biệt là cảnh quan khu vực Vịnh Hạ Long.

2. Những nhiệm vụ phát triển chủ yếu:

Về phát triển công nghiệp:

Phát triển công nghiệp với tốc độ cao để đảm bảo phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh. Phát huy truyền thống và năng lực sẵn có để phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn: than, cơ khí, vật liệu xây dựng (đặc biệt là xi măng). Cải tạo và mở rộng các Khu công nghiệp hiện có: Hòn Gai, Bãi Cháy, Cẩm Phả, Uông Bí... đồng thời đẩy mạnh tốc độ xây dựng một số khu công nghiệp mới như: Cái Lân, Hoành Bồ, Uông Bí, Mạo Khê, Chập Khê và cụm công nghiệp Đông Triều. Phát triển tuyến kinh tế ven biển Hạ Long - Móng Cái gắn kết chặt chẽ với vùng núi phía trong để làm động lực phát triển cho cả vùng. Huy động các thành phần kinh tế để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng các mặt hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Về phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản:

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá cung ứng cho tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất nông nghiệp gần khu công nghiệp, gần khu du lịch ven biển và hải đảo để bố trí mùa vụ, cây trồng, vật nuôi thích hợp và thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp để tăng nhanh tỷ trọng của ngành này trong giá trị sản lượng nông nghiệp.

Phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng trọng tâm là lâm nghiệp xã hội, cố gắng phấn đấu đến năm 2010 có tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 55%-60%.

Phát triển ngành thuỷ sản (bao gồm cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần dịch vụ): Đầu tư kỹ thuật và phương tiện để nâng cao sản lượng đánh bắt hải sản ngoài khơi. Mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng các cơ sở chế biến, dịch vụ nghề cá ở ven biển và trên các đảo; xây dựng đảo Cô Tô trở thành một trong những trung tâm dịch vụ nghề cá của Vịnh Bắc Bộ. Phát triển thuỷ sản phải kết hợp với việc bảo vệ và phát triển các nguồn lợi.

Về phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch:

Cần có kế hoạch khai thác những lợi thế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để huy động được các nguồn lực, đặc biệt coi trọng việc phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ, hướng mạnh vào xuất khẩu, du lịch, hợp tác đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài.

Phát huy ưu thế và cơ hội để phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ hàng hải và du lịch. Trên cơ sở hình thành cảng Cái Lân, phát triển mạnh đội tàu biển của tỉnh.

Sớm hình thành hai trung tâm thương mại lớn ở Hạ Long và Móng Cái. Trong tương lai gần, khu vực Móng Cái phải được phát triển thành khu kinh tế cửa khẩu quan trọng. Mở rộng màng lưới thương nghiệp, dịch vụ, đảm bảo cung ứng hàng hoá, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, đáp ứng phần nào nhu cầu cho khu du lịch lớn của tỉnh và một số tỉnh bạn.

Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động du lịch, đặc biệt ưu tiên phát triển du lịch quốc tế. Cần xây dựng một số khách sạn lớn có quy mô 200-300 phòng để có thể thu hút khách du lịch quốc tế đạt từ 1,2 đến 1,3 triệu người vào năm 2010. Ngoài khu du lịch Hạ Long cần khai thác triệt để tiềm năng du lịch của vùng ven biển và hải đảo.

Cần hiện đại hoá các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, du lịch của tỉnh, của cả vùng và của khách du lịch cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Bảo đảm tỷ trọng thu ngân sách, tỷ trọng đầu tư so với GDP ngày càng tăng.

Về phát triển cơ sở hạ tầng:

Phát triển cơ sở hạ tầng được coi là giải pháp có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Khẩn trương xây dựng cảng Cái Lân theo hướng đồng bộ và hiện đại để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn ra vào Cảng; đầu tư xây dựng, cải tạo các Cảng Mũi Chùa, Vạn Gia, Mũi Ngọc. Nghiên cứu xây dựng cảng Cô Tô có năng lực bốc xếp hàng hoá từ 30 đến 50 vạn tấn/năm.

Để phát huy hết tiềm năng, thuận lợi về giao thông đường biển và hệ thống cảng biển, cần phải có kế hoạch đầu tư trang bị các phương tiện và tăng năng lực cũng như đổi mới công nghệ bốc xếp, tiếp nhận hàng hoá và các loại dịch vụ phục vụ cho các cảng như: kho tàng, bến bãi, phương tiện chuyển tải v.v...

Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Chú ý đến hệ thống đường giao thông ở các xã miền núi biên giới và hải đảo. Cần nâng cấp quốc lộ 18A, đường 10, xây dựng trục Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Bãi Cháy kéo dài đến Móng Cái. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường 18B, 4B; xây dựng cầu Cửa Lục, cải tạo tuyến đường sắt Phả Lại - Cái Lân và nối với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Nghiên cứu xây dựng một sân bay tại khu vực Hạ Long - Bãi Cháy.

Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước, thoát nước, cấp điện, giao thông đô thị và các khu công nghiệp; xây dựng hồ Cao Vân, khai thác đập Đồng Ho, xây dựng đập Đồng Giang. Xây dựng hệ thống đường dây tải điện phục vụ cho phát triển kinh tế và dân sinh. Triển khai xây dựng nhà máy điện Hoành Bồ. Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường, cảnh quan các khu vực đô thị, nhất là giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực Hạ Long - Bãi Cháy.

Tiếp tục hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc, phát triển điện thoại số đến 100% số xã trong tỉnh (cả trong đất liền và hải đảo).

Về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội:

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là dân ở các vùng miền núi và hải đảo; thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình.

Mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống phát thanh, truyền hình, các hoạt động văn hoá tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao cơ sở vật chật cho ngành thể dục thể thao. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xoá đói giảm nghèo, quan tâm đúng mức đến các đối tượng và gia đình chính sách. Cùng với việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều ngành, nghề, phải tăng tỷ lệ lao động được đào tạo có việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở các đô thị. Vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các tệ nạn xã hội.

III. NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU

Để đảm bảo việc thực hiện Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 1996-2010, tỉnh phải triển khai một hệ thống các biện pháp đồng bộ, kể cả đổi mới cơ chế chính sách kết hợp với cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý, cải tiến kế hoạch hoá, tăng cường nghiên cứu vĩ mô, dài hạn, xây dựng các dự án và chương trình phát triển... nhằm phát huy các nguồn lực trong nước, ngoài nước phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Phải thể hiện phương hướng và những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của Quy hoạch này trong các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, các chương trình và dự án có tính khả thi.

Uỷ ban nhân dân tỉnh thực thi nghiên cứu, và đề xuất với Chính phủ (những vấn đề vượt thẩm quyền) các chính sách có hiệu quả về huy động vốn trong nước, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng các đô thị và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp... Quý IV năm 1998, tỉnh phải tiến hành tổng kết việc áp dụng thí điểm các chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái theo nội dung Quyết định 675/TTg ngày 18 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung những quy định cần thiết.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh là cơ quan chủ quản thực hiện Quy hoạch, phải có kế hoạch và biện pháp triển khai ngay việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ và khẩn trương, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Quy hoạch. Cần thường xuyên theo dõi, kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với sự phát triển chung của vùng và của cả nước.

Các Bộ, ngành ở Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp và giúp đỡ tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực hiện Quy hoạch, trong đó đặc biệt chú ý bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với Quy hoạch của từng ngành, từng lĩnh vực và quy hoạch tổng thể của vùng, đồng thời phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của cả nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.