QUYẾT ĐỊNH
Của Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng số 33/2003/QĐ-BQP ngày 07 tháng 4 năm 2003 ban hành Quy định về khám bệnh,
chữa bệnh đối với sĩ quan phục viên có đủ 15 năm phục vụ trong quân đội
_____________________
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996, đã sửa đổi bổ sung ngày 16 tháng 12 năm 2002.
Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng.
Căn cứ khoản 3 Điều 37 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 ngày 21 tháng 12 năm 1999.
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định về khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan phục viên có đủ 15 năm phục vụ trong quân đội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các quy định trước đây trái với Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Bộ Tổng tham mưu, các Tổng cục, Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn, Binh chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Học viện, Nhà trường và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Phạm Văn Trà
|
QUY ĐỊNH
Về khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan phục viên có đủ 15 năm
phục vụ trong quân đội
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2003/QĐ-BQP ngày 07/4/2003
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
______
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng được khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí trong các cơ sở quân y.
1. Sĩ quan phục viên có đủ 15 năm phục vụ trong quân đội trở lên (sau đây gọi là sĩ quan phục viên) không có chế độ bảo hiểm y tế, khi ốm hoặc bị bệnh được khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở quân y.
2. Sĩ quan phục viên về địa phương tham gia lao động trong các đơn vị, tổ chức thuộc diện phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, nếu có nguyện vọng thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y theo chế độ bảo hiểm y tế.
Điều 2. Cơ sở quân y thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
1. Cơ sở quân y thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên, gồm các bệnh viện và viện có giường bệnh của quân đội (sau đây gọi là bệnh viện quân đội).
2. Các bệnh xá quân đội không tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên (trừ trường hợp cấp cứu).
Điều 3. Căn cứ để xét miễn hoặc giảm viện phí đối với sĩ quan phục viên.
Việc xét miễn hoặc giảm viện phí đối với sĩ quan phục viên căn cứ vào tính chất bệnh lý của người bệnh và các quy định hiện hành về chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Điều 4. Viện phí và giá viện phí.
1. Viện phí là một phần trong tổng chi phí cho việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ về thu một phần viện phí.
2. Giá viện phí, thực hiện theo quy định của Nhà nước về thu một phần viện phí trong các cơ sở y tế
Điều 5. Trách nhiệm của các bệnh viện quân đội
Các bệnh viện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, đúng đối tượng, thủ tục đơn giản và thuận tiện, không được gây phiền hà cho người bệnh.
Chương 2:
TỔ CHỨC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CHO SĨ QUAN PHỤC VIÊN
Điều 6. Tuyến khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
1. Tuyến khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên là bệnh viện quân đội gần nhất tại khu vực sĩ quan phục viên có hộ khẩu hoặc nơi cư trú ổn định
2. Trường hợp cấp cứu, sĩ quan phục viên được cứu chữa ở bất kỳ cơ sở điều trị quân y nào gần nhất (bệnh xá hoặc bệnh viện), không phân biệt tuyến và khu vực; được hưởng các quyền lợi về khám bệnh, chữa bệnh theo quy định về miễn và giảm viện phí tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Chương II của Quy định này. Sau khi bệnh ổn định phải chuyển về bệnh viện đúng tuyến đã đăng ký.
Điều 7. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh của sĩ quan phục viên.
1. Khi phục viên về địa phương, sĩ quan phục viên đăng ký với cơ quan quân sự huyện, quận và tương đương (gọi là Ban chỉ huy quân sự huyện). Ban chỉ huy quân sự huyện có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu đến bệnh viện quân đội theo tuyến để làm thủ tục đăng ký khám bệnh, chữa bệnh lần đầu. Việc đăng ký và cấp (có thu tiền) sổ khám bệnh, chữa bệnh do bệnh viện làm khi sĩ quan phục viên đến đăng ký hoặc khám bệnh, chữa bệnh lần đầu.
2. Bệnh viện quân đội thuộc tuyến, căn cứ vào giấy giới thiệu của Ban chỉ huy quân sự huyện; quyết định phục viên (hoặc giấy chứng nhận có đủ 15 năm phục vụ trong quân đội); chứng minh thư của sĩ quan phục viên đăng ký để cấp sổ khám bệnh, chữa bệnh lần đầu cho sĩ quan phục viên.
3. Hàng năm vào tháng 11, sĩ quan phục viên có trách nhiệm nộp sổ khám bệnh, chữa bệnh cho Ban chỉ huy quân sự xã, phường và tương đương (gọi là Ban chỉ huy quân sự xã) để chuyển cho Ban chỉ huy quân sự huyện xác nhận được tiếp tục khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí tại bệnh viện quân đội theo tuyến từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 năm sau.
4. Trường hợp sĩ quan phục viên thay đổi bệnh viện khám bệnh, chữa bệnh do chuyển nơi cư trú, thủ tục đăng ký khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện mới được thực hiện theo giấy giới thiệu của cơ quan quân sự huyện (nơi mới đến cư trú) và sổ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cũ.
5. Sĩ quan phục viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Chương I Quy định này có nguyện vọng khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện quân đội theo tuyến thì đăng ký với cơ quan bảo hiểm y tế địa phương, được hưởng các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh và có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Điều 8. Thủ tục hành chính khi khám bệnh, chữa bệnh.
Khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội thuộc tuyến, sĩ quan phục viên phải xuất trình các giấy tờ sau:
1. Sổ khám bệnh, chữa bệnh do bệnh viện nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cấp.
2. Chứng minh thư.
3. Trường hợp để được xét miễn viện phí còn phải có:
a) Giấy chứng nhận thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cư trú thường xuyên tại các xã thuộc vùng sâu, vùng núi cao, biên giới, hải đảo do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp quận, huyện và tương đương cấp.
b) Hồ sơ sức khỏe hoặc giấy ra viện cũ để xác định bệnh cũ trong thời gian tại ngũ tái phát.
Điều 9. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh.
Việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và nội trú cho sĩ quan phục viên tại các bệnh viện quân đội được thực hiện như đối với sĩ quan tại ngũ.
Điều 10. Quyền lợi và trách nhiệm của sĩ quan phục viên khi khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội.
1. Quyền lợi:
a) Được khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và nội trú.
b) Được bảo đảm khám bệnh, làm các xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán và điều trị, thuốc, dịch truyền, máu, làm các thủ thuật và phẫu thuật, sử dụng giường bệnh như đối với sĩ quan tại ngũ cùng cấp bậc.
2. Trách nhiệm:
a) Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện quân đội theo tuyến.
b) Xuất trình sổ khám bệnh, chữa bệnh do bệnh viện nơi đăng ký cấp và các giấy tờ khác theo quy định. Trường hợp cấp cứu được nhận ngay, nhưng sau khi qua khỏi tình trạng nguy kịch phải nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục với bệnh viện.
c) Nộp tiền viện phí, tiền sổ khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định.
d) Bảo quản và không cho người khác mượn sổ khám bệnh, chữa bệnh.
e) Nộp trả lại sổ khám bệnh, chữa bệnh cho Ban chỉ huy quân sự huyện khi tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước.
Điều 11. Đối tượng được miễn hoặc giảm viện phí và không được miễn, giảm viện phí.
1. Đối tượng được miễn nộp tiền viện phí:
a) Sĩ quan phục viên có hộ khẩu và cư trú thường xuyên tại các xã vùng sâu, vừng núi cao, biên giới, hải đảo thuộc những địa danh theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có chứng nhận của địa phương (cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp quận, huyện và tương đương).
c) Mắc một trong các bệnh như: sốt rét, lao, tâm thần, phong, tiêm phòng và điều trị bệnh dại.
d) Bệnh cũ trong thời gian tại ngũ tái phát (theo hồ sơ sức khỏe hoặc giấy ra viện trong thời gian tại ngũ).
e) Trong thời gian tại ngũ có từ 8 năm trở lên công tác ở những địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn, gian khổ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Các đối tượng còn lại không thuộc diện quy định tại khoản 1 của Điều này được giảm 50% tiền viện phí.
3. Sĩ quan phục viên thuộc một trong các trường hợp sau đây, không được miễn hoặc giảm tiền viện phí:
a) Bị thương tích do cố ý đánh nhau (trừ trường hợp bị người khác gây nên), tự gây thương tích cho mình.
b) Do say rượu và những hậu quả do say rượu.
c) Do dùng chất ma túy.
d) Bệnh lây qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS do vi phạm đạo đức.
e) Bị thương tích do vi phạm pháp luật.
Điều 12. Phương thức và tổ chức thu viện phí.
Việc tổ chức thu viện phí được thực hiện như với đối tượng phải nộp một phần viện phí y tế. Người bệnh nộp tiền viện phí và thanh toán viện phí trực tiếp tại cơ quan tài chính của bệnh viện:
1. Đối tượng thuộc diện được giảm tiền viện phí phải nộp tiền viện phí theo quy định (sau khi đã trừ phần được giảm).
2. Đối tượng không thuộc diện miễn hoặc giảm viện phí thì phải trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Điều 13. Kinh phí đảm bảo để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
Ngân sách hàng năm đảm bảo việc khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên thuộc phần kinh phí của bệnh viện do Bộ Quốc phòng cấp (qua Cục Quân y Tổng cục Hậu cần).
Chương 3:
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ, VIỆN PHÍ
VÀ SỔ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 14. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, viện phí.
1. Khoản viện phí thu của sĩ quan phục viên khám bệnh, chữa bệnh nộp là nguồn thu bổ sung vào ngân sách chung của bệnh viện; được sử dụng để bổ sung kinh phí mua thuốc, dịch truyền, máu, hóa chất xét nghiệm, phim X quang, vật tư tiêu hao thiết yếu, in một số mẫu biểu phục vụ người bệnh.
2. Việc quản lý viện phí thu được của sĩ quan phục viên được thực hiện theo quy định hiện hành của quân đội. Cơ quan tài chính bệnh viện phải mở sổ đăng ký, thống kê theo dõi đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Điều 15. Sổ khám bệnh, chữa bệnh.
1. Sổ khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở pháp lý để sĩ quan phục viên khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện quân đội thuộc tuyến.
2. Sổ khám bệnh, chữa bệnh được in theo Mẫu số 01/2003/KB-SQPV kèm theo, quy định như sau:
a) Sổ in khổ A5.
b) Quy định in các trang bìa:
- Trang bìa 1: In tên Sổ khám bệnh, chữa bệnh của sĩ quan phục viên 15 năm.
- Trang bìa 2: In phần sơ yếu lý lịch.
- Trang bìa 3: In chứng nhận hàng năm của Ban chỉ huy quân sự huyện.
- Trang bìa 4: In quy định sử dụng sổ khám bệnh, chữa bệnh của sĩ quan phục viên.
c) Từ trang 2 trở đi để trống dành cho bệnh viện ghi khi sĩ quan phục viên khám bệnh, chữa bệnh. Số lượng trang: 30 trang (đánh số từ trang 2 đến trang 30), đóng dấu giáp lai của bệnh viện ở giữa
Điều 16. Quản lý, sử dụng sổ khám bệnh, chữa bệnh.
1. Sổ khám bệnh, chữa bệnh do bệnh viện quân đội thuộc tuyến in, cấp có thu tiền cho sĩ quan phục viên. Giá sổ khám bệnh, chữa bệnh được tính theo giá gốc tại thời điểm in sổ.
2. Sổ khám bệnh, chữa bệnh lần đầu có giá trị sử dụng trong năm kể từ ngày cấp. Các năm tiếp theo, mỗi năm 01 (một) lần do Ban chỉ huy quân sự huyện xác nhận vào sổ (trang bìa 3 Mẫu số 01/2003/KB-SQPV để sĩ quan phục viên được khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện quân đội trong năm sau.
3. Sổ khám bệnh, chữa bệnh sử dụng cho nhiều lần khám bệnh. Khi sổ khám bệnh, chữa bệnh hết chỗ để ghi hoặc hết phần dành cho Ban chỉ huy quân sự huyện xác nhận, sĩ quan phục viên được bệnh viện nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cấp sổ mới.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của các bệnh viện, bệnh xá quân đội.
1. Trách nhiệm của các bệnh viện quân đội:
a) Đăng ký và cấp sổ, đổi sổ khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
b) Tổ chức, triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
c) Đảm bảo thuốc, hóa chất xét nghiệm, phim X quang, vật tư tiêu hao thiết yếu theo danh mục của Bộ Y tế và theo quy định hiện hành của quân đội, không để người bệnh tự mua.
d) Đăng ký thống kê báo cáo tình hình thu dung, điều trị hàng tháng phải tách riêng đối tượng sĩ quan phục viên theo mẫu báo cáo của Cục Quân y.
2. Trách nhiệm của các bệnh xá quân đội.
Không thu dung, điều trị đối tượng sĩ quan phục viên. Đối với trường hợp cấp cứu, sau khi tiến hành công tác sơ cứu, cấp cứu bước đầu theo phân cấp nhiệm vụ kỹ thuật phải chuyển bệnh nhân về tuyến đã đăng ký khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương.
1. Ban chỉ huy quân sự huyện có trách nhiệm:
a) Phổ biến chính sách về chăm sóc sức khỏe của quân đội đối với sĩ quan phục viên, quyền lợi và trách nhiệm khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội.
b) Tiến hành đăng ký, quản lý, theo dõi khi sĩ quan phục viên về địa phương.
c) Hướng dẫn cho sĩ quan phục viên các quy định về thủ tục cần thiết phải có khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội.
d) Cấp giấy giới thiệu để sĩ quan phục viên đi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tại các bệnh viện quân đội theo tuyến quy định; hàng năm xác nhận quyền được khám bệnh, chữa bệnh vào sổ khám bệnh, chữa bệnh của sĩ quan phục viên và chịu trách nhiệm pháp lý về các giấy tờ đó.
e) Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương, các bệnh viện quân đội và hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự xã trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký, cấp sổ khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan phục viên trong phạm vi quản lý của mình.
2. Ban chỉ huy quân sự xã có trách nhiệm:
a) Quản lý tình hình sĩ quan phục viên trong phạm vi phụ trách.
b) Thu sổ khám bệnh, chữa bệnh của sĩ quan phục viên chuyển cho Ban chỉ huy quân sự huyện để chứng nhận quyền lợi được khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện theo tuyến quy định.
Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
1. Cục Quân y Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, bệnh xá trong toàn quân thực hiện đúng các quy định của Bộ Quốc phòng về khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
2. Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận sĩ quan phục viên có đủ 15 năm phục vụ trong quân đội trở lên cho sĩ quan khi phục viên.
3. Cục Chính sách Tổng cục Chính trị có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng theo ngành dọc thuộc cơ quan quân sự địa phương các cấp về việc quản lý, đăng ký, theo dõi và giới thiệu, chứng nhận cho sĩ quan phục viên đi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội.
4. Cục Tài chính Bộ Quốc phòng: Hàng năm, trên cơ sở báo cáo của các bệnh viện bảo đảm ngân sách để các bệnh viện quân đội thực hiện tốt việc khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
5. Cục Quân lực Bộ tổng Tham mưu: Phối hợp với Cục Quân y Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng về số giường bệnh viện cần triển khai thêm để phục vụ cho đối tượng sĩ quan phục viên.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Đối tượng vận dụng.
Sĩ quan có đủ 15 năm phục vụ trong quân đội trở lên, nếu phục viên trước ngày Quy định này có hiệu lực, được áp dụng các quy định về khám bệnh, chữa bệnh tại Quy định này.
Điều 21. Trách nhiệm thực hiện.
Cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên.
Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết
Điều 22. Khen thưởng, xử lý vi phạm.
1. Cơ quan, đơn vị và cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan phục viên được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
2. Người vi phạm Quy định này tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh của sĩ quan phục viên sẽ bị hủy bỏ nếu phát hiện có sự giả mạo hồ sơ, giấy tờ. Nếu gây thiệt hại thì phải hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.