CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
V/v Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thời gian qua, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác PCCC. Tuy nhiên, thực trạng của công tác này vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Tổ chức thực hiện công tác PCCC ở cơ sở còn nhiều bất cập; việc xây dựng lực lượng tại chỗ, đầu tư mua sắm phương tiện PCCC chưa được quan tâm; phong trào quần chúng nhân dân PCCC chưa phát triển về chất, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở nhiều nơi còn hình thức, hoạt động kém hiệu quả; phương tiện của lực lượng PCCC chuyên nghiệp còn thiếu về số lượng, chưa được đầu tư trang bị đúng mức; lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC còn thiếu so với quy định.
Để thực hiện có hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn toàn tỉnh, ngăn chặn diễn biến phức tạp do nạn cháy gây nên, quyết tâm không để xảy ra cháy lớn, cháy lan gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ thị:
1/ Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, giáo dục pháp luật về PCCC trong các cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học...để mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm và tự giác tham gia công tác PCCC; chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra toàn diện công tác PCCC trong phạm vi mình quản lý; củng cố lực lượng và phương tiện chữa cháy, đảm bảo kinh phí cho việc huấn luyện lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở theo quyết định 230/QĐ-BCA ngày 21/4/1998 của Bộ Công an; tổ chức huy động phối hợp các lực lượng, đơn vị chức năng để từng ngành, từng cấp, từng đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ; xây dựng và củng cố phương án chữa cháy tại chỗ và chủ động có phương án giải quyết tình huống khi xảy ra cháy các cơ sở thuộc ngành và địa phương, đơn vị mình.
2/ Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý các cơ sở có nhiều nguy cơ cháy, nổ (các trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện, trường học, khách sạn, cơ sở sản xuất, những nơi tập trung đông người v.v...) phải chủ động và thường xuyên kiểm tra công tác PCCC; đầu tư mua sắm đủ trang thiết bị báo cháy, phòng cháy và phương tiện chữa cháy; có phương án cụ thể cho việc thoát nạn, di chuyển tài sản, đảm bảo hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
3/ Khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn, chính quyền địa phương cơ sở phải chủ động huy động ngay lực lượng và sử dụng phương tiện, dụng cụ tại chỗ để tham gia ngăn chặn, dập tắt đám cháy cùng với việc cứu người, di chuyển tài sản, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường; đồng thời điện báo ngay trực ban PCCC Công an tỉnh và UBND cấp trên để tăng cường lực lượng ứng cứu
4/ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Điện lực, công ty Cấp nước tỉnh chịu trách bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị và chuẩn bị phương án ứng cứu sẵn sàng phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC, chính quyền các cấp tham gia chữa cháy, cấp cứu người bị nạn, xử lý những tình huống khẩn cấp khi cháy lớn xảy ra.
5/ Công an tỉnh:
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và Công an các huyện, thị và thành phố thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở có nhiều nguy cơ cháy, nổ, những nơi tập trung đông người, nơi có nhiều hàng hóa dễ cháy, nổ, các khu dân cư... để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC; hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng cháy và có các hình thức xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các tiêu chuẩn quy định an toàn PCCC hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất những nơi có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy nổ.
- Có phương án tăng cường, củng cố lực lượng cảnh sát PCCC chuyên trách; tổ chức việc kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy chuyên dùng hiện có, kịp thời báo cáo, đề xuất trang bị bổ sung hoặc thay thế những phương tiện cần thiết trình Bộ Công an và UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
6/ Các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thông tin, Sở Xây dựng có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền giáo dục Luật PCCC trong các tầng lớp nhân dân, hướng dẫn mọi người nâng cao hiểu biết và kiến thức PCCC, đề cao trách nhiệm trong công tác PCCC, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nạn cháy, nổ tại các cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi công cộng ... và từng hộ gia đình. Các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội cần tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thuộc tổ chức mình nâng cao ý thức và tự giác thực hiện tốt các qui định pháp luật về PCCC.
7/ Giao Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động cân đối ngân sách để thường xuyên đảm bảo kinh phí cho hoạt động PCCC ở các ngành, địa phương theo Luật PCCC và tham mưu UBND tỉnh giải quyết hỗ trợ việc đầu tư mua sắm, sửa chữa các phương tiện chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp.
8/ Công tác PCCC là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng, cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương nào thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ, không tổ chức thực hiện tốt và kịp thời công tác chữa cháy, ứng cứu thì trước hết thủ trưởng cơ quan, đơn vị, ngành và Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách hiệm về hậu quả xảy ra.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, chính quyền các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết/-