• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 02/03/2010
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 80/2007/TTLT/BTC-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 11 tháng 7 năm 2007

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh

môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/08/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (viết tắt Chương trình NS&VSMTNT) giai đoạn 2006 - 2010 theo Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình NS&VSMTNT, gồm: Vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn ODA), vốn đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác;

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) bố trí chi ngân sách địa phương hàng năm, cùng với nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (bao gồm cả nguồn vốn ODA) cho Chương trình, lồng ghép với các nguồn vốn khác trên địa bàn để thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình.

3. Nguyên tắc đầu tư Chương trình NS&VSMTNT:

- Các vùng nông thôn trên phạm vi cả nước; trước mắt ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, vùng thường xuyên bị khô hạn, khó khăn về nguồn nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm.

- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Việc bố trí kinh phí thực hiện Chương trình căn cứ khả năng ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác, theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm.

- Các Bộ, ngành, UBND các cấp khi quyết định đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình công cộng phải bao gồm các công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; kinh phí ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình NS&VSMTNT không hỗ trợ đầu tư các công trình nêu trên.

4. Các đơn vị có trách nhiệm sử dụng kinh phí Chương trình NS&VSMTNT đúng mục đích, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; cuối năm hoặc kết thúc dự án phải thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi và mức chi của Chương trình NS&VSMTNT:

1.1. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp:

a) Nội dung chi:

- Chi truyền thông vận động xã hội, bao gồm: đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương; báo và phương tiện thông tin khác; in ấn phổ biến tài liệu chuyên môn nghiệp vụ, tờ rơi, pa nô, áp phích, phim ảnh; chi khác (nếu có);

- Tập huấn nghiệp vụ: Chi tài liệu giáo trình cho lớp học; trả thù lao cho giảng viên dạy lý thuyết theo chế độ quy định; mua dụng cụ, vật tư thực hành (nếu có); chi quản lý lớp học: nước uống, thuê hội trường, xăng xe đi lại cho giảng viên và cán bộ tổ chức lớp; hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại cho học viên trong thời gian tập huấn theo quy định hiện hành;

- Chi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chương trình (nếu có): trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học đã thành công về các giải pháp, công nghệ về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình đưa ra các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua mô hình cụ thể phù hợp khả năng kinh tế của người dân và điều kiện của từng vùng;

- Chi thực hiện hệ thống giám sát đánh giá Chương trình NS&VSMTNT;

- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh;

- Chi hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với trạm xá, trường học ở nông thôn (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông), chợ nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, môi trường đang bị ô nhiễm của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Mức hỗ trợ đầu tư của ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định tại tiết (1) điểm b khoản 1.2 Mục II của thông tư này;

- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm xử lý chất thải chăn nuôi;

- Chi hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung theo tiêu chuẩn kỹ thuật: Đối với các công trình thu chưa đủ chi phí, UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ nhưng không quá 3 năm sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng;

- Chi phí văn phòng làm việc, phiên dịch, lái xe phục vụ chuyên gia nước ngoài tư vấn Chương trình của Văn phòng Chương trình và các Bộ, tỉnh có chuyên gia nước ngoài tư vấn cho chương trình;

- Chi phát sinh đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Mức chi: Chi Chương trình NS&VSMTNT căn cứ chế độ chi tiêu hiện hành; Thông tư này hướng dẫn một số mức chi cụ thể sau:

(1) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh:

- Mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một xã để thực hiện mô hình tối đa là 200 triệu đồng;

- Nội dung chi cụ thể cho một mô hình bao gồm:

+ Chi chọn điểm xây dựng dự án, phỏng vấn, xử lý lấy số liệu;

+ Chi phí cán bộ chỉ đạo kỹ thuật: Đối với cán bộ hợp đồng: mức tối đa là 2,5 lần mức lương tối thiểu/tháng (22 ngày) cho những ngày chỉ đạo trực tiếp mô hình; đối với công chức, viên chức Nhà nước được thanh toán chế độ công tác phí theo quy định hiện hành;

+ Chi tuyên truyền vận động xã hội, hướng dẫn kỹ thuật cho dân;

+ Chi kiểm tra, nghiệm thu dự án;

+ Chi hỗ trợ một phần vật tư (sắt, thép, xi măng, gạch, cát...) cho người dân tham gia mô hình, nội dung chi này chiếm tối thiểu 80% tổng chi phí mô hình của một xã.

Mức hỗ trợ cho từng hộ gia đình trong mô hình cụ thể như sau: Đối với các hộ nghèo, các hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 75% tổng dự toán công trình do cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa là 500.000 đồng/hộ; đối với hộ của vùng khác hỗ trợ tối đa là 300.000 đồng/hộ.

Việc lựa chọn hộ và mức hỗ trợ cho từng hộ do UBND cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho UBND cấp dưới quyết định trên cơ sở đối tượng, thứ tự ưu tiên nhưng không vượt quá tổng mức hỗ trợ cho 01 xã.

(2) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi:

- Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho một xã để thực hiện mô hình tối đa là 200 triệu đồng;

- Nội dung chi cho mô hình: Giống như mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh tại điểm (1) trên đây;

Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các hộ nông dân tham gia mô hình áp dụng như sau:

+ Loại chuồng từ 10 con gia súc trở xuống: Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước tối đa là 400.000 đồng/hộ;

+ Loại chuồng trại trên 10 con gia súc: Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước tối đa là 600.000 đồng/hộ;

Trường hợp có lắp đặt biogas thì được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/hộ.

Đối với các hộ nghèo, các hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ thêm 20% so với mức hỗ trợ trên.

Nếu một xã triển khai mô hình lồng ghép nội dung nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi, thì mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho mô hình lồng ghép tối đa là 200 triệu đồng.

Việc lựa chọn danh sách hộ được hỗ trợ và mức hỗ trợ cho từng hộ do UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá tổng mức hỗ trợ cho 01 xã.

1.2. Chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển:

a) Nội dung chi:

- Xây dựng quy hoạch cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn toàn quốc, các vùng sinh thái, các tỉnh, huyện; theo dự án, báo cáo đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Chi hỗ trợ xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, kể cả công trình nhà tiêu hợp vệ sinh của trường học (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông), trạm xá, chợ, công trình công cộng ở vùng nông thôn và trụ sở UBND xã;

- Chi hỗ trợ xây dựng công trình cung cấp nước sạch, kể cả công trình cấp nước cho trường học (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông, trường dạy nghề ở nông thôn), trạm xá, chợ, công trình công cộng ở vùng nông thôn; đồn biên phòng và cụm dân cư tuyến biên giới; trụ sở UBND xã;

- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý chất thải làng nghề;

- Chi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chương trình: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học đã thành công về các giải pháp, công nghệ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được triển khai thí điểm qua mô hình có kết quả, chương trình phát triển các mô hình trên ra vùng, miền khác.

b) Mức chi cụ thể:

(1) Công trình nhà tiêu hợp vệ sinh:

- Đối với công trình nhà tiêu hợp vệ sinh của hộ dân: Tỷ lệ và mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại tiết (1) điểm b khoản 1.1 Mục II;

- Đối với công trình nhà tiêu hợp vệ sinh của trạm xá, trường học (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông), chợ nông thôn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 75% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; riêng đối với các đơn vị không có nguồn thu, UBND cấp tỉnh xem xét quyết định mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phù hợp.

(2) Công trình cung cấp nước sạch:

- Công trình cấp nước tập trung: Ngân sách Nhà nuớc hỗ trợ một phần sắt thép, xi măng, gạch, cát, thiết bị cho hạng mục công trình đầu nguồn, trạm xử lý nước, đường ống dẫn chính. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

+ Công trình cấp nước tập trung: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ:

* Không quá 45% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với vùng đồng bằng, thị trấn, thị tứ, vùng duyên hải;

* Không quá 90% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước, thì nguồn kinh phí và mức hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

* Không quá 60% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt vùng nông thôn khác;

* Đối với công trình nước sạch của trạm xá, trường học ở nông thôn (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông, trường dạy nghề ở nông thôn), chợ nông thôn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 75% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; riêng đối với các đơn vị không có nguồn thu, UBND cấp tỉnh xem xét quyết định mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phù hợp.

+ Công trình cấp nước tập trung tự chảy (chỉ thực hiện ở vùng núi cao): Ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 90% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ mức hỗ trợ nêu trên; Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ cho các dự án liên thôn (liên bản, liên ấp), xã, thực hiện dự án cho phù hợp với khả năng kinh phí được phân bổ hàng năm.

- Công trình cấp nước phân tán: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần vật tư như: ống, bơm tay, xi măng, máng thu hứng nước mưa tuỳ theo từng loại hình cấp nước cho hộ nghèo; hộ gia đình chính sách xã hội; hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước phân tán, thì nguồn kinh phí và mức hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

+ Loại giếng khoan đường kính nhỏ: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/hộ;

+ Loại giếng đào: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 400.000đồng/hộ;

+ Bể chứa nước mưa (4m3): Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/hộ; Lu chứa nước mưa (2m3) ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 400.000 đồng/hộ (cho vùng khó khăn thiếu nước).

Riêng đối với hộ gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng ngân sách hỗ trợ 100% giá trị của công trình do cấp có thẩm quyền phê duyệt; đối với hộ gia đình có người tàn tật thực sự khó khăn UBND cấp tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ cho phù hợp.

(3) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý chất thải làng nghề: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần vật tư như xi măng, gạch, cát cho cụm công trình xử lý hoặc kênh dẫn chính, thiết bị. Mức hỗ trợ cụ thể: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 60% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Căn cứ mức hỗ trợ nêu trên; các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ cho các dự án liên thôn (liên bản, liên ấp), xã, thực hiện dự án cho phù hợp với khả năng kinh phí được phân bổ hàng năm.

1.3. Đối với các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc dự án nước ngoài tài trợ có nội dung và địa chỉ cụ thể thì nguồn kinh phí, nội dung chi và mức chi thực hiện theo dự án đã được phê duyệt.

2. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước:

a) Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho Chương trình NS&VSMTNT thực hiện theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn.

Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được phản ánh:

- Nhiệm vụ nước sạch: Loại 21. Khoản 03 mã nguồn 0004 01;

- Vệ sinh môi trường nông thôn: Loại 21. Khoản tương ứng mã nguồn 0004 02;

b) Kinh phí thực hiện Chương trình NS&VSMTNT bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2006/TT-BTC ngày 18/09/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Lập kế hoạch và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình NS&VSMTNT hàng năm trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; chủ trì cung cấp cho các nhà tài trợ kế hoạch ngân sách năm và kế hoạch hoạt động của Chương trình theo Hiệp định đã ký;

- Chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ TPBS (Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia, Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Bộ Hợp tác Phát triển Hà Lan) đánh giá tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; cung cấp các báo cáo thực hiện Chương trình cho các Nhà tài trợ theo Hiệp định đã ký;

- Triển khai thực hiện công tác kiểm toán theo yêu cầu của nhà tài trợ.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội dung Chương trình tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và theo kế hoạch được duyệt của địa phương;

- Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện Chương trình có hiệu quả; quyết định các dự án đầu tư đảm bảo thực hiện đúng danh mục dự án, nhiệm vụ ban hành kèm theo Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg; bố trí đủ vốn thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương theo quy định;

- Huy động các nguồn lực (đóng góp của cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác), chỉ đạo các đơn vị đôn đốc vốn đóng góp của người dân vùng hưởng lợi theo cam kết để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Chương trình theo quy định;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện báo cáo cho các Nhà tài trợ theo Hiệp định đã ký.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ nội dung của Chương trình, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương cân đối, bố trí vốn kế hoạch hàng năm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện.

4. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia Chương trình có trách nhiệm kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý tài chính và định kỳ (quý, năm) báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban chủ nhiệm Chương trình), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tiến độ thực hiện công việc và tổng hợp quyết toán tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư liên tịch số 66/2003/TTLT/BTC-NN&PTNT ngày 03/07/2003 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Đào Xuân Học

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.