• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/07/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 27/09/2018
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 40/2011/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 27 tháng 5 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi

_______________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;

Để quản lý, vận hành tốt công trình thuỷ lợi bảo đảm an toàn và phát huy cao nhất hiệu quả của công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định năng lực (đối với nguồn nhân lực) của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Các tổ chức, cá nhân quản lý công trình thuỷ lợi được đầu tư từ các nguồn vốn khác khuyến khích áp dụng Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Điều 2. Tổ chức và năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Năng lực của tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thể hiện ở số lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

3. Năng lực của cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được thể hiện dưới hình thức bằng, giấy chứng nhận, chứng chỉ đào tạo, cấp bậc công nhân do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp hoặc công nhận.

Điều 3. Yêu cầu đối với tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi là doanh nghiệp

1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập (đối với các đơn vị không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc có đăng ký hoạt động của cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có chức năng hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

2. Có tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên môn phù hợp; hiểu biết về công trình và thiết bị lắp đặt tại công trình thuỷ lợi do tổ chức quản lý, vận hành.

3. Từng cá nhân trong bộ máy tổ chức phải nắm rõ chức trách, nhiệm vụ và phạm vi giải quyết công việc của mình. Cán bộ tham gia công tác quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi phải nắm vững và thực hiện đúng các quy định về quản lý, quy trình thao tác vận hành công trình thuỷ lợi, các quy định về duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra, quan trắc, bảo vệ công trình do các cơ quan có thẩm quyền quy định.

4. Cán bộ, công nhân được giao trực tiếp quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi có trách nhiệm theo dõi và ghi chép đầy đủ, trung thực các kết quả quan trắc và nhật ký vận hành công trình.

5. Được trang bị các phương tiện tối thiểu để giúp việc quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thuỷ lợi được thuận lợi. Công nhân quản lý công trình thuỷ lợi phải thường xuyên kiểm tra, nhằm sớm phát hiện các hư hỏng, các hành vi xâm hại công trình và phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

6. Có bộ máy, trang thiết bị đảm bảo đủ khả năng để xử lý một số tình huống, sự cố hư hỏng đột xuất của công trình, đảm bảo các công trình vận hành an toàn, hiệu quả.

Điều 4. Yêu cầu đối với tổ chức hợp tác dùng nước

1. Tổ chức hợp tác dùng nước tham gia quản lý khai thác công trình thuỷ lợi phải có nội quy hoặc quy chế được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định khác có liên quan.

2. Đồng thời phải có tổ chức bộ máy, người vận hành có chuyên môn phù hợp với công trình thuỷ lợi được giao quản lý.

Điều 5. Yêu cầu đối với cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về các công việc mình thực hiện.

2. Cá nhân tham gia quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi phải có văn bằng, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo phù hợp với yêu cầu công việc đảm nhận.

Chương II

ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA

QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 6. Yêu cầu bộ máy của tổ chức làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi là doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi phải có bộ máy quản lý phù hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 và Khoản 2 Điều 12 của Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

2. Bộ máy quản lý (phòng, ban) nhất thiết phải có các bộ phận sau:

a) Bộ phận kỹ thuật: chuyên trách quản lý về kỹ thuật, quản lý đảm bảo an toàn công trình.

b) Bộ phận quản lý phân phối nước: chuyên trách quản lý phân phối nước, quản lý kế hoạch tưới tiêu và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất.

Các bộ phận chuyên môn trên phải bố trí ít nhất 70% số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành trở lên, đáp ứng đầy đủ với nhiệm vụ, quy mô, phạm vi và điều kiện hoạt động của doanh nghiệp; đảm bảo mục tiêu phát huy tốt hiệu quả và đảm bảo an toàn công trình.

3. Đối với các đơn vị có thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp khác, phải có đơn vị chuyên trách thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Điều 7. Số lượng cán bộ, công nhân vận hành

1. Việc bố trí cán bộ, công nhân thực hiện quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải đảm bảo đủ số lượng theo định mức lao động được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đáp ứng với yêu cầu về năng lực theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này.

2. Yêu cầu năng lực kỹ thuật được thực hiện đối với các đơn vị trực thuộc công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, vận hành công trình (Xí nghiệp, Chi nhánh, Trạm, Cụm hoặc tương đương); đơn vị sự nghiệp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi; trạm, ban quản lý công trình thuỷ lợi độc lập; tổ chức hợp tác dùng nước; cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 8. Yêu cầu về năng lực đối với các tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa, đập dâng

1. Đối với hồ chứa có dung tích trữ từ 100 triệu m3 trở lên, đơn vị trực tiếp quản lý đập phải có ít nhất 03 kỹ sư thuỷ lợi, trong đó có ít nhất 01 người có thâm niên công tác từ 7 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập do các cơ sở đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận.

2. Đối với hồ chứa có dung tích trữ từ 50 triệu m3 đến dưới 100 triệu m3, đơn vị quản lý đập phải có ít nhất 02 kỹ sư thuỷ lợi, trong đó có ít nhất 01 người có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập do các cơ sở đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận.

3. Đối với hồ chứa có dung tích trữ từ 10 triệu m3 đến dưới 50 triệu m3, đơn vị quản lý đập phải có ít nhất 01 kỹ sư thuỷ lợi, 01 cao đẳng thuỷ lợi, trong đó có ít nhất 01 người có thâm niêm công tác từ 3 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập do các cơ sở đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận.

4. Đối với hồ chứa có dung tích trữ từ 1 triệu m3 đến dưới 10 triệu m3, đơn vị quản lý đập phải có ít nhất 02 cao đẳng thuỷ lợi, trong đó 01 người có thâm niên công tác trên 3 năm trở lên, đã có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập do các cơ sở đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận

5. Đối với hồ chứa có dung tích trữ dưới 1 triệu m3 (hoặc dưới 500 nghìn m3 đối với vùng miền núi), đơn vị quản lý đập phải có nhân viên có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông, đã có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thuỷ lợi tổ chức;

6. Công nhân vận hành cửa van cống lấy nước, tràn xả lũ không kể quy mô phải qua khoá đào tạo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thuỷ lợi tổ chức;

7. Đối với hồ chứa tràn xả lũ có cửa van vận hành bằng điện, trong thời gian vận hành xả lũ phải có thợ điện thuộc biên chế của Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thuỷ lợi có bậc thợ 4 trở lên trực ban tại khu vực công trình đầu mối.

Điều 9. Đối với hồ chứa cấp quốc gia, các hồ chứa có mục đích phục vụ an ninh quốc phòng và hồ chứa có hạ du là vùng dân sinh tập trung

1. Đối với hồ chứa cấp quốc gia, các hồ chứa có mục đích phục vụ an ninh quốc phòng và hồ chứa có hạ du là vùng dân sinh tập trung, phải thành lập đơn vị là loại hình doanh nghiệp để bố trí cán bộ, công nhân có chuyên môn cao trực tiếp quản lý, vận hành.

2. Không phân cấp hoặc giao cho tổ chức hợp tác dùng nước hoặc cá nhân không đủ điều kiện năng lực để đảm nhận quản lý, vận hành các loại công trình này.

Điều 10. Yêu cầu về năng lực đối với các tổ chức quản lý, vận hành trạm bơm điện cố định

1. Đối với trạm bơm điện lớn, loại máy bơm từ 12.000m3/h trở lên:

a) Trạm bơm có 3 máy trở xuống: bố trí ít nhất 01 kỹ sư thuỷ lợi (hoặc cơ điện), 03 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi).

b) Trạm bơm từ 4¸8 máy bố trí ít nhất 02 kỹ sư, trong đó phải có ít nhất 01 kỹ sư cơ điện, 06 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi).

c) Trạm bơm có trên 9 máy thì bố trí 04 kỹ sư, trong đó có ít nhất 01 kỹ sư cơ điện, 10 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi).

2. Đối với trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ 7.000m3/h đến dưới 12.000m3/h:

a) Trạm bơm có 3 máy trở xuống bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ cao đẳng thuỷ lợi (hoặc cơ điện) trở lên, 03 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi);

b) Trạm bơm từ 4¸8 máy bố trí ít nhất 01 kỹ sư (thuỷ lợi hoặc cơ điện), 05 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi);

c) Trạm bơm có trên 9 máy thì bố trí ít nhất 02 kỹ sư, trong đó có ít nhất 01 kỹ sư cơ điện, 07 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi).

Cứ tăng thêm 4 máy thì bố trí tăng thêm 01 cán bộ trung cấp; tăng thêm 5 máy thì bố trí tăng thêm 01 kỹ sư.

3. Đối với trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ 4.000m3/h đến dưới 7.000m3/h:

a) Trạm bơm có ít hơn 4 máy bơm bố trí ít nhất 02 cán bộ trung cấp (thuỷ lợi hoặc cơ điện, trong đó có ít nhất 01 trung cấp cơ điện).

b) Trạm có từ 4÷10 máy bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ cao đẳng (thuỷ lợi hoặc cơ điện) trở lên, 03 cán bộ có trình độ trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi trong đó có ít nhất 01 trung cấp cơ điện).

c) Trạm có trên 10 máy bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ từ đại học (thuỷ lợi hoặc cơ điện) trở lên, 02 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên và 05 trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi).

Cứ tăng thêm 5 máy thì tăng thêm 01 trung cấp cơ điện; tăng thêm 10 máy thì bố trí tăng thêm 01 kỹ sư thuỷ lợi hoặc kỹ sư cơ điện.

4. Đối với trạm bơm có loại máy bơm có công suất từ 1.000m3/h đến dưới 4.000 m3/h

a) Trạm bơm có ít hơn 4 máy bơm bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ trung cấp (thuỷ lợi hoặc cơ điện).

b) Trạm có từ 4÷10 máy bố trí ít nhất 02 cán bộ có trình độ trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi trong đó có ít nhất 01 trung cấp cơ điện).

c) Trạm có từ 10÷15 máy máy bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ từ cao đẳng (thuỷ lợi hoặc cơ điện) trở lên, 02 cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên.

d) Trạm bơm có trên 15 máy bố trí ít nhất 01 kỹ sư (thuỷ lợi hoặc kỹ sư cơ điện); 03 cán bộ có trình độ trung cấp (cơ điện hoặc thuỷ lợi trong đó có ít nhất 02 trung cấp cơ điện).

Cứ tăng thêm 5 máy thì tăng thêm 01 trung cấp cơ điện; tăng thêm 10 máy thì bố trí tăng thêm 01 kỹ sư thuỷ lợi hoặc kỹ sư cơ điện.

5. Đối với trạm bơm có máy bơm có công suất dưới 1.000m3/h:

1. Công nhân, người quản lý, vận hành trạm bơm có máy bơm có công suất dưới 1.000 m3/h phải có trình độ ít nhất từ trung học phổ thông trở lên và phải tham gia 01 lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

2. Trường hợp trạm có trên 5 máy phải bố trí 01 công nhân vận hành bơm điện (đã qua đào tạo công nhân kỹ thuật từ 3 đến 6 tháng). Đối với các trạm bơm có số lượng từ 7 máy bơm trở lên phải bố trí 01 cán bộ trung cấp thủy lợi hoặc cơ điện.

6. Yêu cầu đảm bảo an toàn lao động

Để đảm bảo an toàn lao động, những trạm bơm bố trí 01 công nhân vận hành thì phải điều động công nhân trong đơn vị hoặc được thuê thêm 01 lao động thời vụ để phụ trợ vận hành.

Điều 11. Yêu cầu về năng lực kỹ thuật đối với các tổ chức quản lý cống đầu mối, công trình kênh mương

1. Đối với cống dưới đê sông cấp 1, cấp 2; các cống ngăn mặn lớn vận hành bằng điện:

a) Cống dưới đê sông cấp đặc biệt, cấp 1, cấp 2; cống ngăn mặn lớn vận hành bằng điện phải bố trí ít nhất 01 kỹ sư thuỷ lợi; 01 cán bộ có trình độ trung cấp cơ điện tại công trình đầu mối;

b) Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ theo các yêu cầu của pháp luật về đê điều.

2. Đối với cống khác và công trình kênh mương:

Việc bố trí cán bộ, công nhân tại các cống đầu mối khác và công trình kênh mương tuỳ thuộc quy mô và mục tiêu hoạt động của cống để bố trí cán bộ, công nhân có chuyên môn phù hợp, tối thiểu phải có cán bộ tốt nghiệp trung học phổ thông và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 12. Năng lực trong điều kiện một tổ chức quản lý nhiều công trình đầu mối

Đối với các tổ chức quản lý nhiều loại hình công trình đầu mối cùng loại hoặc khác loại, số lượng cán bộ, công nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi theo yêu cầu quy định về đảm bảo năng lực được tăng lên tương ứng, tuỳ thuộc vào số lượng công trình đầu mối.

Điều 13. Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

1. Cán bộ, công nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải tham gia lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa (đối với cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa) do các tổ chức đào tạo phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

2. Tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải có kế hoạch để cán bộ, công nhân của mình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa (đối với cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa), đảm bảo tất cả các cán bộ, công nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đều có giấy chứng nhận về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hoặc giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa (đối với cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa).

3. Việc đào tạo, cấp chứng giấy chứng nhận đã tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và/hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa được thực hiện theo các quy định hiện hành.

4. Nội dung chủ yếu về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi bao gồm:

a) Giới thiệu các cơ chế chính sách trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

b) Lập kế hoạch và vận hành tưới, tiêu; tổ chức quản lý và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi;

c) Quy định về quản lý, vận hành, tu sửa, bảo quản và bảo vệ hồ chứa nước; trạm bơm, cống và kênh mương;

d) Phân cấp hạn hán; quy trình vận hành công trình thuỷ lợi;

đ) Kỹ thuật tưới nước cho một số cây trồng;

e) Ứng dụng tin học trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

g) Quy định về quản lý tài chính của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi; chính sách thuỷ lợi phí trong sản xuất nông nghiệp.

h) Quản lý tưới có sự tham gia của người dân.

i) Một số chuyên đề theo yêu cầu và nhu cầu thực tiễn.

5. Nội dung đào tạo về quản lý đập, hồ chứa

a) Các chính sách về quản lý, vận hành và bảo vệ đập, hồ chứa.

b) Hướng dẫn lập và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa.

c) Tính toán thuỷ văn, điều tiết lũ hồ chứa.

d) Cân bằng nước, tính toán điều tiết nước hồ phục vụ đa mục tiêu.

đ) Tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi là hồ chứa, đập dâng.

e) Một số chuyên đề trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

6. Cán bộ, công nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đã tham gia khoá đào tạo về quản lý đập, hồ chứa được quyền tham gia hoặc không tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

Cán bộ đã tham gia công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi từ 7 năm trở lên, có trình độ đại học chuyên ngành thuỷ lợi có thể tham gia hoặc không cần thiết tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nêu trên.

7. Theo yêu cầu, quy mô của từng đối tượng và từng năm, Tổng cục Thuỷ lợi (đối với các lớp do Trung ương tổ chức), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các lớp do địa phương tổ chức) sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để lựa chọn nội dung đào tạo, chiêu sinh và tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa.

Điều 14. Trách nhiệm về việc tuân thủ điều kiện năng lực trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với quy mô, yêu cầu kỹ thuật quản lý vận hành và tầm quan trọng ảnh hưởng của từng công trình theo quy định của Thông tư này.

2. Ngoài việc đáp ứng các điều kiện năng lực quy định tại Thông tư này, tùy theo tính chất đặc điểm về quản lý, vận hành của từng công trình, hệ thống công trình ở địa phương, cơ quan quản lý có thể bổ sung thêm các điều kiện khác cho phù hợp thực tế.

3. Các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ vào các quy định về điều kiện năng lực tại Thông tư này (hoặc các điều kiện khác nếu có) để kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, bố trí cán bộ, công nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi phù hợp với quy mô, điều kiện của đơn vị.

4. Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả, thiệt hại do việc không đảm bảo các yêu cầu về năng lực theo quy định này gây ra.

5. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi (Tổng cục Thuỷ lợi đối với phạm vi toàn quốc; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ lợi hoặc tổ chức tương đương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi địa phương), căn cứ quy định tại Thông tư này (và các điều kiện khác nếu có) để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định năng lực đối với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm triển khai

1. Tổng cục Thuỷ lợi chủ trì tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi triển khai thực hiện các nội dung của Thông tư này.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Chi cục Thuỷ lợi, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi chủ động triển khai các nội dung thuộc địa phương, tổ chức.

3. Các tổ chức đang làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi sớm rà soát, củng cố tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực để đáp ứng các quy định về điều kiện năng lực theo Thông tư này. Đối với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu của Thông tư này, phải xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân của tổ chức, chậm nhất kể từ ngày 01/7/2014 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực theo quy định Thông tư này.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những vướng mắc để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Xuân Học

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.