• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2018
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 65/2011/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 27 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về đăng kiểm viên tàu biển

______________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm viên tàu biển như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của đăng kiểm viên tàu biển và việc công nhận đăng kiểm viên tàu biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đăng kiểm tàu biển; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên tàu biển (sau đây gọi tắt là công trình biển); các sản phẩm công nghiệp dùng cho tàu biển và công trình biển (sau đây gọi tắt là sản phẩm công nghiệp).

Điều 3. Đăng kiểm viên tàu biển

Đăng kiểm viên tàu biển là người thực hiện các hoạt động đăng kiểm tàu biển, công trình biển và sản phẩm công nghiệp.

Điều 4. Hạng đăng kiểm viên tàu biển

Đăng kiểm viên tàu biển được phân thành 02 hạng, như sau:

1. Đăng kiểm viên tàu biển.

2. Đăng kiểm viên tàu biển bậc cao.

Điều 5. Trách nhiệm của đăng kiểm viên tàu biển

Đăng kiểm viên tàu biển có trách nhiệm thực hiện các hoạt động đăng kiểm tàu biển, công trình biển (sau đây gọi tắt là phương tiện) và sản phẩm công nghiệp một cách khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đăng kiểm; mọi hành vi lạm dụng quyền hạn hoặc cố ý làm trái sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Quyền hạn của đăng kiểm viên tàu biển

1. Được yêu cầu chủ phương tiện hoặc cơ sở thiết kế, chế tạo, đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm phương tiện, sản phẩm công nghiệp cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, tạo điều kiện cần thiết tại hiện trường để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

2. Được bảo lưu và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp các ý kiến khác với quyết định của thủ trưởng đơn vị về kết luận đánh giá tình trạng kỹ thuật của đối tượng kiểm tra, giám sát.

3. Được ký và sử dụng dấu, ấn chỉ nghiệp vụ khi thiết lập hồ sơ đăng kiểm cho đối tượng được thẩm định, kiểm tra, giám sát theo quy định.

4. Được từ chối thẩm định, kiểm tra, giám sát kỹ thuật phương tiện, sản phẩm công nghiệp nếu công việc được phân công chưa được đào tạo hoặc vượt quá năng lực chuyên môn của đăng kiểm viên hoặc khi nhận thấy các điều kiện an toàn lao động tại hiện trường không bảo đảm.

Chương II

TIÊU CHUẨN, NHIỆM VỤ CÁC HẠNG ĐĂNG KIỂM VIÊN TÀU BIỂN

Điều 7. Đăng kiểm viên tàu biển

1. Yêu cầu hiểu biết:

a) Các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan đến công tác đăng kiểm phương tiện;

b) Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm liên quan đến nhiệm vụ được giao;

c) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam;

d) Chức năng, hoạt động của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Hiệp hội các tổ chức phân cấp tàu quốc tế (IACS), Hiệp hội các tổ chức phân cấp tàu Châu Á (ACS), các chính quyền hàng hải và các tổ chức công nghiệp hàng hải.

2. Yêu cầu trình độ:

a) Tốt nghiệp đại học thuộc một trong các chuyên ngành có liên quan đến đóng mới, sửa chữa, khai thác tàu biển, công trình biển và chế tạo sản phẩm công nghiệp;

b) Hoàn thành các khóa đào tạo mới, đào tạo bổ sung, cập nhật cho đăng kiểm viên tàu biển về nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện và sản phẩm công nghiệp do Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài đã ký thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức;

c) Có ngoại ngữ Anh văn trình độ B trở lên, biết tiếng Anh chuyên ngành đăng kiểm tàu biển;

d) Có trình độ tin học để sử dụng các phần mềm văn phòng và các phần mềm nghiệp vụ có liên quan;

đ) Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá đăng kiểm viên trước khi công nhận đăng kiểm viên tàu biển và đánh giá hàng năm;

e) Có thời gian đào tạo, thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu biển tối thiểu 02 năm.

3. Nhu cầu của đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác kiểm tra:

a) Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và phân cấp phương tiện trong quá trình đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và trong quá trình hoạt động theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, điều ước quốc tế và các hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan;

b) Kiểm tra chất lượng, sự phù hợp của sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên phương tiện;

c) Kiểm tra, đánh giá các cơ sở chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm phương tiện và sản phẩm công nghiệp;

d) Giám sát thi để cấp Giấy chứng nhận thợ hàn, nhân viên kiểm tra không phá hủy;

đ) Tham gia điều tra tai nạn đối với tàu biển và công trình biển;

e) Lập hồ sơ đăng kiểm cho đối tượng kiểm tra;

g) Tính phí, lệ phí kiểm tra cho đối tượng kiểm tra;

h) Tham gia, góp ý cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm;

i) Tham gia đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác kiểm tra.

4. Nhiệm vụ của đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác thẩm định thiết kế:

a) Thẩm định thiết kế trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện và chế tạo sản phẩm công nghiệp theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, điều ước quốc tế và các hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan;

b) Lập hồ sơ đăng kiểm liên quan đến việc thẩm định thiết kế;

c) Tính phí, lệ phí thẩm định thiết kế;

d) Tham gia, góp ý cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm;

đ) Tham gia đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác thẩm định thiết kế.

Điều 8. Đăng kiểm viên tàu biển bậc cao

1. Yêu cầu hiểu biết:

Ngoài những yêu cầu hiểu biết như đối với đăng kiểm viên tàu biển, đăng kiểm viên tàu biển bậc cao còn phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Nắm được chủ trương, đường lối phát triển của đơn vị, của ngành đăng kiểm và nhu cầu của xã hội;

b) Có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế để giảng dạy, đào tạo và hướng dẫn đăng kiểm viên tàu biển về văn bản quy phạm pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ;

c) Có khả năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm.

2. Yêu cầu trình độ:

a) Tốt nghiệp đại học thuộc một trong các chuyên ngành có liên quan đến đóng mới, sửa chữa, khai thác tàu biển, công trình biển và chế tạo sản phẩm công nghiệp;

b) Hoàn thành các khóa đào tạo mới, đào tạo bổ sung, cập nhật cho đăng kiểm viên tàu biển bậc cao về nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện và sản phẩm công nghiệp do Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài đã ký thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức;

c) Có ngoại ngữ Anh văn trình độ C trở lên, có khả năng làm việc độc lập với người nước ngoài về công tác đăng kiểm;

d) Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá đăng kiểm viên trước khi công nhận đăng kiểm viên tàu biển bậc cao và đánh giá hàng năm;

đ) Có tổng cộng thời gian giữ hạng đăng kiểm viên tàu biển tối thiểu 06 năm.

3. Nhiệm vụ của đăng kiểm viên tàu biển bậc cao

Ngoài những nhiệm vụ như đối với đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác kiểm tra hoặc đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác thẩm định thiết kế, đăng kiểm viên tàu biển bậc cao còn thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về công tác đăng kiểm phương tiện và sản phẩm công nghiệp;

b) Chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm;

c) Tham mưu cho thủ trưởng đơn vị về những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ khi có yêu cầu;

d) Tham gia điều tra tai nạn nghiêm trọng đối với phương tiện;

đ) Tham gia đánh giá đăng kiểm viên tàu biển, đăng kiểm viên tàu biển bậc cao khi có yêu cầu.

Chương III

CÔNG NHẬN ĐĂNG KIỂM VIÊN TÀU BIỂN

Điều 9. Thẩm quyền công nhận đăng kiểm viên tàu biển

1. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận đăng kiểm viên tàu biển, cấp Giấy chứng nhận và Thẻ đăng kiểm viên tàu biển theo quy định tại Thông tư này trên cơ sở kết quả xét duyệt, kiểm tra, đánh giá của Hội đồng công nhận đăng kiểm viên.

2. Hội đồng công nhận đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam;

b) Thư ký Hội đồng: Giám đốc Trung tâm Đào tạo thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam;

c) Các thành viên Hội đồng: Trưởng phòng của các Phòng: Quy phạm, Tàu biển, Công trình biển, Công nghiệp thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3. Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đánh giá hàng năm đối với các đăng kiểm viên tàu biển đã được công nhận và xác nhận Giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị công nhận đăng kiểm viên tàu biển

1. Đăng kiểm viên tàu biển:

a) Văn bản đề nghị công nhận đăng kiểm viên tàu biển của đơn vị đăng kiểm (bản chính);

b) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Chứng chỉ Anh văn tối thiểu trình độ B;

d) Bản lý lịch chuyên môn (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này);

đ) Bản sao chứng chỉ các khóa đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm.

2. Đăng kiểm viên tàu biển bậc cao:

a) Văn bản đề nghị công nhận đăng kiểm viên tàu biển bậc cao của đơn vị đăng kiểm (bản chính);

b) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

c) Chứng chỉ Anh văn tối thiểu trình độ C;

d) Bản lý lịch chuyên môn (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này);

đ) Bản sao chứng chỉ các khóa đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu biển bậc cao.

Điều 11. Trình tự, thủ tục công nhận đăng kiểm viên tàu biển

1. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 10 và nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện; nếu hồ sơ đầy đủ thì gửi hồ sơ cho các thành viên trong Hội đồng công nhận đăng kiểm viên.

3. Hội đồng công nhận đăng kiểm viên họp xét duyệt hồ sơ đề nghị công nhận và tổ chức sát hạch người được đề nghị công nhận bao gồm:

a) Kiểm tra năng lực chuyên môn (viết và vấn đáp);

b) Kiểm tra trình độ Anh văn (nghe, nói, đọc, viết);

c) Kiểm tra đăng kiểm viên tàu biển thực hành tại hiện trường.

4. Thời hạn giải quyết:

a) Trong phạm vi 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, Hội đồng công nhận đăng kiểm viên có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân nếu hồ sơ không đạt;

b) Trong phạm vi 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu, Hội đồng công nhận đăng kiểm viên tổ chức kiểm tra sát hạch người được đề nghị công nhận;

c) Trong phạm vi 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra sát hạch, Hội đồng công nhận đăng kiểm viên có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân nếu kết quả sát hạch không đạt hoặc trình Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ký quyết định công nhận đăng kiểm viên tàu biển, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo các Phụ lục của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên (theo mẫu quy định tại Phụ lục 2.1, Phụ lục 2.2, Phụ lục 2.3) và Thẻ đăng kiểm viên tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này cho người đạt yêu cầu trong đợt kiểm tra sát hạch trước khi công nhận.

Điều 12. Thu hồi Giấy chứng nhận và Thẻ đăng kiểm viên tàu biển

Đăng kiểm viên tàu biển bị thu hồi Giấy chứng nhận và Thẻ đăng kiểm viên tàu biển khi vi phạm một trong các khoản sau đây với mức độ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên:

1. Vi phạm các quy định hiện hành khi thực thi nhiệm vụ.

2. Có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, cố ý gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Chương IV

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký; bãi bỏ Quyết định số 1831/2001/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Tiêu chuẩn đăng kiểm viên tàu biển.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ lập kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo và tổ chức thực hiện việc đào tạo, đánh giá, công nhận đăng kiểm viên tàu biển theo quy định của Thông tư này.

2. Đối với đăng kiểm viên tàu biển đã được bổ nhiệm trước ngày Thông tư này có hiệu lực, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đánh giá, xem xét và công nhận đăng kiểm viên tàu biển phù hợp với quy định của Thông tư này. Trường hợp đăng kiểm viên được công nhận nhưng chưa đạt tiêu chuẩn thì trong thời gian 02 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, đăng kiểm viên đó phải hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung để đánh giá lại; nếu đánh giá lại vẫn không đạt tiêu chuẩn thì sẽ bị hạ hạng đăng kiểm viên hoặc thu hồi Giấy chứng nhận và Thẻ đăng kiểm viên tàu biển.

3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.