• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/06/2015
BỘ CÔNG AN
Số: 20/2015/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 14 tháng 5 năm 2015

THÔNG TƯ

Ban hành nội quy trường giáo dưỡng

______________

 

Căn cứ Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10/01/2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư ban hành Nội quy trường giáo dưỡng.

Điều 1. Nội quy trường giáo dưỡng

1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Nội quy trường giáo dưỡng”.

2. Việc thăm, gặp; nhận, gửi thư, tiền, quà; liên lạc điện thoại của học sinh trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định khác của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý trường giáo dưỡng; trường giáo dưỡng; học sinh đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng theo quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 29/6/2015 và thay thế Quyết định số 169/QĐ-BCA(V26) ngày 05/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Nội quy trường giáo dưỡng.

2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)


Đại tướng Trần Đại Quang

 

NỘI QUY

TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BCA ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Để giữ vững kỷ luật, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định Nội quy trường giáo dưỡng như sau:

Điều 1. Quy định về chấp hành hiệu lệnh, thời gian

Học sinh trường giáo dưỡng phải:

1. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng.

2. Chấp hành đúng quy định về hiệu lệnh, thời gian học tập, lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí.

3. Nhanh chóng xếp hàng theo tổ, đội khi có lệnh tập hợp; giữ trật tự và tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, chỉ dẫn của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng.

Điều 2. Quy định về giữ trật tự nội vụ, ăn, ở, sinh hoạt

Học sinh trường giáo dưỡng phải chấp hành quy định sau:

1. Quy định về điểm danh, kiểm diện.

2. Ăn đúng giờ; khi đi ăn xếp hàng theo tổ, đội, mặc quần, áo dài, đi giày hoặc dép, không gây mất trật tự; nhận đúng khẩu phần ăn, ăn đúng nơi quy định.

3. Ngủ đúng giờ, nằm đúng chỗ, không gây mất trật tự.

4. Giữ vệ sinh cá nhân; thực hiện phòng, khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng.

5. Cắt tóc ngắn nhưng không được cắt trọc đầu, không để râu, ria đối với nam, gọn gàng đối với nữ.

6. Quy định về cấm liên hoan, ăn uống, đốt lửa, đun nấu trong phòng ở, khu vực nội trú, nơi học tập, lao động, học nghề, bệnh xá, nơi sinh hoạt tập thể; viết, vẽ, treo, dán tranh, ảnh, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi trong trường giáo dưỡng.

7. Quy định về cấm xăm, trổ, đeo lên cơ thể mình hoặc người khác những vật thể kim loại hoặc chất khác, nhuộm tóc, để móng tay, móng chân dài và sơn màu móng tay, móng chân.

8. Quy định về cấm tàng trữ, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, ma tuý và các chất kích thích khác; vũ khí, chất độc, chất nổ, hóa chất, chất phóng xạ, chất dễ cháy và những đồ vật có thể gây nguy hại cho bản thân và người khác.

9. Quy định về cấm tàng trữ, sử dụng các loại máy móc, thiết bị thông tin, liên lạc, sách, báo, tài liệu, phim, băng, đĩa, thẻ nhớ điện tử, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh; móc nối đưa, phát tán thông tin, hình ảnh trái phép ra bên ngoài hoặc lên mạng internet, thông tin truyền thông.

10. Quy định về cấm truyền đạo, cúng lễ, bói toán, tuyên truyền, lôi kéo, ép buộc học sinh khác tham gia vào các hoạt động mê tín, dị đoan, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, lập hoặc tham gia các hội, nhóm, bè phái.

11. Quy định về cấm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bất cứ thứ gì, dưới bất kì hình thức nào giữa học sinh với nhau và với người khác.

12. Quy định về cấm đe dọa, ức hiếp, gây gổ, xâm phạm thân thể mình hoặc người khác; quan hệ tình dục, đồng tính luyến ái và các quan hệ không lành mạnh khác giữa học sinh với nhau hoặc với người khác.

Điều 3. Quy định về chấp hành lễ tiết, tác phong

Học sinh trường giáo dưỡng phải:

1. Dùng tiếng Việt trong giao tiếp (trừ trường hợp chưa biết tiếng Việt); gọi là “thầy” hoặc “cô” xưng “em” đối với cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng; gọi là “cụ” hoặc “ông”, “bà”, “bác”, “cô”, “chú” xưng “cháu”, “anh” hoặc “chị” xưng “em” đối với khách đến thăm, làm việc tại trường giáo dưỡng hoặc đối với người khác; gọi là “mình”, “bạn”, “em”, “anh” hoặc “chị” đối với học sinh khác.

Bỏ mũ hoặc nón, đứng nghiêm, cách xa từ 02 mét đến 03 mét và nói em chào “thầy” hoặc “cô”; cháu chào “cụ” hoặc “ông”, “bà”, “bác”, “cô”, “chú”; em chào “anh” hoặc “chị” khi gặp cán bộ, giáo viên hoặc khách đến thăm, làm việc tại trường giáo dưỡng. Lời chào phải thể hiện thái độ thân thiện, phải vâng, dạ, thưa hoặc nói lời cám ơn, xin lỗi đúng lúc. Khi nghe gọi tên mình, học sinh phải trả lời “có”.

2. Bỏ mũ hoặc nón và cầm ở tay phải, báo cáo rõ họ tên, tổ, đội khi ra, vào cổng trường giáo dưỡng. Nếu đi theo tổ, đội thì đi thành hàng đôi, bỏ mũ hoặc nón, cầm ở tay phải đối với hàng đi bên phải, cầm ở tay trái đối với hàng đi bên trái, Tổ trưởng hoặc Đội trưởng tổ, đội học sinh phải báo cáo rõ tên tổ, đội, số người trong tổ, đội của mình.

3. Phát hiện, báo cáo kịp thời, trung thực, đúng sự thật với cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng về những hành vi vi phạm pháp luật, Nội quy trường giáo dưỡng của học sinh khác.

Điều 4. Quy định về quần, áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân

Học sinh trường giáo dưỡng phải:

1. Gấp, xếp gọn gàng, ngăn nắp, phơi, để đúng nơi quy định quần, áo, chăn, màn, tấm đắp, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; không mang vào phòng ở dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt trừ tiêu chuẩn được cấp, quần, áo, chiếu, chăn, màn, tấm đắp và những đồ dùng cá nhân cần thiết khác để phục vụ cho sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí theo quy định của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng.

2. Gửi lưu ký tại trường giáo dưỡng những tài sản, giấy tờ như: Vàng, bạc, đồ trang sức, ngoại tệ, tiền Việt Nam, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, các loại thẻ thanh toán điện tử, đồng hồ, máy móc, thiết bị, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, các loại giấy tờ có giá trị khác và quần, áo, tư trang chưa sử dụng.

3. Mặc quần, áo dài chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ, cài đủ cúc khi tham gia lao động, hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ, sinh hoạt tập thể, gặp người thân, ra, vào cổng trường giáo dưỡng hoặc tiếp xúc với người ngoài.

4. Giữ quần, áo sạch sẽ và không cho mượn, sửa chữa, viết, vẽ khác kiểu quần, áo được cấp.

Điều 5. Quy định về học tập

Học sinh trường giáo dưỡng phải:

1. Thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”.

2. Tích cực, tự giác, chăm chỉ học tập. Đi học phải mặc đồng phục theo quy định của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, đi giày hoặc dép, mang theo đầy đủ sách, vở, tài liệu và dụng cụ học tập. Trong giờ học phải giữ tư thế, thái độ nghiêm túc; ra, vào lớp phải xin phép và phải được sự đồng ý của giáo viên; không để mất, nhàu nát tài liệu, sách, vở.

3. Kính trọng, lễ phép, khiêm tốn, cư xử đúng mực với thầy, cô giáo, học sinh khác. Đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau trong học tập và không cản trở việc học tập của học sinh khác.

Điều 6. Quy định về lao động, học nghề, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí

Học sinh trường giáo dưỡng phải:

1. Tích cực, tự giác, chăm chỉ tham gia lao động, học nghề và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí.

2. Chấp hành nghiêm kỷ luật, quy định, hướng dẫn của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng trong lao động, học nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí; không chống đối, chây lười, trốn tránh hoặc cản trở việc lao động, học nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí của học sinh khác; thuê hoặc bắt học sinh khác phục vụ, làm thay công việc của mình hoặc của học sinh khác dưới bất kỳ hình thức nào; tự ý di dời, cố tình làm hỏng, phá hủy máy móc, dụng cụ, vật tư, nguyên liệu, sản phẩm hoặc vật dụng khác hoặc mang máy móc, trang thiết bị lao động, học nghề ra ngoài trường giáo dưỡng hoặc đưa vào khu nội trú khi chưa có sự đồng ý của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng.

Điều 7. Quy định về bảo vệ, giữ gìn tài sản

Học sinh trường giáo dưỡng phải:

1. Bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình và của người khác; tài sản, cây xanh, vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ trong trường giáo dưỡng; kịp thời tố giác, báo cáo với cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng về hành vi xâm phạm đến những tài sản đó; không mua, bán, trao đổi, vay, mượn bất cứ thứ gì giữa các học sinh với nhau và với người khác (trừ trường hợp được sự đồng ý của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng); không đấu nối, câu, móc, sử dụng lưới điện của trường giáo dưỡng hoặc nơi khác.

2. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại về tài sản của trường giáo dưỡng hoặc của người khác./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Trần Đại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.