• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 15/01/2007
CHÍNH PHỦ
Số: 12/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 26 tháng 1 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH CỦACHÍNH PHỦ

Về việc ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ Bảo hiểm xã hội áp dụng đối với công chức, công nhân viên chức Nhà nước và mọi người lao động theo loại hình Bảo hiểm xã hội bắt buộc để thực hiện thống nhất trong cả nước.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1995. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định./.

 

ĐIỀU LỆ BẢO HIỂM XÃ HỘI

(Ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ)

 

CHƯƠNG I

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Điều lệ này cụ thể hoá những nội dung về bảo hiểm xã hội đã được quy định trong Bộ luật Lao động nhằm bảo đảm vật chất, góp phần ổn định đời sống cho những người tham gia bảo hiểm xã hội bị ốm đau, thai sản, suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động hoặc chết.

Điều 2. Điều lệ này quy định các chế độ bảo hiểm xã hội sau đây:

Chế độ trợ cấp ốm đau;

Chế độ trợ cấp thai sản;

Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Chế độ hưu trí;

Chế độ tử tuất.

Điều 3. Các đối tượng sau đây phải áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này:

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

Người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp; trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

Người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ thuộc lực lượng vũ trang;

Người giữ chức vụ dân cử, bầu cử làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Công chức, viên chức Nhà nước làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; người làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Các đối tượng trên đi học, thực tập, công tác điều dưỡng trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công thì cũng thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Các đối tượng quy định trên gọi chung là người lao động.

Điều 4. Người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Người lao động có đóng bảo hiểm xã hội được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội, có quyền được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này. Quyền hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động có thể bị đình chỉ, cắt giảm hoặc huỷ bỏ khi người lao động vi phạm pháp luật.

Điều 5. Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn thu bảo hiểm xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất và sử dụng để chi các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này và các hoạt động sự nghiệp bảo hiểm xã hội.

 

CHƯƠNG II

CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

I. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ỐM ĐAU

Điều 6. Người lao động nghỉ việc vì ốm đau, tai nạn rủi ro mà có xác nhận của tổ chức y tế do Bộ Y tế quy định được hưởng chế độ trợ cấp ốm đau.

Người lao động nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc chất ma tuý thì không được hưởng trợ cấp ốm đau.

Điều 7. Quy định về thời gian tối đa người lao động được hưởng trợ cấp ốm đau như sau:

1. Đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường:

30 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

40 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm từ 15 năm đến dưới 30 năm;

50 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm từ 30 năm trở lên;

2. Đối với người lao động làm các nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên:

40 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

50 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 30 năm;

60 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ 30 năm trở lên.

Danh mục nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

3. Người lao động bị mắc các bệnh cần điều trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế ban hành thì thời gian được hưởng trợ cấp ốm đau tối đa là 180 ngày trong 1 năm, không phân biệt thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều hay ít.

Trong trường hợp nếu hết thời hạn 180 ngày mà còn phải tiếp tục điều trị, thì thời gian này vẫn được hưởng trợ cấp ốm đau theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Điều lệ này.

Điều 8.

1. Người lao động có con thứ nhất, thứ hai (kể cả con nuôi theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình) dưới 7 tuổi bị ốm đau, có yêu cầu của tổ chức y tế phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

2. Những trường hợp con bị ốm đau mà cả bố và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ một người được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.

3. Thời gian tối đa được hưởng trợ cấp để chăm sóc con ốm đau như sau:

20 ngày trong 1 năm, đối với con dưới 3 tuổi;

15 ngày trong 1 năm, đối với con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

4. Người lao động thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá dân số như đặt vòng, nạo hút thai, thắt ống dẫn tinh... thì thời gian nghỉ việc do Bộ Y tế quy định được hưởng trợ cấp tại Khoản 1 Điều 9 Điều lệ này.

Điều 9.

1. Mức trợ cấp ốm đau, nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá dân số bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc.

2. Trong trường hợp người lao động bị mắc bệnh cần điều trị dài ngày theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Điều lệ này, nhưng sau thời hạn 180 ngày còn phải tiếp tục điều trị thêm thì thời gian điều trị thêm được hưởng trợ cấp bằng 70% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ 30 năm trở lên; bằng 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 30 năm.

II. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THAI SẢN:

Điều 10. Lao động nữ có thai, sinh con thứ nhất, thứ hai khi nghỉ việc theo quy định tại các Điều 11, 12 Điều lệ này được hưởng trợ cấp thai sản.

Điều 11. Trong thời gian có thai được nghỉ việc để đi khám thai 3 lần, mỗi lần 1 ngày.

Trong trường hợp người lao động có thai làm việc ở xa tổ chức y tế, hoặc người mang thai có bệnh lý, thai không bình thường thì được nghỉ việc 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Trong trường hợp sảy thai thì được nghỉ việc 20 ngày nếu thai dưới 3 tháng; 30 ngày nếu thai từ 3 tháng trở lên.

Điều 12.

1. Thời gian nghỉ việc trước và sau khi sinh con quy định như sau:

4 tháng đối với người làm việc trong điều kiện bình thường;

5 tháng đối với người làm các nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc theo chế độ 3 ca; làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 và 0,7;

6 tháng đối với người làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 1; người làm nghề hoặc công việc đặc biệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Nếu sinh đôi trở lên, thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày.

Trong trường hợp khi sinh con, nếu con dưới 60 ngày tuổi bị chết (kể cả trường hợp đẻ thai chết lưu) thì người mẹ được nghỉ việc 75 ngày tính từ ngày sinh; nếu con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì được nghỉ việc 15 ngày tính từ khi con chết, nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Hết thời hạn nghỉ việc sinh con theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, nếu có nhu cầu thì sản phụ có thể nghỉ thêm với điều kiện được người sử dụng lao động chấp thuận nhưng không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

4. Lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu đã nghỉ 60 ngày trở lên tính từ khi sinh con và phải có chứng nhận của thầy thuốc về việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khoẻ và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước 1 tuần lễ. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương, lao động nữ vẫn được hưởng trợ cấp thai sản đến hết thời gian nghỉ theo quy định.

Điều 13. Người lao động (không phân biệt nam hay nữ) nếu nuôi con nuôi sơ sinh theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình nghỉ việc thì được hưởng trợ cấp cho đến khi nuôi con đủ 4 tháng tuổi.

Điều 14. Mức trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ theo quy định tại các Điều 11, 12, 13 Điều lệ này, bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ. Ngoài ra khi sinh con được trợ cấp 1 lần bằng 1 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP:

Điều 15. Người lao động bị tai nạn trong các trường hợp sau đây được hưởng trợ cấp tai nạn lao động:

Bị tai nạn trong giờ làm việc, tại nơi làm việc kể cả làm việc ngoài giờ do yêu cầu của người sử dụng lao động;

Bị tai nạn ngoài nơi làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc.

Điều 16. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế và tiền lương từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người bị tai nạn lao động.

Sau khi điều trị ổn định thương tật, người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp cho người bị tai nạn lao động và được tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 17. Người tai nạn lao động được hưởng trợ cấp tuỳ thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động và được tính theo mức tiền lương tối thiểu chung do Chính phủ công bố (dưới đây gọi là mức tiền lương tối thiểu). Mức trợ cấp được quy định như sau:

1. Bị suy giảm từ 5% đến 30% khả năng lao động được trợ cấp 1 lần theo quy định dưới đây:

 

Mức suy giảm khả năng lao động

Mức trợ cấp 1 lần ³³ ³ ³

Từ 5% đến 10 %

4 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 11% đến 20%

8 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 21% đến 30%

12 tháng tiền lương tối thiểu ³

 

2. Bị suy giảm từ 31% khả năng lao động trở lên, được hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày ra viện theo quy định dưới đây:

 

Mức suy giảm khả năng lao động

Mức trợ cấp hàng tháng ³ ³

Từ 31% đến 40%

0,4 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 41% đến 50%

0,6 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 51% đến 60%

0,8 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 61% đến 70%

1,0 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 71% đến 80%

1,2 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 81% đến 90%

1,4 tháng tiền lương tối thiểu ³

Từ 91% đến 100%

1,6 tháng tiền lương tối thiểu

 

Điều 18. Người được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng, nếu nghỉ việc thì được bảo hiểm y tế do Quỹ bảo hiểm xã hội trả.

Điều 19. Người lao động bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt hai chi, tâm thần nặng, hàng tháng được phụ cấp phục vụ bằng 80% mức tiền lương tối thiểu.

Điều 20. Người lao động bị tai nạn lao động làm tổn thương các chức năng lao động của chân, tay, tai, mắt, răng, cột sống... được trang cấp phương tiện trợ giúp cho sinh hoạt phù hợp với các tổn thất chức năng theo niên hạn.

Điều 21. Người bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc hàng tháng, khi vết thương tái phát được cơ quan bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định lại mức độ suy giảm khả năng lao động do thương tật.

Điều 22. Người lao dộng chết khi bị tai nạn lao động (kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu) thì gia đình được trợ cấp 1 lần bằng 24 tháng tiền lương tối thiểu và được hưởng chế độ tử tuất quy định tại mục V Điều lệ này.

Điều 23. Người hưởng trợ cấp tai nạn lao động 1 lần hoặc hàng tháng, nếu đủ điều kiện, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại mục IV Điều lệ này.

Điều 24. Người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp theo danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp như đối với người bị tai nạn lao động quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 và 23 Điều lệ này.

IV. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ:

Điều 25. Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi nghỉ việc mà có một trong các điều kiện sau đây:

1. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

2. Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong 20 năm đó có thời gian làm việc thuộc một trong các trường hợp sau:

Đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại;

Đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên;

Đủ 10 năm công tác ở miền Nam, ở Lào trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc ở Campuchia trước ngày 31 tháng 8 năm 1989.

Điều 26. Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn chế độ hưu trí quy định tại Điều 25 Điều lệ này khi có một trong các điều kiện sau đây:

1. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm đến dưới 20 năm.

2. Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

3. Người lao động có ít nhất 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt độc hại đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (không phụ thuộc vào tuổi đời).

Danh mục nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt độc hại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Điều 27. Người lao động hưởng chế độ hưu trí hàng tháng được hưởng quyền lợi sau đây:

1. Lương hưu hàng tháng tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tính thêm 2% Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

b) Đối với người lao động hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn theo quy định tại Điều 26 thì cách tính lương hưu như quy định tại điểm a Điều này, nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 Điều lệ này thì giảm đi 2% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Mức lương hưu thấp nhất cũng bằng mức tiền lương tối thiểu.

2. Ngoài lương hưu hàng tháng, đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm khi nghỉ hưu được trợ cấp một lần theo cách tính như sau: từ năm thứ 31 trở lên mỗi năm (12 tháng) đóng bảo hiểm xã hội được nhận bằng một nửa tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng tối đa không quá 5 tháng.

3. Người lao động hưởng lương hưu hàng tháng, được bảo hiểm y tế do quy bảo hiểm xã hội trả.

4. Người lao động hưởng lương hưu hàng tháng khi chết, gia đình được hưởng chế độ tử tuất quy định tại mục V Điều lệ này.

Điều 28. Người lao động nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại các điều 25, 26 Điều lệ này thì được hưởng trợ cấp 1 lần cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 1 tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hoặc có thể chờ đến khi đủ tuổi đời thì được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.

Điều 29. Cách tính mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu hàng tháng, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu quy định tại Điều 27 và trợ cấp 1 lần quy định tại Điều 28 Điều lệ này như sau:

1. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo các mức tiền lương tháng trong các hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân gia quyền các mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

2. Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương trong các hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không theo các mức lương trong các hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân gia quyền các mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Điều 30. Người lao động đang hưởng lương hưu mà ở lại nước ngoài hợp pháp thì uỷ nhiệm cho thân nhân ở trong nước nhận lương hưu hàng tháng, (giấy uỷ nhiệm có giá trị trong 6 tháng và phải có xác nhận của Sứ quán nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước mà người đó cư trú).

V. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 31. Người lao động đang làm việc; người lao động nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí; người lao động đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng khi chết thì người lo mai táng được nhận tiền mai táng bằng 8 tháng tiền lương tối thiểu.

Điều 32. Người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên; người lao động nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng; người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp bị chết thì những thân nhân do họ trực tiếp nuôi dưỡng sau đây được hưởng tiền tuất hàng tháng:

1. Con chưa đủ 15 tuổi (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú được pháp luật công nhận, con đẻ mà khi người chồng chết người vợ đang mang thai). Nếu con còn đi học thì được hưởng tiền tuất hàng tháng đến khi đủ 18 tuổi.

2. Bố, mẹ (cả bên vợ và bên chồng); vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp đã hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi trở lên, nữ đủ 55 tuổi trở lên).

Điều 33.

1. Mức tiền tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân quy định tại khoản 1, 2 Điều 32 Điều lệ này bằng 40% mức tiền lương tối thiểu. Trong trường hợp thân nhân không có nguồn thu nhập nào khác và không còn người thân trực tiếp nuôi dưỡng thì mức tiền tuất hàng tháng bằng 70% mức tiền lương tối thiểu.

2. Số thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng không quá 4 người và được hưởng kể từ ngày người lao động chết. Trường hợp đặc biệt do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết.

Điều 34. Người lao động đang làm việc; người lao động nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí; người lao động đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp chết mà không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hàng tháng thì gia đình được nhận tiền tuất 1 lần.

Điều 35.

1. Mức tiền tuất 1 lần đối với gia đình người lao động đang làm việc hoặc người lao động nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí chết, tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1/2 tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 29 Điều lệ này nhưng tối đa không quá 12 tháng.

2. Mức tiền tuất 1 lần đối với gia đình người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động , bệnh nghề nghiệp hàng tháng chết thì tính theo thời gian đã hưởng lương hưu hoặc trợ cấp, nếu chết trong năm thứ nhất tình tính bằng 12 tháng lương hưu hoặc trợ cấp đang hưởng, nếu chết từ năm thứ 2 trở đi thì mỗi năm giảm đi 1 tháng, nhưng tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hoặc trợ cấp.

 

CHƯƠNG III

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI, MỨC ĐÓNG

VÀ TRÁCH NHIỆM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 36. Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn sau đây:

1. Người sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm xã hội trong đơn vị; trong đó 10% để chi các chế độ hưu trí, tử tuất và 5% để chi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Người lao động đóng bằng 5% tiền lương tháng để chi các chế độ hưu trí và tử tuất.

3. Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm để bảo đảm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

4. Các nguồn các.

Điều 37. Hàng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 36 và trích từ tiền lương của từng người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Điều lệ này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội gồm lương theo ngạch bậc, chức vụ, hợp đồng và các khoản phụ cấp khu vực đắt đỏ, chức vụ, thâm niên, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Điều 38. Hàng tháng, Bộ Tài chính trích từ ngân sách Nhà nước số tiền chuyển vào quỹ bảo hiểm xã hội đủ chi các chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, bảo hiểm y tế của những người đang hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày thi hành Điều lệ này và hỗ trợ để chi lương hưu cho người lao động thuộc khu vực Nhà nước về hưu kể từ ngày thi hành Điều lệ này.

Điều 39. Việc tổ chức thu bảo hiểm xã hội do tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.

Điều 40. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ.

Quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện các biện pháp để bảo tồn giá trị và tăng trưởng theo quy định của Chính phủ.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 41. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội: xây dựng và trình ban hành pháp luật về bảo hiểm xã hội; ban hành các văn bản pháp quy về bảo hiểm xã hội thuộc thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo hiểm xã hội.

Điều 42. Chính phủ thành lập hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội thống nhất để quản lý quỹ và thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đối với người lao động.

 

CHƯƠNG V

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 43.

1. Người lao động có quyền:

Được nhận Sổ bảo hiểm xã hội;

Được nhận lương hưu hoặc trợ cấp kịp thời, đầy đủ, thuận tiện khi có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều lệ này;

Khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người sử dụng lao động hoặc tổ chức bảo hiểm xã hội có hành vi vi phạm Điều lệ bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động có trách nhiệm:

Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định;

Thực hiện đúng các quy định về việc lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

Bảo hiểm, sử dụng Sổ bảo hiểm xã hội và hồ sơ về bảo hiểm xã hội đúng quy định.

Điều 44.

1. Người sử dụng lao động có quyền:

Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng với quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội.

Khiếu nại với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi cơ quan bảo hiểm xã hội có hành vi vi phạm Điều lệ bảo hiểm xã hội.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

Đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định;

Trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định;

Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm xã hội của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 45.

1. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền:

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định để quản lý việc thu, chi bảo hiểm xã hội và để xác nhận đối tượng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này;

Tổ chức phương thức quản lý quỹ bảo hiểm xã hội để bảo đảm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội có hiệu quả;

Tuyên truyền, vận động để mọi người tham gia thực hiện bảo hiểm xã hội;

Từ chối việc chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi man trá làm giả hồ sơ tài liệu.

2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:

Tổ chức thu, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội đúng quy định;

Thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đúng quy định tại Điều lệ này;

Tổ chức việc trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội kịp thời, đầy đủ, thuận tiện;

Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về bảo hiểm xã hội;

Thông báo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động và người lao động.

 

CHƯƠNG VI

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 46.

1. Khi xẩy ra tranh chấp giữa người lao động hoặc người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội thì giải quyết theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội.

2. Khi xẩy ra tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội thì giải quyết theo các quy định tại Chương XIV của Bộ luật Lao động.

Điều 47. Quyền hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động bị đình chỉ trong thời gian bị tù giam. Sau thời gian bị tù giam người lao động được tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp toà án có kết luận bị oan thì người lao động được truy lĩnh tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian bị đình chỉ.

Điều 48. Quyền hưởng bảo hiểm xã hội có thể bị cắt giảm hoặc bị huỷ bỏ khi giả mạo hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài không hợp pháp.

Ngoài việc bị cắt giảm hoặc huỷ bỏ quyền hưởng bảo hiểm xã hội thì người giả mạo hồ sơ còn phải bồi hoàn toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội đã hưởng và tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 49. Người sử dụng lao động vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo, phạt tiền hoặc các hình thức xử phạt khác được quy định tại Điều 192 của Bộ luật Lao động.

Điều 50. Công chức, viên chức thuộc cơ quan bảo hiểm xã hội vi phạm về bảo hiểm xã hội thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 51. Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1995. Những quy định trước đây về bảo hiểm xã hội trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 52. Những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc tiền tuất hàng tháng trước ngày thi hành Điều lệ này thì vẫn hưởng các chế độ theo quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ. Mọi chi phí về bảo hiểm xã hội cho những người nay do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Điều 53. Những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên trước ngày thi hành Điều lệ này khi chết được áp dụng chế độ tử tuất quy định tại mục V Điều lệ này.

Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 206/CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 của Chính phủ, khi chết gia đình được nhận tiền mai táng theo quy định tại Điều 31 Điều lệ này.

Điều 54.

1. Người lao động đã có thời gian làm việc thuộc khu vực Nhà nước trước ngày thi hành Điều lệ này, nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp 1 lần về bảo hiểm xã hội, thì được tính là thời gian để hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động làm việc ngoài khu vực Nhà nước đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước trước ngày thi hành Điều lệ này nếu chưa hưởng trợ cấp 1 lần về bảo hiểm xã hội thì được tính là thời gian để hưởng bảo hiểm xã hội./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.