Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020

________________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ xây dựng tại Công văn số 1047/UB.TP-BXD ngày 23/03/1998,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 nhằm xác định vị trí, vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với vùng trọng điểm phiá Nam, với cả nước và quốc tế; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết hợp tốt giữa xây dựng, phát triển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữa cải tạo với xây dựng mới, để khắc phục những bất hợp lý trong cấu trúc của thành phố do lịch sử để lại, nhằm xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị hiện đại, vừa có bản sắc dân tộc, là một trung tâm kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của cả nước, có vị trí chính trị quan trọng của nước ta ở phía Nam, với các nước trong khu vực và quốc tế.

2. Phạm vi điều chỉnh lập Quy hoạch và định hướng phát triển không gian:

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu có bán kính ảnh hưởng từ 30 – 50 Km.

- Hướng phát triển của thành phố chủ yếu về phía Đông Bắc, gắn với Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai); bổ sung thêm hướng phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển, gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Hiệp Phước, Cần Giờ, đô thị mới Nhơn Trạch – Long Thành và hướng phụ khác về phía Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 và trục xuyên Á nối với Tây Ninh, Campuchia.

- Trung tâm thành phố được mở rộng qua Thủ Thiêm nhằm khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

3. Quy mô dân số:

Đến năm 2020 và lâu dài, quy mô dân số thành phố khoảng 10 triệu người, trong đó khu vực nội thành khống chế khoảng 6 triệu người.

4. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:

a) Về chỉ tiêu sử dụng đất:

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân 100 m2/người, trong đó đất giao thông là 20 – 22 m2/ người, đất cây xanh là 10 – 15 m2/người và xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng là 5 m2/người.

b) Về phân khu chức năng:

- Các khu dân cư bao gồm khu nội thành cũ (12 quận), khu nội thành phát triển (5 quận mới) khống chế khoảng 6 triệu người và khu vực ngoại thành bao gồm các thị trấn, thị tứ, các đo thị mới và dân cư nông thôn với số dân từ 3 đến 4 triệu người;

- Các khu công nghiệp hiện có được cải tạo, nâng cấp và sắp xếp lại cho phù hợp với Quy hoạch xây dựng thành phố, đồng thời phát triển mới một số khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và khu công nghệ cao để sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, Tại các khu dân cư có thể bố trí các xí nghiệp công nghiệp có quy mô nhỏ, sạch, kỹ thuật cao;

Diện tích đất dành cho xây dựng các khu công nghiệp tâp trung khoảng 6.000 ha.

- Hệ thống các trung tâm dịch vụ của thành phố được tổ chức theo hướng đa tâm, gồm trung tâm hành chính, lịch sử, văn hóa, thương mại, ngân hàng tại các quận 1, 3, 5 (chợ lớn), 10, Bình Thạnh (Gia Định) và được mở rộng về phía quận 2 (Thủ Thiêm) với diện tích khoảng 1.700 ha; các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng khác được bố trí tại khu A – Nam Sài Gòn (quận 7), dọc đường Hà Nội (quận 9), ngã tư An Sương (quận 12 và Hóc Môn) gắn với quốc lộ 22 và Tân Kiên (huyện Bình Chánh) gắn với quốc lộ 1A, với diện tích đất mỗi khu khoảng 200 ha.

Hỗ trợ cho các trung tâm dịch vụ của thành phố là trung tâm các quận và bố trí gắn với các khu dân cư.

- Các trung tâm chuyên ngành gồm:

+ Các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, văn hóa, cây xanh, thể dục thể thao,... hiện có được cải tạo, nâng cấp phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu sử dụng theo quy hoạch thành phố;

+ Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bố trí tại quận Thủ Đức khoảng 800 ha, trong đó 600 ha thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương và một số khu đại học, đào tạo nghề và cơ sở nghiên cứu khoa học quy mô nhỏ, bố trí ở khu Nam Sài Gòn (quận 7), quận 9, quận 12, huyện Hóc Môn và tại nội thành cũ, với diện tích dự kiến khoảng 300 ha;

+ Các cơ quan quản lý nhà nước được bố trí gắn với các trung tâm thành phố, quận, phường, Trụ sở của các công ty, các tổ chức và các cơ quan đại diện nước ngoài bố trí trên các trục phố chính;

+ Các bệnh viện đa khoa hiện đại và các bệnh viện chuyên khoa bố trí tại các quận ven, các quận mới và huyện ngoại thành;

+ Khu lịch sử - văn hóa – dân tộc, sân golf Thủ Đức, Thảo Cầm Viên – Sở thú bố trí tại phía Bắc quận 9; trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bố trí gắn với các sông rạch hồ nước, không gian xanh ở các địa bàn quận 9, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn;

+ Trung tâm liên hợp thể dục thể thao quốc gia và của thành phố có quy mô 460 ha bố trí tại khu Rạch Chiếc (quận 2);

Các trung tâm thể dục thể thao khác được bố trí đồng đều tại các quận, huyện;

+ Bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa, cây xanh và mặt nước thoáng hiện có; xây dựng các hồ lớn tại các địa bàn huyện Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức, quận 12... và các đô thị mới ngoại thành để điều tiết thoát nước kết hợp việc cân bằng đào đắp tại chỗ nền đất xây dựng, tăng thêm mặt thoáng – cây xanh, gắn với việc xây dựng một số khu nghỉ ngơi giải trí dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai và các kênh rạch; phát triển cây xanh công công đô thị, đảm bảo bình quân khu nội thành cũ 4m2/người, khu nội thành mới và các đô thị ngoại thành 17 m2/người.

Hình thành vành đai xanh bảo vệ môi trường giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị giới hạn từ vành đai 3 (Bến Lức, Đức Hòa (Long An), huyện lỵ Củ Chi, Thủ Dầu Một, Biên Hòa), sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp và Sông Đồng Nai;

Bảo tồn khu rừng sinh thái ngập mặn khoảng 33.000 ha ở huyện Cần Giờ, các khu rừng lịch sử, rừng phòng hộ khác ở huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh kết hợp với các mảng xanh tập trung dọc các trục giao thông lớn hướng vào trung tâm và hành lang ven sông Nhà Bè, Lòng Tàu... bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị;

+ Các cơ sở an ninh, quốc phòng hiện có và được xây dựng mới sẽ được quy hoạch, sắp xếp bố trí hợp lý theo quy hoạch.

c) Về kiến trúc và cảnh quan đô thị;

- Việc cải tạo các khu vực nội thành cũ phải bảo đảm giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, di chuyển nhà ở trên và ven kênh rạch để bố trí nơi ở mới cho nhân dân có điều kiện cải thiện nơi ở, tăng thêm diện tích cây xanh, các công trình phục vụ công cộng; sắp xếp tại chỗ, cho chuyển nhượng cơ sở sản xuất ở nội thành hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để tạo vốn; di dời ra ngoại thành những cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm, từng bước cải thiện môi sinh và bảo vệ môi trường đô thị;

- Các khu phát triển mới phải được xây dựng theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững; chú trọng phát triển hệ thống cây xanh, công viên, mặt nước; tổ chức các khu đô thị mới theo hướng có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tăng tỷ lệ trung bình tầng cao, triệt để khai thác không ngầm và trên không, mật độ xây dựng thấp, ưu tiên đất cho không gian thông thoáng; xây dựng các khu sản xuất, các trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo và nghiên cứu khoa học, các khu nghỉ ngơi giải trí, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

5. Về Quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

a) Về giao thông vận tải:

+ Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải phải ưu tiên phát triển đồng bộ với các công trình kỹ thuật hạ tầng khác nhằm phục vụ một cách hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố;

+ Mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải bao gồm cả hệ thống giao thông động và hệ thống giao thông tĩnh phải sử dụng bình quân đạt 25% quỹ đất đô thị;

+ Việc phát triển giao thông vận tải của thành phố phải lấy phát triển vận tải hành khách công cộng làm khâu trung tâm, đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2010 là 30% và năm 2020 là 50% lượng hành khách.

- Về đường bộ:

+ Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vành đai, các trục giao thông hướng ngoại của thành phố, kết hợp với các công trình đầu mối, các nút giao thông và các bến xe liên tỉnh ở các vùng ven đô gồm đường vành đai ngoài (xa lộ vành đai), trục đường cao tốc dự kiến xây dựng từ Thủ Thiêm nối sang quốc lộ 51 (Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu), đường Hà Nội, quốc lộ 1A cũ và quốc lộ 1A mới đi Biên Hòa và các tỉnh miền Tây, quốc lộ 13, 22 đi Bình Dương và Tây Ninh, tỉnh lộ 12, 15, 16 gắn kết nội, ngoại ô thành phố với các tỉnh xung quanh, tỉnh lộ 10, 50 đi Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An), đường Vĩnh Phước nối xuống khu công nghiệp Hiệp Phước và đi Cần Giờ, gắn với các đường vành đai, đường trục ngoài thành phố;

+ Xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp các trục đường giao thông chính đô thị hiện có kể cả cầu, kết hợp mở rộng, xây dựng mới các nút giao thông quan trọng và hệ thống tín hiệu, nối mạng từ các nút về trung tâm điều kiển giao thông của toàn thành phố; bố trí đều khắp hệ thống các bãi đỗ xe, các điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của mạng lưới xe buýt, đảm bảo cự ly trung bình từ các khu chức năng đến các điểm đỗ trên các tuyến vận tải công cộng khoảng từ 500 – 600 m;

+ Xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại hệ thống đường tại các khu phát triển mới kết hợp đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác;

+ Cải tạo, nâng cấp, mở rộng: Cầu Sài Gòn, cầu Đồng Nai (cầu Đồng Nai nhỏ và cầu Đồng Nai lớn); cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu, Cầu Binh Phước, cầu Phú Long (nối quận 12 sang Lái Thiêu); cầu Phú Cường (nối Củ Chi sang Thủ Dầu Một) và một số cầu khác;

Xây dựng mới một số cầu qua sông Sài Gòn; Tại Phú Mỹ nối đường Bình Thuận qua Cát Lái (quận 2) để khép kín với vành đai ngoài (xa lộ vành đai); tại Thủ Thiêm (cầu và hầm, cầu xây dựng trước) nối trung tâm mới Thủ Thiêm; tại An Phú (quận 2) nối qua Thanh Đa (quận Bình Thạnh); tại Thanh Đa nối qua quận Thủ Đức; cầu Bình Lợi mới để khép kín vành đai trong, cầu An Phú Đông nối quận 12 sang Thủ Đức; qua sông Đồng Nai; tại quận 9 nối đường cao tốc sang Long Thành và đường vành đai ngoài nối sang Nhơn Trạch; trên sông Soài Rạp; tại Long Thới (Nhà Bè) nối đường cao tốc phía Nam đi Cần Giờ và qua sông Lòng Tàu đi Nhơn Trạch (Đồng Nai) và một số cầu trên một số sông, rạch khác...

- Về đường sắt:

+ Xây dựng hệ thống đường sắt của thành phố gắn với mạng lưới đường sắt quốc gia đi các hướng Lộc Ninh, miền Tây, miền Trung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

+ Chuẩn bị đầu tư và xây dựng hệ thống giao thông đường sắt đô thị theo giải pháp đi ngầm (tầu điện ngầm), trên cao hoặc trên mặt đất, nhưng phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, an toàn giao thông, tính khả thi về tài chính, kết hợp với an ninh quốc phòng;

+ Xây dựng ga lập tàu chính ở An Bình (Bình Dương), một số ga hành khách trung tâm ở Bình Triệu (Thủ Đức), ở Tân Kiên (Bình Chánh) và Thủ Thiêm (quận 2)... Ga Hòa Hưng sẽ chuyển thành ga đường sắt nội đô.

- Về đường thủy:

+ Hạn chế việc mở rộng, phát triển cảng trong nội thành cũ như cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận, Tân Cảng, Ba Son;

+ Quy hoạch để xây dựng mới các cảng biển Hiệp Phứơc và Cần Giờ để đáp nhu cầu vận tải biển, sông cho thành phố và khu vực, từng bước cải tạo các cảng ở nội thành phục vụ cho du lịch trên sông;

Tổng công suất các cụm cảng thành phố có thể tiếp nhận được 60 – 70 triệu tấn/năm;

+ Tăng cường khai thác tuyến đường thủy các sông Soài Rạp, Cây Khô, Cần Giuộc; xây dựng mới các cảng sông ở Phú Định, Cây Khô, Tân Túc, Cần Giuộc với công suất trên 10 triệu tấn/năm; duy trì một số cảng sông nhỏ ở sông Đồng Nai, Nhà Bè... trong giai đoạn đến năm 2005 – 2010; từng bước di chuyển cảng Bình Đông và hệ thống bến bãi dọc cảng về nơi xây dựng cảng mới; cải tạo và phục hồi các tuyến kênh vành đai, vừa kết hợp vận tải công cộng vừa giải quyết thoát nước cho thành phố;

+ Xây dựng cảng phục vụ quốc phòng ở phía Nam thành phố.

- Về hàng không;

+ Hoàn thiện, nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất từ 10 đến 12 triệu hành khách/năm.

+ Bố trí xây dựng mới sân bay quốc tế tại Long Thành (Đồng Nai) đạt công suất 20 đến 30 triệu hành khách/năm.

b) Về chuẩn bị kỹ thuật môi trường đất đai:

- Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, trong đó tại khu vực nội thành cũ vẫn sử dụng hệ thống cống chung thoát nước mưa, nước bẩn; tại khu xây dựng mới sử dụng hệ thống cống kín thoát nước mưa, nước bẩn riêng, kết hợp sử dụng hệ thống thoát nước hở gồm các sông, kênh rạch, hồ chứa nước hiện có;

- Cải tạo, xây dựng mới hệ thống hồ điều hòa, kết hợp với việc tạo cảnh quan và cân bằng đào đắp cục bộ nền xây dựng đô thị và các khu công nghiệp;

- Xây dựng các đường ven sông, rạch tại các khu vực nội thành, kết hợp với việc xây kè và bó vỉa, trồng cây xanh.

c) Về cấp nước:

- Nhu cầu cấp nước đến năm 2010 là: từ 2.800.000 m3/ngày đêm và đến năm 2020 là: 3.635.000 m3/ngày đêm;

- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2010 khoảng 150 đến 180 lít/người/ngày với 90 đến 95% số dân đô thị được cấp nước và đến năm 2020 là 180 đến 200 lít/người/ngày với 95 đến 100% số dân đô thị được cấp nước sạch;

- Khai thác hợp lý các nguồn nước mặt ở sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông Củ Chi, kết hợp với việc khai thác nước dưới đất tại khu vực Hóc Môn và vùng Bình Hưng (Bình Chánh) ở mức độ hạn chế;

- Quy hoạch cải tạo hệ thống cũ và xây dựng hệ thống mới nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường ống phân phối nước tại khu vực nội thành cũ, nội thành phát triển.

d) Về cấp điện:

- Nguồn cung cấp điện cho thành phố được cân đối trong lưới điện quốc gia;

- Cải tạo và xây dựng các tuyến 500 KV, 220 KV, 110 KV, 22 KV và các trạm biến áp đảm bảo hiện đại, mỹ quan và an toàn trong sử dụng;

- Cải tạo nâng cấp trạm 500 KV Phú Lâm, xây dựng thêm các trạm 500 KV ở Nhà Bè, Cát Lái (quận 2) và Bình Chiểu (quận Thủ Đức);

- Phù hợp với tổng sơ đồ phát triển điện trong các giai đoạn.

e) Thoát nước bẩn và vệ sinh đô thị:

- Cải thiện từng bước việc ô nhiễm trên các kênh rạch bằng các giải pháp xử lý cục bộ các chất thải; cải tạo và nâng cao năng lực thoát nước các kênh rạch để tự làm sạch;

- Tăng cường giải pháp xử lý cục bộ nước thải ở cả 2 khu vực nội thành cũ và nội thành mới; tại khu vực nội thành cũ xây dựng hệ thống công trình cơ bản, các tuyến cống bao để tách đại bộ phận nước thải đến nơi xử lý; tại khu vực nội thành mới xây dựng hệ thống riêng thoát nước bẩn.

- Trong tương lai, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung lớn ở các hướng Nhà Bè, Vĩnh Lộc, Cần Giuộc, Cát Lái và ở những điểm thích hợp khác;

- Cải tạo và xây dựng các bãi chôn rác Đông Thạnh, Gò Cát và khu xử lý rác Đa Phước, Vĩnh Lộc, đảm bảo đến năm 2020, 100% rác thải của thành phố được thu gom và xử lý theo công nghệ hiện đai;

- Tiếp tục sử dụng các nghĩa địa hiện có, không mở rộng nghĩa địa Bình Hưng Hòa và các nghĩa địa ở quận mới; xây dựng mới 2 nghĩa địa ở Đa Phước (Bình Chánh) và Nhơn Đức (Nhà Bè);

- Cải tạo và xây dựng mới 2 nhà hoả táng với khoảng 30 – 40 lò thiêu tại Bình Hưng Hòa và một số địa điểm thích hợp.

Điều 2: Ủy ban hành chính thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020:

1. Phê chuẩn hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2020 sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng;

2. Tổ chức công bố điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2020 để nhân dân biết, kiểm tra và thực hiện;

3. Lập kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện Quy hoạch cải tạo, xây dựng thành phố.

Điều 3:

1. Thành lập Ban chỉ đạo Quy hoạch và xây dựng thành phố Hồ Chí Minh do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm phó Trưởng ban và các Ủy viên là lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa – Thông tin, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ban tổ chức – Cán bộ Chính phủ, Tổng cục Địa chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ban Chỉ đạo phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch được duyệt.

2. Ban Chỉ đạo Quy hoạch và xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có bộ máy giúp việc tại Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và hoạt động Quy chế do Trưởng ban quyết định.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải