THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn xếp lương đối với viên chức quản lý và viên chức lãnh đạo doanh nghiệp
được thành lập theo Quyết định số 90/TTg ngày 07/3/1993
_________________________
Thi hành Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ về việc bổ sung hệ số mức lương chức vụ quản lý và phụ cấp chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp, sau khi trao đổi ý kiến với một số Bộ liên quan, Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn xếp lương đối với viên chức quản lý doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định số 90/TTg ngày 07/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng là các viên chức quản lý và viên chức lãnh đạo Tổng công ty được đăng ký và thành lập theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 90/TTg ngày 07/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước (gọi tắt là Tổng công ty 90/TTg), không đủ điều kiện xếp doanh nghiệp hạng đặc biệt theo Nghị định số 185/TTg ngày 28/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5 Quyết định số 90/TTg của Thủ tướng Chính phủ nói trên được quy định cụ thể như sau:
a) Tổng Công ty là doanh nghiệp Nhà nước có ít nhất 5 đơn vị thành viên quan hệ với nhau về công nghệ, tài chính, chương trình đầu tư, phát triển, dịch vụ về: cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ, thông tin, đào tạo.
b) Toàn Tổng Công ty có vốn pháp định 500 tỷ đồng, đối với một số Tổng Công ty trong những ngành đặc thù thì vốn pháp định có thể thấp hơn nhưng không thể thấp hơn 100 tỷ đồng.
c) Tổng Công ty thực hiện hạch toán kinh tế theo 1 trong 2 hình thức sau:
- Hạch toán toàn Tổng Công ty, các đơn vị thành viên hạch toán báo sổ;
- Hạch toán tổng hợp có phân cấp cho các đơn vị thành viên.
d) Có luận chứng kinh tế - kỹ thuật về việc thành lập Tổng Công ty và đề án kinh doanh của Tổng Công ty và văn bản giám định các luận chứng đó.
e) Có phương án bố trí cán bộ lãnh đạo và quản lý đúng tiêu chuẩn, đủ năng lực điều hành toàn bộ hoạt động của Tổng Công ty.
g) Có điều lệ tổ chức và hoạt động đã được cơ quan chủ quản phê duyệt và được tuân thủ trong thực tế.
II. CHUYỂN XẾP LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP CHỨC VỤ ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC QUẢN LÝ VÀ VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO CỦA TỔNG CÔNG TY 90/TTG:
Tổng công ty 90/TTg đủ điều kiện và được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xếp lương theo Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ thì việc chuyển xếp lương thực hiện đối với viên chức quản lý và lãnh đạo Tổng Công ty như sau:
1/ Nguyên tắc chung:
- Viên chức quản lý giữ chức vụ Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng được xếp lương chức vụ tương ứng với chức danh theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ.
- Viên chức lãnh đạo giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng hoặc tương đương được xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ thừa hành, phục vụ trong doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định tại Điều 1 Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ.
- Khi thôi giữ chức vụ thì không hưởng lương hoặc phụ cấp chức vụ của Tổng công ty 90/TTg và làm công việc gì, giữ chức vụ gì thì hưởng lương và phụ cấp chức vụ theo công việc đó, chức vụ đó; không bảo lưu mức lương hoặc phụ cấp lương theo Tổng công ty 90/TTg để làm cơ sở chuyển xếp sang mức lương khác tương đương.
2/ Chuyển xếp lương đối với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng:
a) Nếu hệ số mức lương chức vụ hoặc tổng hệ số mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) hiện hưởng thấp hơn hệ số mức lương bậc 1 thì được xếp vào mức lương bậc 1 và thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ ngày có quyết định xếp hệ số lương bậc mới. Trường hợp, tổng hệ số lương (gồm hệ số mức lương cộng phụ cấp chức vụ và hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu có) hiện hưởng thấp hơn hệ số mức lương bậc 1, nhưng khoản thấp hơn đó không bằng 70% khoản chênh lệch giữa hệ số lương bậc 1 và bậc 2 thì thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp hệ số mức lương cũ.
Ví dụ 1: Đồng chí A được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc hiện xếp hệ số mức lương 4,86 từ tháng 7/1994 (bậc 2/4 ngạch chuyên viên cao cấp trong doanh nghiệp) và có phụ cấp chức vụ là 0,5; tổng hệ số lương hiện hưởng là 5,36 (4,86 + 0,5) thì được chuyển xếp lương vào bậc 1 ứng với chức danh Phó tổng giám đốc là 5,72. Thời gian để xét nâng bậc lương tính từ ngày có quyết định xếp lương bậc 1, hệ số mức lương 5,72.
Ví dụ 2: Đồng chí B, nguyên Giám đốc doanh nghiệp hạng I xếp lương bậc 2/2, hệ số lương 6,03 và hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,24 từ tháng 6/1995; tổng hệ số lương hiện hưởng 6,27. Khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty 90/TTg thì được chuyển xếp lương vào bậc 1, hệ số lương là 6,34. Thời gian để xét nâng bậc lương lần sau tính từ tháng 6/1995, vì:
(6,34 - 6,27)
|
|
|
|
|
|
x
|
100
|
=
|
18,42% < 70%
|
(6,72 - 6,34)
|
|
|
|
|
b) Nếu hệ số mức lương chức vụ hoặc tổng hệ số mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) hiện hưởng bằng hệ số mức lương bậc 1 thì chuyển xếp lương vào bậc 1 và thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi có quyết định xếp bậc lương cũ.
Ví dụ 3: Đồng chí C, nguyên Giám đốc doanh nghiệp hạng I, xếp lương bậc 1/2, hệ số mức lương là 5,72 từ tháng 5/1995. Nay được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty 90/TTg thì xếp lương vào bậc 1 của Phó tổng giám đốc, hệ số mức lương là 5,72. Thời gian để xét nâng bậc lương lần sau tính từ tháng 5/1995.
c) Nếu hệ số mức lương chức vụ hoặc tổng hệ số mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) hiện hưởng cao hơn hệ số mức lương bậc 1 nhưng thấp hơn hệ số mức lương bậc 2 thì xếp vào bậc 1 và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ khi có quyết định xếp bậc lương cũ. Khi được nâng lương lên bậc 2 thì thôi không hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu.
Ví dụ 4: Đồng chí D, Phó giáo sư ở một trường Đại học, tháng 1/1994 xếp hệ số mức lương 5,31 (bậc 8/9 ngạch Phó giáo sư và giảng viên chính) và có phụ cấp chức vụ 0,5; tổng hệ số lương hiện hưởng là 5,81 (5,31 + 0,5), được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc, thì được chuyển xếp lương bậc 1, chức danh Phó tổng giám đốc hệ số mức lương là 5,72 và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,09 (vì tổng hệ số lương hiện hưởng là 5,81 cao hơn hệ số lương bậc 1 Phó tổng giám đốc 5,72 nhưng thấp hơn hệ số lương bậc 2 Phó tổng giám đốc: 6,03). Thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ tháng 1/1994.
d) Nếu hệ số mức lương chức vụ hoặc tổng hệ số mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) hiện hưởng bằng hệ số mức lương bậc 2 thì chuyển xếp lương vào bậc 2. Trường hợp tổng hệ số lương hiện hưởng cao hơn hệ số mức lương bậc 2 thì xếp vào hệ số mức lương bậc 2 và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu. Ví dụ 5: Đồng chí H, Phó giáo sư, Hiệu trưởng trường Đại học hiện xếp hệ số mức lương 5,85 (bậc 4/7 ngạch chuyên viên cao cấp thuộc bảng lương hành chính - 01) và có phụ cấp chức vụ là 0,9; tổng hệ số lương hiện hưởng là 6,75 (5,85 + 0,9) được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc thì được chuyển xếp lương bậc 2 chức danh Tổng giám đốc, hệ số mức lương là 6,72.
Ví dụ 6: Đồng chí K là Vụ trưởng hiện xếp hệ số mức lương 6,26 (bậc 5/7 ngạch chuyên viên cao cấp thuộc bảng lương hành chính - 01) và có phụ cấp chức vụ là 0,8; tổng hệ số lương hiện hưởng là 7,06 (6, 26 + 0,8) được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc thì được chuyển xếp lương vào bậc 2 chức danh Tổng giám đốc, hệ số mức lương là 6,72 và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,34 (7,06 - 6,72).
e) Trường hợp, doanh nghiệp xếp hạng I được đăng ký lại và thành lập Tổng công ty 90/TTg thì việc xếp lương đối với viên chức quản lý Tổng công ty như sau:
- Đối với Giám đốc doanh nghiệp hạng I được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty thì chuyển xếp lương vào bậc I có hệ số 6,34. Thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi xếp hệ số bậc lương mới.
- Đối với Giám đốc doanh nghiệp hạng I được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty thì chuyển xếp lương theo bậc tương ứng của chức danh Phó tổng giám đốc Tổng công ty, bậc 1 xếp vào bậc 1, bậc 2 xếp vào bậc 2.
- Đối với Phó giám đốc doanh nghiệp hạng I được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty thì chuyển xếp lương vào bậc I của chức danh Phó tổng giám đốc Tổng công ty có hệ số lương 5,72. Thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi xếp hệ số bậc lương mới.
3/ Đối với các chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương của Tổng công ty 90/TTg thì xếp lương theo ngạch, bậc chuyên môn, nghiệp vụ theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định tại Điều 1 Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ, mức phụ cấp cụ thể như sau:
- Đối với Trưởng phòng và các chức vụ tương đương, phụ cấp chức vụ là: 0,5 tính trên lương tối thiểu;
- Đối với Phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương, phụ cấp chức vụ là: 0,4 tính trên lương tối thiểu.
4/ Hệ số mức lương viên chức quản lý và phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định tại Điều 1 Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ không được áp dụng để nâng bậc lương đối với viên chức quản lý và viên chức lãnh đạo doanh nghiệp được xếp doanh nghiệp hạng I theo quy định tại Thông tư số 21/LB-TT ngày 02/6/1993 của Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.
5/ Đối với các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương của doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty 90/TTg thì việc xếp hạng các doanh nghiệp thành viên và xếp lương cho các chức danh nêu trên được thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên bộ số 21/LB-TT ngày 17/6/1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1/ Căn cứ vào nội dung hướng dẫn và quy định tại Thông tư này, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến xếp lương đối với các viên chức quản lý Tổng công ty 90/TTg và có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới ra quyết định xếp lương theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.
Công văn đề nghị kèm theo hồ sơ gồm có:
- Bản sao quyết định thành lập doanh nghiệp Tổng công ty 90/TTg có công chứng của Nhà nước;
- Danh sách đề nghị xếp lương đối với các viên chức quản lý Tổng công ty 90/TTg của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo mẫu quy định tại Thông tư này.
2/ Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/1997.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.